(Khám phá lịch sử) Phong trào Tây Sơn
Phong trào Tây Sơn là phong trào khởi nghĩa nông dân do ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo vào cuối thế kỷ XVIII. Phong trào Tây Sơn đã tiêu diệt các tập đoàn phong kiến phản động trong nước và chống lại quân xâm lược Xiêm và Thanh. Phong trào Tây Sơn cũng đã bước đầu thống nhất đất nước và lập nên triều đại Tây Sơn
1. Mở đầu
Thế kỷ XVI – XVIII, đất nước bị chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, thống nhất đất nước trở thành nhu cầu cấp thiết của toàn dân, là nguyện vọng tha thiết của nhân dân, yêu cầu khách quan của xã hội. Phong trào Tây Sơn xuất hiện năm 1771 đã từng bước giành được thắng lợi, lật đổ các chính quyền phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn, non sông nước Việt sau thời gian dài bị chia cắt đã được thu về một mối. Sau khi đánh đổ chính quyền phong kiến phản động trong nước, phong trào Tây Sơn đã vươn lên làm nghĩa vụ dân tộc, chống thù trong giặc ngoài, cứu dân cứu nước – một thắng lợi vĩ đại của phong trào Tây Sơn.
2. Nội dung
2.1. Bối cảnh lịch sử Đại Việt thế kỷ XVIII
Thế kỷ XV chế độ phong kiến nhà Lê phát triển đến giai đoạn cực thịnh. Nhưng đến đầu thế kỷ XVI, triều đình phong kiến nhà Lê bắt đầu suy yếu, tranh chấp giữa các phe phái diễn ra quyết liệt, gây ra các cuộc nội chiến kéo dài, đời sống nhân dân ngày càng cực khổ.
Các vua Lê Uy Mục, Lê Tương Dực chỉ lo ăn chơi, không lo triều chính. Nội bộ triều Lê “chia bè kéo cánh”, tranh giành quyền lực. Dưới triều Lê Uy Mục, quý tộc ngoại thích nắm hết quyền lực, giết hại công thần. Dưới triều Lê Tương Dực, tướng Trịnh Duy Sản gây bè phái, đánh giết nhau liên miên suốt hơn mười năm. Chế độ phong kiến nhà Lê dần rơi vào cảnh khủng hoảng do các vua trị vì ăn chơi sa đọa, tha hóa làm cho triều đình rối loạn. Nhân khi triều đình rối loạn, quan lại ở địa phương cậy quyền, ức hiếp dân, đời sống của các tầng lớp nhân dân lâm vào cảnh khốn cùng.
Từ giữa thế kỷ XVIII, tình hình chính trị ở Đàng Ngoài ngày càng mất ổn định, vua Lê không còn thực quyền, mọi quyền bính đều rơi vào tay chúa Trịnh, phủ chúa quanh năm hội hè, yến tiệc, phung phí tiền của. Nhà nước trung ương không ngừng tăng cường bóc lột nhân dân, nhà nước tận thu tô thuế, họ Trịnh đánh thuế vào cả những diện tích đất “đồng chua nước mặn”, “bãi cát trắng”, đất không sản xuất được; chính sách thuế thổ sản đánh vào tất cả các nghề thủ công của nhân dân làm cho nhiều nghề thủ công bị phá sản, hoạt động công thương nghiệp bị kìm hãm. Tình trạng thiếu thuế năm này dồn sang năm khác trở thành gánh nặng khủng khiếp đối với người dân, nhiều người phải bỏ nghề, phá bỏ công cụ sản xuất để tránh nộp thuế, cuộc sống của nhân dân ngày càng khổ cực, vào những năm 40 của thế kỷ XVIII, hàng chục vạn nông dân chết đói, người sống sót phải bỏ làng quê, phiêu tán khắp nơi. Không những thế, việc mua quan bán tước ngày càng trở nên phổ biến, năm 1736 – 1740, chúa Trịnh Giang bốn lần quy định thể lệ mua quan bán tước, cho phép quan lại nộp tiền để thăng chức và nhà giàu nộp tiền để được làm quan; năm 1750, họ Trịnh đặt “tiền thông kinh”, nộp ba quan tiền thì được miễn khảo hạch và coi như trúng sinh đồ.
Trong khi triều đình trung ương chỉ lo ăn chơi, không chăm lo đến đời sống sống nhân dân, quan lại địa phương càng ra sức đục khoét, ức hiếp, nhũng nhiễu nhân dân, cuộc sống của người dân thường xuyên bị đe dọa. Đồng thời, nạn chiếm đoạt ruộng đất trở thành hiện tượng phổ biến và ngày càng nghiêm trọng. Bằng nhiều hình thức và thủ đoạn, tầng lớp địa chủ đã chiếm đoạt rụông tư của nông dân, mặt khác xâm lấn vào ruộng đất công của làng xã. Phần lớn ruộng công làng xã – niềm tin của nông dân công xã đã bị nhà nước cắt xén để ban cấp cho quan lại và quân lính. Kết quả là phần ruộng cho nông dân ngày càng ít, hàng loạt nông dân bị gạt ra khỏi ruộng đất hoặc cố bám lấy mảnh ruộng “chết đói” để gắng gượng một cuộc sống cơ cực.
