Châu Đốc | Đình Vĩnh Nguơn - Di Tích Cấp Quốc Gia
Tọa lạc trên một nền đất cao tại ngã ba sông. Mặt tiền đình nhìn ra bờ kinh Vĩnh Tế.
Thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa
Ảnh: Đình Vĩnh Ngươn Châu Đốc An Giang
Xưa nay đình làng là hình ảnh thân quen, gắn bó với đời sống tinh thần của cộng đồng, gắn liền với tâm hồn của người Việt qua bao thế hệ. Kiến trúc đình làng mang đậm dấu ấn văn hóa độc đáo của từng vùng, miền. Đình làng không những tạo ra không gian văn hóa truyền thống chứa đựng không gian thẩm mỹ cao, mà còn là trung tâm tín ngưỡng, sinh hoạt văn hóa của làng xã, dân làng thường đến đình để lễ bái cầu mưa thuận gió hòa, xóm làng yên ổn và cũng là nơi quy tụ, gắn kết mọi thành phần trong xã hội.
Ảnh: Đình Vĩnh Ngươn có lối kiến trúc độc đáo
Đình là thiết chế văn hóa tín ngưỡng của làng xã thời xưa, là nơi thờ thần Thành hoàng, được sắc phong theo ý nghĩa là thần phù hộ cư dân một làng. Ngoài ra, ngôi đình còn là nơi thờ các vị phúc thần, thần linh, danh nhân lịch sử, Tiền hiền, Hậu hiền những người có công thành lập và xây dựng làng xã.
Ngày xưa, vùng đất An Giang trong quá trình khai mở với bao khó khăn, nguy hiểm trước cảnh rừng thiêng nước độc, các lưu dân rất cần có một chỗ dựa về tinh thần và cần sự gắn bó với truyền thống dân tộc, nên họ lập làng ở đâu thì dựng đình ở đó như là một sự tín ngưỡng. Chính vì vậy mà khắp nơi trên vùng đất phương Nam đều có đình, người dân thường gọi chung là đình Thần hay đình làng Nam bộ. Trong đó, không thể không nhắc đến Đình Vĩnh Nguơn được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1988 và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của nhân dân. Tọa lạc trên một nền đất cao tại ngã ba sông. Mặt tiền đình nhìn ra bờ kinh Vĩnh Tế. Thuở ban sơ không biết xây dựng năm nào, chỉ biết vị trí nằm phía sau trường tiểu học cũ. Vật liệu xây dựng bằng tre lá đơn sơ, lại nằm trên vùng đất hằng năm bị lũ lụt nên dễ bị hư hoại.
Đến năm 1929, ông Đốc phủ Trương Tấn Vị cùng Ban quí tế họp sức dời ngôi đình về địa điểm hiện nay, mái đình lợp ngói, tường gạch xây hồ vôi ô dước, năm 1967 ông Nguyễn Văn Giỏi xây bàn Hội đồng và lót gạch bông trước các bàn thờ để người dân lễ bái được sạch sẽ, đến năm 1986 ông Nguyễn Văn Đính cho nâng nền để tránh ẩm móc.
Đình Vĩnh Nguơn có kiến trúc chánh điện được kết cấu theo kiểu dáng cổ lầu tam cấp mái, bốn cột chính cao vút tạo cấp mái trên, kiểu dáng kiến trúc 3 gian 2 chái tạo cho nội thất bên trong rộng rãi thoáng mát. Nóc võ ca gắng bộ lưỡng long tranh châu, chất liệu sành tráng men xanh ngọc, xanh lam. Phía dưới là các phù điêu đắp nổi 4 con chim trỉ hoa mẫu đơn và các chữ hán “Văn Trung Hưng Thần Miếu”, Vĩnh Ngươn kỷ tỵ. Hai góc trên nóc cổ lầu đắp nổi hình dơi biểu hiện sự ấm no phúc báu.
Ảnh: Bàn thờ chính được đặt nơi trang trọng nhất ở đại điện
Công trình kiến trúc nghệ thuật Đình Vĩnh Ngươn được hoàn thành là sự cố gắng hết sức lớn lao của Ban quí tế, hương chức Hội tề và nhân dân phường Vĩnh Ngươn lúc bấy giờ, từ đó ngôi đình được khang trang rộng đẹp và kiên cố đại diện tiêu biểu cho nét văn hóa đặc trưng địa phương.
Theo thông lệ, cứ 3 năm đình tổ chức nghênh sắc một lần và sắc được rước đi khắp 3 ấp trong xã gồm các ngày lễ chính là:
- 16 tháng Chạp: Lễ cúng thần hội cuối năm.
- 16 tháng Giêng: Lễ cúng tống khách đầu năm.
- 16 tháng Tư: Lễ cúng Thần hoàng Nguyễn Hữu Lễ (lễ giỗ chính)
Đình Vĩnh Ngươn có nhiều ảnh hưởng đến đời sống tâm linh của nhiều thế hệ người dân sinh ra và lớn lên tại đây. Đã có nhiều đời người con cháu họ tiếp nối bồi đắp cho đình, tham gia sinh hoạt lễ hội truyền thống tại đình cũng như việc ảnh hưởng đậm nét trong cuộc sống bình thường.
Mặt khác, từ thời kỳ hình thành ngôi đình trong bối cảnh vật liệu tự có của địa phương, nền đình không đổ móng bê tông cột đình không cốt thép, giữa các cột kèo xiêng không đinh khóa, nhưng sự sáng tạo của người xưa đã lao động ráp nối bằng thủ công đã làm cho khung sườn đình gắn kết thành một thể khối vừa qui mô sắc sảo, vừa có sức chịu lực cao đứng vững tồn tại trên 100 năm và các bức chạm phù điêu đắp nổi các loại tranh sơn thủy cũng đóng góp lớn lao cho công trình nghệ thuật văn hóa rất độc đáo và ấn tượng, điều đó chứng minh cho một công trình khoa học tiến bộ dựa trên bàn tay khói óc của người Việt Nam sinh sống nơi đây.