Vấn tổ tầm tông: Thủy tổ họ Nguyễn (vốn trước là họ Phạm)
Kính gửi chú Phạm Thiện Căn
Phó Chủ tịch Hội đồng Họ Phạm toàn quốc
Cháu là Nguyễn Xuân Cao
Mấy ngày trước, tại lễ trao học bổng tại Từ đường họ Phạm xã Yên Nhân, huyện Ý Yên, Nam Định cháu đã trao đổi với chú nguyện vọng của cháu là muốn tìm về nguồn gốc dòng họ Nguyễn vốn trước là họ Phạm. Cháu gửi chú nội dung bản Lời tựa và một số nhận định của cháu. Thông qua Hội đồng họ Phạm kính nhờ chú xem xét và bớt chút thời gian để cháu có thêm thông tin về dòng họ và nguồn gốc xuất xứ của dòng họ.
Cháu xin chân thành cảm ơn!
Sơ lược về cội nguồn
… Xem trong gia phả cũ nói rằng: Cụ Thuỷ Tổ họ Nguyễn Cuối Thượng ta vốn trước là họ Phạm, dìu dắt bốn nam hai nữ từ xã Nghiêm Bình, tỉnh Hầu An đến đất Cảo Linh (nay là thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) khởi cư dân sắc, nên đổi thành họ Nguyễn. Con thứ hai cùng Tổ mẫu dời lên thôn Ngói xã An Cự (nay là thôn Ngói, xã Đại An, huyện Vụ Bản) làm ông Tổ họ Nguyễn ở trên đó. Còn ba ông ở lại cùng cụ Thuỷ Tổ làm ba ông tổ ở Cảo Linh. Đó là ông Tổ họ Nguyễn Thượng, ông Tổ họ Nguyễn Đoài, ông Tổ họ Nguyễn Trung.
Như vậy, nếu theo Gia phả họ ta thì gốc tích Tiiên Tổ là rõ ràng vậy. Con cháu đời đời hãy giữ lấy chớ có lãng quên cội nguồn Tiên Tổ. Vì người ta cũng như loài cây, nhờ có gốc rễ mà cây mỗi ngày thêm xanh tốt, cành lá mỗi ngày thêm nhiều, hoa trái mỗi ngày thêm ngọt ngào trĩu nặng. Cho nên, trồng cây là phải chăm vun đắp gốc rễ. Tiên Tổ là gốc rễ của loài người vậy.
Từ xưa đến nay, nhờ phúc ấm của Tổ tiên truyền lại, con cháu thuần khiết, cha con thuần khiết, con cháu thảo hiền, đời đời làm công khanh, văn võ hiển dương, anh hùng quán thế, phúc lộc dồi dào làm rạng rỡ Tổ tiên, ông bà cha mẹ. Con cháu ngày nay hãy giữ lấy những truyền thống tốt đẹp đó của dòng họ để xứng đáng là một dòng họ lớn của một vùng quê văn hiến.
Xem trong gia phả cũ nói rằng: Từ khi có gia phả đến nay, trải qua các đời chiến tranh loạn lạc liên miên, nhưng với truyền thống “uống nước nhớ nguồn” con cháu các đời sau đã nhiều lần sao chép, tu bổ để nối tiếp các đời, để mạch truyền không bị gián đoạn.
Nguyễn đại tộc cuối thượng phe - Gia phả thực lục tự
Hoàng triều Khải Định năm thứ 10 (Ất Sửu tức năm 1925) con cháu các chi đời sau xếp hành thẳng lối, kính vâng sao chép gia phả.
Từng nghe: Tộc có gia phả như nước có quốc sử, sử ghi việc của đất nước, gia phả truyền lại việc thờ phụng tổ tiên. Đại khái quốc gia, họ tộc đều lấy đó làm gốc vậy. Thiết nghĩ: Họ ta từ nguỵ Tây soán khời (tức Nguyễn Quang Nhạc triều Tây Sơn (1778-1793) đột nhập dân thôn, cho nên gia phả thất truyền, không thể ghi chép xa xôi.