Bên cạnh đó, thiên tai, vỡ đê, hạn hán xảy ra liên miên; các năm 1678, 1681, 1684, 1687… là những năm hạn hán, mất mùa lớn. Đặc biệt, nạn đói khủng khiếp năm 1740 – 1741 ở Đàng Ngoài “dân phiêu tán dắt díu nhau đi kiếm ăn đầy đường. Giá gạo cao vọt, một trăm đồng tiền không được một bữa no, nhân dân phần nhiều phải ăn rau, ăn củ, đến nổi ăn cả thịt rắn, thịt chuột, chết đói chồng chất lên nhau; số dân còn lại mười phần không được một. Làng nào vốn có tiếng trù mật cũng chỉ còn lại độ năm ba hộ mà thôi” [1, tr. 852], cuộc sống của người dân rơi vào cảnh cùng khốn.
Nếu như chính sách của chế độ quân chủ tập quyền Đàng Ngoài thời kỳ này đã đẩy mâu thuẫn giữa nông dân với địa chủ, giữa nhân dân với nhà nước phong kiến trở nên gay gắt, làm bùng nổ các cuộc khởi nghĩa, thì đến nửa cuối thế kỷ XVIII, ở Đàng Trong, những mâu thuẫn cố hữu của chế độ phong kiến cũng đã đẩy xã hội Đàng Trong lâm vào cuộc khủng hoảng.
Chúa Nguyễn Phúc Khoát sau khi xưng vương, tạo lập triều đình riêng, cho xây dựng cung điện theo quy mô của một đế đô. Không chỉ riêng các chúa Nguyễn mà tất cả quan lại, quý tộc Đàng Trong đều đua nhau ăn chơi, hưởng lạc đến cực độ, trong đó nổi bật là Trương Phúc Loan, ông nắm hết quyền hành, khét tiếng tham nhũng, vàng, bạc, châu, ngọc, lụa chất “thành núi”, ruộng vườn, nhà cửa, trâu ngựa không đếm xuể. Chính sách thuế khóa của chính quyền họ Nguyễn cũng hết sức nặng nề, phức tạp “hàng trăm thứ thuế, mà trưng thu thì phiền phức, gian lận, nhân dân khốn khổ về nỗi một cổ hai tròng” [2, tr. 413], thuế thổ sản có hàng trăm ngàn thứ, nhà nước cần gì thì đặt ra thứ thuế ấy để thu. Hệ thống quan thu thuế “bản đường quan” đông đảo, luôn tìm cách hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân. Quan trường trở thành nơi làm giàu của bọn quan lại, do vậy nạn mua bán quan tước diễn ra rất phổ biến.
Về kinh tế, trong thời Trịnh – Nguyễn phân tranh và sau đó là giai đoạn đất nước bị chia cắt, kinh tế Đàng Trong có sự phát triển hơn Đàng Ngoài. Thế nhưng, bước sang thế kỷ XVIII, kinh tế Đàng Trong bắt đầu có những dấu hiệu suy thoái trên các lĩnh vực: ngoại thương sa sút, các đô thị như Thanh Hà, Hội An dần dần lụi tàn; khi ngoại thương suy giảm, “nạn tiền hoang” gây ra tình tạng rối loạn nội tệ, dẫn đến tình trạng đầu cơ tích trữ, làm ngưng trệ mọi hoạt động lưu thông; phần lớn ruộng đất đều tập trung trong tay giai cấp địa chủ giàu có, giai cấp nông dân cực khổ, mâu thuẫn giai cấp ngày càng trở nên sâu sắc. Hơn nữa, đói kém xảy ra, đặc biệt năm 1774, Thuận Hóa bị đói lớn, dân bị chết đói rất nhiều, xác chết chồng chất lên nhau. Trước tình hình đó, người nông dân đã nổi dậy đấu tranh, mở đầu là cuộc khởi nghĩa của chàng Lía ở Quy Nhơn, sau đó là phong trào Tây Sơn – phong trào làm rung chuyển cả đất nước.
Như vậy, thế kỷ XVIII chế độ phong kiến Đàng Ngoài và Đàng Trong bước vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, giai cấp địa chủ chiếm đoạt ruộng đất của nông dân, chính sách thuế khóa nặng nề và những thủ đoạn bóc lột tàn bạo của nhà nước phong kiến đã đẩy người nông dân vào cuộc sống bần cùng nghèo khổ, nhiều người phải phiêu bạt, lưu tán. Bên cạnh đó, hạn hán, đói kém xảy ra, đời sống nhân dân ngày càng cơ cực, tất cả những điều đó đã đẩy mâu thuẫn kinh tế xã hội ở nước ta lên đỉnh điểm và là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của phong trào nông dân khởi nghĩa.
