
Ban Quản Lý Khu Kinh Tế Tỉnh Kiên Giang
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang là cơ quan trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang, được thành lập vào ngày 13 tháng 2 năm 2009. Cơ quan này có chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.
Quá trình hình thành và phát triển
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang được thành lập theo Quyết định số 1327/QĐ-TTg ngày 27/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Quản lý Khu kinh tế (BQLKKT) tỉnh Kiên Giang là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) và khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong các KCN, KKT, KKTCK trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý Khu kinh tế có tư cách pháp nhân, có tài khoản, con dấu hình Quốc huy, trụ sở làm việc tại tỉnh Kiên Giang; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp của Ban Quản lý và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm. Thực hiện một số nhiệm vụ theo sự ủy quyền của UBND tỉnh Kiên Giang và các bộ, ngành có liên quan. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác quản lý các KCN và KKTCK. Tổ chức bộ máy theo Quyết định số 1327/QĐ-TTg thành lập vào ngày 27/7/2010 gồm có: Biên chế công chức và biên chế sự nghiệp của BQLKKT được tính trong tổng số biên chế công chức và biên chế sự nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Lãnh đạo có Trưởng ban và không quá 03 Phó Trưởng ban. Cơ cấu tổ chức gồm: Văn phòng, các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và đại diện Ban Quản lý tại KCN, KKT, KKTCK, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Từ khi thành lập đến nay, tổ chức bộ máy của BQLKKT ngày một đã hoàn thiện, đội ngũ CBCC,VC có trình độ và năng lực đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong thời kỳ đổi mới. Cơ cấu tổ chức của BQLKKT hiện tại có 01 Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban; 02 phòng, ban nghiệp vụ gồm: Văn phòng; Phòng Nghiệp vụ và 02 đơn vị trực thuộc: Trung tâm phát triển hạ tầng Khu kinh tế và Ban Quản lý cửa khẩu Hà Tiên - Giang Thành.
Kiên Giang có 05 KCN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đưa vào quy hoạch phát triển các KCN ở Việt Nam định hướng đến năm 2020, với tổng diện tích đất là 764,47 ha, bao gồm: KCN Thạnh Lộc (huyện Châu Thành) có diện tích 251,98 ha; KCN Thuận Yên (thành phố Hà Tiên) có diện tích 133,95 ha; KCN Xẻo Rô (huyện An Biên) có diện tích 210,54 ha; KCN Tắc Cậu (huyện Châu Thành) có diện tích 68 ha; KCN Kiên Lương II (huyện Kiên Lương) có diện tích 100 ha. Các KCN này đều nằm trên địa bàn thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhà đầu tư sẽ được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định của pháp luật về đầu tư. Đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế đã triển khai lập quy hoạch chi tiết 03 KCN Thạnh Lộc, Thuận Yên, Xẻo Rô.
Kiên Giang còn có Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg ngày 05/08/2020, với diện tích 1.600 ha, bao gồm 05 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức.
KKTCK Hà Tiên có cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, giáp với cửa khẩu quốc tế Prek Chach, tỉnh Kampot của Vương quốc Campuchia, được tổ chức thành lập các khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư và các khu chức năng khác. Với định hướng xây dựng thành phố Hà Tiên và KKTCK Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính đến đầu năm 2022, trong 02 KCN (Thạnh Lộc,Thuận Yên): Có 24 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, tổng diện tích đăng ký là 95,06 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 6.700 tỷ đồng, giá trị đầu tư lũy kế đến nay đạt 5.360 tỷ đồng, tỷ lệ vốn đầu tư đạt 80%. Cụ thể: KCN Thạnh Lộc: Có 23 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, diện tích đăng ký là 72,46 ha và vốn đăng ký đầu tư là 6.407 tỷ đồng, tỷ lệ lắp đầy (giai đoạn 1) đạt 67.43%. Đã có 16 dự án đã đi vào hoạt động; 7 dự án đang thực hiện thủ tục đất đai và triển khai xây dựng. KCN Thuận Yên: Có 01 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/quyết định chủ trương đầu tư, diện tích đăng ký là 22,60 ha, vốn đăng ký đầu tư 292,5 tỷ đồng, tỷ lệ lắp đầy đạt 25,84%. Hiện dự án đã đi vào hoạt động kinh doanh.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang là cơ quan đầu mối giải quyết các thủ tục về đăng ký đầu tư, cấp giấy phép xây dựng, môi trường, lao động, thương mại,... cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào các KCN và KKT tại tỉnh Kiên Giang theo cơ chế "một cửa, một cửa liên thông". BQLKKT thường xuyên rà soát, cải cách thủ tục hành chính trong phạm vi quyền hạn của mình, nhằm đơn giản hoá các thủ tục, hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp; khi doanh nghiệp gặp trở ngại trong thực hiện các thủ tục đầu tư, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại,... hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ, hướng dẫn chi tiết các nội dung cần thiết giúp doanh nghiệp rút ngắn thời gian thực hiện.
