Xây Dựng Chính Sách Hỗ Trợ Tổ Hợp Tác Phát Triển Là Cần Thiết
Xây dựng chính sách hỗ trợ sẽ giúp Tổ hợp tác (THT) ngày một vươn lên, ngang tầm với các mô hình Kinh tế tập thể (KTTT) khác
Nội dung
Mặc dù tổ hợp tác (THT) được xem là mô hình gần gủi và dễ hình thành nhất đối với người dân nông thôn. Bên cạnh đó, THT có đóng góp không nhỏ trong việc phát triển Kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX). Tuy nhiên, hiện nay mô hình này vẫn chưa có tư cách pháp nhân và chưa nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước. Chính vì thế, xây dựng chính sách hỗ trợ sẽ giúp THT ngày một vươn lên, ngang tầm với các mô hình KTTT khác.
Theo số liệu tổng hợp của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh hiện có 2.183 tổ hợp tác (THT). Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp có 1529 THT, còn lại là các THT trong lĩnh vực phi nông nghiệp. đang hoạt động), tổng số vốn góp 17 tỷ 792 triệu đồng và 64.570 ha canh tác; với tổng số 43.860 tổ viên; tạo việc làm cho 7.014 lao động theo thời vụ.
Các THT thành lập và hoạt động phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng các yêu cầu về nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, cùng có lợi. Nhiều THT hoạt động tương đối tốt, đóng vai trò không nhỏ trong việc hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Quản lý chặt chẽ từ vốn góp đến khâu hoạt động sản xuất kinh doanh, như các THT của huyện Vĩnh Thuận, Tân Hiệp, Hòn Đất, Giồng Riềng, Gò Quao… đây là tiền đề tốt để các THT dần phát triển lên thành HTX. THT phi nông nghiệp đã tạo việc làm, cải thiện đời sống cho các thành viên; THT nông nghiệp thực hiện tốt dịch vụ bơm tát, ứng dụng khoa học kỹ thuật giảm lượng giống, nước và vật tư nông nghiệp ước làm lợi cho thành viên mỗi vụ được 286,792 tỷ đồng, qua đó giúp thành viên tăng thu nhập, ổn định đời sống.
Ảnh: THT Đan Đát xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận có tiềm năng nâng lên HTX trong thời gian tới
Thực tế cho thấy, hoạt động của nhiều THT đã thúc đẩy sản xuất trên địa bàn, tận dụng được các nguồn lực về đất đai, nguyên liệu, vốn, lao động tại địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo, hình thành phương thức kinh doanh mới, hướng sản xuất tới thị trường. Đặc biệt, đối với các THT quy mô lớn, hình thức tổ chức hoạt động đa dạng, hiệu quả đang là tiền đề quan trọng để phát triển thành các HTX.
Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển và những lợi thế nhất định nêu trên, thực tế hoạt động của các THT vẫn còn không ít khó khăn. THT chưa có tư cách pháp nhân, chưa nhận được sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước, không tạo được niềm tin và thu hút đối tác hợp tác. Đa số THT có quy mô nhỏ, vốn ít, không có tài sản chung hoặc có rất nhỏ, các THT nông nghiệp chỉ hoạt động theo thời vụ; phần lớn THT tổ chức còn thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác lỏng lẻo, địa vị pháp lý chưa rõ ràng, không đảm bảo tính ổn định, bền vững; công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức triển khai, thực hiện Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Chính phủ về THT chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức; thiếu hướng tư vấn của chính quyền địa phương nên không bảo đảm tính ổn định, bền vững.
Do không có tư cách pháp nhân nên nhiều THT không thể đăng ký bảo hộ thương hiệu hàng hóa, không lập được tài khoản riêng để giao dịch. Đa phần, để giải quyết các khó khăn trong quá trình hoạt động, các thành viên THT phải tự huy động nguồn lực cá nhân để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Ngay trong Luật Hợp tác xã năm 2012, tuy có nhiều đổi mới nhưng mới chỉ tập trung vào các HTX, Liên hiệp HTX, còn mô hình THT thì bị bỏ ngỏ. Điều 6 Luật HTX năm 2012 quy định, chính sách hỗ, ưu đãi của Nhà nước thì đối tượng được hưởng chỉ là HTX, Liên hiệp HTX còn THT thì không nằm trong chính sách này. Từ trước đén nay, đa số các THT phải tự gồng mình trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, khi nào không thể cầm cự thì tự giải tán.
Với nhu cầu phát triển của KTTT ngày càng lớn nhưng một số quy định, nghị định lại từng lúc đã và đang làm mờ nhạt vai trò của mô hình THT. Trong khi hiện nay có không ít THT có quy mô thành viên lớn, hoạt động hiệu quả không thua kém gì HTX.
Không thể phủ nhận rằng, các THT hiện nay đang góp phần không nhỏ trong phát triển KTTT, HTX cũng như thúc đẩy kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Chính vì thế, rất cần sự quan tâm của Nhà nước trong việc xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp giống như các HTX, Liên hiệp HTX. Điều đó sẽ góp phần tích cực thúc đẩy các THT phát triển bền vững và thực sự là nguồn quan trọng để phát triển lên thành HTX kiểu mới.