2.2. Sơ lược về phong trào Tây Sơn
Phong trào Tây Sơn nổ ra ở Đàng Trong vào nửa cuối thế kỷ XVIII, do ba anh em nhà họ Nguyễn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lãnh đạo. Năm 1771 cuộc khởi nghĩa Tây Sơn bùng nổ với khẩu hiệu: “đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”. Mục đích của khởi nghĩa Tây Sơn là chống lại áp bức của bọn cường hào, địa chủ, tiêu diệt Trương Phúc Loan, “thực hiện công lý trong xã hội”. Phong trào Tây Sơn không ngừng phát triển và liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn: năm 1773, chiếm phủ Quy Nhơn; từ năm 1776 đến năm 1783, nghĩa quân Tây Sơn đã bốn lần đánh vào Gia Định. Trong lần tiến quân thứ hai (năm 1777) Tây Sơn bắt giết được chúa Nguyễn, chỉ còn Nguyễn Ánh chạy thoát, chính quyền họ Nguyễn Đàng Trong bị lật đổ. Sau nhiều lần thất bại, Nguyễn Ánh sang Xiêm cầu cứu. Chớp cơ hội, tháng 7 năm 1784 vua Xiêm sai tướng đem 5 vạn quân thủy bộ theo Nguyễn Ánh sang xâm lược nước ta. Cuối năm 1784, quân Xiêm đã chiếm miền Tây Gia Định, chúng ra sức cướp phá, giết người. Nguyễn Nhạc đã cử Nguyễn Hụê vào Nam đánh giặc. Tháng 1 năm 1785 Nguyễn Huệ lãnh đạo quân Tây Sơn đánh thắng trận Rạch Gầm – Xoài Mút. Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút là một trong những trận thủy chiến lớn nhất, đập tan âm mưu xâm lược của vua Xiêm do Nguyễn Ánh dẫn đường và khẳng định sức mạnh to lớn của nghĩa quân Tây Sơn cũng như thiên tài quân sự Nguyễn Huệ.
Năm 1786, với danh nghĩa “phù Lê diệt Trịnh” phong trào Tây Sơn chuyển mục tiêu đấu tranh ra phía Bắc, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo đã đánh đổ hoàn toàn nền thống trị của họ Trịnh. Sau đó, bằng những cuộc tiến công ra Bắc năm 1787 – 1788, quân Tây Sơn lật đổ sự thống trị của vua Lê, chế độ vua Lê chúa Trịnh thống trị ở Bắc hà bị sụp đổ.
Sau khi đánh đổ các chính quyền phong kiến phản động trong nước, phong trào Tây Sơn đã vươn lên làm nhiệm vụ chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước. Với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa, Quang Trung đã đánh tan đội quân Mãn Thanh do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, bảo vệ độc lập dân tộc.
Phong trào Tây Sơn là một trong những phong trào nông dân tiêu biểu trong thời phong kiến Việt Nam. Phong trào đã lần lượt đánh đổ ba chính quyền phong kiến, phá tan hai cuộc xâm lược và can thiệp của ngoại bang, xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong – Đàng Ngoài, thực hiện công cuộc thống nhất đất nước, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử nước nhà.
2.3. Một số đặc trưng của phong trào Tây Sơn thế kỷ XVIII
2.3.1. Sự phát triển về quy mô và kết hợp vấn đề giai cấp – dân tộc
Tây Sơn là vùng đất thuộc phủ Quy Nhơn, dinh Quảng Nam – là khu vực trù phú nhưng cũng là vùng chịu tô thuế hà khắc thời bởi các chính sách áp bức của các chúa Nguyễn. Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ lên vùng Tây Sơn thượng đạo (nay thuộc An Khê, Gia Lai) lập căn cứ, dựng cờ khởi nghĩa chống chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong.
Trong giai đoạn đầu của phong trào, nghĩa quân Tây Sơn tranh thủ được sự ủng hộ của các cá nhân thuộc giai cấp thống trị bằng khẩu hiệu “đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”. Nguyễn Nhạc đã lợi dụng mâu thuẫn này để phân hóa kẻ thù, kết quả là phong trào không những thu hút được các tầng lớp nhân dân mà còn lôi kéo được một bộ phận trong tầng lớp thống trị vốn bất bình với phe cánh của Trương Phúc Loan “hào mục bản thổ đua nhau nổi dậy hưởng ứng với Nhạc, thế giặc càng ngày càng bùng lên” [3, tr. 17].
“… Giận Quốc phó ra lòng bội bạc nên Tây Sơn xướng nghĩa Cần Vương;
Trước là ngăn cột đá giữa dòng kẻo đảng nghịch đặt mưu ngấp nghé, Sau là tưới mưa dầm khi hạn, kéo cùng dân ra chốn lầm than…”
Ngoài ra, Tây Sơn còn tập hợp được đông đảo nông dân trong vai trò chủ lực của nghĩa quân qua khẩu hiệu “lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo” – quyền lợi kinh tế gắn liền với nông dân. Điều đó được các giáo sĩ Tây Ban Nha, điển hình là Diego de Jumilla ghi lại, sách Les Espagnols dans l’Empire d’Annam trích dẫn như sau: “Ban ngày họ xuống các chợ, kẻ đeo gươm, người mang cung tên, có người mang súng. Họ không hề làm thiệt hại đến người và của. Trái lại họ tỏ ra muốn bình đẳng giữa mọi người Đàng Trong; họ vào nhà giàu, nếu đem nộp họ ít nhiều thì họ không gây tổn hại, nhưng nếu chống cự lại thì họ cướp lấy những của quý đem chia cho người nghèo; họ chỉ giữ gạo và lương thực cho họ mà thôi… Người ta gọi họ là bọn cướp đạo đức và nhân từ đối với quần chúng nghèo khổ..” [4, tr. 33].
Tây Sơn không những tranh thủ được sự ủng hộ của nông dân mà phong trào còn tranh thủ được các tầng lớp khác như hào trưởng có thế lực ở vùng Thuận Nghĩa, ông bầu gánh hát tuồng Nhung Quy, kép hát Tư Linh. Đặc biệt, có cả thương nhân Trung Quốc như Tập Đình, Lý Tài – một trong những lực lượng đóng góp về tài chính nhiều nhất cho nghĩa quân. Đồng thời, Nguyễn Nhạc với chính sách “thượng vận” đã thu hút một phần lớn cư dân miền núi, người Thượng, những người rất thông thạo về đường sá, giỏi bắn cung, đặc biệt là rất trung thành, đã tin ai là tin đến cùng. Từ căn cứ Tây Sơn, nghĩa quân tỏa về giải phóng các làng xã, trừng trị bọn xã trưởng, quan thu thuế, đốt hết các giấy tờ sổ sách, tuyên bố bãi bỏ mọi thứ thuế, nghĩa quân đi đến đâu đều được nông dân hưởng ứng tham gia.
Từ căn cứ Tây Sơn thượng đạo, với các khẩu hiệu “đánh đổ quyền thần Trương Phúc Loan, ủng hộ hoàng tôn Nguyễn Phúc Dương”, “lấy của nhà giàu chia cho người nghèo”, nghĩa quân nhanh chóng được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Nghĩa quân dần mở rộng căn cứ xuống vùng đồng bằng, thanh thế nghĩa quân lan rộng nhanh chóng. Năm 1773, quân đội Tây sơn kiểm soát phần lớn phủ Quy Nhơn. Lần đầu tiên nghĩa quân hạ được một thành lũy, dinh thự của quan lại phong kiến, uy thế của nghĩa quân lên cao. Chiếm được thành Quy Nhơn, nghĩa quân mở rộng đánh và chiếm Quảng Ngãi. Đó là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của cuộc khởi nghĩa. Đến cuối năm 1773, vùng kiểm soát của Tây Sơn kéo dài từ phía nam Quảng Ngãi đến Khánh Hòa. Tuy nhiên, đến giữa năm 1774, quân của chúa Nguyễn phản công và đánh chiếm lại Bình Thuận, Diên Khánh, Bình Khang, quân Tây Sơn chỉ kiểm soát căn cứ Quy Nhơn và Quảng Ngãi.
Năm 1776, Nguyễn Lữ đem quân đánh vào Gia Định, quân chúa Nguyễn phải bỏ thành Gia Định, chạy lên Trấn Biên. Năm 1777, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ tiến quân vào Gia Định lần thứ hai, quân Tây Sơn đánh bại và bắt giết chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Ánh chạy thoát, chấm dứt sự thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc, lật đổ tập đoàn chúa Trịnh, trao trả quyền lực cho vua Lê Hiển Tông. Vua Lê phong Nguyễn Huệ làm Uy quốc công và gả công chúa Ngọc Hân cho ông, cắt đất Nghệ An nhường cho Tây Sơn. Sau khi Tây Sơn trở vào Nam, tình hình Bắc hà trở nên rối loạn, Nguyễn Hữu Chỉnh lộng quyền, Nguyễn Huệ cử Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân cùng Vũ Văn Nhậm diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, còn vua Lê (Lê Chiêu Thống) chạy lên Kinh Bắc, rồi chạy sang Trung Quốc cầu cứu nhà Thanh, sự nghiệp thống trị của nhà Lê đến đây chấm dứt.
Tóm lại, từ một phong trào nổ ra ở địa phương, sau 18 năm phong trào Tây Sơn đã phát triển mạnh mẽ ra phạm vi cả nước, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia và đạt được nhiều thắng lợi. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một phong trào nông dân phát triển rộng lớn, kéo dài với quy mô ngày càng mở rộng, lực lượng tham gia đông đảo về thành phần và số lượng. Phong trào không những đã đánh đổ cả ba chính quyền phong kiến Lê – Trịnh – Nguyễn, chấm dứt tình trạng chia cắt đất nước mà còn đánh bại giặc ngoại xâm Xiêm, Thanh, bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong lịch sử phong kiến Việt Nam, phong trào nông dân Tây Sơn là phong trào duy nhất có sự kết hợp giữa việc giải quyết vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc, đó chính là sự chuyển biến về tính chất của phong trào so với các phong trào nông dân khác.
