
Trà Trong Văn Hóa Của Người Việt
Trong bài viết này, chúng tôi muốn mời bạn cùng nhìn lại một góc hoài niệm – nơi văn hóa và nghệ thuật thưởng trà của người Việt xưa và nay được lưu giữ và tiếp nối, để từ đó cảm nhận rõ hơn sức sống bền bỉ và vẻ đẹp sâu lắng của Trà đạo Việt Nam.
Lịch sử về văn hóa trà Việt Nam
Văn hóa trà Việt Nam đã hình thành và phát triển từ hàng ngàn năm trước, gắn liền với hành trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Với chiều dài lịch sử hơn 4000 năm, trà không chỉ là một loại thức uống mà còn được ví như một nhân chứng sống, ghi dấu tinh thần anh dũng và bản sắc văn hóa của cha ông ta qua bao thế hệ. Chính vì được du nhập và phát triển từ rất sớm trên mảnh đất hình chữ S, văn hóa uống trà của người Việt mang những nét đặc trưng rất riêng, khác biệt so với trà đạo của Nhật Bản hay Trung Quốc.
Từng có thời kỳ trong lịch sử, trà là thức uống quý hiếm, chỉ dành riêng cho giới vua chúa, quý tộc và những gia đình danh giá. Khi ấy, việc thưởng trà được thực hiện với nghi lễ trang nghiêm, cầu kỳ, trong đó người dâng trà phải thể hiện sự tôn kính với người được mời – thường là bậc cha anh, người lớn tuổi hay có địa vị xã hội. Cách pha trà, rót trà và thưởng thức cũng đều phải tuân theo những quy chuẩn thể hiện sự lễ phép và thành kính.
Tuy nhiên, theo dòng chảy thời gian, văn hóa trà dần trở nên gần gũi và bình dị hơn, lan tỏa đến mọi tầng lớp trong xã hội. Dù là tầng lớp quý tộc hay người dân bình thường, dù là trong những quán trà ven đường hay tại các nhà hàng sang trọng, ai cũng có thể thưởng thức một tách trà nóng. Đặc biệt, trà còn hiện diện trong hầu hết các dịp lễ quan trọng như cưới hỏi, ma chay, cúng giỗ, hay thậm chí chỉ đơn giản là những buổi trò chuyện thường ngày giữa bạn bè, người thân.
Phương thức thưởng trà của người Việt cũng rất phong phú. Trà có thể được uống một mình – gọi là độc ẩm, thường là lúc người ta thả mình vào những suy tư, cảm xúc riêng. Khi có hai người cùng uống, đó là song ẩm – một hình thức chia sẻ và đồng điệu. Còn khi trà được dùng trong những buổi gặp gỡ, đàm đạo với bạn bè tri kỷ thì trở thành một cầu nối của tâm hồn, giúp con người chia sẻ niềm vui, giãi bày nỗi buồn một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.
Có thể nói, văn hóa trà Việt như một dòng suối âm thầm len lỏi qua từng giai đoạn lịch sử, chảy mãi trong đời sống tinh thần của người Việt. Đó không chỉ là một thói quen, một nghi thức, mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa truyền thống và hiện đại – thể hiện một cách chân thành và sâu sắc tâm hồn của dân tộc Việt Nam.
Phong tục uống trà của người Việt Nam xưa & nay
Trà trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày
Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, tập tục uống trà vẫn giữ được nét đẹp riêng của nó. Từ thời xa xưa, ông cha ta đã sử dụng trà như là một thứ nước uống hằng ngày. Vào mỗi bữa sáng khi mới thức dậy, việc đầu tiên của các bậc đi trước chính là đun nước pha một ấm trà.
Thưởng trà như một thói quen đã hằn sâu vào những hoạt động thường ngày của người dân Việt Nam lúc xa xưa hay bấy giờ. Trà không chỉ phục vụ cho việc giải khát mà nó còn giúp thanh lọc cơ thể và tâm hồn người thưởng trà.
