Châu Đốc | Lăng Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm bên chân núi mặt nhìn ra con đường, lưng quay về vách đá, tọa lạc trên thềm cao với 9 bậc thang xây bằng đá ong.
Lịch sử
Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại, sinh năm Tân Tỵ (1761) tại huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam. Thời kỳ loạn lạc theo gia đình vào Nam cư trú tại cù lao Dài trên sông Cổ Chiên, nay là tỉnh Vĩnh Long. Dưới triều Nguyễn ông được cử làm Trấn thủ Vĩnh Thanh, gồm các tỉnh:
- Châu Đốc
- Long Xuyên
- Sa Đéc
- Vĩnh Long
- Kiên Giang (một phần).
Ông đã có công lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, đào kinh đắp đường phát triển và bảo vệ vùng đất Tây Nam. Các công trình lớn của ông để lại cho đời sau là:
- Đắp lộ Núi Sam – Châu Đốc dài 5 cây số trong năm 1826 – 1827, huy động gần 4.500 nhân công.
- Đoạn nằm trong nội ô thành phố Châu Đốc hiện nay vẫn còn mang tên ông: Nguyễn Văn Thoại.
- Đoạn nối liền từ ngã tư đến Đầu Bờ núi Sam được đặt lại tên cũ ngày xưa là Tân Lộ Kiều Lương.
- Đào kinh Thoại Hà dài hơn 30.000 mét ở núi Sập (Thoại Sơn) vào năm 1818 với khoảng một ngàn năm trăm nhân công (Thoại là tên của ông được triều đình lấy đặt cho tên núi, tên sông).
- Đào kinh Vĩnh Tế
- Dài theo biên giới Tây Nam nối liền Châu Đốc – Hà Tiên, nối lưu thông sông Châu Đốc ra vịnh Thái Lan, dài hơn 90 cây số, huy động trên 80.000 nhân công thực hiện từ 1819 đến 1824.
- Tên phu nhân Thoại Ngọc Hầu được triều đình đặt cho con kinh chiến lược này: Vĩnh Tế (bà tên thật là Châu Thị Tế nhưng thuộc dòng Châu Vĩnh, cha là Châu Vĩnh Huy).
Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm bên chân núi mặt nhìn ra con đường, lưng quay về vách đá, tọa lạc trên thềm cao với 9 bậc thang xây bằng đá ong. Một loại đá phải vận chuyển bằng ghe chèo từ Biên Hòa qua nhiều sông rạch rồi rẽ vào kinh Vĩnh Tế về núi Sam.
- Chỗ ghe neo lại để lên đá còn mang địa danh Nhà Neo
- Chỗ chất đá để xây dựng dần gọi là Bến Vựa.
Lăng xây bằng hồ ô dước. Bao bọc quanh khu mộ là bức tường dầy cả mét, cao hơn đầu người, đã nhuốm rêu phong. Phía trước có hai cửa lớn theo kiểu kiến trúc của các lăng tẩm xưa, hai bên có hai hàng liễn đối.
Phía sau là bậc thang đi lên đền thờ được xây trên nền cao. Trong đền thờ, nơi chánh điện đặt bài vị của Thoại Ngọc Hầu và hai phu nhân, có áo mão cân đai của ông được phục chế và nhiều nghi thờ với các bộ lư đồng.
Mặc tiền lăng là khoảng sân rộng nổi bật cái long đình trong có bản sao bia Thoại Sơn. Trước long đình là khẩu súng thần công, bảng xếp hạng di tích và hai con nai bằng xi măng, tôn thêm vẻ đẹp cho lăng.
Trong lăng:
- Chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu
- Bên phải mộ ông là mộ bà vợ chính Nhất phẩm phu nhân Châu Thị Tế, mất năm Bính Tuất (1826).
- Bên trái có ngôi mộ khiêm nhường hơn là của bà vợ thứ Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt, mất năm Tân Tỵ (1821).
- Trước mỗi đầu mộ đều có bức bình phong, chân mộ là bi ký. Ở bức tường phía trước mộ đặt bia đá Vĩnh Tế Sơn.
Thoại Ngọc Hầu mất năm Kỷ Sửu (1829), hưởng thọ 68 tuổi. Qua vị trí các ngôi mộ và năm mất của ông và hai bà vợ, ta có thể biết chắc rằng khu lăng mộ này được xây dựng theo ý ông, bởi ông mất sau hai bà.
Trong nội lăng còn có 14 ngôi mộ và ngoại vi lăng cũng có khoảng 50 ngôi mộ xây với nhiều hình thức khác nhau: voi phục, trái đào, cái nón… Đây là những ngôi mộ của các cận thần, thân tộc và những người có công đã chết trong cuộc đào kinh Vĩnh Tế gọi là Nghĩa trủng (đến nay còn lưu truyền bài tế Nghĩa trủng văn đọc rất lâm li, bi tráng). Tương truyền hai ngôi mộ có hình trái đào và cái nón là của cặp đào kép chánh trong đoàn hát bộ theo biểu diễn cho ông xem khi còn sống.
Nhà trưng bày cổ vật Thoại Ngọc Hầu
Năm 2009, trong một lần tu bổ khu vực lăng mộ vô tình phát hiện được một số cổ vật được tùy táng bên cạnh mộ của ông và bà Châu Thị Tế. Sau đó, Ban Quản Trị Lăng Miếu Núi Sam đã cho xây dựng Nhà trưng bày cổ vật Thoại Ngọc Hầu bên cạnh khu lăng mộ để trưng bày các hiện vật quý hiếm này cho khách tham quan.
- Bộ sưu tập gồm có 523 hiện vật rất phong phú và đa dạng từ thế kỷ 18, 19 thuộc nhiều nước như: VN, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia cho tới Châu Âu gồm nhiều chất liệu như:
- Vàng
- Bạc
- Đồng
- Gốm sứ
- Thủy tinh
- Gỗ…
Những cổ vật này được sử dụng trong những dịp lễ triều như: chiếc mão bằng vàng, lệnh bài… và những vật sử dụng hằng ngày như: hộp đựng nữ trang, ô trầu, kính đeo mắt, bình, nồi, mâm, ấm, chân đèn, chén, tô, hộp…
Nhiều hiện vật được xác định là của Vua Gia Long – Minh Mạng ban tặng cho cả hai ông bà có giá trị cao về lịch sử văn hóa, thẩm mỹ, khắc họa rõ nét sinh hoạt của tầng lớp quan lại thời kỳ đầu Triều Nguyễn tại vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Bộ sưu tập ảnh
Bộ sưu tập ảnh về Lăng Thoại Ngọc Hầu