Sự chuyển biến về tính chất được thực hiện từ lúc nghĩa quân Tây Sơn lật đổ sự thống trị của chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Nguyễn Ánh chạy thoát, cầu viện quân Xiêm với âm mưu khôi phục chế độ phong kiến phản động. Với chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, một mặt làm thất bại âm mưu xâm lược của quân Xiêm, mặt khác đưa phong trào Tây Sơn phát triển lên một tầm cao mới, làm chủ toàn bộ Đàng Trong, tạo điều kiện tiến ra Đàng Ngoài, lật đổ chính quyền thống trị Lê – Trịnh.
Lần thứ hai, lòng yêu nước được thăng hoa, trở thành đỉnh cao, là biểu tượng cho thời đại Tây Sơn khi nhân dân ta tập trung sức người, sức của chống quân xâm lược Mãn Thanh. Với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vào Tết Kỷ Dậu 1789, giải phóng Thăng Long, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, bảo vệ độc lập và thống nhất nước nhà.
Sự chuyển biến về quy mô và tính chất là một nét đặc sắc của phong trào nông dân Tây Sơn trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Từ căn cứ Tây Sơn thượng đạo, phong trào Tây Sơn đã phát triển lớn mạnh, trở thành một phong trào quật khởi của cả dân tộc. Phong trào Tây Sơn ban đầu có tính chất địa phương, sau trở thành trung tâm thu hút mạnh mẽ quần chúng nhân dân tham gia và phát triển thành phong trào có phạm vi hoạt động rộng lớn trên phạm vi cả nước, có sự kết hợp giữa việc giải quyết vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc.
2.3.2. Gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc
Nét nổi bật của phong trào Tây Sơn không chỉ là sự kết hợp giữa việc giải quyết vấn đề giai cấp và vấn đề dân tộc, mà còn là cuộc tranh đấu nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Năm 1788, vua Càn Long nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị chỉ huy 29 vạn quân, huy động từ Lưỡng Quảng, Vân Nam và Quý Châu với danh nghĩa phù Lê, vào chiếm đóng Thăng Long. Nhận tin cấp báo, tháng 12 năm 1788, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu Quang Trung để quy tụ lòng dân, lập tức tiến quân ra Bắc. Đến Nghệ An, Quang Trung tuyển thêm quân, củng cố lực lượng, mở cuộc duyệt binh lớn ở Vĩnh Doanh. Ngày 20 tháng 12 năm Mậu Thân (15 tháng 1 năm 1789), đại quân của Quang Trung đã ra đến Tam Điệp, Biện Sơn. Kế hoạch tác chiến được đề ra, toàn quân chia thành năm đạo với các nhiệm vụ khác nhau. Quang Trung quyết định mở tiệc khao quân ăn tết trước, hẹn đến ngày mùng 7 vào Thăng Long mừng chiến thắng. Đêm giao thừa, Quang Trung đọc vang lời hịch:
Đánh cho để dài tóc,
Đánh cho để đen răng,
Đánh cho chúng chích luân bất phản,
Đánh cho chúng phiến giáp bất hoàn,
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Chỉ với 5 dòng thơ, 35 chữ, lời hịch thể hiện rõ mục đích của cuộc tiến quân là để bảo vệ các truyền thống văn hóa dân tộc như các tục để tóc dài, nhuộm răng đen; quyết tâm đánh giặc đến cùng (đánh cho kẻ xâm lược không kịp trở tay, không còn mảnh giáp) và khẳng định chủ quyền quốc gia của người Việt Nam “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ”. Bài Hịch xuất quân không những biểu hiện ý chí quyết tâm đánh giặc của quân và dân ta mà còn đánh để bảo vệ phong tục, tập quán riêng của dân tộc đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh để khẳng định ta không bị đồng hóa sau hơn 1000 bị phương Bắc đô hộ.
Sau khi đánh bại 29 vạn quân Thanh xâm lược (1789), vương triều Quang Trung ra sức xây dựng một chính quyền phong kiến mới, tiến bộ với ý thức quản lý đất nước trên một phạm vi rộng lớn dưới một chính quyền trung ương tập trung mạnh. Trong đó, Quang Trung rất chú trọng đến phát triển giáo dục và trọng dụng chữ Nôm. Đối với những nho sĩ, trí thức, kể cả quan lại trong chính quyền cũ nhưng có tài năng, trí tuệ, có nhiệt tình xây dựng đất nước, Quang Trung với tư tưởng “cầu hiền tài”, cố gắng thuyết phục và sử dụng họ vào bộ máy nhà nước mới, đặt họ ở những chức vụ cao tương xứng với tài năng của họ. Ngô Thời Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp… là những học giả tiêu biểu trong số các nho sĩ này.
