
Pháp Yếu Tông Môn
Sách: Di tích Lịch sử Văn hóa Chùa Phước Điền (Chùa Hang), Núi Sam - Châu Đốc - An Giang.
Pháp yếu Tông môn
Lục Tổ nói: “Không sợ vọng khởi, chỉ sợ giác chậm. Vọng khởi mà tỉnh giác là đều có tánh giác hiển lộ. Một trăm lần vọng khởi có một trăm lần giác. Biết sóng là nước, thì không sợ vọng, vì nó vốn là chân”.
Chư Phật quá khứ, hiện tại và vị lai đều phải tham thiền mà kiến tánh thành Phật, Đức Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni Phật cũng do tham thiền mà chứng đạo.
Thiền bất lập văn tự không phải phế bỏ văn tự, mà không qua văn tự, gọi là pháp thiền trực tiếp; chỉ cần cái nghi tình. Giáo ngoại biệt truyền là ở ngoài giáo môn, vì giáo môn có giai cấp từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa và Đẳng giác, Diệu giác.
Pháp thiền trực tiếp do Phật Thích Ca đích thân truyền không có giai cấp, phàm phu ngộ, và Thập địa Bồ tát ngộ bằng nhau, chỉ có cái dụng thì không bằng (cái lý thì bằng, cái sự không bằng). Cái dụng không bằng là do phàm phu còn tập khí thế gian và xuất thế gian. Thập địa Bồ tát hết tập khí thế gian, tập khí xuất thế gian còn ít, nên cái dụng lớn hơn nhiều, chỉ không bằng Phật. Phàm phu bị tập khí phiền não nhét đầy nên không hiển bày cái dụng. Phàm phu kiến tánh, những tập khí dứt lần lần sẽ bằng cái dụng của Phật.
Thời Phật còn tại thế chẳng có kinh sách, Phật trực tiếp chỉ dạy các pháp tu hành. Sau khi Phật nhập niết bàn, hàng đệ tử mới kết tập lại thành các bộ kinh; lúc Phật còn tại thế không có chia Đại thừa, Trung thừa, Tiểu thừa, sau kết tập lại thành có Tam thừa. Pháp tham Thiền này là Tối thượng thừa, vì không ở trong giáo điển của Tam thừa, nên cũng gọi là giáo ngoại biệt truyền.
Điều quan trọng nhất đối với người tu là phải thật thận trọng chọn lựa con đường đi, bước đầu tiên đừng để sai lầm. Nếu đã chọn đúng đường rồi, trước tiên phải học hiểu rõ tông chỉ, đường lối pháp môn, kế đó mới hạ thủ công phu.
Công phu chẳng nên gấp, gấp thì tháo động, cũng không nên hưỡn, hưỡn thì hôn trầm, chỉ hướng lên câu thoại đầu “Chăm chăm như mèo rình chuột, ngoài bặt cảnh duyên, trong quên tình thức”. Người đời nay chẳng hiểu chỗ kiến lập của Phật Tổ thuở xưa, luôn đuổi theo tình cuồng thức vọng.
Người tham thiền dụng công quý ở chỗ hành, hành được mới gọi là tham thiền, không hành, miệng nói tham thiền cũng như không, chữ hành trong Thiền tông rất quan trọng. Hãy đem những cái học được, những tri giải tai hại, những ngôn cú kỳ diệu, thiền đạo, Phật pháp, tâm cống cao ngã mạn,v.v.., trong đời mình buông bỏ triệt để. Chỉ ở trên câu thoại đầu chưa thấu rõ, phải tham cứu một cách quyết liệt vững vàng không phân biệt ngày đêm, liền được quên cả Đông, Tây, Nam, Bắc.
Phàm người tọa thiền phải đoan thân chánh ý, trong sạch cái tâm của mình, xếp chân ngồi thâu cái thấy, xoay cái nghe trở lại, tỉnh tỉnh chẳng ngu muội, lìa hẳn hôn trầm trạo cử. Dẫu cho có nhớ đến việc sắp đến cũng tận tình ném quách, chỉ hướng về câu thoại đầu khởi nghi tình.
Đề câu thứ nhất trả lời không được, đề câu thứ hai, rồi câu thứ ba. . . .cứ thế mà đề đến khi nào trả lời được mới thôi. (lưu ý là không được tìm hiểu câu thoại, bởi gì tìm hiểu biết là cội gốc của sinh tử luân hồi).
