Rà Soát Kỹ Lưỡng, Quy Định Chặt Chẽ
Thảo luận tại tổ sáng nay (ngày 6 - 1), về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự, các đại biểu Quốc hội tại Tổ 3 (gồm các đại biểu Quốc hội ở Trung ương thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng và các tỉnh Sơn La, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng và Kiên Giang) nhấn mạnh, đây là dự án Luật có tính chất đặc biệt, sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều Luật, có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau, thuộc các lĩnh vực khác nhau, các quy định có tính chất tương đối độc lập.
Chưa xử lý dứt điểm vướng mắc trong truyền tải điện
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp tổ (Ảnh: Quang Khánh)
Nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật để sửa đổi, bổ sung 8 Luật, song các đại biểu Quốc hội cũng đặc biệt quan tâm đến việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; cơ sở khoa học thực tiễn của các chính sách sửa đổi, bổ sung; nhấn mạnh yêu cầu phải rà soát kỹ lưỡng, quy định chặt chẽ các nội dung được sửa đổi, bổ sung để đảm bảo việc áp dụng pháp luật trong thực tế cũng như các điều khoản chuyển tiếp và hiệu lực thi hành.
Các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành luật theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm giải quyết các trường hợp đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống dịch bệnh; trường hợp cấp bách để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Tuy nhiên, nhiều đại biểu băn khoăn về một số nội dung của dự luật và đề nghị cần làm rõ những chính sách thực sự cấp bách, cần thiết phải sửa đổi ngay lần này để phát huy hiệu quả hay. Đối với những vấn đề lớn, phức tạp, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao, theo các đại biểu Quốc hội không nên đưa vào dự án Luật lần này. Mặt khác, dự án Luật sửa đổi, bổ sung 8 Luật cụ thể, nên điều khoản thi hành, thời điểm có hiệu lực của từng luật phải quy định chi tiết, cụ thể ngay trong dự thảo Luật.
Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La, Hải Phòng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Đắk Nông, Sóc Trăng, Kiên Giang thảo luận tại tổ (Ảnh: Quang Khánh)
Liên quan đến Luật Điện lực, dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng bỏ quy định về lưới điện đồng bộ, bỏ quy định về quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện. Nhất trí với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực nhằm thể chế chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập hiện hành và giải quyết vướng mắc liên quan đến độc quyền truyền tải điện, tuy nhiên, ĐBQH Nguyễn Phương Tuấn (Kiên Giang) cũng cho rằng, nếu chỉ sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực thì sẽ không xử lý dứt điểm được những vướng mắc trong truyền tải điện. Đại biểu đề nghị cần rà soát để sửa đổi các điều khoản khác có liên quan đến vấn đề này. Cùng với đó, cần tiếp tục làm rõ phạm vi độc quyền của nhà nước trong truyền tải điện quốc gia; quyền và nghĩa vụ trong vận hành truyền tải trong khu vực tư nhân và nhà nước; quyền tự do thỏa thuận giữa các tổ chức hoạt động điện lực, sử dụng điện và các nhà đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo quy định pháp luật; có quy định tháo gỡ điểm nghẽn bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, nhất là trong vấn đề nhận tài sản, hoạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm rõ, trước đây có quy định “Nhà nước độc quyền truyền tải điện” được hiểu là độc quyền trong tất cả các khâu từ đầu tư, quản lý, vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia. Quan điểm trước đây cho phép tư nhân đầu tư nhưng quản lý, vận hành, điều độ vẫn thuộc độc quyền nhà nước. Do đó phát sinh yêu cầu sau khi tư nhân đầu tư xong phải bàn giao cho nhà nước. Đến dự thảo Luật lần này đã có sự phân cấp trong quản lý, vận hành.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hồng Diên (TP. Hải Phòng) phát biểu tại phiên họp tổ (Ảnh: Quang Khánh)
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, ĐBQH TP Hải Phòng khẳng định, dự thảo Luật không đặt ra vấn đề bàn giao sau đầu tư của nhà đầu tư. Vấn đề bàn giao chỉ đặt ra khi nhà đầu tư có cam kết trước. Tại dự thảo Luật lần này quy định rõ tư nhân đầu tư có quyền quản lý, vận hành; trường hợp không thể quản lý, vận hành trực tiếp thì có thể thuê quản lý, vận hành. Ông Nguyễn Hồng Diên cũng nêu rõ, điều quan trọng trong sửa đổi lần này là nhằm giải quyết bài toán huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành điện; quy định về đầu tư để vừa giải tỏa công suất của các nhà máy điện hiện có và khai thác lợi thế tiềm năng của các địa phương; đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Bảo đảm thống nhất trong từng luật và trong toàn hệ thống pháp luật
ĐBQH Nguyễn Trường Giang phát biểu tại họp tổ (Ảnh: Quang Khánh)
Về nội dung sửa đổi Luật Thi hành án dân sự, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) bày tỏ nhất trí với nội dung dự thảo Luật. Theo đó, trường hợp người phải thi hành án có tài sản phải xử lý ở nhiều nơi, theo quy định hiện hành thì phải thi hành án lần lượt, tuần tự ở từng nơi. Dự án Luật trình Quốc hội lần này quy định theo hướng được ủy thác thi hành án để có thể tiến hành đồng thời, xử lý tài sản ở nhiều địa phương cùng lúc nhằm đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nâng cao hiệu lực thi hành án, nhất là trong việc thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Trực tiếp thẩm tra nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Thuỷ cũng nhấn mạnh yêu cầu phải bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. “Luật nào cũng phải bảo đảm yêu cầu này. Đối với dự án Luật theo quy trình 1 luật sửa nhiều luật thì việc bảo đảm tính thống nhất càng cần thiết, không chỉ bảo đảm thống nhất trong mỗi luật mà còn thống nhất trong toàn hệ thống pháp luật. Do đó các cơ quan cần có sự rà soát kỹ lưỡng các quy định có liên quan”, đại biểu đề nghị.
Các đại biểu Quốc hội cũng đã thảo luận về nội dung sửa đổi Luật Đầu tư liên quan đến thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, quy mô dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. ĐBQH Phạm Nam Tiến (Đắk Nông) nhất trí việc phân cấp cho địa phương quyết định chủ trương đầu tư thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư về thủ tục đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội, phát huy giá trị của di sản văn hóa và các điều kiện theo quy định, phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của Luật Di sản văn hóa. Tuy nhiên, đại biểu cũng nêu rõ, việc bổ sung quy định này cần gắn với cơ chế tăng cường giám sát, kiểm tra, đồng thời việc thẩm định và lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa được thực hiện theo thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư quy định tại Điều 36 Luật Đầu tư và không làm phát sinh thủ tục hành chính. Do đó, cần bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của UBND, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư.
--------------------------------------------------------------
Quỳnh Chi
Đăng ngày: 07/01/2022