Chuyển Đổi Số Trong Giáo Dục Đại Học
Trước yêu cầu chuyến đối số đang diễn ra mạnh mẽ, ngành Giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học xác định sứ mệnh tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ này, góp phần rút ngắn quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Bài viết đưa ra một sốv ấn đề về chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học hiện nay
2. Xu hướng
Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra một số xu hướng CĐS ở các trường đại học lớn trên thế giới cũng như những hiệu quả mà CĐS có thể mang lại:
- Mở rộng đối tượng người học, gia tăng chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp; giảm chi phí nhưng tăng chất lượng đào tạo.
- Thu thập và phân tích dữ liệu lớn của người học để tìm ra những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả học tập, từ đó có những điều chỉnh về chính sách, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người học cũng như của xã hội.
- Sử dụng mạng lưới kết nối trực tiếp/trực tuyến với doanh nghiệp/nhà tuyển dụng để đào tạo các kỹ năng, kiến thức cần thiết, giúp người học có thể làm việc được ngay sau khi tốt nghiệp.
- Ứng dụng thực tế ảo tăng cường nhằm tạo môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học.
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa quá trình học, hỗ trợ nâng cao hiệu quả của công tác giảng dạy, công tác quản lý, giáo vụ…
1. Bối cảnh
Chuyển đổi số (CĐS) là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi tổng thể và toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức.
Hay nói theo cách khác, CĐS chính là quá trình chuyển từ mô hình truyền thống sang mô hình số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (loT), điện toán đám mây (Cloud computing) ... và các phần mềm công nghệ để thay đổi phưong thức quản lý, điều hành, thay đổi quy trình, phương thức làm việc và thay đổi văn hóa tổ chức.
Quá trình phát triển của CĐS gồm các giai đoạn:
- Số hóa (Digitization) là chuyển thông tin thực sang dạng số để dễ dàng lưu trữ, tìm kiếm, chia sẻ.
- Ứng dụng kỹ thuật số vào các quy trình nghiệp vụ, sử dụng phần mềm để làm cho các hoạt động trở lên đơn giản và hiệu quả hơn.
- CDS (Digital transformmation) là sử dụng các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), Big Data, loT... để thu thập, xử lý, phân tích dữ liệu một cách toàn diện và triệt để, từ đó dẫn đến sự thay đổi mô hình và cách thức hoạt động của tổ chức.
CDS tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia.
Trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 đã xác định Giáo dục và Đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện.
3. Điều kiện để CĐS trong Giáo dục Đại học
3.1. Duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo
Đại dịch đã phá vỡ mô hình lớp học truyền thống. Tất cả mọi hoạt động đào tạo đều phải đưa lên mạng. Thực hiện CĐS là để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo. Để thực hiện được mục tiêu này, CĐS cần đáp ứng được các điều kiện sau:
- Tất cả các môn học cần được biên soạn với nội dung có thể triển khai giảng dạy được cho cả trực tuyến (online) và trực tiếp (onsite). Đề cương môn học và tài liệu phải được cập nhật đầy đủ trước khi khóa học mới bắt đầu.
- Bảo đảm đáp ứng tối thiểu các điều kiện về đường truyền, băng thông, trang thiết bị cần thiết. Có kế hoạch hỗ trợ tài chính hoặc vay mượn thiết bị cho người học. Tổ chức các khóa huấn luyện cơ sở cho đội ngũ giảng viên, cán bộ về cách thức vận hành, hoạt động trong môi trường số.
- Bổ sung vào chương trình đào tạo một số môn học cơ bản bắt buộc về công nghệ nhằm cung cấp kiến thức tối thiểu giúp người học hòa nhập vào môi trường giáo dục số.
- Thành lập tổ công tác về CĐS để xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí; chọn lựa cách thức triển khai thực hiện; xây dựng và ban hành các quy chế, quy định.
