Vấn tổ tầm tông: Thủy tổ Phạm Văn Hiển
Vấn tổ tìm tổng: Thủy tổ Phạm Văn Hiển (con ông Phạm Khắc Lư, ở xã Sơn Đông, huyện Thanh Hà, Hải Dương )
Nội dung Vấn tổ Tầm tông
Sơ lược về tổ tiên
Kính gửi: Ban BT Website Họ Phạm Việt Nam
Tôi là Phạm Xuân Cần, cán bộ hưu trí ở thành phố Vinh, Nghệ An, Xin trình bày một nguyện vọng muốn nhờ BBT website Họ Phạm Việt Nam giúp đỡ như sau:
Dòng họ Phạm Xuân của chúng tôi, hiện ở xã Liên Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An là một dòng họ lớn, với hàng nghìn đinh, đã định cư ở đây trên 400 năm, đã trải qua 18 đời.
Theo phả tộc để lại Thủy tổ của dòng họ chúng tôi tên là Phạm Văn Hiển, con ông Phạm Khắc Lư, ở xã Sơn Đông, huyện Thanh Hà, Hải Dương.
Trước đó dòng họ có bốn đời là:
Tiên tổ tiền Cao Bằng quận, Phạm đại lang tên chữ là Lâm Khê Nguyên Chiếu tiên sinh
Tiên tổ tiền Cao Bằng quận Phạm đại lang tên chữ là Xung Thanh tiên sinh
Tiên tổ tiền Cao Bằng quận Phạm đại Lang tên chữ là Chính Nghị tiên sinh
Tổ tỷ Thái Thị A Nương Từ Thục, bà sinh con gái là Phạm Thị Chiêm
Tiên tổ tiền Cao Bằng quận Phạm đại lang tên chữ là Khắc Lư tiên sinh
Theo tộc phả ghi chép lại vào thời Lê Trung hưng (không rõ năm nào) giặc cướp ở Hải Dương nổi lên (gọi là “Hải Dương kình địch”), triều đình đánh dẹp không nổi. Triều đình bèn chiếu cho hào kiệt trong thiên hạ đi đánh dẹp. Ông Phạm Văn Hiển cùng em là Phạm Văn Hiệp đứng lên chiêu mộ được 5000 người đánh dẹp giặc cỏ. Sau khi bình được giặc cỏ, ông Hiển được nhà vua ban chức là “Thập ngũ cơ binh, trung võ hầu kiêm quản lý dân sự”. (Đối chiếu với chính sử thì “Hải Dương kình địch” có thể là khởi nghĩa nông dân Trần Cảo).
Sau đó, không rõ nguyên nhân gì vào khoảng những năm cuối thế kỉ 16 hai anh em ông Phạm Văn Hiển và Phạm Văn Hiệp cùng vào sinh sống tại làng Nam Thôn, nay là xã Công Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ở đây hai ông thường được gọi là Ông Lùm và Ông Rú, đồng thời được coi là người có công khai sơn phá thạch, lập ra làng Nam Thôn hiện nay. Ông Phạm Văn Hển mất tại đây. Khi ông mất dân lập đền thờ và Triều Lê phong sắc. Sắc do Triều Lê phong sau đó đã bị cháy. Đến đời Nhà Nguyễn năm Khải Định thứ 2 (1917) và thứ 9 (1924) đã hai lần sắc phong là “Dực bảo Trung hưng Linh phù Tôn thần”. Cả hai sắc phong của Triều Nguyễn hiện nay vẫn đang còn được bảo quản tốt.
Trong nhà thờ đại tôn hộ Phạm Xuân hiện còn đôi câu đối ca ngợi công đức của ông:
Dịch diệp chung đỉnh Lê triều danh tướng
Ức niên hương hỏa Bồ Hoa phúc thần
Tạm dịch:
Nối đời thế phiệt, danh tướng triều Lê
Ngàn năm hương hỏa, phúc thần Bồ Hoa
(Bồ Hoa là tên chữ của làng Nam Thôn)
Đến đời thứ hai, con trai ông Phạm Văn Hiển là Phạm Xuân Tín đã dời nhà xuống thôn Phúc Duệ, xã Liên Thành (là xã giáp với xã Công Thành) sinh cơ lập nghiệp. Nhà thờ Đại tôn họ Phạm Xuân hiện nay ở đây. Theo tộc phả, ông Phạm Xuân Tín đậu tú tài dưới thời Hoằng Định (1601 – 1619) và con trai ông Tín là Phạm Xuân Minh đậu cử nhân vào năm thứ hai Vĩnh Tộ, tức năm 1622. Đây là những dấu mốc để có thể nhận định ông Phạm Văn Hiển rời Hải Dương vào Nghệ An vào khoảng những năm cuối thế kỉ 16.
Trên đây là những thông tin mà chúng tôi có về nguồn gốc họ Phạm Xuân chúng tôi. Ngoài ra, theo truyền ngôn dòng họ Phạm Xuân chúng tôi cũng có nguồn gốc họ Mạc, thời kì tao loạn thì chạy vào Nghệ An. Tuy nhiên, chưa có tài liệu thành văn nào ghi chép.
Nguyện vọng
Với nguyện vọng vấn Tổ tìm Tông, chúng tôi cũng đã tìm hiểu, tra cứu một số nguồn tư liệu, nhưng do thời gian quá xa, lịch sử biến động phức tạp, địa danh thay đổi nhiều, cho nên đến nay chúng tôi vẫn chưa xác định được chính xác nguồn gốc của dòng họ.
Ngoài ra, gia phả của họ chúng tôi cũng ghi chép rất cụ thể về ông Phạm Xuân Kính (còn gọi là Nhậm), đời thứ 9, đã có công lớn giúp vua Gia Long mở rộng bờ cõi về phương Nam, củng cố vương triều. Ông được phong là Chánh Vệ úy, Sở tín hầu, tước tòng tam phẩm. Khi ông mất được phong sắc, trong đó ghi là “Khai quốc công thần”. Sinh thời, ông có bốn người vợ, trong đó có bà Trần Thị Huân người Gia Định. Bà Huân sinh con trai là Phạm Xuân Nhân và một người con tảo lạc. Thế nhưng, cho đến nay Họ vẫn chưa biết thông tin về Phạm Xuân Nhân sau đó như thế nào?
Vậy, qua lá thư này chúng tôi xin cung cấp một số thông tin, với mong muốn các vị liên hệ, chắp nối để nếu may mắn thì có thể giúp chúng tôi tìm ra manh mối, từ đó làm sáng tỏ nguồn gốc dòng họ của mình, cũng như tìm được manh mối về con trai của cụ Phạm Xuân Kính.
Đây là công việc hết sức khó khăn, rất mong các vị sẵn lòng giúp đỡ!
Xin trân trọng cám ơn!
Kính thư!
PHẠM XUÂN CẦN
Liên hệ
Phạm Xuân Cần
- Địa chỉ: Nhà số 4, ngõ 216, Hà Huy Tập, tp Vinh, Nghệ An
- ĐT: 0913272317
- Email: pxc2008@gmail.com
- Facebook: Phạm Xuân Cần