
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ XÂY DỰNG CHÙA HANG
Chư vị tiền nhân khai sơn Chùa Hang và đồng hành với dân tộc, từ khi đất phương nam mới khai hóa, ngày nay Chùa Hang với cảnh trí sơn thuỷ trang nghiêm thanh tịnh, là một danh lam thắng cảnh của Phật giáo Nam bộ, một Di Tích Lịch Sử Văn Hoá Quốc Gia, là Tòng Lâm của thiền phái Lâm Tế [1] Nam bộ.
- Chùa Phước Điền, tên thường gọi chùa Hang được khai sơn vào năm Thiệu Trị thứ 5, Ất Tỵ, (1845). Do Tỳ kheo Ni Thích nữ Diệu Thiện, tên thường gọi sư Bà Thợ (1818 - 1899).
- Hòa thượng thượng Huệ hạ Thiện, pháp húy Hồng Chí (1902-1986). Trụ trì đời thứ II, (1925 - 1986).
Trùng tu xây dựng Tổ Đường lần thứ I vào năm 1926 - 1932, (Tổ đường hiện nay là Đại hùng Bảo Điện). Sau khi xây xong Hòa thượng đặt tên hiệu Chùa Phước Điền, (chùa Hang là tên dân gian) 1973 xây Tăng đường (nay là Tổ đường).
- Hòa thượng Thượng Thiện hạ Chơn, tự Giáo Năm, pháp húy Nhật Năm, 1932 - 1998, trụ trì đời thứ III, (1987 - 1998). Là đệ tử của tổ HỒNG CHÍ.
- Hoà thượng thượng Thiện hạ Tài, pháp húy Nhật Không đảm nhiệm trụ trì vào tháng 9 năm 1998.
Năm 1999 đại trùng tu kiến tạo Thiền đường, Giảng đường, Tạng Kinh Các, Ngũ quán Đường, Di Đà Bửu điện, Bát Nhã đường, Di Lặc điện, Địa Tạng Điện, Đại Hùng Bửu điện, Quán Âm ba mặt trên hồ. . .
[1] Lâm Tế tông là một dòng thiền được liệt vào Ngũ gia thất tông—tức là Thiền chính phái—do Thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền sáng lập. Đây là tông Thiền phát triển và hưng thịnh nhất trong Thiền tông. Cùng với tông Tào Động, tông Lâm Tế là một trong hai phái Thiền còn được truyền thừa liên tục cho đến ngày nay ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam. Khoảng vài mươi năm đến bây giờ, tông Lâm Tế được truyền bá rộng rãi đến phương Tây thông qua các Thiền sư Nhật Bản.
TIỂU SỬ VỊ NỮ TU ĐẦU TIÊN CỦA ĐẤT NAM BỘ

Sư bà Thích nữ Diệu Thiện (1818-1899)
Truyền thừa Vân Môn Tông mạch, đời thứ 40.
Ngược dòng thời gian vào mùa thu năm Thiệu Trị thứ 5, Ất Tỵ (1845) có vị nữ tu Phật giáo thuộc dòng thiền Vân Môn, từ Chợ Lớn, Gia Định thân lâm đến Núi Sam ẩn tu trong hang đá với ba y, một bình bát, sáng chiều rau trái lót dạ, hang đá che gió sương, thống thiết việc lớn sanh tử, quên cả thời gian khi khách trần khám biết, thấm thoát đã hơn ba mươi năm.
Vị nữ tu ngày ấy chính là Ni sư Thích nữ Diệu Thiện, thiện nam tín nữ, Phật tử gần xa thường gọi Ni sư là Sư bà Thợ chùa Hang. Vì nơi này có những hang động như: hang Bạch Hổ, hang Thanh Xà, Bạch Xà. Hang Bạch Hổ ngày nay đã trở thành hang Vạn Phật, hang Thanh Xà, Bạch Xà là nơi Sư Bà ở ẩn tu, cũng chính nơi này Sư Bà cảm hoá quy y cho đôi rắn Thanh xà, Bạch xà.
Sư Bà vì đôi Thanh Xà mà thuyết Tam Quy y, đôi rắn nghe rồi vẫy đuôi bò đi, không lâu sau đôi rắn ấy trở lại, gần gũi với Sư Bà. Bởi thế, người dân vùng núi gọi là: “Sư bà phục xà”.
Bấy giờ, Sư Bà ở sơn động ngày ngày tọa Thiền, trì kinh Pháp Hoa; chẳng bao lâu lương thực hết, Sư Bà bèn hái trái cây rừng để ăn. Trong núi, ngoài rắn còn có khỉ, vượn. Bọn ấy lạ thay, thường hay đến hang, chúng lại đem cả hoa quả, trái cây lại dâng cho Sư Bà!
Sư Bà thường hay nhập thiền[1], có lần Bà nhập thiền đến cả tuần, không ăn uống, không động đậy thân thể; thậm chí hơi thở dường như dứt tuyệt, có người lên núi thăm Sư Bà thấy vậy thì lầm tưởng rằng Sư Bà đã chết nên tức tốc cấp báo với Phật tử để lo việc hậu sự, lúc ấy có vị đệ tử là Thông Phán nghe tin, bèn lên núi xem hư thực. Tới nơi, biết Sư Bà đang nhập thiền liền gõ ba tiếng khánh, đánh thức Sư Bà, từ trạng thái Thiền định, sau đó tin Sư Bà nhập định lan truyền khắp nơi.
Nhận thấy cư dân nơi đây chỉ khế hợp với pháp môn Niệm Phật, Sư Bà dung phương tiện khai thị “Cảnh Giới Tây Phương Cực Lạc” trong kinh A Di Đà khuyến thiện Nam tính Nữ phát tâm niệm Phật, nguyện sanh về miền Cực Lạc của Phật A Di Đà. Sau bài giảng của sư Bà mọi người đồng phát nguyện niệm Phật và truyền bảo rằng Sư Bà mới đi thiếp đến cảnh tây phương cực lạc.
(Về sau mọi người ghi chép lại bài giảng của sư Bà, rồi nương vào bài giảng làm thành thơ lục bát đặt tựa là giảng Bà Thợ và in thành sách truyền bá, mãi đến năm 1953, xuất bản với tên gọi GIẢNG BÀ THỢ, giấy phép số: 2252 VPTT in tại Châu Đốc, ngày 1/4/1953.)
Nơi đây đã in dấu lịch sử công hạnh của vị nữ tu (Tỳ kheo Ni) đầu tiên của Phật giáo Nam Bộ. Sự hiện diện của Sư Bà đã góp phần phụng sự đạo pháp dân tộc vùng đất mới, đứng trên bình diện chia sẻ hướng dẫn cho mọi người đi trên con đường an lạc hạnh phúc.
Đi vào đời bằng tinh thần đại sĩ, toả ngát hương lành, đem thân huyễn độ người như huyễn, mượn thuyền từ độ người trong mê, gương uy mãnh từ đây hiển hiện. Bằng nghĩa cử thân giáo, khẩu giáo, tâm giáo và bằng đạo hạnh viên mãn, Sư Bà đã tạo nên một sức sống vì đạo, vì đời trong lòng người dân vùng đất phương Nam.
Thế nhưng dù thời gian có trôi qua, không gian có biến dịch, song công đức và đạo hạnh của Sư Bà đã cống hiến cho đạo pháp, cho dân tộc vẫn còn sống mãi trong tâm tư trong ý nghĩ của mọi người.
[1] Nhập thiền, ngồi tới lúc trong không có thân tâm, ngoài không có thế giới, xa gần đều trống rỗng thì mới đạt đến chỗ không có ngã-tướng, không có nhân-tướng, không có chúng-sinh-tướng, không có thọ-giả-tướng; cũng là lúc “tâm quá khứ không có, tâm hiện tại không có, tâm vị lai cũng không có”. Trải qua cảnh giới nhẹ nhàng khinh an, cứ tiếp tục tham Thiền thì sẽ nhập cảnh giới Thiền.
Sư Bà sinh năm: Mậu Dần 1818.
Xuất gia: Ngày 19 tháng 02 năm 1836 (18 tuổi)
Sa di: Năm 1837
Tỳ kheo ni: Năm 1839
Ẩn tu: Năm 1845
Viên tịch: Ngày 15 tháng 06 năm Kỷ Hợi (1899) thọ 81 tuổi
Giới lạp: 49 năm.