Khoai Lang Tím Mọc Mầm Có Sử Dụng Được Không?
Theo các chuyên gia cho rằng, khoai lang tím khác biệt so với khoai tây hay khoai sọ, nên nó không sản sinh chất độc hại khi mọc mầm.
Khoai lang tím mọc mầm có sử dụng được không?
Theo các chuyên gia cho rằng, khoai lang tím khác biệt so với khoai tây hay khoai sọ, nên nó không sản sinh chất độc hại khi mọc mầm. Do đó, khoai lang tím mọc mầm vẫn có thể được tiêu thụ sau khi loại bỏ phần mầm đúng cách.
Dẫu vậy, để đảm bảo an toàn và giữ gìn hương vị, các chuyên gia không khuyến nghị tiêu thụ phần mầm của khoai. Hãy cẩn thận gọt bỏ phần mầm sạch sẽ, rửa sạch khoai dưới vòi nước và ngâm trong dung dịch nước muối khoảng 10 phút trước khi tiến hành chế biến, nhằm loại bỏ bất kỳ tạp chất nào có thể tồn tại.
Do đó, tốt nhất bạn nên ăn khoai lang tím khi khoai còn tươi, vừa được thu hoạch, tránh để khoai lâu.
Cách nhận biết khoai lang tím mọc mầm và khoai bị hư hỏng
Để phân biệt giữa khoai lang tím mọc mầm và khoai lang bị hư hỏng, chúng ta cần lưu ý những điểm sau:
- Khoai lang tím mọc mầm có thể vẫn an toàn để tiêu thụ nếu mầm được loại bỏ và khoai không có dấu hiệu của nấm mốc, hư hỏng. Tuy nhiên, nếu khoai lang có các đốm màu xanh, đen hoặc nâu, hoặc có mùi lạ, củ khoai sùng, đó có thể là dấu hiệu của việc khoai đã bị hỏng và không nên sử dụng.
- Khoai lang bị nấm mốc, hư hỏng không chỉ mất đi hương vị ngon ngọt tự nhiên vốn có, mà ăn khoai lang tím bị hỏng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe với các triệu chứng như nôn mửa, đau đầu, chóng mặt, và tiêu chảy. Đối với những người có hệ miễn dịch kém và hệ tiêu hóa kém như người lớn tuổi và trẻ nhỏ, việc tiêu thụ khoai lang tím bị nấm mốc có thể đặc biệt nguy hiểm và cần được tránh xa.
Để đảm bảo an toàn, hãy kiểm tra kỹ lưỡng khoai lang trước khi sử dụng và nếu khoai có dấu hiệu của nấm mốc bạn nên bỏ đi không nên ăn.
Lý do khoai lang tím mọc mầm
Khoai lang tím bị mọc mầm chủ yếu là do điều kiện môi trường, đặc biệt là nhiệt độ, do quá trình lưu trữ và bảo quản bạn đã thực hiện sai cách. Nguyên nhân chính là do nhiệt độ trong nhà thường dao động ở mức khoảng 21 độ C - đây là mức nhiệt giúp khoai lang mọc mầm thuận lợi. Vậy nên, dù trong thời gian ngắn khoảng 1- 2 tuần, từ thân khoai sẽ phát triển ra các mầm nhỏ màu tím.
Khi bảo quản khoai lang tím ở nhiệt độ từ 12 - 14 độ C thì nó sẽ khó mọc mầm, tuy nhiên, nhiệt độ này thì thường trong nhà chúng ta thường không thể đáp ứng được. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ ngay đến cách bỏ vào tủ lạnh thì không nên nhé, vì cho khoai lang vào tủ lạnh nó sẽ làm khoai cứng, cấu trúc tế bào khoai bị thay đổi, không những vậy nó cũng có thể làm tăng hàm lượng đường trong khoai.
Vì vậy, để khoai lang tím không mọc mầm, thì khi mua khoai lang về bạn nên chế biến ngay, nên mua đủ số lượng cần dùng, không nên mua quá nhiều, để tránh khoai bị giảm hương vị, thay đổi kết cấu, hư hỏng, mọc mầm...
Hướng dẫn chọn mua và bảo quản khoai lang tím
Để tận hưởng hương vị thơm ngon và đảm bảo giá trị dinh dưỡng của khoai lang tím, việc lựa chọn, chế biến và bảo quản cần được thực hiện một cách cẩn thận. Khi bạn mua khoai lang tươi, chất lượng thì bạn cũng sẽ chế biến được món ăn vừa ngon vừa bổ dưỡng. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể áp dụng:
Phương pháp chế biến
Luộc, nấu hoặc nướng là các phương pháp tốt nhất để giữ nguyên hàm lượng dưỡng chất và hương vị của khoai lang tím, ngoài ra khoai lang luộc, hấp và nướng là cách ăn tốt nhất cho sức khỏe.
Hạn chế ăn khoai lang chiên, rán, xào... vì đây đều là món nhiều dầu mỡ có thể làm biến đổi tinh bột trong khoai, khi ăn vào có thể gây khó tiêu, buồn nôn và không tốt cho sức khỏe.
Cách chọn mua khoai lang tím
Khi mua khoai, hãy chọn những củ khoai lang tươi mới thu hoạch, khô ráo, không bị thâm, không bị đốm đen, sùng thối, hư hỏng. Khoai cần có mùi thơm đặc trưng. Tránh chọn những củ quá to vì chúng thường già và không còn ngọt. Củ khoai bị nứt, bị dập hay trầy xước bạn cũng không nên mua, vì nó có thể bị côn trùng xâm nhập, có thể không ngon và bị hư hỏng.
Cách bảo quản khoai
Khoai chưa chế biến nên được bảo quản ở nơi thoáng mát, khô ráo, cho khoai vào túi giấy kín để ở nơi nhiệt độ thấp để lưu trữ, tránh ẩm mốc. Không để khoai trong tủ lạnh vì có thể làm cho khoai héo và mất mùi vị, cũng như làm khoai nhanh hỏng.
Món ăn chế biến từ khoai nên được đựng trong hộp thực phẩm và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Tiêu thụ sớm nhất có thể để tránh việc khoai bị hấp thụ mùi từ các thức ăn khác.
Tóm lại là bạn nên tiêu thụ khoai sớm, tránh để khoai lang lâu, vì như vậy sẽ dễ bị hư hỏng, mất ngon và hao hụt dưỡng chất.