
Bánh Dân Gian Miền Tây: Vị Ngọt Của Phù Sa, Tình Quê Hương
Mảnh đất Tây Nam Bộ, nơi được phù sa bồi đắp quanh năm, nổi tiếng với những cánh đồng lúa trù phú, vườn trái cây xanh tốt, con người chân phương, thật thà, là nơi khởi nguồn của biết bao món bánh dân gian mộc mạc, đậm đà tình quê. Mỗi chiếc bánh gắn liền với câu chuyện của đất, của người, của ký ức ngọt như chính hương vị mà nó mang lại.
Ngọt từ nguyên liệu cho đến tấm lòng
Bánh dân gian dân dã và hiền hậu như chính con người miền Tây, không cần nguyên liệu cao sang, chỉ với những thành phần quen thuộc trong đời sống miền quê như nếp, dừa, chuối, đậu xanh, đường thốt nốt… mọi thứ đều là sản vật của vùng đất phù sa đã có thể làm nên những chiếc bánh thơm ngon, đầy hấp dẫn.
Vị béo của nước cốt dừa, cái ngọt thanh của đường thốt nốt, cái dẻo của nếp, tất cả hòa quyện thành những hương vị khó quên: bánh tét lá cẩm, bánh chuối hấp, bánh bò, bánh da lợn,…Mỗi loại bánh là một mảnh ghép của đời sống sinh hoạt và tinh thần người dân miền Tây.
Chiếc bánh gói gọn cả một trời ký ức
Bất cứ ai từng sinh ra và lớn lên tại miền Tây, chắc vẫn vẹn nguyên ký ức về những buổi sáng với món xôi lá dứa, tiếng reo leng keng của cô bán bánh rong trong xóm. Chiếc bánh nhỏ xinh, đặt trên tàu lá chuối tươi xanh, nghi ngút khói nơi góc chợ quê, miền ký ức tuổi thơ giản dị nhưng đầy ắp kỷ niệm tình thương.
Mỗi lần theo bà hay mẹ đi chợ quê, chỉ cần vài chiếc bánh da lợn mềm dẻo, cái bánh nếp nướng vàng nhuộm hay chiếc bánh cam giòn phủ đầy đường cũng đủ làm lòng những đứa trẻ thơ rộn rã cả ngày.
Giữ nghề giữ hồn quê hương
Trong xã hội hiện đại, sự xuất hiện phổ biến của các loại bánh tây, bánh lạnh theo xu hướng của giới trẻ, nhưng nhiều làng nghề và gia đình miền Tây vẫn kiên trì giữ nghề làm bánh dân gian. Duy trì không chỉ để buôn bán mà còn là cách giữ gìn truyền thống, lan tỏa nét đẹp văn hóa ẩm thực đến thế hệ sau. Nhiều lễ hội bánh dân gian được đều đặn tổ chức hàng năm tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Bến Tre đã và đang góp phần vinh danh những bàn tay làm bánh, giúp những hương vị quê có cơ hội vươn mình khỏi làng quê, từng bước len lỏi vào nhà hàng, xuất khẩu ra nước ngoài, mang bản sắc dân tộc, hồn quê mộc mạc đến với bạn bè quốc tế.
Lời kết
Bánh dân gian miền Tây thơm ngọt ở hương vị, ngọt ở lòng như tâm tình người miền Tây chân phương, nghĩa tình, nhắc nhớ về một chốn miền quê yên bình có mẹ có bà cặm cụi bên bếp lửa và cả những buổi chiều thơm mùi bánh mới hấp, giản dị nhưng thân thương, đong đầy cả một trời kí ức. Mỗi chiếc bánh là kết tinh của văn hóa, của đất và người, là di sản lớn lao của quê hương sông nước hiền hòa.
Thấu hiểu được những giá trị đó, khu du lịch Tuấn Tường sẽ mang đến cho du khách những món bánh dân gian thơm ngọt để thưởng thức và gợi nhớ những ký ức ngọt ngào yêu thương.