Trà trong các dịp lễ Tết
Tết luôn là dịp để chúng ta cùng nhau sum họp, đoàn tụ với người thân, họ hàng trong gia đình và bạn bè để chúc nhau những điều may mắn nhất trong năm mới. Trong không khí hân hoan naỳ thì những tách trà như sợi dây vô hình kết nối chúng ta lại gần nhau hơn.
Còn gì bằng khi thưởng thức một tách trà ấm nóng rồi cùng nhau hàn huyên đôi ba câu chuyện xảy ra trong năm vừa qua với người thân, bạn bè trong tiết trời hơi se lạnh của năm mới. Văn hoá trà việt là truyền thống tốt đẹp cần đẹp giữ gìn và phát huy trong những ngày lễ tết quan trọng của đất nước ta.
Trà trong dịp cưới, hỏi
Trong phong tục cưới hỏi truyền thống của người Việt, “miếng trầu nên duyên nhà người” luôn là biểu tượng không thể thiếu, và đi kèm với đó chính là trà – một lễ vật mang ý nghĩa đặc biệt sâu sắc. Trầu và trà không chỉ là món quà đơn thuần, mà còn thể hiện sự trân trọng, thành kính của gia đình nhà trai đối với nhà gái. Dù lễ vật có thể được chuẩn bị nhiều hay ít tùy vào điều kiện kinh tế, nhưng tối thiểu luôn phải có 2 cặp trà trầu – tượng trưng cho sự gắn bó thủy chung của đôi vợ chồng từ ngày nên duyên cho đến trọn đời bên nhau.
Từ đó có thể thấy, văn hóa trà không chỉ hiện diện trong đời sống thường nhật mà còn góp mặt trong những sự kiện trọng đại nhất của người Việt. Dù là ngày thường hay những dịp lễ quan trọng như cưới hỏi, trà vẫn luôn giữ một vai trò đặc biệt – vừa là phương tiện giao tiếp, vừa là biểu tượng của sự gắn kết, tôn trọng và yêu thương giữa con người với nhau.
Nghệ thuật uống trà của người Việt Nam ta
Văn hóa và nghệ thuật uống trà của người Việt có lẽ chẳng mấy khi được các tờ báo hay tạp chí nước ngoài nói đến hoặc cũng không danh tiếng vang xa như Trà Đạo Trung Hoa, Trà Đạo Nhật Bản. Nhưng đối với chúng ta, văn hoá trà Việt Nam đã hằng sâu vào tâm trí của mỗi người và mỗi gia đình như một lẽ tự nhiên.
Từ thời xa xưa, các bậc tiền nhân đã đánh giá rằng pha trà và thưởng trà là một bộ môn nghệ thuật phi công thức. Bởi vậy nên người dân Việt ta có rất nhiều cách pha trà độc đáo và khác biệt của riêng mình. Còn đối với việc uống trà, để cảm nhận được hết hương vị của trà, khi thưởng thức nên đưa tách trà qua mũi sau mới hạ xuống miệng rồi nhấp từng ngụm nhỏ để có thể cảm nhận được vị đắng, vị ngọt của trà và đôi khi bạn còn thấy cả hương vị của đất và của trời trong tách trà ngon ấy.
Với người thưởng thức trà thì “ngũ quần anh” tức là bạn cùng uống trà đôi khi lại khó hơn cả bạn rượu. Vì bạn trà là người tri kỉ cùng nhau thưởng thức trà và đàm đạo với nhau những chuyện trên đời, ngồi ngâm thơ, đối đáp … Phải thực sự hợp nhau, hiểu nhau thì mới có thể khiến buổi trà đạo này trở nên có ý nghĩa.
Kết luận
Qua bài viết trên, chúng tôi đã gửi đến bạn đọc những thông tin khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của văn hóa trà Việt Nam, cùng với những phong tục uống trà đã gắn bó từ lâu đời với đời sống người Việt. Từ đó có thể thấy, trà không chỉ đơn thuần là một thức uống quen thuộc mà còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh nét đẹp mộc mạc, chân thành trong nếp sống và tâm hồn của người Việt xưa và nay.