Đông trùng hạ thảo: Lợi ích, phân loại và đặc tính dược liệu quý
Đông trùng hạ thảo hay trùng thảo, hạ thảo đông trùng,... là một vị thuốc có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Vân Nam, Tây Tạng của Trung Quốc. Là một loại dược liệu cao cấp được nhiều người săn đón và tìm kiếm hiện nay.
Mô tả dược liệu
Tên gọi, danh pháp
- Tên Tiếng Việt: Đông trùng hạ thảo.
- Tên khác: Trùng thảo, hạ thảo đông trùng.
- Tên khoa học: Cordyceps sinensis (Berk) Sacc. Đây là một loài nấm thuộc họ Hypocreaceae.
Video giới thiệu đông trùng hạ thảo
Đông trùng hạ thảo hay trùng thảo, hạ thảo đông trùng,... là một vị thuốc có nguồn gốc từ vùng cao nguyên Vân Nam, Tây Tạng của Trung Quốc. Là một loại dược liệu cao cấp được nhiều người săn đón và tìm kiếm hiện nay.
Đặc điểm tự nhiên
Đông trùng hạ thảo là vị dược liệu tự nhiên có dạng nấm nhỏ, hình trụ, mảnh, dài 3 - 6 cm, lúc non 10 - 11 cm, rắn chắc, ở giữa rỗng. Thân nấm to hơn ở phần dưới, thon dần về phía trên, đầu nhọn hình thoi rộng, đường kính 2,5 - 6 mm, phần này có bề ngoài xù xì, lấm tấm những hạt nhỏ, soi dưới kính hiển vi thì thấy là một u nang (cơ quan sinh sản). Quả nang hình bầu dục hoặc hơi tròn, chứa các nang xơ, có cuống ngắn. Nang chứa nhiều bào tử vách ngăn riêng lẻ.
Đông trùng hạ thảo được tìm thấy từ những thập kỷ trước ở dãy núi Himalaya cao nguyên Tây Tạng, nơi có độ cao từ 3500m đến hơn 5000m với điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt. Tại đây, người ta tìm thấy một dị thảo đặc biệt là một dạng ký sinh của một loại nấm túi sống trên cơ thể của ấu trùng loài bướm.
Vào mùa đông giá rét, ấu trùng sâu non đem theo bào tử nấm sống ký sinh đi "ngủ đông". Lúc này các bào tử nấm ký sinh phát triển các sợi bên trong, hút dưỡng chất từ con sâu non và làm sâu non chết dần. Đến ngày hạ nắng ấm, sợi nấm bên trong phát triển thân dài màu nâu vươn ra khỏi đầu con sâu non, sinh trưởng lên mặt đất, nên người ta gọi là “đông trùng hạ thảo”.
Thông thường, khi ấu trùng sâu non ngủ đông, thời gian sau sẽ hoá thành bướm, nhưng nếu bị nhiễm nấm Cordyceps Sinensis sống ký sinh thì nó sẽ trở thành đông trùng hạ thảo.
Phân bố, thu hái, chế biến
Phân bố
Đông trùng hạ thảo tự nhiên là kết quả của sự ký sinh nấm thuộc chi Cordyceps trên sâu non của các loài bướm thuộc chi (giống) Hepialus, Brihaspa hoặc Allomyrina. Đông trùng hạ thảo tự nhiên được tìm thấy chủ yếu trên vùng cao nguyên Vân Nam, Tây Tạng thuộc Trung Quốc.
Đông trùng hạ thảo tự nuôi dưỡng là đông trùng hạ thảo được con người chủ động nuôi cấy và dưỡng phát triển trên cơ thể ấu trùng nhộng tằm, hoặc cấy trên các vật chủ khác như hỗn hợp đậu xanh, vỏ trứng, gạo lứt và nhộng tằm xay nhỏ để tạo môi trường sống giống với tự nhiên.
