Kiên Giang: Phát Triển Hệ Sinh Thái Khởi Nghiệp Đổi Mới Sáng Tạo
Tỉnh Kiên Giang luôn chú trọng xây dựng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó, các cơ chế, chính sách cần thiết, đặc thù cho hoạt động này được ban hành. Các cuộc thi, lớp tập huấn, hội nghị về khởi nghiệp sáng tạo, chương trình đào tạo, ươm tạo, kết nối cố vấn được tăng cường tổ chức nhằm tạo điều kiện cho nhiều dự án khởi nghiệp bước ra thị trường, phát triển sản phẩm.
Khởi nghiệp thành công từ các cuộc thi
Sản phẩm tôm khô của HTX Dịch vụ nông nghiệp Hiểu Phát, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang). Ảnh: Văn Sĩ - TTXVN
Thay vì trồng dừa để lấy trái như nhiều nhà vườn khác, anh Lê Trọng Đáng (ở xã Tân Thạnh, huyện An Minh) đã chọn hướng kinh doanh riêng, đó là trồng dừa để bán củ hủ. Theo anh Đáng, khoảng 6 năm trước, trong một lần dự tiệc ở nhà hàng, anh được thưởng thức món gỏi củ hủ dừa rất ngon miệng. Sau đó, anh đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ việc trồng dừa để bán củ hủ.
Sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2020, anh Đáng cải tạo vườn đất nhiễm phèn, nhiễm mặn quanh nhà trồng hơn 300 cây dừa. Anh Đáng cho biết, mỗi một củ hủ dừa sau khi bóc sạch lớp vỏ nặng từ 8 - 10 kg lõi trắng. Giá bán hiện tại từ 30 - 40.000 đồng/kg. Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm, anh thu hoạch khoảng 4,5 tấn củ hủ dừa, trung bình mỗi năm thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
Mô hình trồng củ hủ dừa của anh Đáng đã trở thành mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của huyện An Minh. Nhiều thanh niên, nông dân đã đến học tập kinh nghiệm. “Tôi nhận được sự hỗ trợ từ chương trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dành cho thanh niên và xem đây là động lực để vượt qua những khó khăn ban đầu. Bên cạnh đó, tôi được nhiều đơn vị giới thiệu để kết nối cung ứng củ hủ dừa ở nhiều nhà hàng, dịch vụ nấu ăn trong tỉnh, đảm bảo đầu ra cho nông sản. Tôi rất vui khi mô hình của mình đã được nhân rộng giúp bà con tăng thu nhập”, anh Lê Trọng Đáng cho biết.
Từ Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang và Cuộc thi ý tưởng học sinh, sinh viên khởi nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần I năm 2022, dự án Cá cơm xanh của nhóm sinh viên Trường Đại học Kiên Giang đã giúp tăng thu nhập cho nhiều người dân vùng ven biển. Trưởng nhóm thực hiện dự án - em Nguyễn Thị Thúy Liên chia sẻ, sau khi đoạt giải tại các cuộc thi của tỉnh và khu vực, nhóm đã sản xuất sản phẩm bánh phồng cá cơm biển và muối ớt cá cơm biển để cung ứng cho thị trường với sản lượng bán ra hơn 1,5 tấn, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm.
Trưởng nhóm thực hiện dự án cho hay, nguồn nguyên liệu cá cơm dồi dào ở các vùng biển Kiên Giang với giá thành thấp. Do đó, các sản phẩm làm ra có giá thành cạnh tranh hơn so với bánh phồng tôm truyền thống, hay muối tôm. Từ khi thực hiện dự án cho đến nay, nhóm đã nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan, đơn vị như: Hỗ trợ vốn đầu tư khởi nghiệp dành cho sinh viên; được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật bảo quản, đóng gói; được quảng bá, giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm…
“Thời gian đầu, nhóm làm bánh phồng cá cơm biển và muối ớt cá cơm biển chủ yếu để bán tại các điểm du lịch, phục vụ khách du lịch mua về làm quà tặng. Tuy nhiên, sản phẩm thơm ngon, được nhiều người dùng ưa thích, nhóm đã sản xuất với quy mô lớn hơn để bán rộng rãi ngoài thị trường. Nhóm đã chia sẻ cách làm cho nhiều ngư dân vùng biển để tạo thêm việc làm, phát triển kinh tế”, Trưởng nhóm thực hiện dự án chia sẻ.
