Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản - Gánh Quê Tịnh Thới
“Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản – Gánh Quê Tịnh Thới” là mô hình phiên chợ quê độc đáo tái hiện không gian văn hóa ẩm thực Nam Bộ, kết hợp giữa nông sản – đặc sản địa phương – hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian và du lịch cộng đồng
1. Một số thông tin về “Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản – Gánh Quê Tịnh Thới”
“Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản – Gánh Quê Tịnh Thới” là mô hình phiên chợ quê độc đáo tái hiện không gian văn hóa ẩm thực Nam Bộ, kết hợp giữa nông sản – đặc sản địa phương – hoạt động trải nghiệm văn hóa dân gian và du lịch cộng đồng. Đây là nơi hội tụ của người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp và du khách nhằm giao lưu, trưng bày, giới thiệu và thưởng thức những sản vật đặc trưng cùng các mô hình sản xuất xanh.
- Khai trương: Dịp lễ 30/4/2025
- Thời gian hoạt động: 10h00 – 20h00 (T7-CN hàng tuần và các ngày lễ trong năm.)
- Địa chỉ Số 558, đường Trần Trọng Khiêm, tổ 8, ấp Tịnh Long, xã Tịnh Thới, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
2. Các hoạt động nổi bật
Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản – Gánh Quê Tịnh Thới là không gian tái hiện đậm nét văn hóa ẩm thực làng quê Nam Bộ, nơi từng mái lá, từng lối đi hoa, từng chiếc bàn tre mộc mạc như đưa du khách trở về tuổi thơ. Phiên chợ quy tụ hơn 20 gian hàng chủ đề với sự tham gia của Hội Nông dân, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, Hội Nữ Doanh nhân, các doanh nghiệp đặc sản và các nghệ nhân ẩm thực địa phương. Không chỉ là nơi giới thiệu nông sản – đặc sản vùng miền, phiên chợ còn là mô hình “chợ quê kết nối” – tạo cơ hội khởi nghiệp cho hội viên, đặc biệt là phụ nữ và thanh niên.
Không khí phiên chợ luôn rộn ràng với các hoạt động hấp dẫn như trình diễn chế biến món ăn tại chỗ, biểu diễn nghệ thuật dân gian như đờn ca tài tử, hò đối đáp. Một điểm nhấn đầy tính nhân văn là gian hàng “0 đồng” – nơi mọi người có thể tự do trao – nhận vật phẩm, lan tỏa tinh thần sẻ chia trong cộng đồng. Ngoài ra, khu tư vấn sức khỏe và làm đẹp từ nguyên liệu thiên nhiên cũng thu hút đông đảo du khách với các sản phẩm thân thiện như tinh dầu, bột sen, mặt nạ thảo dược…
Du khách đến với Gánh Quê Tịnh Thới còn được hoá thân thành người miền Tây thứ thiệt khi khoác lên mình áo bà ba, áo dài, nón lá để check-in trong khung cảnh rực rỡ của chợ quê. Không chỉ dừng lại ở việc ngắm và thưởng thức, khách tham quan còn được trực tiếp trải nghiệm làm bánh dân gian như bánh xèo, bánh ít, bánh chuối, tạo nên những khoảnh khắc đáng nhớ. Những món ngon nấu tại chỗ, những câu chuyện ẩm thực được nghệ nhân chia sẻ, cùng việc mua sắm các sản phẩm OCOP, đặc sản vùng miền… đã góp phần làm nên sức sống cho phiên chợ – nơi giao hòa giữa con người, văn hóa và nông sản Đồng Tháp.
3. Ẩm thực tại Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản – Gánh Quê Tịnh Thới
Ẩm thực tại Chợ Quê Ẩm Thực Nông Sản – Gánh Quê Tịnh Thới là sự hòa quyện tinh tế giữa hương vị truyền thống và nguyên liệu bản địa, tái hiện chân thực văn hóa ẩm thực đặc sắc của miền Tây Nam Bộ. Đặc biệt là những món ăn từ sen và xoài – hai đặc sản biểu tượng của vùng đất Đồng Tháp – cũng là điểm nhấn không thể bỏ qua du khách. Ngoài ra du khách sẽ còn được thưởng thức những món đặc sản được chế biến từ cá tra, hay các món gần gủi với văn hoá ẩm thực miền Tây là bánh xèo, gỏi cuốn tôm thịt, bánh canh vịt,… hay các loại bánh dân gian thân thuộc.
Ngoài các món ăn đặc sắc, Tại đây bạn có thể giải khát giữa cái nắng mùa hè với các loại thức uống như: sữa sen, rau má, nước ép xoài nguyên chất,…và các loại nước giải khát khác.
Đặc biệt, chợ còn giới thiệu những món ăn, quà tặng được chế biến từ nông sản địa phương đạt chuẩn OCOP, Xoài Cao Lãnh, Trà Sen,… mang đậm dấu ấn của người dân Tịnh Thới và vùng đất Đồng Tháp, không chỉ phục vụ tại chỗ mà còn là quà tặng quê hương đầy nghĩa tình cho du khách gần xa.
4. Các đơn vị đồng hành
Để tổ chức và vận hành mô hình Gánh Quê Tịnh Thới, nhiều đơn vị đã cùng chung tay góp sức với tinh thần vì cộng đồng. Các tổ chức trực thuộc UBND xã Tịnh Thới, Hội Nông dân, cùng sự đồng hành của các doanh nhân, doanh nghiệp địa phương đã phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ từ nguồn lực đến nhân lực nhằm xây dựng không gian chợ quê sống động, gần gũi. Mô hình không chỉ mang ý nghĩa thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, mà còn góp phần nâng cao giá trị nông sản, lan tỏa tinh thần kết nối và gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương.