(Kỹ năng) Sketchnote - Diễn hoạ thông tin
Nếu bạn đã chán những dòng ghi chú dày đặc, bạn yêu thích việc biểu diễn ý tưởng trực quan hay đang cần một phương pháp ghi chú mới, thú vị hơn, hiệu quả hơn thì cuốn sách Sketchnote lý thuyết (The sketchnote handbook) của Mike Rohde có lẽ là điều bạn đang tìm kiếm.
“Sketchnote” là một thuật ngữ được nhà thiết kế đồ họa Mike Rohde đưa ra. Là một người yêu thích phương pháp ghi chú thoải mái, trực quan và thất vọng với những trang văn bản tẻ nhạt kín đặc chữ, Mike đã tự tìm ra giải pháp cho riêng mình để tận hưởng công việc ghi chú này.
Cuốn sách Sketchnote lý thuyết nằm trong bộ sách gồm hai cuốn về sketchnote: lý thuyết và thực hành. Cuốn sách này sẽ giúp bạn làm quen với phương pháp ghi chú mới sketchnote thông qua bảy chương ngắn gọn:
Chương 1: Sketchnote là gì?
Chương 2: Tại sao lại là Sketchnote?
Chương 3: Hãy lắng nghe
Chương 4: Quá trình sketchnote
Chương 5: Các kiểu sketchnote
Chương 6: Các phương pháp sketchnote, hệ thống cấp bậc và cá nhân hóa
Chương 7: Kỹ năng và kỹ thuật Sketchnote
Trong mỗi trang của cuốn sách này, Mike Rohde đã sử dụng chính kỹ thuật sketchnote để phác thảo những ý tưởng của mình. Vì vậy, khi giở cuốn sách ra, bạn sẽ không nhìn thấy những dòng chữ kín trang giấy mà thay vào đó là những hình vẽ ngộ nghĩnh, dễ thương, và chúng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp ý tưởng của anh được truyền tải rõ ràng.
Sketchnote là gì?
Phương pháp ghi chú sketchnote là một cách tiếp cận trực quan và tổng thể với việc ghi chú, giúp kích thích trí óc của bạn, giúp bạn hiểu được các ý tưởng mà bạn nghe trong khi tay đang hoạt động để biến những ý tưởng đó trở thành các bản ghi chú trực quan, tổng thể.
Các bản sketchnote thường được thực hiện ngay trong khi một buổi thuyết trình, một buổi hội thảo,... đang diễn ra. Bạn cần lắng nghe và quan sát, đồng thời phân tích để tạo ra các hình vẽ về nội dung bài giảng, bài diễn thuyết trên trang giấy. Nó đòi hỏi một sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa khả năng lắng nghe, quan sát, khả năng tư duy và kỹ năng phác thảo nhanh chóng. Nghe có vẻ phức tạp, nhưng những phân tích tỉ mỉ của Mike sẽ khiến bạn nhận ra nó được tạo ra từ những quy tắc rất đơn giản và dễ hiểu.
Với sự tiếp nhận thông tin bằng cả hai kênh từ ngữ và trực quan, bạn sẽ có khả năng ghi nhớ và tập trung tốt hơn. Khi sử dụng phương pháp ghi chú truyền thống, các từ ngữ bạn nghe thấy được chuyển thành các từ ngữ trên trang giấy, không có sự xử lý đáng kể nào trong bộ não của bạn. Tuy nhiên, quá trình sketchnote chính là quá trình não bạn mã hóa cho hai khái niệm từ ngữ và trực quan cùng một lúc, chuyển những gì nghe được thành một bản đồ trực quan thông qua quá trình tư duy.
Đây không phải phương pháp ghi chú đầu tiên dựa trên ý tưởng kích thích bộ não một cách toàn diện. Sơ đồ tư duy (Mind map) của Tony Buzan cũng là một phương pháp nổi tiếng sử dụng kết hợp cả từ ngữ và hình ảnh để hỗ trợ tư duy và ghi nhớ, tuy nhiên cũng có đôi chút khác biệt giữa hai phương pháp này. Theo những hướng dẫn của Mike trong cuốn sách về sketchnote, phương pháp này dường như có sự linh hoạt và khả năng sáng tạo cao hơn bởi nó không có quy định nghiêm ngặt nào về việc trình bày ý tưởng. Nó cho phép bạn tạo ra một bản ghi chú mang đậm phong cách cá nhân với sự tự do, thoải mái nhiều nhất có thể. Nhờ thế, các bản sketchnote mà tác giả đưa vào minh họa cho cuốn sách chứa rất nhiều cảm hứng và niềm vui trong việc ghi chú.
Có thể sketchnote không nếu bạn không biết vẽ?
Câu trả lời của Mike Rohde là có.
Dù cho sketchnote là một kỹ năng ghi chú sử dụng hình ảnh, điều đó không có nghĩa bạn phải là một người giỏi hội họa.
Trẻ con vẽ để thể hiện ý tưởng. Chúng không lo lắng về độ hoàn hảo của những bức vẽ, chỉ cần những ý tưởng của chúng được truyền tải.
