Sâm dây Ngọc Linh: Đặc điểm, thành phần và đối tượng sử dụng
Trong khu vực núi Ngọc Linh tại khu vực Tây Nguyên của Việt Nam, có rất nhiều loại dược liệu quý giá. Bên cạnh bảo vật quý giá của Việt Nam - Sâm Ngọc Linh, thì Sâm dây Ngọc Linh cũng là một dược liệu có nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe.
Vậy đặc điểm của Sâm dây Ngọc Linh là gì? Sâm dây Ngọc Linh có chứa những thành phần hoá học nào mà có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người như vậy? Đối tượng sử dụng của Sâm dây Ngọc Linh là gì?
Sâm dây Ngọc Linh là loại dược liệu như thế nào?
Hình ảnh Sâm dây Ngọc Linh
Trong Y học Cổ truyền, Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thường được dùng thay thế cho Nhân sâm vì có giá thành rẻ hơn, do đó Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) còn được gọi là Nhân sâm của người nghèo vì cả Đẳng sâm và Nhân sâm đều có tác dụng bổ khí Các bài thuốc Đông y có thể dùng Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thay thế cho Nhân sâm là Thập toàn đại bổ thang và Tứ trân thang.
Tuy nhiên, khi dùng Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thay thế cho Nhân sâm trong bài thuốc, thì sẽ cần hiệu chỉnh liều lượng, cũng như cân nhắc chỉ thay thế một phần hay hoàn toàn. Bởi, có nhiều trường hợp Đẳng sâm không thể thay thế cho Nhân sâm do tác dụng bổ khí của 2 dược liệu này tương đối khác nhau: Đẳng sâm có tác dụng Bổ trung ích khí, còn Nhân sâm có tác dụng Bổ tỳ vị và nguyên khí.
Vùng địa lý phân bố và chu kỳ sinh trưởng của Sâm dây Ngọc Linh
Vùng địa lý phân bố của Sâm dây Ngọc Linh
Vùng núi Ngọc Linh - Quê hương của Sâm dây Ngọc Linh
Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) là loại dược liệu mọc ở nhiều khu vực thuộc vùng Đông Bắc Á, chủ yếu là tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, từ năm 1961, Viện Dược liệu Trung ương đã đi thực địa và phát hiện được Đẳng sâm mọc tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc (Sơn La, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn), cũng như ở một số tỉnh vùng Tây Nguyên (như Kon Tum, Lâm Đồng, Gia Lai).
Tại các khu vực này, Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm) thường mọc trong các cánh rừng thưa, dưới các cây to rậm rạp.
Chu kỳ sinh trưởng của Sâm dây Ngọc Linh
Thu hoạch Sâm dây Ngọc Linh
Sâm dây Ngọc Linh có thể trồng từ nguồn ươm bằng hạt, hoặc ươm từ cây. Trong hai phương pháp thì phương pháp ươm bằng hạt cho cây giống tốt nhưng mất nhiều thời gian. Do đó bà con thường lấy giống từ cây nên phương pháp sẽ đơn giản và thuận tiện hơn.
Trước khi trồng cần đào gốc, dọn cỏ và lên luống trước cho thoáng khí. Cho đến nay, Sâm dây Ngọc Linh chủ yếu được trồng theo lối tự nhiên nên không phải bón phân, mà chỉ cần làm cỏ kết hợp xới đất vài ba lần là cây sẽ phát triển tốt.
Mỗi năm, Sâm dây Ngọc Linh trồng được một vụ. Thời điểm xuống giống thích hợp là đầu mùa mưa (cuối tháng 5, đầu tháng 6). Vì vậy, sau khi thu hoạch Sâm dây Ngọc Linh vào cuối mùa khô năm trước, thì đầu năm sau, bà con nên chọn trước cây giống để đến khi có mưa xuống sẽ trồng là hợp lý.
Các đặc điểm hình thái bên ngoài của Sâm dây Ngọc Linh
Đặc điểm thân cây Sâm dây Ngọc Linh
Đặc điểm thân và rễ của dây sâm
Sâm dây Ngọc Linh là loài cây thân thảo, thân leo nhỏ, sống lâu năm. Cây Sâm dây Ngọc Linh có đặc điểm là leo bằng dây quấn. Thân cây Sâm dây Ngọc Linh có dạng hình trụ, một số chỗ có thể bị biến dạng do bám vào giá thể hoặc cây khác, phần thân có màu xanh lục nhạt hoặc xanh pha tím. Thân cây Sâm dây Ngọc Linh có đường kính trong khoảng từ 1,5 đến 3mm. Thân non thường có lông, sau khi trưởng thành thì thân nhẵn hơn. Toàn cây Sâm dây Ngọc Linh có chứa mủ trắng.