Thu hái, chế biến
Thời điểm lý tưởng để thu hoạch đông trùng hạ thảo là vào mùa hạ từ tháng 3 đến tháng 7 hàng năm. Đông trùng hạ thảo trong tự nhiên thường ở những nơi cheo leo và rất khó để thu hái, chúng cũng chỉ nhỏ bằng cuống táo, người thu hái thường đào một hố sâu khoảng 10 cm quanh cây nấm quý này và nhổ chúng ra khỏi mặt đất.
Đông trùng hạ thảo tự nuôi dưỡng được cấy giống trong các lọ cơ chất và thay đổi điều kiện môi trường theo từng giai đoạn. Tới thời điểm thu hoạch, đông trùng hạ thảo được thu hái trong điều kiện vô trùng. Sau đó được bảo quản và chế biến để có thể sử dụng trong thời gian dài:
- Dạng tươi (nguyên con): Thu hái và bảo toàn hình dạng tự nhiên trong thời gian 1 tháng trở lại, để giữ được trọn vẹn hàm lượng dinh dưỡng và hoạt tính sinh học tối đa.
- Dạng khô: Đông trùng hạ thảo sau khi thu hái dạng tươi sẽ sấy khô nhằm bảo quản được lâu hơn, sử dụng thuận tiện và dễ vận chuyển hơn mà vẫn giữ được hàm lượng dược chất cao.
- Dạng nước;
- Dạng bột;
- Dạng viên nang.
Bộ phận sử dụng
Đông trùng hạ thảo được thu hái và sử dụng toàn bộ phần thân thảo, cả phần trên mặt đất và phần còn dính với sâu non.
Thành phần hóa học của Đông trùng hạ thảo
Trong đông trùng hạ thảo nhập ở Trung Quốc người ta đã chiết xuất được khoảng 1% một loại acid đặc biệt gọi là acid cordycepic 3 - 4 - 5 tetraoxyhexahydrobenzoic có cấu tạo tương tự như acid quinic. Ngoài ra, các chất khác và hoạt chất chưa được biết.
Có khoảng 25 - 32% protid trong đông trùng hạ thảo. Khi thủy phân cho acid glutamic, histidin, prolin, valin, arginin, oxyvalin, và alanin.
Ngoài ra còn có 8,4% chất béo trong đó acid không no chiếm 82,2% (acid linolic 31,69%, acid linilenic 68,31%) và acid béo no chiếm 13% (theo Lưu Thọ Sơn và cộng sự - Trung dược nghiên cứu đề yếu, 1963, 126).
Tác dụng dược lý của Đông trùng hạ thảo
Theo y học cổ truyền
Đông trùng hạ thảo có tính ôn, vị ngọt, vào hai kinh phế và thận. Có tác dụng ích phế, thận, cầm máu, tinh tủy và hoá đờm.
Theo y học hiện đại
Tác dụng trên kích thích miễn dịch
- Cả đông trùng hạ thảo tự nhiên và sợi nấm đông trùng hạ thảo đều có tác dụng đáng kể đối với hệ thống miễn dịch của chuột. Chúng làm tăng kích thước lá lách, giảm kích thước tuyến ức và ngăn ngừa teo lá lách, gan và tuyến ức do cyclophosphamide gây ra ở chuột.
- Chiết xuất nước Đông trùng hạ thảo tự nhiên và sợi nấm Đông trùng hạ thảo nuôi cấy có thể tăng sản xuất đại thực bào và kích hoạt chức năng của hệ thống thực bào. Chúng không chỉ làm tăng hoạt động thực bào của đại thực bào mà còn làm tăng hoạt tính phosphatase kiềm của đại thực bào.
Tác dụng trên chức năng sinh sản
- Đã có báo cáo về kết quả nghiên cứu lâm sàng với Cordyceps sinensis trong điều trị suy giảm chức năng sinh sản.
Tác dụng giảm đường huyết
- Đông trùng hạ thảo gây hạ đường huyết mà không có tác động đến nồng độ insulin huyết tương.