Hành giả khi tham thiền chỉ cần hướng lên câu thoại đầu đang tham, một khi nắm chặt rồi thì cần phải cùng sống, chết cùng chết. Thứ nhất chẳng được cầu phương tiện khác, thứ hai là chẳng được đổ lỗi cho cảnh duyên, thứ ba là chẳng được mống khởi một niệm mê tình.
Hạ thủ công phu phải luôn miên mật đề khởi tham cứu, có nhiều người vừa lên bồ đoàn liền ngủ gật, đến lúc tỉnh thì tâm tưởng lăng xăng, vừa xuống bồ đoàn thì nói đủ thứ chuyện tạp nhạp, biện đạo như thế biết đến khi nào mới có kết quả. Phải dũng mãnh dồn hết tinh thần đề khởi câu thoại đầu, sáng tối đều tham một cách miên mật, chớ không nên ngồi trong cái vỏ vô sự.
Lại không nên trên bồ đoàn ngồi như chết. Nếu tạp niệm dấy khởi, càng tranh đấu thì nó càng khởi lên nhiều, vọng tưởng khởi lên bao nhiêu mặc kệ nó, không theo nó, chi bằng nhẹ nhàng làm việc của mình là đề khởi câu thoại đầu sở tham, hãy tham đi.
Người tham thiền kỵ nhất là ở trên công án, thoại đầu tìm cầu tri giải, dẫu cho tri cùng, giải tận, biết hết cả đại tạng giáo điển, khi ngày cuối cùng sanh tử đến thì một chút cũng dùng không được.
Hiện nay, phần nhiều người học đạo, chỉ biết đắm mình vào thế giới ngôn ngữ văn tự, để rồi bị chúng đánh lừa trở thành nô lệ, và tự thỏa mãn cho đó là cứu cánh. Thiền đã trở thành một hiện tượng để trang điểm cho một nội dung trống rỗng, có nhiều người đang chạy theo nó và tự đánh mất chính mình, đó là một sự suy đồi của Thiền tông, chứ không phải là một sự phát triển; vì chúng đã đi ngược lại sự kế thừa của Thiền, mục đích của thiền là nhắm đến giải thoát (kiến tánh), Thiền tông chỉ dạy trực tiếp phương pháp tham thiền, Thiền là một phương pháp thực hành.
Những việc làm nói trên, làm ảnh hưởng đến sự chứng ngộ của người tham thiền, là một loại bệnh "Khẩu đầu Thiền", một loại bệnh nguy hiểm, rất tối kỵ đối với Thiền tông. Họ đã biến Thiền tông thành một thứ Thiền học bệnh hoạn, và đưa chúng trở thành một thứ Thiền không hơn không kém, họ mang chúng ra bàn luận mổ xẻ như một đối tượng cần phải đạt đến và cái tệ hại là họ đã dùng những công án người xưa, đem ra giải phẫu phân tích bàn luận, để chứng tỏ cái sở học của họ. Họ biến những hoạt ngữ của công án Thiền trở thành tử ngữ (giết chết công án Thiền) Làm mờ mắt thiên hạ bằng những lập luận của kiến thức “Nhị nguyên” về công án Thiền.
Trung Phong thiền sư khai thị

Bổn phận của người xuất gia phải đắc phi y (chơn thật tu hành) mới đáng thọ nhận Trời người cúng dường. Trong thiền tông nói tọa tức là một niệm chẳng lui sụt, nói y nghĩa là ngộ suốt tự tâm, chẳng mang nhánh lá. Ví như chẳng được như vậy thì tất tơ giọt nước chắc chắn phải bồi trả cho thí chủ.
Tổ Lâm Tế khai thị

(?-866/867) Tổ khai dòng thiền Lâm Tế
Những kẻ chấp lấy cảnh thanh tịnh bất động, cho đó là phải, thì kẻ đó nhận vô minh làm chủ. Lời này ít nhiều làm kinh động kẻ học theo kiểu dáng người chết. Nếu hướng vào chỗ nầy thấy được thấu, đả phá được suốt thì cứu được một nửa. Có một bọn trọc đầu ăn no rồi tọa thiền quán hạnh, giữ chặt mỗi niệm không cho sanh khởi, ghét động cầu tịnh, ấy là pháp ngoại đạo.
Tổ sư nói tiếp: Nếu các ông trụ tâm khán tịnh, dấy tâm soi chiếu bên ngoài, nhiếp tâm lóng lặng bên trong, ngưng tâm nhập định, những thứ ấy đều là tạo tác. Ngày nay, tôi thấy người sơ tâm xưng là tọa thiền phần nhiều chỉ câu thúc được cái đãy da thúi này, còn vọng niệm, tư tưởng thì lăng xăng khởi diệt không ngừng, cùng với cái gọi là trụ tâm khán tịnh, ngưng tâm lóng lặng bên trong kia còn chưa dính dáng thay huống là đối với cái chân thật viên trạm! Rốt cuộc thì cùng với cái ngồi si ngốc của loài chồn thỏ không khác.