Tưởng nghĩ: Tổ tiên ta mở đất Cảo Linh đến nay, con cháu đông đúc, phồn thịnh, đời đời làm công khanh, văn võ hiển dương, anh hùng quán thế, là người công thần từ phương Bắc đến nước Nam cùng một lúc với ông Tổ họ Vũ Đông. Nhưng từ khi binh hoả đến nay, gia phả họ ta thất truyền, khó mà ghi chép thứ tự các đời. Duy chỉ đến năm Gia Long 18 (1819) gia phả các cho do cháu đời thứ 12 là Nguyễn Đức Mại, nguyên làm Đề sử phủ Nghĩa Hưng, nghe sự chỉ bảo của tiền nhân, cha anh đời trước hoàn thành việc trước tác, đính khảo gia phả. Từ khi cụ Thuỷ tổ họ ta đến nay việc ghi chép gia phả các chi lấy đó để làm thực lục vậy.
Hoàng triều Thiệu Trị năm thứ nhất (1841) cháu đời thứ 13 là Nguyễn Hy Vĩ từng đỗ Tam khoa Tú tài, khoa sau đỗ Cử nhân, bổ thụ Tri huyện Thạch An. Ông đã ghi chép thuật lại gia phả Đại tộc.
- Cụ Thuỷ Tổ huý là Thư, thụy Phúc Toàn phủ quân
- Cụ Tổ tỷ họ Đoàn, huý là Tú, hiệu Từ Cúc
- Mộ cụ Thuỷ Tổ đặt tại xứ Mả Cố, Thổ tinh, Đặc cao, kị long, xem huyệt tú khí khác thường, con cháu phồn thịnh dài lâu. Nay họ Nguyễn Thượng, họ Nguyễn Đoài, họ Nguyễn Trung ở Giáp Cuối Thượng đều là con cháu của Ngài vậy.
Đại tộc lấy ngày Thanh minh, Đông chí là ngày tế chính cụ Thuỷ Tổ
Ngày 16 tháng 8 năm Duy Tân 2 (Mậu Thân – 1908) thì hoàn thành việc sao chép gia phả.
Hoàng triều Khải Định năm thứ nhất (1916) các chi trong Đại tộc hội họp tại Từ đường, tu bổ gia phả. Cháu đời thứ 14 ngành Cả chi Ba, chi trưởng Khoá sinh Nguyễn Văn Trác thuật ghi.
Đến Hoàng triều Khải Định 10 (Ất Sửu – 1925) bản tộc họp tại Từ đường phụng sao chép gia phả ba chi. Duy chỉ có cháu đời thứ 12 ngụ tại xã Thạch Lỗi huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Cháu đời thứ 12, ngành Cả chi Cả, Khoá sinh kinh thí Nguyễn Văn Các phụng sao chép thứ tự tộc phả.
Tưởng nghĩ: Gia phả họ ta từ lúc mới làm đến nay, Tiên Tổ con cháu trong họ các đời hàng lối rõ ràng, chia làm ba quyển.
- Chi trưởng Nguyễn Văn Thường giữ 1 quyển
- Chi trưởng thứ hai Nguyễn Văn Nghĩa giữ 1 quyển
- Chi trưởng chi thứ ba Nguyễn Văn Bỉnh giữ 1 quyển
Vì thế cho nên họ ta lấy gia phả làm ngọc tàng vậy. Nguyện muôn đời con cháu không quên cội nguồn. Vả lại: cây có gốc, nước có nguồn. Gốc của người là Tổ, gốc của vạn vật là Trời. Vì thế con cháu đời sau hãy giữ lấy và làm theo vậy,
Cháu đời thứ 12 là Nguyễn Đức Mại đính khảo trước tác
Phần mộ, ngày kỵ cụ Thuỷ Tổ đến nay đều rõ ràng, con cháu các đời sau lấy để làm thực vậy, nguyện không quên cội nguồn Tiên Tổ.
Nguyễn đại tộc tiên tổ lịch đại hành liệt thứ - Lập gia phả tự ký
Cuối Giáp Thuỷ Tổ: ông họ Phạm, bà họ Đoàn, đề huề dìu dắt bốn nam hai nữ từ xã Nghiêm Bình, tỉnh Hầu An, bắt đầu đến sáng nghiệp đất Cảo Linh, khời cư dân ấp, đổi thành họ Nguyễn.
