Kiên Giang: Chuyển Đổi Số Tạo Bước Ngoặt Trong Điều Hành Kinh Tế Xã Hội
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang, đến cuối tháng 7/2024, có 2 chỉ tiêu về chuyển đổi số của địa phương đã vượt so quyết định giao chỉ tiêu năm 2024 được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Chuyển đổi số toàn diện
Trung tâm điều hành giám sát an toàn, an ninh mạng và điều hành thông tin (IOC) Kiên Giang. Ảnh: Minh Quyết – TTXVN
Thực hiện mục tiêu “Thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp”, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác chuyển số của tỉnh Kiên Giang đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Qua đó, tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng khởi sắc, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của địa phương.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang, đến cuối tháng 7/2024, có 2 chỉ tiêu về chuyển đổi số của địa phương đã vượt so quyết định giao chỉ tiêu năm 2024 được Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Đó là: Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số thủ tục hành chính có đủ điều kiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia đạt 100% và tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt gần 86%.
Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công Quốc gia của tỉnh đạt 76,76 điểm (đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố). Trong đó, dịch vụ công trực tuyến xếp hạng 28/63 tỉnh thành, tỷ lệ 56,7%, tăng 25 bậc so với năm 2023; thanh toán trực tuyến xếp hạng 05/63 tỉnh thành, đạt 94,68%, tăng 9 bậc so với năm 2023.
Đối với triển khai Đề án 06, đến nay, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đối với 25 dịch vụ công thiết yếu đạt trên 88%. Công an cơ sở triển khai thực hiện có hiệu quả dịch vụ công cư trú đạt trên 99,9%; Thực hiện tốt các giải pháp thu nhận hồ sơ định danh điện tử và công tác làm sạch dữ liệu dân cư bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống” và làm giàu dữ liệu cho các ngành, đoàn thể. Ngành Y tế thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt tại 100% cơ sở khám chữa bệnh cấp tỉnh, cấp huyện. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhập bổ sung dữ liệu về Căn cước công dân, số điện thoại chủ sở hữu trên 4.400 tàu cá, đạt hơn 90%.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đã triển khai đến 100% các sở, ban, ngành của đại phương. Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã và đã được tích hợp cung cấp hơn 1.902 thủ tục hành chính đạt tỷ lệ 100%. Tích hợp 1.390/1.902 dịch vụ công trực tuyến toàn trình lên Cổng dịch vụ công Quốc gia (đạt trên 73%).
Toàn tỉnh hiện có 60% doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải. Hơn 600 đơn vị, trường học thanh toán không dùng tiền mặt (đạt trên 95%). Hơn 1.900 cơ sở kinh doanh thực hiện hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đạt trên 60%.
Lợi ích thiết thực từ Chuyển đổi số
Hoạt động giao dịch các lĩnh vực tại Trung tâm hành chính công tỉnh Kiên Giang, cơ sở dữ liệu được tích hợp và giám sát tại IOC tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, đến nay ngành Du lịch Kiên Giang có 26 thủ tục hành chính, mức độ 4 được cung cấp trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh và tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. 100% hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Du lịch được trả kết quả đúng hạn. 100% phản ánh, góp ý của người dân liên quan đến ngành Du lịch được đảm bảo giải quyết đúng quy trình.
Theo ông Thái, kết quả chuyển đổi số trong ngành Du lịch giúp các doanh nghiệp bắt kịp sự chuyển đổi trong mô hình kinh doanh, tạo ra những sản phẩm mới lạ, độc đáo và hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp trong hoạt động tiếp thị, quảng bá trực tuyến, thương mại điện tử. Các công cụ trực tuyến phục vụ khách du lịch tìm kiếm, chia sẻ thông tin, đặt dịch vụ và thanh toán. Việc xử lý nhiều thủ tục trên môi trường mạng đã giúp doanh nghiệp giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. Dựa vào hệ thống báo cáo kịp thời, lãnh đạo doanh nghiệp ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn , tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên, góp phần tăng hiệu suất hoạt động và tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
Đối với khách du lịch, việc cung cấp thông tin các điểm đến, cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng, điểm tham quan, mua sắm, các sự kiện du lịch, chương trình du lịch… kết hợp với cá nhân hóa hành trình du lịch, tích hợp bản đồ du lịch giúp cho du khách dễ dàng tiếp cận, tìm kiếm thông tin.
