Liên Kết, Giới Thiệu Bao Tiêu Nông Sản Cho Hợp Tác Xã Nông Nghiệp
Vai trò của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang trong liên kết, giới thiệu bao tiêu nông sản cho HTX nông nghiệp
Nội dung
Muốn phát triển bền vững, hợp tác xã (HTX) phải tìm được đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân và thành viên. Tuy nhiên, với năng lực quản lý điều hành của HTX hiện nay thì việc đó không dễ dàng chút nào nhất là đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong những năm gần đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đặc biệt chú trọng công tác liên kết với các công ty, doanh nghiệp giải quyết khó khăn về đầu ra sản phẩm cho HTX, xem đây là sứ mệnh quan trọng trong việc xây dựng và phát triển HTX thời kì mới.
Ảnh: Thành viên HTX nông nghiệp Kênh 10 thu hoạch ngò gai theo hợp đồng tiêu thụ của doanh nghiệp
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang luôn chủ động trong việc tìm đối tác, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, thành viên HTX. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2019, đơn vị đã làm trung gian, cầu nối giới thiệu 219 HTX nông nghiệp trồng lúa hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với
- Công ty TNHH Trung An;
- Công ty Cổ phần nông sản VINACAM;
- Công ty Nông Việt Pháp;
- Công ty Vạn Trường Phát
- Một số doanh nghiệp vừa và nhỏ khác
Với tổng diện tích 37.273 ha lúa Hè – Thu. Giới thiệu Công ty TNHH nông nghiệp xanh Nam Thắng liên kết với HTX nông nghiệp Kênh 7B, huyện Tân Hiệp; Công ty cũng đã hỗ trợ HTX nông nghiệp Tân Hưng, xã Giục Tượng, huyện Châu Thành và HTX nông nghiệp Hòa Thuận, huyện Gò Quao mỗi HTX 01 ha làm điểm sản xuất lúa bằng phân bón hữu cơ. Riêng HTX Hòa Thuận đăng ký thêm 02ha được Công ty hỗ trợ 30% chi phí sản xuất..
Ảnh: Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang tổ chức ký kết với doanh nghiệp trong đầu tư và bao tieu nông sản cho HTX
Việc giới thiệu các HTX hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với Công ty doanh nghiệp không chỉ giúp các HTX thực hiện tốt hoạt động cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất cho thành viên mà còn làm tốt việc tiêu thụ sản phẩm. Qua việc tìm đầu ra cho sản phẩm đã nâng giá trị gấp 1,5 đến 2 lần, hình thành mối liên kết giữa người sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị.
Mặt khác, giúp nông dân, thành viên HTX yên tâm sản xuất, không lo về đầu ra cho sản phẩm, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro. Đồng thời, giúp doanh nghiệp chủ động nguồn hàng, kiểm soát được chất lượng sản phẩm đến người tiêu dùng.
Thời gian qua, một số HTX đẩy mạnh liên kết trong sản xuất tiêu thụ sản phẩm nông sản như các HTX nông nghiệp Tân Hưng, Thạnh Hòa, (huyện Châu Thành); HTX Kênh nông nghiệp 21, Kênh 10 (huyện U Minh Thượng)…
Hiện tại, trong số 314 HTX lĩnh vực nông nghiệp của cả tỉnh thì có hơn 60% HTX thực hiện việc ký kết tiêu thụ nông sản cho thành viên. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều HTX chưa thực hiện được, khó khăn lớn nhất trong tiêu thụ nông sản là các HTX chưa chủ động tìm đối tác; phụ thuộc nhiều vào cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước. Ngoài ra, ở một số địa phương, người dân không đồng tình ủng hộ việc tích tụ ruộng đất để HTX, doanh nghiệp thuê đất đầu tư phát triển sản xuất tập trung, quy mô lớn.