Tác dụng chống oxy hóa
- Thành phần polysaccharid chiết xuất từ sợi nấm Đông trùng hạ thảo có hoạt tính chống oxy hóa mạnh, có tác dụng bảo vệ tế bào, chống lại tác động độc hại do các gốc tự do gây ra.
Tác dụng bảo vệ gan và thận
- Cordyceps sinensis có tác dụng bảo vệ đối với tác dụng độc hại của aminoglycosid và cyclosporin A ở bệnh nhân cao tuổi.
Các tác dụng khác
- Cordyceps sinensis, một loại thuốc bổ trong y học cổ truyền Trung Quốc, đã được chứng minh là làm tăng số lượng bạch cầu ở những bệnh nhân bị suy giảm tạo máu, cải thiện khả năng miễn dịch của bệnh nhân và có thể cân bằng trọng lượng tuyến thượng thận và trọng lượng cơ thể bằng hóa trị hoặc xạ trị.
Liều dùng, cách dùng của Đông trùng hạ thảo
Trong dân gian, đông trùng hạ thảo có đa dạng cách sử dụng khác nhau tùy thuộc vào thể trạng và mục đích sử dụng của mỗi người.
Đông trùng hạ thảo tươi
- Rửa nhẹ nhàng bằng nước ấm, ngâm tiếp một lần nước ấm thêm 10 phút để đảm bảo vệ sinh. Sau đó, bạn có thể ăn trực tiếp và nhai từ từ để hấp thụ trọn vẹn tinh túy. Đông trùng hạ thảo ăn trực tiếp được dùng chữa hư lao, ho ra máu, sinh ho, ra nhiều mồ hôi, liệt dương, di tinh, đau lưng mỏi gối. Ngày dùng từ 6 đến 12 g.
Đông trùng hạ thảo khô
- Để sử dụng đông trùng hạ thảo khô bạn cần làm mềm ra bằng cách: Nấu với nước (hãm trà), ủ rượu, ngâm mật ong, hầm canh, nấu cháo,...
- Hãm trà: Dùng khoảng 3 - 7g đông trùng hạ thảo khô hãm với 200ml nước sôi trong vòng 10 phút. Dùng uống trong ngày.
- Ngâm mật ong: Theo tỉ lệ 15g đông trùng hạ thảo ngâm cùng 500ml mật ong nguyên chất trong 15 - 20 ngày. Dùng một muỗng hòa vào nước ấm, uống mỗi buổi sáng.
- Ngâm rượu: Theo tỉ lệ 3 - 5g đông trùng hạ thảo ngâm cùng 1 lít rượu 35 - 45 độ trong 1 tháng. Nên uống một chén mỗi ngày trước khi đi ngủ. Người ta cho rằng đông trùng hạ thảo ngâm rượu uống chữa chứng mỏi gối, đau lưng, tác dụng ngang với nhân sâm. Theo tài liệu cổ: Có tác dụng ích phế, thận, cầm máu, bổ tinh tủy, hóa đờm, dùng chữa hư lao sinh ho, liệt dương, ho ra máu, di tinh, lưng gối đau mỏi.
- Hầm canh, nấu cháo: Thêm nguyên liệu này vào món canh hay cháo của bạn khi gần chín, để nóng thêm vài phút và tắt bếp.
Lưu ý khi sử dụng đông trùng hạ thảo:
Sử dụng thời gian ngắn thì đông trùng hạ thảo được coi là an toàn. Một số người dùng có thể gặp các tác dụng phụ nhẹ, bao gồm đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn hoặc khô miệng. Các triệu chứng thường sẽ hết khi ngừng điều trị. Những người khác đã báo cáo rằng vị kim loại kéo dài sau khi sử dụng sản phẩm đông trùng hạ thảo, có thể mất nhiều thời gian hơn để chấm dứt.
Lời kết
Hy vọng bài viết giúp các bạn hiểu thêm về đông trùng hạ thảo.