Cách Muối Củ Kiệu Trắng Và Giòn Ngày Tết Đơn Giản Tại Nhà
Củ kiệu muối là một món ăn hấp dẫn, đặc biệt là trong những dịp lễ Tết.
Bí quyết chọn củ kiệu muối ngon
Ngoài dưa muối, củ kiệu muối cũng là một món ăn truyền thống rất được ưa chuộng, đặc biệt là vào những ngày Tết. Món ăn đơn giản này không chỉ kích thích vị giác mà còn là lựa chọn tuyệt vời để giảm cảm giác ngán trong bữa ăn Tết do ăn nhiều đồ ăn nhiều dầu mỡ hay ăn quá nhiều thịt và cá.
Để có củ kiệu muối trắng giòn và đạt tiêu chuẩn, việc lựa chọn củ kiệu phù hợp là rất quan trọng. Đầu tiên, bạn nên chọn củ kiệu ta - là củ kiệu có kích thước nhỏ, thân nở và đuôi mảnh để khi chế biến gia vị sẽ thấm đều vào kiệu tốt hơn và khi ăn bạn sẽ cảm nhận hương vị đặc trưng giòn thơm.
Tránh chọn những củ kiệu có kích thước to và mọng nước, bởi chúng dễ mềm và khó thấm gia vị. Đồng thời, củ kiệu cần phải tươi và có màu trắng đồng đều, không có dấu hiệu của hư hỏng, không bị dập, thối, trầy xước. Theo kinh nghiệm của dân gian, nên ưu tiên những củ kiệu có phần eo rõ nét để khi bày biện trên đĩa, mâm cơm của bạn sẽ trở nên hấp dẫn hơn.
Để muối củ kiệu đúng vị cần những yếu tố nào?
Chọn kiệu chất lượng
Trên thị trường hiện nay, có hai loại kiệu phổ biến: Kiệu Huế, hay còn được biết đến với tên gọi kiệu quế, và kiệu trâu.
- Kiệu Huế: Bạn có thể nhận biết bằng cách quan sát, kiệu Huế có củ nhỏ, có nhiều rễ và lá kiệu mảnh, thân kiệu tròn, thắt eo rõ và đuôi nối với thân. Vị của kiệu Huế thường mang hương vị hăng nồng.
- Kiệu trâu: Có củ to và thân dài, không thắt eo. Mặc dù củ kiệu này sơ chế nhanh, tiết kiệm thời gian, nhưng vị của kiệu trâu không ngon bằng kiệu Huế, cũng không giòn như kiệu Huế.
Để có món kiệu muối ngon và giòn hơn, bạn nên chọn kiệu Huế để muối.
Ngoài ra, lựa chọn củ kiệu nhỏ, có kích thước đồng đều và vừa phải, trắng, tươi xanh, không có vết trầy xước hoặc bị dập nát sẽ làm cho món ăn trở nên hoàn hảo hơn.
Cần ngâm củ kiệu trước khi muối
Sau khi mua củ kiệu về, bạn nên ngâm chúng trong nước tro pha thêm một ít muối (có thể dùng nước vo gạo, nước pha phèn chua hoặc nước vôi cũng được nhé), để kiệu ngon và giòn, bạn nên ngâm củ kiệu tối thiểu là 8 giờ. Bạn nên ngâm củ kiệu qua đêm để loại bỏ vị hăng từ nhựa kiệu. Khi muối kiệu giòn và thơm ngon, chúng cũng sẽ được bảo quản lâu hơn.
Phơi kiệu trong bóng râm
Để chuẩn bị cho quá trình muối, bạn cần phơi củ kiệu trong bóng mát hay bóng râm ít nhất một ngày. Mặc dù nhiều người thường thích phơi kiệu dưới ánh nắng để chế biến nhanh hơn, nhưng việc này cần canh đủ thời gian, vì củ kiệu không nên phơi quá lâu. Củ kiệu chỉ cần phơi cho đến khi héo vừa đủ, và ánh nắng mặt trời cao có thể làm cháy bề mặt của kiệu, đồng thời làm giảm lượng nước.
Để muối kiệu ngon nên dùng giấm nuôi
Trong quá trình muối kiệu, hãy sử dụng giấm nuôi. Giấm gạo, sau một thời gian sử dụng, có thể khiến cho kiệu bị vàng và mất đi vẻ đẹp tự nhiên.