Để đáp ứng nhu cầu xây dựng chính quyền mới và đào tạo quan lại mới, bên cạnh phương thức “tiến cử”, “cầu hiền tài” Quang Trung đã ban hành chính sách “khuyến học”, mở rộng chế độ học tập, thi cử. Trường học được mở rộng đến các làng xã, cho phép các địa phương sử dụng một số đền chùa không cần thiết làm trường học. Về nội dung, bỏ lối học từ chương khuôn sáo, cải tiến dần theo hướng thiết thực, bắt các nho sinh, sinh đồ ở các triều đại trước phải thi lại. Người nào xếp loại ưu thì mới được công nhận cho đỗ, hạng liệt phải về học lại, còn những người bỏ tiền ra mua tước quan (thời Lê – Trịnh) đều bị đuổi về chịu lao dịch như dân chúng.
Bên cạnh đó, dưới vương triều Tây Sơn, Quang Trung rất trọng dụng chữ Nôm. Ông lập Sùng Chính Viện chuyên dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm làm tài liệu học tập và giúp vua về mặt văn hóa. Mục đích của Quang Trung là nhằm đưa chữ Nôm lên thành quốc ngữ chính thức thay cho chữ Hán. Chữ Nôm được đưa vào khoa cử, trong các kỳ thi quan trường phải ra đề thi bằng chữ Nôm, người thi đến kỳ tam trường phải làm thơ, phú bằng văn Nôm. Chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của quốc gia dưới triều Quang Trung, một thành quả quan trọng trong lịch sử đấu tranh và bảo tồn nền văn hóa dân tộc, chống chính sách đồng hóa của các triều đại phương Bắc.
Có thể nói việc trọng dụng chữ Nôm và mở rộng hệ thống trường học có ý nghĩa quan trọng trong sự phát triển nền văn hóa dân tộc, biểu lộ tinh thần quốc gia, bảo tồn nền văn hóa dân tộc. Việc sử dụng chữ Nôm làm văn tự chính thức của quốc gia dưới triều Tây Sơn là một thành quả quan trọng trong lịch sử đấu tranh, gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc. Không những thế, chữ Nôm còn phát triển thành một trào lưu văn hóa rộng lớn, xuất hiện nhiều nhà văn, nhà thơ Nôm xuất sắc như: Ngọc Hân công chúa với “Ai tư vãn”; Phan Huy Ích với “Văn tế Quang Trung” và không thể không kể tới Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương.
Những chính sách về văn hóa của Quang Trung thể hiện tư tưởng tiến bộ nhằm đưa đất nước nhanh chóng vượt qua cuộc khủng hoảng sau thời gian chiến tranh kéo dài, đất nước bị chia cắt, vươn lên sánh vai cùng các quốc gia phát triển đương thời. Đồng thời, những chính sách đó chứng tỏ ông có hoài bão xây dựng một nền học thuật, giáo dục đậm đà bản sắc dân tộc, nâng cao ý thức độc lập, tự cường cho nhân dân. Đây là một nét nổi bật thể hiện tầm nhìn chiến lược của Quang Trung nói riêng và của vương triều Tây Sơn nói chung.
2.3.3. Đoàn kết và chia rẽ trong nội bộ của phong trào
Ngay từ buổi đầu, khi địa bàn hoạt động mới chỉ trong phạm vi nhỏ hẹp của miền núi rừng Quy Nhơn, anh em Tây Sơn đã khôn khéo đề ra được sách lược thích hợp để tập hợp lực lượng, thu hút quần chúng nhân dân tham gia. Nguyễn Nhạc nhiều lần đến các vùng đất Tây Nguyên, danh nghĩa là buôn trầu, mua gỗ, mua ngựa… nhưng thực chất là tìm cách liên kết với cộng đồng dân tộc ở đây, trong đó có người Ba-na, vận động họ tham gia ủng hộ mình. Với sự khôn khéo và thân thiện, Nguyễn Nhạc và những người em của mình đã chiếm được tình cảm quý mến của người dân Tây Nguyên, họ gọi ông là Tơ Mo Bok (vua Trời, người Trời), tham gia tích cực vào lực lượng của Tây Sơn chống chính quyền họ Nguyễn “lực lượng ở giai đoạn đầu của cuộc khởi nghĩa có đông đảo người miền núi […] trong các lực lượng của các dân tộc anh em, trước hết phải kể đến người Ba-na, người Hơ-rê, người Chăm” [5, tr. 143]. Đồng thời, phong trào còn có sự tham gia của những thổ hào như Nguyễn Thung, lôi cuốn cả người Hoa như Tập Đình, Lý Tài tích cực hưởng ứng. Năm 1786, khi tiến quân ra Đàng Ngoài, Tây Sơn luôn nhận được sự ủng hộ đồng tình của quần chúng nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết của cả một dân tộc, phát huy sức mạnh của phong trào Tây Sơn và quân đội Tây Sơn.
