Hướng dẫn nhanh các cách đứng nước cơ bản
Đứng nước (treading water) là một kỹ năng rất cần thiết với mỗi chúng ta. Không chỉ giúp bạn tự tin khi bơi lội, nó còn có thể cứu cánh nếu gặp sự cố bất ngờ ngoài sông, hồ, biển. Tuy nhiên, thực tế không ít người dù đã biết bơi nhưng vẫn chưa thể đứng nước tại chỗ. Và hầu hết các khóa học thường chỉ dạy kỹ thuật bơi, cả học viên lẫn thầy cô đôi khi cùng bỏ qua kỹ năng cơ bản này.
Nếu bạn đã biết bơi một kiểu nào đó: ếch, sải, ngửa hay bơi chó… việc tập đứng nước thực ra khá đơn giản. Thay vì nằm ngang đẩy lực về sau để tiến lên trước, bạn cần giữ thân thẳng đứng và đẩy lực xuống dưới để chống lại trọng lực. Nếu phát lực hiệu quả, bạn sẽ nổi. Ngược lại, nếu luống cuống sai kỹ thuật, phát lực lung tung, bạn vẫn có thể chìm dù đã vùng vẫy đến kiệt sức.
Ở bài này sẽ hướng dẫn nhanh một số cách đứng nước thông dụng: đứng nước bằng chân sải và chân ếch. Ngoài ra còn kiểu hiếm gặp là đứng nước bằng sóng thân hoặc chân bướm.
Gọi là đứng nước bằng chân, không có nghĩa bạn chỉ dùng chân. Bàn tay, cánh tay vẫn giữ vai trò quan trọng. Khi chân vẫy hoặc đạp nước, tay sẽ thực hiện động tác chèo (của mái chèo). Nếu nghỉ tay, bạn vẫn nổi được nhưng phải tăng tốc độ chân thậm chí gấp đôi. Khi ấy, chân rất nhanh mỏi và không thể đứng nước được lâu.
Đứng nước bằng chân sải
Đứng nước bằng chân sải (flutter kick): kiểu này khá tốn sức nhưng vẫn được ứng dụng trong thực tế.
- Hai chân vẫy so le (cắt kéo), bàn chân đưa về sau rồi đá ra trước.
- Cổ chân phải đủ dẻo để bàn chân vẫy gần giống như đuôi cá. Cổ chân cứng quá sẽ không tạo được lực hướng xuống đáy, rất khó nổi mà vẫn rất mệt.
- Hai tay như 2 mái chèo hoạt động luân phiên. Đưa tay về trước rồi kéo lại, đẩy nước xuống dưới và về phía sau.
- Bàn tay giữ trạng thái phẳng dẹt để tạo ra diện tích lớn nhất. Không úp bàn tay, không co quắp các ngón vì sẽ thất thoát lực đẩy.
- Động tác tổng thể giống như đang đi bộ hay chạy chậm. Chân và tay hoạt động so le. Chân trái đá lên đồng thời tay phải đưa về trước, tiếp đến chân phải đi cùng với tay trái.
- Chân và tay liên tục ra trước – về sau. Do đó ngoài lực phát hướng xuống đáy (có ích) còn phần lực hao phí theo phương nằm ngang. Động tác chân tay so le luân phiên nên các lực này được triệt tiêu (cân bằng).
Đứng nước bằng chân ếch
Đứng nước bằng chân ếch (frog kick): kiểu dễ dàng và ít tốn sức nhất. Được ứng dụng nhiều nhất trong thực tế dù ở bể bơi hay ngoài mặt nước tự nhiên.
- Động tác chân, tay là giống nhau ở 2 bên trái, phải (đối xứng, đồng thời).
- Chân đạp như bơi ếch. Tay chèo dang rộng ra 2 bên rồi thu vào trước bụng.
- Động tác đạp chân và động tác chèo tay là luân phiên xen kẽ. Chân đạp thì tay nghỉ, tay chèo nhấn xuống thì chân nghỉ.
- Động tác đạp chân và tay chủ yếu phát lực hướng xuống đáy, ít hao phí. Đồng thời, chân và tay đều có pha nghỉ luân phiên nên ít tốn sức hơn kiểu chân sải.
Đứng nước bằng sóng thân
Đứng nước bằng sóng thân (chân bướm – dolphin kick): rất tốn sức, khó đứng lâu. Gần như không ứng dụng trong thực tế ngoài việc tập luyện dolphin kick hay bổ trợ bơi bướm.
- Đòi hỏi phải có độ linh hoạt tổng thể để thực hiện được cú uốn sóng từ đầu xuống hết chân.
- Phần core (bụng) phải khỏe để phát động, cổ chân phải mềm dẻo để kết thúc sóng và phát lực đẩy ra.
- Mức độ khó hơn, thay vì chắp hai tay (dưới nước), bạn phải thực hiện khi giơ hai tay lên không. Khó hơn nữa thì giơ tay giữ thêm tạ.
Như vậy, chúng tôi đã giới thiệu một số cách đứng nước cơ bản hay được sử dụng. Khi bơi lội tập luyện ở trong bể, chẳng mấy khi phải đứng nước. Nhưng với bơi Open Water thì khác, cần đứng nước thường xuyên giữa các chặng nghỉ. Từ trong bể bơi ra mặt nước thiên nhiên, yếu tố tâm lý là rào cản với hầu hết mọi người. Thành thạo kỹ năng đứng nước là một chìa khóa quan trọng để phá bỏ rào cản đó.
Vậy nếu bạn vẫn đang bỏ sót kỹ năng này, hãy bổ sung càng sớm càng tốt nhé. Và thêm những lưu ý cuối cùng:
- Cần tập đứng nước ở bể sâu hơn mức bạn có thể đứng chạm đáy.
- Tập thử động tác ở chỗ nông trước, đứng gần thành bể.
- Khi tập ra chỗ sâu, hãy đảm bảo có bạn bè hoặc nhân viên cứu hộ quan sát bạn.