Khi sơ chế không cắt phạm phần thịt củ kiệu
Khi loại bỏ phần rễ của củ kiệu, hãy nhớ không cắt sâu vào bên trong phần thịt, vì điều này có thể làm cho kiệu dễ bị hỏng, bị úng khi muối. Đối với việc muối kiệu cả lá, chỉ cần bỏ phần rễ và một ít phần gốc lá và để lá dài hơn so với các cách muối kiệu khác.
Cách muối kiệu trắng giòn, thơm ngon
Trong văn hóa ẩm thực, cách muối kiệu mang đậm hương vị và đặc trưng của từng vùng miền. Miền Nam thích sự ngọt ngào nên món ăn thường có vị ngọt, trong khi miền Bắc, miền Trung lại yêu thích hương vị chua cay.
Món kiệu muối trắng giòn, với vị chua thanh không chỉ là sự lựa chọn hoàn hảo để làm dịu cảm giác ngán giữa những món ăn ngày lễ Tết. Củ kiệu muối còn mang đến hương vị độc đáo, kích thích vị giác. Vậy nếu bạn đang tìm kiếm một cách làm kiệu muối đúng điệu, hãy thử theo dõi cách làm sau đây.
Nguyên liệu
Bạn cần chuẩn bị:
- 1kg củ kiệu tươi, kích thước vừa, đồng đều
- 100g giấm
- 20g muối
- 400ml nước đun sôi, sau đó bạn để nước ấm
- 1 nắm tay nhỏ tro bếp
- 1 hũ thủy tinh có nắp đậy kín.
Các bước muối củ kiệu
Để muối củ kiệu ngon bạn có thể tham khảo các bước sau:
Sơ chế nguyên liệu
- Củ kiệu bạn chọn mua củ tươi, trắng, kích thước nhỏ, không chọn củ quá lớn và quá già, sau đó dùng dao loại bỏ phần cuống và rễ của củ kiệu, khi cắt củ kiệu bạn đừng cắt sát hay phạm vào củ kiệu, như vậy khi ngâm kiệu sẽ nhanh bị hư và không giòn.
- Cho tro bếp vào phần củ kiệu đã cắt, ngâm củ kiệu qua đêm trong nước đã hòa tan tro bếp trong khoảng thời gian từ 10 - 12 tiếng.
Phơi củ kiệu héo vừa đủ
Sau khi ngâm xong, bạn vớt củ kiệu ra và mang đi rửa sạch củ kiệu.
Tiếp đó cho củ kiệu phơi khô dưới nắng. Việc này rất quan trọng, khi phơi quá lâu hoặc quá ít thời gian phơi đều có thể ảnh hưởng đến độ giòn và thời gian bảo quản của kiệu. Nếu không có nắng, bạn có thể sử dụng lò nướng để phơi củ kiệu ở nhiệt độ 100 độ C trong khoảng 10 phút. Còn nếu trời nắng thì bạn chỉ cần dàn kiệu ra nia và phơi.
Nấu nước ngâm kiệu
- Khi kiệu phơi nắng đủ thời gian, bạn mang và và rửa lại cho sạch, sau đó để kiệu ráo nước
- Cho nồi lên, bật bếp, đun nóng hỗn hợp gồm đường, muối, giấm, khuấy cho đến khi tan hết, sau đó để nguội.
Ướp củ kiệu cùng gia vị
- Hũ thủy tinh bạn làm sạch, để thật ráo nước
- Xếp củ kiệu vào hũ thủy tinh và đổ hỗn hợp nước đã đun vào, đảm bảo kiệu được ngập hoàn toàn.
- Đậy kín nắp và để củ kiệu ở nhiệt độ phòng để bảo quản.
- Ngâm khoảng 3 ngày là có thể sử dụng, lúc này bạn đã có kiệu muối chua ngon tuyệt vời. Bạn có thể ăn kèm bánh chưng, thịt...
Khi sử dụng củ kiệu muối cần lưu ý
Củ kiệu tuy là một món ăn ngon, tuy nhiên bạn cần ăn đúng cách và ăn vừa phải, tránh ăn quá nhiều. Một số lưu ý bạn cần nhớ:
- Củ kiệu ăn nhiều sẽ làm lạnh bụng
- Củ kiệu không dành cho người bị khí hư
- Người bị đau dạ dày không nên ăn củ kiệu
- Người bị đau đầu kinh niên cũng không nên ăn củ kiệu
- Khi đói không nên ăn củ kiệu...