Ảnh: Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã giới thiệu nhiều công ty, doanh nghiệp thỏa thuận quy cách bao tiêu nông sản của HTX
Số HTX có tham ký kết hợp đồng tiêu thụ thì cũng chỉ ở mức độ, quy mô hạn chế do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, phân tán, chất lượng sản phẩm còn thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất như giao thông, thủy lợi chưa đáp ứng yêu cầu về sản xuất tập trung; việc cơ giới hóa, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch còn thiếu.
Tại một số địa phương, tình trạng nhiều hộ thành viên mặc dù đã ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá thị trường biến động vẫn sẵn sàng bán sản phẩm cho tư thương với giá cao hơn. Điều này gây khó khăn cho các HTX trong việc kêu gọi và duy trì hợp đồng tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp.
Đây là một trong các nguyên nhân khiến khâu tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập với tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua hợp đồng chỉ từ 3 đến 15%. Sự ách tắc, bị động, thiếu vững chắc thị trường đầu ra và điệp khúc “được mùa rớt giá” đòi hỏi các HTX phải đổi mới nhận thức, tổ chức lại hoạt động tiêu thụ nông sản và tăng cường vai trò HTX trong tiêu thụ nông sản.
Để hỗ trợ các HTX xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng mô hình điểm và tổ chức giới thiệu các điểm tiêu thụ nông sản sạch, từ đó góp phần cung cấp thực phẩm đến tận tay người tiêu dùng. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ các HTX tháo gỡ khó khăn về mặt bằng làm trụ sở, kho, bãi; tăng định mức vay vốn, thủ tục, lãi suất, thời gian vay phù hợp, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Ảnh: Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang đã chủ động xây dựng mô hình điểm và tổ chức giới thiệu các điểm tiêu thụ nông sản sạch
HTX nông nghiệp sẽ thông qua ký kết các hợp đồng cung ứng dịch vụ “đầu vào”, chuyển giao và giám sát quy trình kỹ thuật, phối hợp kế hoạch sản xuất và tổ chức tiêu thụ “đầu ra” cho nông sản góp phần nâng cao năng suất, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và thu nhập của các hộ thành viên.
Theo nhận xét của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kiên Giang, hoạt động tiêu thụ nông sản đòi hỏi các HTX phải có năng lực và kinh nghiệm thị trường cao. Vì vậy các HTX cần nâng cao hơn nữa khả năng phản ứng thị trường, năng lực quản trị, đàm phán, xây dựng và quảng bá thương hiệu.
HTX cần liên kết với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh trong khâu tiêu thụ sản phẩm nông sản bằng cách đặt các điểm giới thiệu sản phẩm tại các khu trung tâm thành phố, huyện.
Bởi lẽ, trong sản xuất nông nghiệp, liên kết là xu thế tất yếu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông sản. Đây là lợi thế trong việc hình thành, phát triển các liên kết theo chuỗi giá trị trên cơ sở hợp tác giữa các doanh nghiệp, HTX, các hộ sản xuất từ cung ứng các yếu tố đầu vào, sản xuất đến chế biến tạo sản phẩm chất lượng cao và mang đặc trưng riêng của địa phương.
Do hoạt động tiêu thụ nông sản đòi hỏi năng lực, trách nhiệm và kinh nghiệm thị trường cao, vì vậy, cần xây dựng và hoàn thiện mô hình các HTX nông nghiệp theo đúng chuẩn mực và quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012. Đồng thời xây dựng HTX gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Thời gian tới, để hỗ trợ các HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác quảng bá, hỗ trợ nông dân bao tiêu sản phẩm, xây dựng chứng nhận cũng như thương hiệu cho các vùng rau, nông sản an toàn nhằm gia tăng giá trị nông sản, bảo đảm lợi nhuận cho sản xuất. Tiếp tục các hoạt động xúc tiến thương mại như giới thiệu các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho các sản phẩm, hỗ trợ các HTX tham gia các hội chợ trong nước, cử đoàn đi tham quan học tập kinh nghiệm trong và ngoài tỉnh, xây dựng mạng tiêu thụ nông sản sạch nhằm đưa nông sản đến tận tay người tiêu dùng.