Mike nhấn mạnh rằng, điều bạn cần là ý tưởng chứ không phải nghệ thuật. Sketchnote không nhằm vào việc tạo ra những bức tranh xuất sắc, mà là sử dụng hình ảnh và từ ngữ để tư duy trên giấy. Dù bạn vẽ một con vịt xấu hay đẹp, đó vẫn là một con vịt. Kể cả những hình vẽ nguệch ngoạc cũng có khả năng truyền đạt ý tưởng hiệu quả.
Để giúp bạn bắt đầu những trang sketchnote đầu tiên, Mike đã chia sẻ một bí quyết: mọi thứ bạn muốn vẽ đều có thể được tạo ra từ 5 hình cơ bản. Đó là hình tròn, hình vuông, hình tam giác, đường thẳng, dấu chấm. Một khi bạn nhận ra điều đó, bạn sẽ khám phá ra cách thức để phác họa các ý tưởng đơn giản và dễ dàng. Bằng sự quan sát và tập luyện theo những bài tập Mike đưa ra trong cuốn sách, khả năng phác họa nhanh chóng nhưng vẫn diễn đạt đầy đủ nội dung của bạn sẽ dần tăng lên.
Tạo ra một bản sketchnote
Một trong những băn khoăn của những người mới tiếp cận với phương pháp sketchnote chính là: Làm thế nào để có thể kịp thời sketchnote trong khi đang lắng nghe diễn giả? Liệu việc tạo ra các hình vẽ có tốn thời gian hơn so với ghi chú bằng chữ thông thường?
Trong cuốn sách này, Mike cũng sẽ chia sẻ các kỹ năng lắng nghe thông tin để nắm bắt và lưu trữ ý tưởng. Bạn sẽ không thể tạo ra một bản sketchnote như ý nếu không tổng hợp và tóm tắt những ý tưởng lớn vào bản ghi chú của mình. Phương pháp của Mike cũng rất đơn giản, chỉ cần bạn luyện tập thường xuyên theo các chỉ dẫn này, việc nghe và vẽ cùng lúc sẽ diễn ra tự nhiên hơn.
Ngoài ra, Mike có các bước để bạn có thể tham dự một buổi hội thảo và sketchnote lại các ý tưởng hiệu quả nhất: các bước chuẩn bị, lựa chọn chỗ ngồi, những điều cần làm khi buổi hội thảo diễn ra,...Trong phần này, Mike cũng sẽ giải phẫu một bản sketchnote mà anh đã thực hiện để giúp bạn hiểu rõ hơn về từng yếu tố và hình dung ra quá trình tạo ra bản ghi chú này.
Các kiểu sketchnote và kỹ thuật sketchnote
Bạn có thể tìm thấy những bản sketchnote rất đẹp ở trên mạng. Chúng có thể được tạo ra từ những chuyên gia thiết kế và vẽ tranh minh họa với nhiều kỹ năng và kinh nghiệm. Nhưng dù hình vẽ đơn giản hay chau chuốt, bạn cần nhớ rằng chìa khóa của bản sketchnote vẫn là cấu trúc logic và nắm bắt được ý tưởng.
Vậy một bản sketchnote nên có cấu trúc như thế nào?
Mike không đưa ra một cấu trúc quy chuẩn nào cho bản sketchnote. Anh đã xem lại rất nhiều ghi chú sketchnote và rút ra kết luận về 7 kiểu khuôn mẫu phổ biến nhất, đó là:
Đường tuyến tính
Hình xuyên tâm
Theo chiều dọc
Hình con đường
Mô-đun
Hình tòa nhà cao tầng
Hình bỏng ngô
Mỗi khuôn mẫu lại có các điểm mạnh, điểm hạn chế khác nhau, từ đó sẽ phù hợp với các mục đích khác nhau của bản ghi chú. Bằng việc tìm hiểu và nắm được đặc điểm của các khuôn mẫu này, bạn sẽ chọn được một cấu trúc thích hợp cho bản sketchnote của mình.
Trong phần này, Mike cũng tập trung giới thiệu các kỹ thuật, các phương pháp tạo ra những hình vẽ, chữ vẽ tay hay ký hiệu hiệu quả cho bản sketchnote. Có một số phương pháp rất thú vị, như phương pháp vẽ người Gray, phương pháp vẽ biểu cảm khuôn mặt và tạo ra các kiểu chữ nhanh chóng mà vẫn đảm bảo thể hiện được đầy đủ nội dung bạn muốn.
Lời kết
Ghi chú là một hoạt động không thể thiếu trong học tập và làm việc. Sketchnote không phải là phương pháp ghi chú duy nhất, cũng không phải phương pháp ghi chú sáng tạo duy nhất. Tuy nhiên, với khả năng sáng tạo không giới hạn, khả năng kích thích tư duy và tạo ra nguồn cảm hứng, sketchnote là một kỹ năng ghi chú rất đáng để tìm hiểu. Cuốn sách Sketchnote lý thuyết được viết bởi chính người tạo ra phương pháp này, Mike Rohde, chắc chắn sẽ là nơi cung cấp các chỉ dẫn chính xác và tỉ mỉ nhất về sketchnote mà bạn có thể tìm đến.