Mở Rộng Thị Trường Xuất Khẩu Lao Động Thu Nhập Cao
6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 78.640 lao động đạt 62,91 % kế hoạch năm 2024. Bên cạnh việc duy trì các thị trường hiện có, các cơ quan sẽ tiếp tục phát triển, mở rộng thị trường có thu nhập cao, phù hợp với trình độ, kỹ năng của lao động Việt Nam.
Tình hình xuất khẩu lao động nửa đầu năm 2024
Theo báo cáo từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đạt 78.640 người, tương đương 62,91% kế hoạch năm. Nhật Bản đứng đầu danh sách tiếp nhận lao động Việt Nam với 40.596 người, tiếp theo là Đài Loan (27.837 người), Hàn Quốc (5.582 người), và nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Singapore, và Romania.
Riêng trong tháng 6/2024, có 12.788 lao động Việt Nam ra nước ngoài, với Nhật Bản và Đài Loan là hai thị trường lớn nhất. Ông Phạm Viết Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhấn mạnh rằng bên cạnh những thị trường truyền thống, một số thị trường mới như Đông Âu cũng đang có nhu cầu cao đối với lao động Việt Nam.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động ra nước ngoài trong năm 2024, chú trọng vào các thị trường ổn định và có thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu này, Bộ sẽ nâng cao chất lượng nguồn lao động và mở rộng các thị trường mới, đồng thời duy trì các thị trường hiện tại.
Đẩy mạnh thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo xuất khẩu lao động
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về tình hình lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo định kỳ hàng tháng; thông tin cảnh báo, ngăn chặn lừa đảo lao động đi làm việc tại một số thị trường, ngành nghề như Australia (trong lĩnh vực nông nghiệp); Hàn Quốc (trong lĩnh vực dịch vụ theo thị thực E9)…
Đồng thời, khuyến cáo tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng; thông tin hướng dẫn và tư vấn người lao động về những sự chuẩn bị cần thiết, và các kênh hay hình thức để đảm bảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài hợp pháp, an toàn và hiệu quả.
Ngoài ra, thời gian qua, vấn đề nâng cao chất lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm đáp ứng nhu cầu của đối tác, đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế cũng được Việt Nam đặc biệt quan tâm.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Báo Điện tử Chính phủ
- Cre: Thu Cúc
Để xem chi tiết bài viết gốc, vui lòng truy cập vào liên kết bên dưới...