
Lời Nói Đầu
Sách: Di tích Lịch sử Văn hóa Chùa Phước Điền (Chùa Hang), Núi Sam - Châu Đốc - An Giang.
Lời nói đầu
Phật giáo tồn tại và phát triển hơn hai ngàn năm lịch sử, trên mảnh đất Việt Nam thân yêu, đã trải qua nhiều giai đoạn, có lúc thịnh lúc suy, lúc đi vào trí thức phát triển về giáo dục; âm thầm hòa mình vào đời sống của dân làng, giao thoa, tiếp biến các hình thái tín ngưỡng khác; có lúc chịu ảnh hưởng một cách nặng nề, có khi chuyển hóa nội dung các tín ngưỡng khác, khiến cho chúng gần gũi với tinh thần Phật giáo hơn.
Phật giáo Việt Nam nói chung, Phật giáo miền Nam nói riêng, Chư Tăng luôn nắm giữ vai trò chủ đạo. Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Tăng đoàn Phật giáo hình thành, phát triển và nắm giữ phần trọng yếu trong tiến trình duy trì mạng mạch. Vẫn biết, trong dòng chảy của lịch sử Việt Nam, bên cạnh sự hưng thạnh hay suy yếu của Tăng già, hình bóng của những vị Tỳ kheo Ni gần như ít khi xuất hiện.
Suốt chiều dài lịch sử, chư Ni hầu như không nhận được sự ủng hộ của xã hội thời bấy giờ. Có thể, một trong những trở ngại lớn nhất là sự khắt khe đối với phụ nữ của xã hội Việt Nam mang nặng dấu ấn văn hoá Nho giáo, làm cho Ni giới không phát triển được.
Đất nước con người lịch sử Việt Nam mở rộng về phương Nam với sự tiếp nhận và tư duy. Người dân miền Nam dần hình thành nên đời sống văn hoá mới, Phật giáo đồng hành với dân tộc chia sẻ đóng góp, tạo nên dấu ấn của mình trên văn hoá ấy. Thời kỳ xây dựng miền Nam, lịch sử Phật giáo chủ yếu ghi nhận sự cống hiến cho đạo pháp, cho dân tộc của chư tôn đức Tăng theo đoàn dân di cư. Chư tôn đức là những vị lãnh đạo tinh thần, làm điểm tựa cho cư dân vùng đất mới. Cuộc sống đầy bất trắc trong thời kỳ đầu không thể là điều kiện tốt cho nữ giới xuất gia.
Để vượt qua những phong tục tập quán và cuộc sống đầy bất trắc, vào năm 1836 có một vị nữ đã xuất gia thọ giới Tỳ kheo Ni.
Vị nữ tu ngày ấy chính là Sư bà Diệu Thiện, thế danh Lê Thị Thơ, sinh năm Mậu Dần (1818), trở thành vị nữ tu Tỳ Kheo Ni đầu tiên của vùng đất Nam Bộ.
BAN BIÊN TẬP