Chùa Hang - Phước Điền Tự
Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền tự, một di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia tọa lạc tại Núi Sam.
Lịch sử hình thành
Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền tự, một Di tích văn hóa được xếp hạng cấp Quốc gia tọa lạc tại Núi Sam. Mặc dù nằm riêng lẻ trên triền núi phía tây, cách cụm di tích Tây An tự, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng một cây số, nhưng vốn là nơi cảnh quang thanh tịnh, trên độ cao vừa phải, có hang sâu với truyền thuyết thanh xà bạch xà hấp dẫn, chùa Hang vẫn được du khách, người hành hương tấp nập đến viếng.
Từ chân núi đến Chùa Hang là con đường nấc thang vừa dễ đi vừa tạo thêm nét đẹp thoáng đãng giữa những khối đá chập chùng. Đoạn đường đủ để người ta đi một hơi rồi đứng lại hít thở không khí trong lành, ngước nhìn cảnh chùa cao vời vợi hay ngắm cảnh đồng bằng bao la bát ngát tới chân trời. Trước chùa có hai ngôi bảo tháp màu sắc sặc sỡ, hài hòa, chạm khắc công phu, uy nghi trên trên sườn núi. Phía dưới là bảo tháp của Hòa thượng Thích Huệ Thiện, vị sư trụ trì đời thứ hai viên tịch năm 1990, thọ 86 tuổi. Phía trên là bảo tháp của bà Thợ, người sáng lập Phước Điền tự. Ngôi bảo tháp này được xây dựng năm 1899. Đã nhuốm màu rêu phong nay được tu sửa lại.Ảnh: Quang cảnh bên trong Chùa
Bà Thợ tên thật là Lê Thị Thơ, là một thợ may giỏi nên người ta gọi là bà Thợ. Bà sinh năm Mậu Dần 1818, quê quán Chợ Lớn. Sau khi gặp cảnh đời ngang trái, bà từ bỏ cuộc sống đời thường tìm đến núi Sam vào chùa Tây An xin quy y và có pháp danh Diệu Thiện
Tu được một thời gian, thấy chùa Tây An đông người lui tới và bị chính quyền bấy giờ theo dõi nên bà đi lần về hướng tây gặp cái hang sâu yên tĩnh, vắng người, rậm rạp cây cối nên ở lại dựng am tu hành. Sau đó ít lâu, dân sùng đạo địa phương mến mộ công đức của bà nên đã góp công góp của xây dựng thành ngôi chùa, dù cũng bằng tre lá đơn sơ nhưng lớn rộng hơn
Tương truyền trong hang sâu có cặp rắn rất lớn. Con xanh tên Thanh Xà, con trắng tên Bạch Xà. Nghe tiếng kinh kệ, hai con rắn bò lên và sau đó được bà Thợ thuần phục. Chúng không hại người mà đêm đêm còn đến nằm khoanh tròn sau lưng bà nghe kinh, ăn đồ chay cúng Phật và trong chừng thú dữ kẻ gian, bảo vệ yên tĩnh cho chốn tu hành.
Hiện nay, để tránh nguy hiểm, hang được lấp kín, chỉ còn lối đi vào cửa sâu khoảng 10 mét, trông rất âm u, và huyền bí. Bà Thợ viên tịch năm Kỷ Hợi (1899), hưởng thọ 81 tuổi. Di ảnh bà còn lưu lại trong chùa với gương mặt phúc hậu nhân từ.