Gỡ nút thắt cho Kinh tế tư nhân Việt Nam
Từ thực tiễn phát triển các thành phần kinh tế của Việt Nam, quan điểm: tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân (KVKTTN) sẽ thúc đẩy tiến độ của Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao đã có sự thống nhất cao trên các diễn đàn của chính phủ, nhà quản lý, của các chuyên gia kinh tế, các đối tác phát triển và doanh nghiệp, đó là cần hợp sức gỡ bỏ các nút thắt, để Việt Nam có một khu vực tư nhân phát triển theo hướng bền vững, góp phần rất quan trọng vào sự thịnh vượng chung của đất nước.
1. Những rào cản nào cần tập trung tháo gỡ cho khu vực tư nhân
Tăng trưởng của KVKTTN sẽ thúc đẩy tiến độ Việt nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao, trong đó nhà nước đóng vai trò quan trọng trong sự tăng trưởng này thông qua kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hạ tầng cơ sở đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của xã hội và doanh nghiệp, gắn liền với một thể chế thị trường năng động, thực chất và không bị bóp méo bởi chỉ một nhóm lợi ích nào.
Thực chất chung quy lại có 07 nút thắt liên quan cần tháo gỡ để KVKTTN phát triển gồm: môi trường kinh doanh, cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp nhà nước và tạo sân chơi bình đẳng, thể chế quản lý, tài chính tín dụng, năng lực công ty và vấn đề môi trường, xã hội và quản trị.
Mặc dù Việt nam đã có nhiều tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính, dịch vụ công, minh bạch thông tin, môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, chính sách, thủ tục thuế… nhằm giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, nhưng vấn đề thủ tục phá sản vẫn còn nhiêu khê, gây mất nhiều thời gian công sức, chi phí và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, việc không có khả năng giải quyết nợ xấu có lợi cho chủ nợ lại đang là cản trở cho đầu tư phát triển. Trong khi việc tạo sân chơi bình đẳng cho các thành phần kinh tế nhất là giữa khu vực Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và KVKTTN lại chưa thật sự bình đẳng, thể hiện qua tiếng nói không những chỉ từ các chuyên gia quốc tế, mà các chuyên trong nước cũng có những cái nhìn tương đồng về việc cần tạo sân chơi bình đẳng giữa khu vực tư nhân và nhà nước, xuất phát từ nhiều nguyên nhân của cơ chế cũ còn tồn tại, mặc dù Việt nam đã có cam kết trong nước và quốc tế trong việc cải các cách DNNN, nhưng thực hiện vẫn còn chậm đã gây trở ngại cho việc phân bổ có hiệu quả các nguồn lực tài chính, cơ hội thị trường cho KVKTTN và tăng trưởng năng suất.
2. Các giải pháp khắc phục những rào cản
Từ thực tế trên, các khuyến nghị đưa ra là DNNN chỉ nên cung cấp các dịch vụ thiết yếu, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp không trọng yếu và loại bỏ đặc quyền chỉ mang lại lợi ích cho DNNN, cùng với đó tăng cường vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để buộc DNNN phải chịu trách nhiệm cả về hoạt động và chi phí tài chính.
Một yếu tố quan trọng khác cần đặc biệt chú trọng là phải tăng cường năng lực của công ty. Bởi như theo nhận định của các chuyên gia trong và ngoài nước: trong 15 năm qua, số lượng doanh nghiệp tư nhân trong nước chính thức hoạt động tăng gấp 10 lần, song năng suất chưa được cải thiện, việc kết nối với khu vực đầu tư nước ngoài còn yếu so với các nước trong khu vực. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực đổi mới và quản trị kinh doanh để thúc đẩy công nghệ, kết hợp với đổi mới và bán dịch vụ, sản phẩm cho các doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Ngoài ra, Việt nam cần quan tâm tái cơ cấu khu vực tài chính- ngân hàng, bởi vì những tồn tại của Luật Các tổ chức tín dụng, tính minh bạch tài chính và tính độc lập trong chính sách tiền tệ của lĩnh vực Ngân hàng cũng là vấn đề cần lưu tâm, bởi khi Việt nam hội nhập sâu rộng hơn với kinh tế thế giới, thì đòi hỏi Ngân hàng nhà nước cần có sự độc lập lớn hơn để tạo ra tăng trưởng kinh tế bền vững như: nên quy định nhiệm vụ cho Ngân hàng nhà nước để cho phép can thiệp chính sách tiền tệ dựa trên thị trường nhiều hơn, để quản lý tỷ giá linh hoạt, ổn định lãi suất liên ngân hàng và chuyển dần sang lạm phát có mục tiêu cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Để đảm bảo sự an toàn và lành mạnh của khu vực tài chính, Việt Nam cần phải tiến tới việc giám sát an toàn dựa trên rủi ro, nhìn nhận và đánh giá đúng bản chất của vấn đề, tránh giám sát dựa trên tuân thủ…
Một vấn đề quan trọng khác của khu vực tài chính- ngân hàng Việt nam, đó chính là thiếu vốn, cần tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại nhà nước thông qua cổ phần hóa mạnh mẽ hơn, giữ lại lợi nhuận và thoái vốn khỏi các hoạt động kinh doanh không cốt lõi. Tập trung ưu tiên nguồn vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhiều hơn nữa.
Việt nam cần phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển thị trường vốn, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp Việt nam đang phụ thuộc nhiều vào dòng vốn tín dụng từ ngân hàng. Để nền kinh tế tăng trưởng và phát triển tốt chủ yếu phải dựa vào hệ thống ngân hàng lành mạnh, nhưng hiện vẫn còn những bất cập cản trở sự phát triển của hệ thống ngân hàng: cơ cấu pháp lý, quy định và thể chế hiện hành của hệ thống ngân hàng chưa theo kịp với mức độ phát triển kinh tế Việt nam như hiện nay. Sự điều chỉnh trong quản lý, chính sách, pháp lý…trong vấn đề tài chính ngân hàng để giải quyết thực tế các hoạt động của kinh tế tư nhân còn rất chậm.
Để thoát bẫy thu nhập trung bình, bên cạnh tốc độ tăng trưởng cao thì việc hoàn thiện thể chế là yêu cầu tiên quyết, dù đạt mức tăng trưởng cao 7- 8% mà thể chế không phù hợp thì cũng khó lòng thoát bẫy thu nhập trung bình, thể chế cũ không thể tạo ra những điều kiện cần và đủ để Việt nam tiếp bước trở thành quốc gia thu nhập trung bình cao thành công. Cải cách thể chế sẽ tiếp tục là một đột phá chiến lược trong giai đoạn mới của Việt nam trên con đường phát triển hùng cường và thịnh vượng, sánh vai với bạn bè thế giới.
Thạc sỹ – Ls Dương Mạnh Hùng
Chủ tịch Viện Đào tạo và Phát triển Doanh nhân Việt Nam