Cua Đồng | Vị Thuốc Và Nguyên Liệu Dân Dã Của Miền Tây
Con gì tám cẳng hai càng
Một mai hai mắt bò bằng tám chân
Câu đố vui mà chắc hẳn bất kỳ ai cũng đã từng nghe qua từ thuở bé, đáp án của câu đó là con cua mà gần gũi hơn với người dân miền tây là hình ảnh con cua đồng.
Vị thuốc và nguyên liệu dân dã
Cua đồng thuộc nhóm cua nước ngọt, thường sống chủ yếu ở ruộng lúa, ao, hồ trong các hang hốc ngập nước. Như câu đố ở trên con cua đồng được miêu tả gồm 8 cái chân, hai chiếc càng và phần thân mình với phần mai cứng cáp. Cua đồng miền tây thường có quanh năm, tuy nhiên vào mùa mưa ở miền tây từ khoảng tháng 7 đến tháng 11, là thời điểm sinh sản của cua nên khi này số lượng cua nhiều nhất và nguồn thức ăn dồi dào nên cũng là mùa cua ngon nhất.
“Điền giải” – đây là tên thuốc của cua đồng được lưu truyền trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, là vị thuốc lâu đời. Theo Đông y, điền giải có vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương. Trong dân gian, thường dùng để trị bệnh còi xương cho trẻ em hay cho người lớn tuổi dùng để ngăn ngừa loãng xương, bổ sung canxi cho những người bị thiếu canxi; ngoài ra, do mang trong mình vị mặn và tính hàn mà cua đồng còn có tác dụng giải nhiệt trong những ngày hè oi bức. Hay theo y học hiện đại, trong cua đồng chứa nhiều canxi photphat – đây là thành phần được sử dụng để ngăn chặn hoặc điều trị nồng độ canxi huyết thấp.
Theo kinh nghiệm của ông bà xưa, cua ngon nhất là vào đầu tháng và cuối tháng, lúc này cua béo, nhiều thịt, thịt chắc và ngọt thơm; vào khoảng giữa tháng thường là thời điểm cua lột vỏ nên cua gầy ốm, ít thịt. Ngoài ra, còn một mẹo nhỏ để kiểm tra cua tươi, khỏe và chắc thịt là khi lựa nên chọn những con cua di chuyển nhanh, càng khỏe và hướng lên trên, thân mập còn đủ chân và khi lấy tay nhấn vào phần yếm cua thì không bị lún xuống và cua nổi bọt khí thì lúc này cua còn tươi và chắc thịt.
Ảnh: Phân biệt cua đực và cua cái
Để phân biệt cua đực và cua cái rất đơn giản, chỉ cần nhìn vào phần càng và phần yếm dưới ức của con cua, đối với cua đực thì hai chiếc càng không đồng đều, càng bên phải to gấp rưỡi càng bên trái và phần yếm nhỏ hơn, trong khi cua cái thì hai chiếc càng gần như bằng nhau và phần yếm lớn hơn. Việc phân biệt cua đực, cua cái cũng là cách để chọn cua thịt hay cua gạch để nấu ăn, nếu muốn nhiều gạch thì chọn mua cua cái và ngược lại chọn cua đực nếu muốn cua nhiều thịt.
Vừa là thực phẩm với hàm lượng dinh dưỡng cao, giàu chất đạm và canxi, vừa là một vị thuốc dân gian, cua đồng được xem là nguyên liệu được ưu tiên lựa chọn của bà nội chợ các bữa ăn gia đình của mình. Không đòi hỏi sự cầu kì trong việc chế biến, chỉ đơn giản là cua đồng được luộc chín khi ăn chấm với muối tiêu hay muối ớt cũng tạo nên một món ăn tuổi thơ của bao thế hệ, đơn giản mộc mạc từ nguyên liệu đến cách chế biến nhưng vẫn không làm mất đi vị ngon, ngọt của thịt cua kết hợp với vị béo ngon từ gạch cua tạo nên cái vị đặc trưng mà chỉ cua đồng mới có.