Sự đoàn kết của ba anh em nhà Tây Sơn và đông đảo quần chúng nhân dân tạo nên sức mạnh, giúp phong trào vượt qua những khó khăn buổi đầu, ngày càng phát triển về lực lượng và mở rộng phạm vi hoạt động.
Tuy nhiên, trong quá trình lãnh đạo phong trào, tình hình nội bộ Tây Sơn cũng có nhiều bất ổn. Nội bộ lục đục, mâu thuẫn nảy sinh từ sau khi Nguyễn Huệ từ Bắc hà trở về, gây ra những tổn thất to lớn đối với sự thống nhất lực lượng của phong trào Tây Sơn và sự phát triển của vương triều Tây Sơn sau này.
Sử sách không ghi chép thật rõ ràng về nguyên nhân mâu thuẫn giữa anh em Tây Sơn. Nhưng xích mích, mâu thuẫn giữa Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ là có thật, thậm chí 2 người đã sử dụng đến quân sự “dùng binh lực đánh lẫn nhau” [1, tr. 979], “Trước kia, Văn Huệ và Văn Nhạc dấy quân đánh nhau” [1, tr. 979]. Nguyên nhân của sự bất hòa này có lẽ bắt đầu từ lúc Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc hà, bởi vì chủ trương của Nguyễn Nhạc là tập trung tiêu diệt chúa Nguyễn, giữ hòa bình với Bắc Hà, nên việc Nguyễn Huệ tự ý đem quân Bắc tiến là đi ngược lại ý của Nguyễn Nhạc. Mặt khác, Nguyễn Nhạc không yên tâm với sự phát triển thế lực riêng của Nguyễn Huệ, sợ rằng Nguyễn Huệ sẽ vượt quyền mình, sợ rằng không kiềm chế được Nguyễn Huệ “quyền làm vua đối với bề tôi đã bị xem khinh” [6], “sau khi Văn Huệ đã lấy được Thuận Hóa, đưa thư về nói tiến thẳng quân ra để lấy Thăng Long. Văn Nhạc được nhận thư, không bằng lòng, sai người ngăn lại, nhưng không kịp. Đến lúc Văn Huệ đã lấy được Thăng Long. Văn Nhạc biết tin sợ lắm. Nhạc cho là vội vàng đem quân vào sâu như thế tất nhiên khó giữ được lâu. Hơn nữa Văn Nhạc nhận thấy Văn Huệ vốn là người giảo hoạt, hung tợn, nếu đắc chí, tất nhiên sẽ giữ lấy một nước để tự lo toan, rồi dần dà khó mà kiềm chế được” [1, tr. 969 – 970]. Mâu thuẫn giữa hai anh em Tây Sơn lớn tới mức hai bên đánh nhau kịch liệt: “Ông Huệ truy kích. Ông Nhạc rút quân vào thành Quy Nhơn, cố thủ. Ông Huệ công vi cả tháng mà không hạ nổi thành, bèn đánh chiếm núi Long Cốt, rồi kê súng đại bác trên núi bắn vào thành. Những nơi hiểm yếu trong thành bị phá” [6].
Mâu thuẫn và bất hòa của hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ làm cho hòa khí trong nội bộ Tây Sơn bị ảnh hưởng, tình cảm anh em rạn nứt, lực lượng Tây Sơn bị phân hóa: Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở Quy Nhơn, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương, cai quản vùng đất Gia Định, Nguyễn Nhạc phong Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương, cai quản vùng đất từ đèo Hải Vân trở ra Bắc. Một trong những đóng góp của phong trào Tây Sơn là xóa bỏ tình trạng chia cắt, thống nhất đất nước. Nhưng nay, khi phong trào giành được thắng lợi, đất nước lại bị chia làm ba chính quyền khác nhau, tiếp tục đi vào con đường phong kiến hóa.
Hậu quả tai hại nhất của việc bất hòa giữa anh em Tây Sơn là bị kẻ địch từ hai phía tận dụng. Sau ba năm lưu vong ở Xiêm, Nguyễn Ánh nhận ra cơ hội trở về nước vào tháng 8 năm 1787 và đã tập hợp lực lượng. Nguyễn Lữ nghe tin Nguyễn Ánh trở về, vội vã tránh đi nơi khác để Gia Định cho Phạm Văn Tham giữ. Nhận thấy quân Nguyễn Ánh ngày càng mạnh, Nguyễn Lữ sợ hãi mang quân rút chạy về Quy Nhơn, quân Tây Sơn đã mỏng lại càng mỏng. Phạm Văn Tham vẫn cố đơn độc chiến đấu. Thế cùng sức kiệt, đầu năm 1789 Phạm Văn Tham bị Nguyễn Ánh vây chặt, lại bịt đường ra biển về Quy Nhơn nên buộc phải đầu hàng. Nguyễn Ánh dẹp yên đất Gia Định.
