Nâng Cao Việc Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể Đối Với Hợp Tác Xã
Trong những năm qua, Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Kiên Giang đã có nhiều quyết sách hỗ trợ, thúc đẩy cho khu vực kinh tế tập thể phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong các nội dung, có hỗ trợ việc phát triển nhãn hiệu tập thể đối với hợp tác xã.
Đây có thể được coi là “lá bùa” khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm, làm nền tảng phát triển mạnh hơn nữa, giúp hợp tác xã ký kết nhiều hợp đồng kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nội dung
Ảnh: Có được nhãn hiệu tập thể, nhiều hợp tác xã ký kết nhiều hợp đồng kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên.
Nhãn hiệu tập thể là:
- Nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó.
- Là nhãn hiệu chung của tập thể, các thành viên của tập thể đó đều được sử dụng và quảng bá cho sản phẩm của mình.
- Tập thể có thể là hợp tác xã, hội nông dân, tổ hợp tác, các hội nghề khác, …
Bên cạnh quyền được sử dụng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm của mình, các thành viên phải có nghĩa vụ tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
Ngoài ra, nhãn hiệu tập thể có tên địa danh đi kèm khi gắn trên sản phẩm cũng được coi là dấu hiệu đảm bảo về mặt chất lượng cho người tiêu dùng, vì danh tiếng về sản phẩm từ vùng địa danh đó đã được khẳng định theo thời gian. Như vậy, nhãn hiệu tập thể được xem là phương thức hiệu quả để các hợp tác xã, các tổ chức đại diện nông dân, hội ngành nghề, … quảng bá sản phẩm của tập thể ra thị trường, qua đó giúp từng thành viên phát triển sản phẩm của mình. Nếu không có tập thể, từng cá nhân sẽ khó có nhãn hiệu riêng cho sản phẩm của mình, và như vậy sản phẩm làm ra sẽ không thể bán với giá cao do người tiêu dùng không tin tưởng.
Hiện tại, tỉnh Kiên Giang có 475 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó có 366 hợp tác xã trồng trọt, 109 hợp tác xã thuỷ sản.
- Các Hợp tác xã trồng lúa có quy mô lớn, tạo được vùng nguyên liệu xuất khẩu cho các doanh nghiệp;
- Các hợp tác xã trồng màu và cây ăn trái sản phẩm làm ra chỉ tiêu thụ được qua hình thức bán lẻ hoặc bán cho thương lái, do chưa có nhãn hiệu, xuất xứ nông sản và chưa có chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, nên chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường và doanh nghiệp.
Liên minh hợp tác xã tỉnh Kiên Giang căn cứ kế hoạch được phê duyệt hàng năm, phối hợp với ngành có liên quan hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các hợp tác xã, cụ thể như:
- Hợp tác xã Rượu Đường Xuồng Kiên Giang, huyện Gò Quao;
- Hợp tác xã Rượu Kinh 5, huyện Tân Hiệp
- Hợp tác xã Khoai lang Bông Súng, huyện Giồng Riềng...
Khi có nhãn hiệu tập thể, có bao bì ghi rõ thông tin sản phẩm của các hộ sản xuất, đã giúp khách hàng phân biệt được hàng hoá của thành viên hợp tác xã là chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá của các tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của hợp tác xã. Từ đó, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo được lòng tin của khách hàng, sản phẩm làm ra dễ bán và có giá bán cao hơn các sản phẩm cùng loại mà không có nhãn hiệu.
Việc chọn lựa và bảo hộ nhãn hiệu tập thể đi liền với tên địa danh chắc chắn sẽ đem đến nhiều lợi ích cho tập thể và cho các thành viên của tập thể. Danh tiếng và chất lượng của sản phẩm xuất xứ từ vùng mang địa danh chắc chắn sẽ nhanh chóng được người tiêu dùng gần xa đón nhận. Hơn nữa, sản phẩm có gắn nhãn hiệu sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và ghi nhớ nhiều hơn về sản phẩm đó. Khi sản phẩm đó ngon và có chất lượng vượt trội hơn so với những sản phẩm cùng loại khác, người tiêu dùng sẽ nhớ và tìm mua khi có nhu cầu tiêu dùng ở lần tiếp theo.
Để nâng cao việc quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể trên địa bàn tỉnh Kiên Giang bền vững trong thời gian tới, giúp sản phẩm, hàng hoá của tỉnh vươn ra thị trường lớn, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân thấy được lợi ích của nhãn hiệu tập thể đối với sản phẩm của địa phương, của hợp tác xã và luôn bên cạnh giúp đỡ hợp tác xã như:
- Giải pháp hoàn thiện quy trình kỹ thuật sản xuất, mẫu mã bao bì, hình dáng chất lượng sản phẩm;
- Tư vấn, hỗ trợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm;
- Quan tâm hỗ trợ về vốn để hợp tác xã đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm.
Trong xây dựng nhãn hiệu tập thể hỗ trợ cho hợp tác xã, cần quan tâm các sản phẩm chủ lực có qui mô lớn, có sức lan toả của tỉnh, được quy hoạch vùng nguyên liệu, đã xác định trong Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh như:
- Tôm, cua, trái cây các loại, khoai các loại, lúa chất lượng cao;
- Cá Bớp Kiên Hải;
- Khóm Tắc Cậu
- Khóm Ba Đình
- Khóm Gò Quao
- Hồ tiêu.
Đối với hợp tác xã cần hệ thống lại các thủ tục, văn bản, triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu đến các thành viên đủ điều kiện sử dụng nhãn hiệu; sản phẩm gắn lô gô, nhãn hiệu, sử dụng hệ thống nhận diện do hợp tác xã cấp phải đảm bảo chất lượng an toàn; khâu sản xuất phải theo quy trình chuẩn, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, giá sản phẩm của phải được niêm yết công khai, không đội giá. Có như vậy mới giữ được thương hiệu sản phẩm của hợp tác xã, mới có uy tín trên thị trường, khỏi nguy cơ mai một và hợp tác xã mới hướng tới được sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm. Như vậy, xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể đã trở thành nhiệm vụ chung và là thành công chung của tỉnh.