Cụm Di Tích Quốc Gia Ở Châu Đốc
Cụm di tích cấp Quốc gia ở khu danh thắng Núi Sam.
1. Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận là Ngôi miếu lớn nhất Việt Nam và Tượng Bà bằng đá sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam. Năm 1980, Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Miếu Bà là Di tích cấp quốc gia.
Ảnh: Miếu Bà về đêm
Theo truyền thuyết, xưa kia tượng Bà ngự trên đỉnh Núi Sam, theo lời mách bảo của Bà thì được 9 cô gái đồng trinh khiêng xuống núi vào khoảng năm 1820 – 1825.
Ban đầu, Miếu Bà được xây dựng bằng tre lá đơn sơ. Sau nhiều lần trùng tu, Miếu Bà khang trang hơn. Đến năm 1972 – 1976, Miếu được xây dựng mới, đồ sộ và lộng lẫy theo lối kiến trúc cổ kính phương Đông.
Năm 1941, Mallerret – nhà khảo cổ học người Pháp đến nghiên cứu và cho rằng tượng Bà là một tác phẩm nghệ thuật tạc bằng đá son, có từ thế kỷ thứ 6.
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là lễ hội truyền thống được diễn ra từ ngày 22 – 27/4 âm lịch hàng năm. Đây là lễ hội lớn, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân vùng Tây Nam Bộ.
Ảnh: Cảnh Lễ Phục hiện
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam được công nhận là lễ hội cấp quốc gia năm 2001 và được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
2. Lăng Thoại Ngọc Hầu
Ông Thoại Ngọc Hầu tên thật Nguyễn Văn Thoại (1761 – 1829) quê quán ở huyện Diên Phước tỉnh Quảng Nam nay là quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
Ông lập nhiều công lớn và từng giữ nhiều chức vụ, trong đó có chức:
- Khâm sai Thống chế Án thủ Châu Đốc đồn
- Lãnh bảo hộ Cao Miên quốc ấn
- Kiêm quản Hà Tiên trấn biên vụ.
Các công trình lớn của ông còn để lại cho đời sau là:
- Kênh Thoại Hà
- Kênh Vĩnh Tế
- Lộ Núi Sam–Châu Đốc (Tân Lộ Kiều Lương) …
Ảnh: Toàn cảnh Lăng Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu, một danh thắng, một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu thời nhà Nguyễn, được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 1980. Lăng Thoại Ngọc Hầu nằm dưới chân núi Sam với vẻ đẹp uy nghi, cổ kính, mặt nhìn ra đường, lưng tựa vào vách núi, đường bệ trên thềm cao. Mặt tiền lăng có bản sao bia Thoại Sơn, bia Vĩnh Tế Sơn.
Ảnh: Bản sao bia Vĩnh Tế Sơn
Ảnh: Bản sao bia Thoại Sơn
Trong lăng, chính giữa là mộ Thoại Ngọc Hầu, bên phải mộ ông là mộ bà vợ chánh phẩm phu nhân Châu Thị Tế. Bên trái là mộ của bà vợ thứ Diệc phẩm phu nhân Trương Thị Miệt. Phía sau là điện thờ, nơi thờ bài vị của ông và 2 vị phu nhân cùng với bức tượng bán thân của ông và một số cân đai áo mão.
3. Chùa Tây An (Tây An Tự)
Chùa Tây An còn được gọi Tây An tự, là một ngôi chùa Phật Giáo tọa lạc tại ngã ba, dưới chân Núi Sam.
Chùa Tây An được xếp hạng là di tích “Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia” năm 1980 và đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận đây là “Ngôi chùa có kiến trúc kết hợp phong cách nghệ thuật Ấn độ và kiến trúc cổ dân tộc đầu tiên của Việt Nam”.
Ảnh: Mặt trước Chùa Tây An
Ảnh: Chánh điện
Ảnh: Hậu tổ
Ảnh: Khu chôn Phật thầy Tây An
Năm 1847, Tổng đốc An-Hà là Doãn Uẩn vui mừng vì lập được đại công đánh đuổi được quân Xiêm La, bình định được Chân Lạp nên đã cho xây dựng một ngôi chùa bằng tường gạch, nền cuốn đá xanh, mái lợp ngói và đặt tên là Tây An Tự với hàm ý trấn yên bờ cõi phía Tây.
Ngôi chùa này có khoảng 170 pho tượng Phật, Bồ Tát, La Hán, Kim Cang Bát Bộ ….Và đây là nơi chôn ông Đoàn Minh Huyên mà người dân thường gọi là Phật thầy Tây An, người sáng lập ra đạo Bửu Sơn Kỳ Hương.
4. Chùa Phước Điền (Chùa Hang)
Chùa Hang là tên gọi dân gian của Phước Điền Tự, một trong bốn di tích văn hóa lịch sử của Khu du lịch Quốc gia núi Sam, được xếp hạng Di tích cấp quốc gia vào năm 1980.
Mặc dù nằm riêng lẻ trên triền phía tây Núi Sam, cách cụm di tích Tây An tự, Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu khoảng một cây số, nhưng vốn là nơi cảnh quang thanh tịnh, ở trên độ cao vừa phải, có hang sâu với truyền thuyết Thanh xà – Bạch xà hấp dẫn, Chùa Hang vẫn được du khách, người hành hương tấp nập đến viếng.
Ảnh: Toàn cảnh Chùa Hang
Ảnh: Tháp ni sư Diệu Thiện
Ảnh: Hang theo truyền thuyết Thanh Xà – Bạch Xà
Từ chân núi đến Chùa Hang là con đường nấc thang vừa để dễ đi vừa tạo thêm nét đẹp giữa những khối đá chập chùng. Trước chùa có ba ngôi bảo tháp màu sắc hài hòa, chạm khắc công phu, đứng uy nghi trên sườn núi. Phía dưới là bảo tháp của Hòa thượng Thích Huệ Thiện và Thích Thiện Chơn, vị sư trụ trì đời thứ hai và thứ ba. Phía trên là bảo tháp của Ni sư Thích nữ Diệu Thiện – vị tỳ kheo ni đầu tiên của vùng đất Nam bộ, người sáng lập Phước Điền Tự.