Bàn Uẩn Cư sĩ

但 願 空 諸 所 有
慎 勿 實 諸 所 無
Đán nguyện không chư sở hữu
Thận vật quán chư sở vô.
Chỉ cần bỏ hết các thứ hiện có, đừng đem vào cái mà mình không có.
Chỉ cần hành được hai câu này thì một đời tham học tất đã xong vậy.
Đề khán câu thoại đầu, chỗ lăng xăng loạn động chính là chỗ tốt nhất để hạ thủ công phu.
Thời giờ không đợi người, chớp mắt đã qua đời khác, nhân lúc thân thể còn khỏe mạnh sao không hạ thủ công phu, không có công phu gì khác hơn là chỉ cần đem những gì sở hữu trên tâm thức nhất thời buông bỏ, đấy là công phu thẳng tắt chân chánh. Nếu có công phu nào khác đều là điên cuồng chạy ở bên ngoài vậy.
Tổ Cao Phong khai thị

Tổ thứ 55: Thiền sư Cao Phong - Nguyên Diệu
Muốn khai ngộ kiến tánh thì phải tham thiền, đề khởi câu thoại đầu chớ có gián đoạn không kể ngày đêm. Chấp tác dọn đơn, dọn bát theo chúng làm việc. . . .đều không rời câu thoại đầu, ban ngày ban đêm đều cũng như vậy, nhồi thành một khối, chắc chắn sẽ được phát minh tâm địa.
Ba mươi năm thân đứng như vách chỉ lo chữa trị cái việc nầy cho người học. Ta bóp chặt cổ họng không cho ông nói, không cho ông hiểu, cũng không cho ông sanh một niệm thứ hai nào khác. Chỉ hướng lên trên câu thoại đầu, đứng vững gót chân chăm bẵm tham cứu, như kẻ gặp oán địch, như cứu lửa cháy đầu, ngoài bặt cảnh duyên, trong quên tình thức, hầu đợi ông như hạt đậu nổ trong tro lạnh, ("chết đi sống lại ").
Các Ông nếu chưa đến thời tiết nầy, thì quyết chẳng chịu cho đem ngữ ngôn tương tợ dẫn người đi lầm đường.
Phải biết sanh tử vô thường là việc lớn, há người căn khí cạn cợt có thể vượt nổi ư? Người đời nay chẳng hiểu chỗ kiến lập của Phật Tổ thuở xưa, luôn luôn đuổi theo tình cuồng, thức vọng, mở miệng bèn muốn vượt qua
Phật Tổ, khi xem đến chí hướng đạo của họ thì không có nửa điểm chân thật chủ tể. Mới đề được câu thoại đầu trong chốc lát, được chút thuần thục liền tự vui mừng, vừa bị hôn trầm, tán loạn cướp đoạt bèn nói căn độn nghiệp sâu. Tình cờ gặp phải vài điều trái ý trước mắt thì tức giận nghiến răng, niệm niệm chẳng dứt. Hoặc nghĩ bậy, tưởng xằng, khởi diệt muôn thứ mà tự chẳng biết, cuồng loạn nằm trong tâm mà tự cho rằng người hành đạo, lý phải như vậy.
Trải qua ba năm, năm năm đã chẳng tương ưng, liền sanh tâm lui sụt, bỏ vào trong cái vỏ vô sự cam chịu luân hồi, hạng người như thế rất nhiều. Hoặc chẳng như thế, bèn đem ý thức săn lấy những lời của các thiền sư giả mạo từ xưa đến nay lừa dối hiền thánh, muôn điều tạo tác đều là hư-giả đọa-lạc biên kiến, trọn chẳng tự giác.
Thiền sư Nhai Nghĩa thị chúng
Nếu muốn siêu phàm nhập thánh, thoát khỏi trần lao, phải quyết một trận sinh tử, chết đi sống lại, như trong tro lạnh phát lửa, cây khô nảy chồi, đâu nên tưởng là việc dễ dàng. Tôi ở trong thiền viện của Sư Phụ đã nhiều năm, mỗi khi bị đánh đau, tâm không khởi niệm lìa xa. Cho đến ngày nay khi gặp những việc đau khổ, bất giác nhớ đến Sư Phụ mà rơi nước mắt ! Đâu phải như các ông hiện nay, mới nếm một chút khổ là bỏ thầy tổ ra đi không thèm ngó lại.