- Thuỷ Tổ công huý là Thư, thuỵ Phúc Toàn phủ quân, Ông thọ 78 tuổi, mất ngày 28 tháng Chạp, mộ tại xứ Mả Cố, hướng Tây Nam
- Thuỷ Tổ tỷ họ Đoàn, huý là Tú, hiệu Từ Cúc nhu nhân, Thuỷ Tổ tỷ mất ngày 8 tháng 6, mộ tại thôn Ngói, xã An Cự (nay là thôn Ngói, xã Đại An, huyện Vụ Bản).
Cụ Thuỷ Tổ sinh được 4 nam 2 nữ:
- Nữ tỷ lấy ông Tổ họ Phan
- Tổ cô họ Nguyễn ta là Nguyễn Thị, hiệu diệu Hinh nhu nhân, mất năm 12 tuổi, mất ngày 15 tháng Giêng, mộ tại xứ Mả Cố, bên cạnh mộ cụ Thuỷ Tổ.
Xem trong gia phả cũ ghi rằng: Cụ Thuỷ Tổ họ ta trước họ Phạm, huý là Thư, thuỵ Phúc Toàn phủ quân. Thuỷ Tổ tỷ họ Đoàn, huý Tú, hiệu diệu Cúc nhu nhân. Thuỷ Tổ từ xã Nghiêm Bình tỉnh Hầu An dìu dắt 4 nam 2 nữ đến đất Cảo Linh (nay là thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) mở mang dân ấp, nên đổi thành họ Nguyễn.
Thuỷ tổ sinh được 4 nam 2 nữ:
- Trưởng nam là ông Tổ họ Nguyễn Thượng
- Ông thứ hai cùng với Thuỷ Tổ tỷ lên thôn Ngói xã An Cự lập nghiệp ở trên đó, làm ông Tổ họ Nguyễn ở thôn Ngói, xã An Cự (nay là thôn Ngói, xã Đại An, huyện Vụ Bản).
- Ông thứ ba là ông Tổ họ Nguyễn Đoài
- Ông thứ tư là ông Tổ họ Nguyễn Trung
- Hai nữ: trưởng nữ là Nguyễn Thị Quất, lấy ông Tổ họ Pham ở thôn ta.
- Tổ cô là Nguyễn Thị hiệu diệu Hinh, mất ngày 15 tháng Giêng, mộ tang tại Mả Cố, bên cạnh mộ cụ Thuỷ Tổ
Một số nhận định bước đầu
- Về địa danh: xã Nghiêm Bình, tỉnh Hầu An. Cháu tra trong các sách địa chí thì có nhắc tới 2 huyện Hầu An (Hoài An), chứ không có tỉnh Hầu An. Một huyện Hầu An nay thuộc huyện Mỹ Đức (Hà Nội). Hai là huyện Hầu An (tỉnh Cao Bằng).
- Về việc đổi họ từ họ Phạm sang họ Nguyễn: theo những tư liệu trong gia phả, cụ Thủy tổ vốn là bậc anh hùng cái thế, là bậc anh hùng đến từ phương Bắc. Qua câu này, có thể nhận định cụ là một tướng của nhà Mạc vì:
- Thời Lê – Mạc, đất nước ta chia làm hai vùng: Nam triều của nhà Lê – Trịnh và Bắc triều của nhà Mạc
- Sau khi nhà Mạc thất thế, để tránh hậu họa, cụ đã thay đổi họ và di cư từ xã Nghiêm Bình, huyện Hầu An về thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định để tránh nạn (đói lên Bắc, chạy giặc về Nam)
- Hiện nay, dòng họ đến đời cháu là đời 21. Mỗi đời khoảng 25 năm thì 21×25=525 năm. Như vậy là phù hợp với thời gian từ khi nhà Mạc thất thế đến nay
- Vì vậy, qua những thông tin và tư liệu này, cháu muốn nhờ các chú trong Hội đồng họ Phạm toàn quốc nếu có thông tin gì về dòng họ Phạm hiện nay ở xã Nghiêm Bình, huyện Hầu An như thế nào? Và hiện nay xã Nghiêm Bình, huyện Hầu An thuộc địa phương nào của huyện Mỹ Đức (Hà Nội) hoặc địa phương nào thuộc tỉnh Cao Bằng.