Ở Bắc Hà, tình hình rối loạn, từ Nguyễn Hữu Chỉnh đến Vũ Văn Nhậm đều chuyên quyền, có ý chống lại vương triều Tây Sơn. Quang Trung đem quân ra Bắc tiêu diệt Chỉnh, Nhậm, tổ chức lại hệ thống cai trị ở Bắc Hà, đưa các danh sĩ có tên tuổi như Ngô Thì Ngậm, Phan Huy Ích ra đảm đương công việc, Nguyễn Huệ rút quân về Phú Xuân. Sau khi ổn định tình hình Bắc hà, Quang Trung tích cực chuẩn bị lực lượng đem quân vào Nam đánh Gia Định, nhưng năm 1792 ông qua đời, con là Nguyễn Quang Toản còn nhỏ tuổi lên nối ngôi, nhà Tây Sơn nhanh chóng suy yếu. Sự ra đi của Quang Trung làm cho nội bộ hàng ngũ tướng lĩnh Tây Sơn ngày càng rạn nứt nghiêm trọng, Trần Quang Diệu bất hòa với Vũ Văn Dũng, Vũ Văn Dũng giết Bùi Đắc Tuyên và Ngô Văn Sở, các đại thần giết hại lẫn nhau. Quang Toản nghi ngờ giết hại nhiều triều thần, võ tướng, khiến cho sức chiến đấu suy giảm, thêm nhiều người sang hàng Nguyễn Ánh. Nhân cơ hội nội bộ Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh tiến hành những cuộc phản công: năm 1801, Nguyễn Ánh đánh thẳng ra Phú Xuân, Quang Toản phải chạy ra Bắc hà; năm 1802, Nguyễn Ánh huy động nhiều cánh quân thủy – bộ tiến ra Bắc, lần lượt chiếm vùng đất từ Quảng Trị đến Nam Định rồi tiến thẳng về Thăng Long. Quang Toản không cự chống nổi, vượt sông Nhị chạy lên mạn Bắc Giang và bị bắt, chấm dứt vương triều Tây Sơn.
Sự bất hòa trong nội bộ anh em Nguyễn Huệ và trong tướng lĩnh Tây Sơn cùng sự bất lực của Nguyễn Lữ đã tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh trở lại Gia Định. Mặt khác, cái chết đột ngột của Nguyễn Huệ là một tổn thất lớn đối với phong trào Tây Sơn, là cơ hội để Nguyễn Ánh khôi phục quyền lực nhà Nguyễn.
Đoàn kết tạo nên sức mạnh, mất đoàn kết làm cho nội bộ chia rẽ. Buổi đầu, phong trào Tây Sơn có được sức mạnh của đoàn kết, sức mạnh giúp họ từ căn cứ Tây Sơn phát triển rộng ra quy mô cả nước, đưa cuộc phong trào nông dân Tây Sơn lên những tầm cao mới, giành những thắng lợi mới. Nhưng sự chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Tây Sơn đã tạo điều kiện cho Nguyễn Ánh trở về, chiếm lại vùng đất Gia Định và lật đổ vương triều Tây Sơn, thành lập triều Nguyễn.
3. Tổng kết
Phong trào Tây Sơn mang những nét đặc trưng riêng, được đánh giá là một trong những phong trào nông dân tiêu biểu và điển hình của phong trào nông dân trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Nhờ tinh thần đoàn kết, phong trào liên tiếp giành được những thắng lợi lớn, không ngừng phát triển về quy mô, giải quyết tốt vấn đề giai cấp – dân tộc. Thành quả lớn nhất của phong trào Tây Sơn là không những tiêu diệt các chính quyền phong kiến phản động Lê – Trịnh – Nguyễn, xóa bỏ tình trạng chia cắt đất nước mà đã vượt ra khỏi phạm trù đấu tranh giai cấp, vươn lên đảm nhiệm vai trò chống ngoại xâm, bảo vệ độc lập dân tộc. Bên cạnh đó, việc giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống văn hóa của dân tộc luôn là mục tiêu của Tây Sơn dù là đang chiến đấu cho sự nghiệp thống nhất tổ quốc hay ở thời kỳ hòa bình xây dựng, củng cố độc lập nền dân tộc. Những chính sách tiến bộ và hợp thời của Quang Trung và vương triều Tây Sơn giúp Đại Việt có những bước chuyển mình sau hơn hai thập kỷ bị chia cắt và bước đầu đạt được một số thành tựu trên các lĩnh vực. Mặc dù không thể giành được thắng lợi cuối cùng, không giữ được thành quả đấu tranh do sự chia rẽ, mất đoàn kết giữa anh em Nguyễn Huệ và các quan lại, nhưng những đóng góp của phong trào nông dân Tây Sơn là không thể phủ nhận và Tây Sơn – Nguyễn Huệ mãi là niềm tự hào của mỗi người dân Việt.