3.2. Phương pháp giảng dạy đáp ứng yêu cầu công nghệ cao - tương tác cao
Một thành phần quan trọng của quá trình CĐS ở các trường đại học là mô hình dạy học hỗn hợp (blended learning). Mô hình này lấy người học làm trung tâm, đề cao khả năng tự học, tự nghiên cứu, khả năng đặt câu hỏi thảo luận, giúp người học phát triển được những kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, thiết thực với công nghiệp. Tuy nhiên, để triển khai được mô hình dạy học hỗn hợp cần phải có một kho học liệu mở đồ sộ (MOOC) với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao, được biên soạn sẵn. Đây là một thách thức không nhỏ trong bước đầu thực hiện CĐS vì bên cạnh chi phí đầu tư để thực hiện còn cần sự kiên trì của giảng viên. Để thực hiện tốt mô hình đào tạo hỗn hợp cần đáp ứng 2 yêu cầu:
- Tận dụng công cụ và nền tảng số để cung cấp kiến thức liên tục, mọi lúc mọi nơi cho người học.
- Cung cấp cơ hội cho người học tiếp cận với môi trường thực tế thông qua phương thức đồng đào tạo với doanh nghiệp. Với cách tiếp cận này, người học sẽ được trải nghiệm các mô hình học mới: học theo trải nghiệm thực tiễn, học theo phương pháp giải quyết vấn đề, học cách hòa nhập môi trường thực tế…
3.3. Xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu công nghệ cao - tương tác cao
Đội ngũ giảng viên cần được trang bị kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện CĐS, bao gồm phương pháp giảng dạy theo tiếp cận mới, phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác... Đây là một chiến lược dài hơi, cần được chuẩn bị từng bước khi thực hiện CĐS, thông qua các hoạt động:
- Tổ chức các khóa huấn luyện: giảng dạy với công nghệ, giảng dạy theo mô hình hỗn hợp, huấn luyện sử dụng công cụ và nền tảng số…
- Tổ chức thiết kế/biên soạn lại các môn học theo mô hình dạy học hỗn hợp, mô hình học liệu mở, bài học có tương tác… Một số môn học có thể tham khảo hoặc sử dụng nguồn học liệu, tài liệu từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.
- Đẩy mạnh hình thức khen thưởng giảng viên có thành tích giảng dạy xuất sắc, hình thành mạng lưới các giảng viên xuất sắc để họ hướng dẫn lại cho đồng nghiệp trong khoa/bộ môn của mình.
- Mở chương trình tu nghiệp, đưa giảng viên đi học tập, trải nghiệm ở các đơn vị công nghệ trong và nước ngoài trong khuôn khổ dự án PHER.
3.4. Chuyển đổi số cho hoạt động nghiên cứu khoa học
Hiện nay, các hoạt động nghiên cứu khoa học ở trường đại học đang chuyển dịch trọng tâm vào dữ liệu. Thực hiện CĐS trong nghiên cứu khoa học cần tập trung xây dựng các trung tâm dữ liệu, các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn. Cụ thể như:
- Xây dựng được một trung tâm dữ liệu lớn để thu thập, tích lũy dữ liệu mẫu, dữ liệu thực nghiệm ở tất cả các lĩnh vực. Thông qua việc cùng giải quyết các vấn đề sử dụng bộ dữ liệu dùng chung, các công trình nghiên cứu sẽ liên kết được với nhau, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kết quả, đồng kiểm nghiệm. Bên cạnh đó, trung tâm dữ liệu lớn còn cung cấp năng lực tính toán, hỗ trợ cho các thực nghiệm trên dữ liệu lớn.
- Phát triển mạng lưới tư vấn khoa học: đây sẽ là nơi các đề xuất nghiên cứu được góp ý/đánh giá công khai, là nơi doanh nghiệp đặt đầu bài nghiên cứu, nơi đón nhận các đề xuất nghiên cứu và cấp kinh phí thực hiện.
- Hình thành các trung tâm khởi nghiệp là nơi ươm mầm kết quả nghiên cứu tiềm năng và triển lãm giao dịch, nơi giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp, gắn kết giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái, sẵn sàng hợp tác đầu tư vào quy mô sản xuất lớn.