Tuyết Nham thiền sư khai thị
Này các hành giả! Nếu ngồi lâu trên bồ đoàn bị hôn trầm, nên rời bồ đoàn đi một vòng, lấy nước lạnh súc miệng, rửa mặt, lại lên bồ đoàn ngồi thẳng lưng sống như vách đứng, đề khởi câu thoại đầu, dụng công như thế quyết định trong bảy ngày được khai ngộ, đây là đường lối bốn mươi năm về trước Sơn Tăng đã dụng công.
Thời nay, có nhiều tu sĩ muốn cái gọi là tự do rời khỏi Tăng đoàn ra ngoài tự ý cất nhà, cất am cốc ở riêng cho là tịnh thất, đó là một hệ lụy của Phật giáo. “Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại”.
Tăng là đoàn thể những người xuất gia tu hành sống chung hòa hợp với nhau trong một trú xứ. Giới luật Phật giáo quy định ít nhất bốn vị Tỷ kheo sống với nhau thanh tịnh, hòa hợp gọi là Tăng, nói đúng là Tăng già, (Sangha). Chúng ta phải nhớ kỹ nguyên nghĩa này để biết chính xác rằng: bản chất của Tăng là thanh tịnh và hòa hợp. Theo thời gian, danh từ chung chỉ cho tập thể này còn được sử dụng như một danh từ riêng chỉ cho cá nhân.
Một vị nam tu sĩ Phật giáo thường được gọi là Tăng. Dù chung hay riêng, bao giờ Tăng cũng là một trong ba ngôi báu (Tam bảo) và được tôn xưng là Chúng trung tôn - những bậc đáng tôn kính.
Lai Quả thiền sư (1881 – 1953)

Thất: Nghĩa là bảy ngày, hay tham thiền liên tục trong bảy ngày. Nhiều người nhằm tưởng “Thất” là căn nhà, ấy là sai. Ý nghĩa hai chữ “Nhập thất” là tiếng Hán. Trong cả ngàn người đệ tử, chỉ có vài vị được quyền tự do ra vào phương trượng của Hòa thượng Trụ trì để tham vấn, nên gọi là “Đệ tử nhập thất”, chứ không phải đi cất một cái nhà hay am cóc để vào đó bế quan.
Các thiền đường ngày xưa không có đồng hồ, chư Tổ dùng một nén hương, ngồi hết nén hương thì đi, đi hết nén hương thì ngồi, nên gọi tọa hương và đi hương, trong thiền đường có vị giám thiền, hễ ai phạm quy củ bị đánh hương bảng.
***
Ở tòng lâm hay Thiền đường, khi cử hành Thiền thất, cũng như đi vào trường thi, phải thi đậu (kiến tánh) chứ không phải để tập tham thiền. Giờ đây cử hành Thiền thất là để tập tham, sở dĩ do đi mỏi thì ngồi, ngồi mỏi thì đi, chứ không phải cần sự ngồi.
Người tham thiền chớ nên cắm đầu trên sách vở, ghi nhớ ngữ ngôn, tìm thiền tìm đạo, thiền đạo không có ở trên sách vở. Dù có nhớ hết Đại Tạng Kinh, cũng chỉ là ngôn ngữ suông mà thôi, đến khi bệnh, chết đều dùng chẳng được.
Cái tệ của người học thiền thời nay là lấy sự nương vào thức tình để biết làm tỏ ngộ, lấy sự xuyên tạc cơ duyên truyền trao làm tham học, lấy ngôn ngữ bí hiểm kỳ quái làm đề xướng. lấy sự phá hoại luật nghi làm giải thoát, lấy sự kết giao với nhà quyền quý, đút lót để được chức vị làm phương tiện xuất thế.
Người thời nay học đạo mà chẳng tu đạo, chỉ chăm vào việc học để có bằng cấp, có chức, có quyền, tăng thêm bản ngã, học ngôn thuyết mà muốn thể hội được nhân duyên của cổ nhân, há chẳng phải là cái lầm lớn sao ? Cổ nhân chỉ đối bệnh mà ra toa, tuỳ cơ cho thuốc, nên mới có nhiều đường lối vào cửa như sắn bìm, như ngón tay chỉ mặt trăng, như viên ngối gõ cửa. Ý nhờ viên ngối gõ để cửa mở, nhờ ngón tay để thấy mặt trăng, nếu như được cửa mở, thấy trăng rồi, viên ngối, ngón tay dùng làm chi nữa.