Chị Trần Mỹ Duyên (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 này vợ chồng chị cùng hơn 10 người thân đến du lịch một số nơi ở Kiên Giang như: Mũi Nai, Thạch Động, Núi Đá Dựng (thành phố Hà Tiên); đảo ngọc Phú Quốc; Thắng cảnh Ba Hòn (huyện Kiên Lương). Do chưa đến các điểm du lịch này lần nào nên chị Duyên tải app Du lịch Việt Nam - VietNam Travel để tìm hiểu rõ hơn các điểm đến, cách thức đặt vé máy bay, khách sạn… Đồng thời, lên các trang Youtube, Tiktok để tìm hiểu những địa điểm đẹp, khách sạn phù hợp, quán ăn ngon để lên kế hoạch tham quan, thưởng thức trong 1 tuần đến du lịch ở Kiên Giang.
“Tất cả những thông tin liên quan cũng như vấn đề cần trao đổi, giao dịch với các dịch vụ du lịch đều được số hóa trên các nền tảng giúp gia đình tôi dễ dàng tiếp cận. Qua 6 ngày tham qua du lịch gia đình tôi rất thích vì cảnh đẹp, ẩm thực phong phú, đặc biệt là các thủ tục mua vé máy bay, tàu, vé vào các điểm tham quan rất tiện nghi khi tất cả đều qua vài thao tác trên điện thoại thông minh”, chị Duyên nói.
Cùng với lĩnh vực Du lịch, việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh cũng được chú trọng, góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của tỉnh. Ông Phạm Thành Trăm, Phó Chủ tịch thường trực Liên minh Hợp tác xã Kiên Giang cho hay, đến nay 100% sản phẩm đạt chứng nhận OCOP được hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, bảo đảm tính minh bạch, giá thành ổn định, giúp khách hàng dễ nhận diện sản phẩm OCOP, tạo niềm tin khi tiêu thụ sản phẩm.
“Việc đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử giúp doanh nghiệp, chủ thể OCOP mở rộng thị trường tiêu thụ, chủ động đầu ra, xây dựng chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm”, ông Trăm thông tin.
Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát Lê Thị Kim Thoa (xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận) cho biết, trước đây khi chưa ứng dụng các nền tảng số, mỗi tháng Hợp tác xã chỉ bán được từ 200-300kg cá khô, tôm khô, mắm các loại. Tuy nhiên, sau khi được ngành chức năng hướng dẫn xây dựng trang web, sử dụng thư điện tử, phần mềm kế toán, ứng dụng hình thức thanh toán điện tử, chủ động đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, trong 2 năm nay các sản phẩm OCOP của Hợp tác xã được bán ra tăng lên từ 1,2 đến 1,5 tấn/tháng, gấp 5 lần so với trước đây.
Tăng cường lãnh đạo Đảng đối với Chuyển đổi số
IOC Kiên Giang còn được VNPT xây dựng nền tảng (platform) với app (ứng dụng) di động dành cho lãnh đạo tỉnh, qua đó có thể trực tiếp điều hành, xử lý công việc thuộc các lĩnh vực: y tế, giáo dục, an toàn thông tin… Ảnh: Minh Quyết - TTXVN
Ông Võ Minh Trung, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang đánh giá, khi tham gia sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, văn phòng phẩm; có thể theo dõi tình trạng hồ sơ trên cổng dịch vụ công, qua tin nhắn điện thoại, email; các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch giúp nâng cao mức độ hài lòng của người dân.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả chuyển đổi số trong thời gian tới, theo ông Trung cần tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu về chuyển đổi số. Tăng cường rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số. Các sở, ngành, địa phương duy trì, nâng cao hiệu quả sử dụng của các nền tảng dùng chung cho cơ quan nhà nước; tăng cường công tác đảm bảo an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin.
Cùng với đó là trung phát triển hạ tầng số; triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng đến 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước. Phấn đấu đến năm 2025 tỉnh phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh phục vụ quá trình chuyển đổi số. Chú trọng phát triển các nền tảng số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phát triển nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị phục vụ việc số hóa hồ sơ; nghiên cứu, phát triển và đổi mới, sáng tạo trong môi trường số.
Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các tiện ích, dịch vụ số an toàn, hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, nhất là thương mại điện tử vùng nông thôn, giúp nông dân cung cấp, kinh doanh hàng hóa, sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử.
“Đồng thời, Sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương cải thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn nâng cao mức độ hài lòng của người dân; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Kiên Giang Võ Minh Trung nhấn mạnh.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Trang tin điện tử bnews.vn -TTXVN
- Cre: Văn Sĩ/TTXVN