Gạo Việt giờ có tiếng lẫn có miếng
Không chỉ tăng giá bán mà mới đây gạo Việt Nam đã khẳng định được đẳng cấp về chất lượng khi một lần nữa được vinh danh 'Gạo ngon nhất thế giới' tại cuộc thi The Rice Trader 2023.
Cuộc thi trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế lần thứ 15 vừa diễn ra ở Philippines.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 1-12, ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết đây là lần thứ hai gạo của Việt Nam thắng giải Gạo ngon nhất thế giới. Tại cuộc thi năm 2019, danh hiệu này cũng đã được trao cho gạo của Việt Nam là gạo ST25.
Tăng cường quảng bá, hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều thương hiệu gạo Việt lên kệ siêu thị - Ảnh: T.T.D.
Ông Hoàng Trung, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết bộ đánh giá rất cao các doanh nghiệp đoạt giải thưởng về gạo và sẽ có khen thưởng để tôn vinh. Theo ông Trung, ngành nông nghiệp sẽ tăng mạnh hoạt động xúc tiến với các kế hoạch, giải pháp cụ thể.
Bộ đã giao Trung tâm xúc tiến thương mại phối hợp doanh nghiệp đẩy mạnh quảng bá, xây dựng thương hiệu riêng thông qua hoạt động triển lãm, giới thiệu, nhất là với các sản phẩm gạo đoạt giải, các giống lúa mới cho hiệu quả cao.
Tuy vậy, ông Trung cho rằng cần sự chung tay của nhiều ban ngành khác, đặc biệt là Bộ Công Thương.
"Ngành nông nghiệp sẽ đề nghị Bộ Công Thương có chính sách hỗ trợ quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp có giống lúa chất lượng, thậm chí có thể tính toán hỗ trợ kinh phí cho hệ thống tham tán nước ngoài để họ cùng với doanh nghiệp xúc tiến, xây dựng thương hiệu", ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Trung, hiện pháp luật chưa có quy định về nguồn quỹ để hỗ trợ cho đơn vị đoạt giải về giống. Tuy nhiên, sắp tới ngành nông nghiệp sẽ tính toán để kêu gọi xã hội hóa, xúc tiến thành lập quỹ chuyên hỗ trợ phần nào kinh phí, hoạt động xúc tiến cho doanh nghiệp đoạt giải trong lĩnh vực giống và có thể giao cho Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam quản lý.
Theo ông Trung, cần hơn 600 triệu USD để thực hiện đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Hiện Ngân hàng Thế giới cam kết cho vay 350 - 400 triệu USD, các nguồn vốn không hoàn lại khoảng 35 - 40 triệu USD và ngân sách cung ứng khoảng 100 triệu USD.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang vận động các doanh nghiệp, tập đoàn lớn tham gia bằng cách liên kết với nông dân để tạo ra nguồn nguyên liệu lúa chất lượng cao. "Hiện Chính phủ và ngành nông nghiệp của các nước rất quan tâm đến đề án này của Việt Nam. Do đó đề án không chỉ gói gọn ở 12 tỉnh thành mà sẽ xem xét lan tỏa ra các tỉnh thành khác", ông Trung nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Như Cường cho biết ngành sẽ phối hợp với các địa phương để có những chính sách về đất đai, khoa học kỹ thuật... nhằm giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc nghiên cứu giống.
Ông Cường nói: "Sẽ kết hợp các địa phương để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu giống, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, chẳng hạn ST25 hiện không chỉ dừng lại ở Sóc Trăng mà đã mở rộng gieo trồng ở nhiều địa phương và thu nhiều kết quả tốt".
Nói về tình trạng hàng giả gạo thương hiệu tràn lan, ông Cường cho rằng để đảm bảo được tính pháp lý cho thương hiệu của giống lúa và cơ quan nhà nước có thêm cơ sở thực hiện biện pháp bảo hộ, các doanh nghiệp cần sớm đăng ký bảo hộ giống cây trồng hoặc nhãn hiệu sở hữu trí tuệ.