3.5. Mở rộng đối tượng người học, mở rộng tiếp cận công nghệ cho người học
Với sự sẵn sàng của lớp học số, tài liệu số, kho học liệu mở, đối tượng người học của trường đại học sẽ không còn bị bó buộc bởi độ tuổi. Bất kỳ ai, ở đâu, làm gì đều có thể tham gia học và nhận bằng tốt nghiệp. Các giới hạn về diện tích của trường hay khoảng cách địa lý sẽ không còn nữa. Từ đó, chỉ tiêu đào tạo và đóng góp cho kinh tế xã hội cũng tăng lên.
Để nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, người học cần có điều kiện để tiếp cận, tương tác với môi trường số trong học tập trực tuyến lẫn trực tiếp. Do đó, chúng ta cần:
- Thành lập các phòng thí nghiệm tương tác công nghệ với đầy đủ trang thiết bị, công cụ hỗ trợ cần thiết. Người học có thể hiện thực hóa các ý tưởng hay đồ án của mình.
- Xây dựng câu lạc bộ ngoại khóa, phổ cập kiến thức công nghệ cần thiết cho người học mới.
- Tích hợp thực tế ảo, thực tế tăng cường và thực tế hỗn hợp vào môi trường học. Đây là một trợ lý đắc lực cho người học để trải nghiệm công nghệ.
- Giảm thiểu phát hành sách/tài liệu truyền thống. Thay vào đó, cung cấp học liệu số, kho học liệu mở cho người học.
- Mở kênh 24/7 giải đáp những thắc mắc chung và hỗ trợ kỹ thuật.
3.6. Phân tích dữ liệu người học
Một hoạt động hiệu quả trong quá trình thực hiện CĐS là khả năng phân tích dữ liệu người học. Cụ thể, từ lộ trình, tiến độ, cũng như sự tiến bộ trong quá trình học tập của người học được theo dõi và phân tích tự động. Đây là nền tảng cho việc học tập cá nhân hóa. Từ kết quả phân loại này, người học có thể điều chỉnh nhịp độ, cường độ học tập hoặc thay đổi môn/ngành/định hướng cho phù hợp với bản thân. Người học trong nhóm nguy cơ sẽ được tư vấn, hỗ trợ trực tiếp từ nhà trường. Hệ thống cũng phân tích được các yếu tố tác động tạo ra sự khác biệt trong kết quả học tập, làm cơ sở điều chỉnh hoạt động đào tạo về sau.
Một số điểm cần lưu ý trong chiến lược này:
- Quyền riêng tư dữ liệu: phải xác định loại dữ liệu của người học hoặc giáo viên mà hệ thống được quyền thu thập, phân tích, đánh giá.
- Cần có sự hỗ trợ từ AI trong khai thác nguồn dữ liệu.
- Hiệu quả thực sự của phân tích học vụ: mức độ tin cậy của việc đánh giá, tác động tiêu cực khi kết quả đánh giá là sai
- Gia tăng chi phí cho lưu trữ, cài đặt, vận hành, bảo trì…
3.7. Phát triển các ứng dụng phục vụ công tác điều hành, quản trị
Trên nền tảng dữ liệu chung là các hệ thống các ứng dụng hỗ trợ phục vụ công tác điều hành quản trị. Các hệ thống này bao gồm ứng dụng quản trị số - chữ ký số, văn phòng điện tử, thống kê dữ liệu phục vụ xếp hạng đại học, phục vụ xây dựng báo cáo, phục vụ công tác quản lý như khen thưởng, phân tích xếp loại… Các ứng dụng này cần đảm bảo tính nhất quán và liên thông trong toàn hệ thống.
3.8. Lan tỏa chuyển đổi số
Khi đã hoàn thành thực hiện CĐS, ĐHQG-HCM có thể nhân rộng mô hình mẫu và hỗ trợ CĐS cho các trường đại học, cao đẳng và các tổ chức có liên quan trong lĩnh vực giáo dục. Các hoạt động hỗ trợ có thể gồm:
- Truyền tải phương thức và tiếp cận CĐS.
- Chia sẻ tài nguyên số, công nghệ, nền tảng số, kho học liệu, trung tâm dữ liệu…
- Huấn luyện/đồng huấn luyện giảng viên/cán bộ.
- Mở giáo dục đào tạo liên thông: miễn tín chỉ cho học sinh phổ thông đạt điều kiện hoặc đã học qua những môn tương ứng trên hệ thống giáo dục số.