Nay người tu đạo mở miệng nói là hiểu thiền hiểu đạo, nói Phật nói tâm có trăm nghìn vạn ức mà mảy trần chẳng bỏ thì chưa khỏi luân hồi, ý nghĩ chẳng dứt thì đều phải chìm đắm trong sanh tử. Những người như thế, nghiệp quả của chính họ, họ còn không tự biết mà tự dối là tự lợi, lợi tha, tự bảo là bậc thượng lưu ngang hàng với tiên đức.
Dẫu cho nói: Việc chạm vào mắt không gì chẳng Phật sự, chổ bước chân đi đều là đạo tràng. Nhưng tập quán của những người ấy chẳng bằng một kẻ phàm phu ngũ giới, thập thiện, cứ mở miệng là chê cả hàng nhị thừa và Bồ tát Thập Địa. Món thượng vị đề hồ là món trân kỳ của thế gian gặp những hạng người nầy nó trở thành thuốc độc.
Hòa thượng Thích Huệ Thiện khai thị

Hòa thượng Thích Huệ Thiện
(Tông sư chùa Phước Điền)
Đã là người xuất gia làm Tăng, phải lập chí lấy liễu ngộ làm mục đích tối thượng, trước phải học đường lối tông chỉ rõ ràng, sau đó mới hạ thủ công phu đề khởi câu thoại đầu không kể ngày hay đêm. Không để ý đến đắt lực hay không đắt lực, hôn trầm tán loạn hay không hôm trầm tán loạn, chỉ cần chuyên đề khởi câu thoại đầu sở tham. Tâm sanh tử chưa phá vỡ thì toàn thể là một khối nghi tình, chỉ cần ở trong khối nghi tình, đi đứng ngồi nằm chẳng được gián đoạn.
Hãy chiếu cố thoại đầu, không được niệm thoại đầu, cũng chớ suy xét thoại đầu, chỉ nên tức tối muốn rõ việc này, như mèo rình chuột, các ông hãy như thế mà tham đi.
Người xuất gia trong thiền phái Lâm Tế phải tu học theo thiền phái của tông này, các người phải hiểu cái tu trong Thiền tông là gì ? Nếu không hiểu rõ thì không biết đường mà tu, các người có ở suốt đời trong tông môn vẫn đứng ngoài cửa. Ở trong Thiền tông không có cái gì khác ngoài việc tham thiền ngộ đạo, liễu sanh thoát tử.
Muốn kiến tánh thành Phật, chỉ cần lìa hết tất cả sự tương đối của thế gian như sắc không, sáng tối, lấy bỏ, yêu ghét v.v. . .Thân, tâm, thế giới, cả ba đều quét sạch hết, tịch diệt không còn, luôn cả cái không cũng chẳng còn, ấy là đại tử, hay còn gọi là tuyệt hậu, rồi đại hoạt, là sống trở lại, hay gọi là tái tô, (tuyệt hậu tái tô), đến đây mới là kiến tánh.
Hiện tại chỉ cần đừng thấy có Phật, có Niết bàn và không có tất cả những cái thấy có, thấy không và cũng không thấy cả cái thấy không thì mới được gọi là chánh kiến. Nếu người tham thiền tâm chẳng tìm cầu, chẳng vọng tưởng, chẳng duyên theo cảnh thì ngay chỗ nhà lửa trần lao này tức là chỗ giải thoát.
Những câu thoại đầu:
- Sinh từ đâu đến, chết đi về đâu?
- Chẳng phải tâm, chẳng phải Phật, chẳng phải vật, là cái gì?
- Ngủ không chiêm bao, không suy nghĩ, chủ ở đâu?
- Khi chưa có trời đất ta là cái gì?
Trung Phong thiền sư khai thị:
Bổn phận của người xuất gia phải đắt phi y (chơn thật tu hành) mới đáng thọ nhận Trời người cúng dường. Trong Thiền tông nói tọa tức là một niệm chẳng lui sụt, nói y nghĩa là ngộ suốt tự tâm, chẳng mang nhánh lá. Ví như chẳng được như vậy thì tất tơ giọt nước chắc chắn phải bồi trả cho thí chủ.
Nhân lúc thân thể còn khỏe nên giải quyết việc lớn sinh tử cho xong, đừng đợi đến khi khát nước mới lo đào giếng, khi tay chân quờ quạng, đường trước mịch mờ, không biết đi đâu. Đại đa phần người xuất gia thời nay không chịu lập chí hạ thủ công phu, chỉ nghĩ là khó thì lại càng thấy khó. Nếu là người có chí khí chân thật tu hãy tham câu thoại đầu khởi nghi tình.