Đặc điểm rễ cây Sâm dây Ngọc Linh
Cây Sâm dây Ngọc Linh có rễ thuộc dạng rễ củ, rễ có dạng hình trụ dài, mọc thẳng trong đất, kích thước thay đổi theo tuổi cây, nơi sống và điều kiện thổ nhưỡng. Đường kính của rễ Sâm dây Ngọc Linh có thể đạt tới 1,5 đến 3 cm, rễ có dạng phân nhánh. Đầu rễ cây Sâm dây Ngọc Linh. Phần cổ rễ cây Sâm dây Ngọc Linh có dạng phình to, rễ nạc, có nhiều vết sẹo lồi do các phần thân hàng năm rụng đi để lại. Bên ngoài phần rễ có màu trắng ngà, phần lõi gỗ bên trong có màu vàng. Khi cắt ngang hay cắt dọc, rễ củ có màu vàng nhạt, mùi thơm, vị hơi ngọt, có thể phân biệt được hai phần: phần bên ngoài (nhu mô vỏ) có màu vàng nhạt, chiếm thể tích chủ yếu của rễ, chứa nhiều nhựa mủ phần lõi nằm ở giữa của rễ (trung trụ) có màu vàng nâu, thể tích nhỏ hơn, chứa rất ít nhựa mủ.
Đặc điểm lá cây Sâm dây Ngọc Linh
Lá cây Sâm dây Ngọc Linh chủ yếu mọc đối, ít mọc so le. Gốc lá có hình tim hoặc hình thận, lá có đầu nhọn, phiến lá mỏng, hình trứng rộng. Lá cây Sâm dây Ngọc Linh dài từ 3 đến 8 cm, rộng từ 2 đến 4 cm, mép lá là dạng nguyên lượn sóng hoặc hơi khía răng. Lá cây Sâm Ngọc Linh có mặt trên màu lục nhạt, mặt dưới màu trắng xám, lá thường có bề mặt nhẵn hoặc có lông rải rác.
Lá và hoa Sâm dây Ngọc Linh
Đặc điểm hoa cây Sâm dây Ngọc Linh
Mùa ra hoa của Đảng sâm từ tháng 6 - 10, rộ nhất vào tháng 9 hàng năm. Hoa Sâm dây Ngọc Linh mọc riêng lẻ ở kẽ lá hoặc đối diện với lá ở phần ngọn, có cuống dài 2 – 6 cm. Phần đài hoa Sâm dây Ngọc Linh có 5 phiến hẹp, tràng hình chuông màu trắng hoặc hơi vàng, có vân tím ở họng, chia 5 thùy. Hoa Sâm dây Ngọc Linh có 5 nhị, chỉ nhị hơi dẹt, bao phấn đính gốc, bầu hình cầu có 5 ô.
Đặc điểm quả và hạt Sâm dây Ngọc Linh
Sau khi hoa thụ phấn là quá trình phát triển quả. Quả Sâm dây Ngọc Linh đạt được kích thước trưởng thành sau khoảng 1,5 - 2 tháng tuổi (vào khoảng tháng 10-11 hàng năm), Đến cuối tháng 11 quả bắt đầu chín. Quả nang, hình cầu, đường kính 1-2 cm, có 5 cạnh mờ, đầu bẹt, phía trên có một núm nhỏ hình nón (hình 3). Khi quả chín, vỏ quả chuyển từ màu xanh nhạt sang màu tím đen mang đài hoa tồn tại. Quả chín tồn tại trên cây khoảng từ 20-30 ngày, nếu thời tiết ít mưa có thể lâu hơn.
Hạt Sâm dây Ngọc Linh nhỏ, nhiều, có màu vàng nâu, bề mặt bóng, có vân dạng lưới.
Bộ phận dùng làm thuốc của Sâm dây Ngọc Linh.
Bộ phận dùng làm thuốc của Sâm dây Ngọc Linh (Đẳng sâm, Hồng đẳng sâm) là phần rễ đã được phơi hoặc sấy khô. Rễ cây được thu hái vào mùa đông, sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch với nước và bàn chải để loại bỏ đất cát. Sau đó, ta cắt bỏ đầu rễ và rễ con, rồi phân loại rễ theo kích thước to nhỏ rồi để riêng. Tiến hành đem phơi nắng hoặc sấy nhẹ cho đến khi khô hẳn. Khi dùng, ta có thể thái mỏng và sơ chế tẩm với nước gừng hoặc sao qua.
Cần lưu ý là sâm dây Ngọc Linh dễ bị sâu mọt, do đó cần được bảo quản ở nơi khô ráo.
Hình ảnh rễ Sâm dây Ngọc Linh phơi khô