Ông Hứa Trường Giang là một trong những người đầu tiên của huyện Gò Quao tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu sản xuất phân bón hữu cơ theo hướng công nghiệp. Ông Giang cho biết, ông biết ơn Cuộc thi “ Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Kiên Giang”, “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” và “Ngày hội Khởi nghiệp” do tỉnh Kiên Giang tổ chức. Đến với cuộc thi, ông đã được trải nghiệm, nâng cao kiến thức, có thêm cơ hội kết nối với doanh nghiệp, cộng đồng, giới thiệu sản phẩm.
Theo ông Giang, nhu cầu sử dụng phân bón hữu cơ của nông dân tăng cao do phải đáp ứng các tiêu chuẩn sản xuất nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Không chỉ vậy, giá các loại phân bón hóa học ngày càng tăng cao làm cho nông dân ưu tiên chọn sử dụng phân bón hữu cơ. Từ năm 2020 đến nay, công ty của ông đã cung ứng cho thị trường hơn 300 tấn phân bón hữu cơ các loại.
“Để khởi nghiệp thành công, tôi nghĩ bên cạnh sự nỗ lực sáng tạo của bản thân cần đến sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước, một số tổ chức khác có liên quan. Đặc biệt, đó là việc tạo cơ chế, chính sách thuận lợi, rõ ràng và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Cùng với đó, là các chính sách hỗ trợ về vốn, tập huấn khoa học, kỹ thuật; kết nối tiêu dùng, phân phối sản phẩm”, ông Hứa Trường Giang cho hay.
Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh đang được hình thành. Điều này thể hiện rõ nhất ở việc Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch về Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025 với những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể.
Hàng năm, Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sự kiện về khởi nghiệp cho các đối tượng. Giai đoạn 2018 - 2023, các chương trình đã hỗ trợ gần 100 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 20 dự án tốt nghiệp từ chương trình ươm tạo… Tỉnh đã tổ chức các cuộc thi: Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sáng tạo trẻ, Ngày hội khởi nghiệp... thu hút hơn 100 dự án tham gia.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của tỉnh hiện vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với nhiều người, nhất là thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực. Nhiều đề án, dự án còn dở dang; nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa. Nhiều hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chỉ mang tính thời điểm. Các tổ chức hỗ trợ ngày càng nhiều nhưng chất lượng không tương xứng. Mạng lưới hỗ trợ đơn lẻ và rời rạc; chưa kết nối được dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư.
Để thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh, theo Tiến sỹ Nguyễn Xuân Niệm, tỉnh cần bám sát Quyết định số 844/QĐ-TTg, ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" để nhanh chóng xây dựng thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bài bản; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh cần tạo lập môi trường tương tác, có chính sách ươm mầm phát triển khởi nghiệp, nhất là về vấn vốn hỗ trợ cho các dự án; tăng cường tư vấn về bảo vệ bản quyền, sở hữu trí tuệ, pháp lý, tiếp cận thông tin; trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành, xây dựng thương hiệu cho người có nhu cầu khởi nghiệp. Địa phương đẩy mạnh kết nối giữa tổ chức, cá nhân làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp với mạng lưới từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao cơ hội tiếp thu tri thức mới về khởi nghiệp nói chung, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Báo Ảnh Dân tộc và Miền Núi
- Phóng viên: Văn sĩ
Xem chi tiết bài viết gốc ở đường link bên dưới...