Chí Tuệ, (2023). Kinh doanh. Báo Tuổi Trẻ
Khẳng định chất lượng gạo Việt
Ước cả năm 2023, xuất khẩu gạo cả năm đạt trên 4 tỉ USD - Ảnh: BỬU ĐẤU
Hội nghị thượng đỉnh lúa gạo quốc tế 2023, diễn ra tại Philippines từ ngày 27-11 đến 1-12, thu hút sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và các nhân tố khác trong chuỗi giá trị gạo.
Năm nay Việt Nam có ba doanh nghiệp dự hội nghị và đưa sáu mẫu gạo dự thi gồm: Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí với gạo ST24 và ST25, Tập đoàn Lộc Trời với gạo LT28 và Nàng Hoa 9, Tập đoàn ThaiBinh Seed với gạo TBR39-1 và nếp A Sào.
Theo ông Cường, theo điều lệ của cuộc thi thì từ năm 2022 đến nay, ban tổ chức không trao giải cụ thể cho một giống nào cụ thể mà trao giải cho quốc gia. Như năm 2022, gạo Campuchia đoạt giải nhất; năm 2023 gạo Việt Nam được trao giải thưởng gạo ngon nhất, Campuchia xếp thứ hai và Ấn Độ xếp thứ ba.
"Điều này có nghĩa là ban tổ chức trao giải thưởng cho gạo Việt Nam, giải chung cho Việt Nam, chứ không trao giải thưởng cho một giống gạo cụ thể", ông Cường nói.
Việc gạo Việt Nam được tôn vinh ngon nhất thế giới sẽ tăng thêm niềm tự hào cho ngành công nghiệp lúa gạo của Việt Nam. Đồng thời minh chứng cho sự chủ động về nghiên cứu, chọn tạo giống chất lượng cao, thương mại hóa bài bản của doanh nghiệp nước ta.
Ông Cường cho biết Cục Trồng trọt sẽ đề xuất Bộ NN&PTNT có phần thưởng tôn vinh các doanh nghiệp đã tham gia cuộc thi, góp phần giúp Việt Nam đoạt giải gạo ngon nhất.
Ông Huỳnh Văn Thòn, chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, nói hiện nay hạt gạo Việt Nam không ngừng được nâng lên về giá trị và Việt Nam đang là nước đứng đầu thế giới về thương hiệu lẫn giá trị. Vị thế hạt gạo Việt Nam hiện nay đã tăng lên rõ rệt nhờ sự đổi mới tư duy mạnh mẽ.
Từ tư duy địa phương sang tư duy toàn cầu, tư duy ngắn hạn sang tư duy dài hạn và phát triển bền vững với những chính sách mới nhằm tái cơ cấu ngành lúa gạo, để hạt gạo Việt Nam không ngừng vươn xa vươn cao.
Việt Nam hiện có bộ giống lúa ngắn ngày rất phong phú, dễ canh tác, năng suất cao. Điều này đã được chứng minh bằng giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới 2023 mà các đại diện của Việt Nam vừa được trao.
Ông Phạm Thái Bình, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần công nghệ cao Trung An, cũng cho rằng gạo Việt Nam đã khẳng định được uy tín, vị trí trên thế giới.
"Rõ ràng 5 năm trở lại đây, Việt Nam từ trung ương đến địa phương đã có nhiều giải pháp thay đổi ngành hàng lúa gạo. Cụ thể là việc tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo, đa dạng hóa giống lúa...
Giá gạo Việt Nam cao nhất thế giới nhưng các nước vẫn mua vì gạo của chúng ta thơm nhất, ngon nhất, tươi mới nhất so với gạo của những nước khác. Với tình hình này, giá gạo Việt Nam sẽ tiếp tục tăng và người nông dân sẽ có hưởng lợi", ông Bình nói thêm.