BQLKKT luôn đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình hoạt động. Chúng tôi chia sẻ mọi khó khăn của doanh nghiệp, phối hợp xử lý hoặc kiến nghị lên cấp trên để giải quyết dứt điểm, giúp cho các nhà đầu tư yên tâm, tin tưởng khi thực hiện dự án tại KCN và KKT tại tỉnh Kiên Giang.
Vị trí và chức năng
1. Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh (sau đây gọi tắt là Ban Quản lý) là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và pháp luật có liên quan; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công và dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh cho nhà đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
2. Ban Quản lý chịu sự chỉ đạo và quản lý về tổ chức, biên chế, chương trình kế hoạch công tác và kinh phí hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh; chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của các bộ, ngành quản lý về ngành, lĩnh vực có liên quan; có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế.
3. Ban Quản lý có tư cách pháp nhân; tài khoản và con dấu mang hình quốc huy; kinh phí quản lý hành chính nhà nước, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển do ngân sách nhà nước cấp theo kế hoạch hàng năm và nguồn kinh phí khác theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Nhiệm vụ, quyền hạn
Nhiệm vụ, quyền hạn được quy định như sau:
a) Tham gia ý kiến, xây dựng và trình các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện các công việc sau đây:
- Tham gia ý kiến với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy hoạch có liên quan đến hoạt động đầu tư, phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng quy chế phối hợp làm việc với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc các cơ quan có liên quan để thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
- Xây dựng chương trình, kế hoạch về xúc tiến đầu tư phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện;
- Hàng năm dự báo nhu cầu sử dụng lao động trong khu công nghiệp, khu kinh tế, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Dự toán ngân sách, kinh phí hoạt động sự nghiệp và vốn đầu tư phát triển hàng năm và nguồn kinh phí khác (nếu có) của Ban Quản lý trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan;
- Theo phân cấp, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định công nghệ, đánh giá công nghệ, đánh giá trình độ công nghệ, thẩm định hợp đồng chuyển giao công nghệ; kiểm tra, kiểm soát công nghệ và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư, hoạt động nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp.
b) Ban Quản lý thực hiện các nhiệm vụ sau đây:
- Quản lý, phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
- Đăng ký đầu tư; cấp, điều chỉnh, thu hồi quyết định chủ trương đầu tư giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thỏa thuận ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án đầu tư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư;
- Cấp, cấp lại, điều chỉnh, gia hạn, thu hồi giấy phép thành lập văn phòng đại diện và chấm dứt hoạt động của văn phòng đại diện của tổ chức, thương nhân nước ngoài đặt trụ sở tại khu công nghiệp, khu kinh tế theo quy định pháp luật về thương mại;
- Chủ trì thực hiện kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng khi các cơ quan chức năng tổ chức các cuộc thanh tra việc thực hiện quy định, quy hoạch, kế hoạch có liên quan tới khu công nghiệp, khu kinh tế; đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý đối với khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Tiếp nhận đăng ký khung giá cho thuê đất, cho thuê lại đất và phí hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế của nhà đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế;
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện mục tiêu đầu tư quy định tại văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tiến độ góp vốn và triển khai dự án đầu tư; việc thực hiện các điều khoản cam kết đối với các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư và việc chấp hành pháp luật về xây dựng, lao động, tiền lương, bảo hiểm xã hội đối với người lao động, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động và người sử dụng lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, an ninh - trật tự, bảo vệ môi trường đối với các dự án tại khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Phối hợp với các đơn vị Công an và các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền khác trong việc kiểm tra công tác giữ gìn an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ, xây dựng và đề xuất những biện pháp thực hiện công tác bảo đảm an ninh, trật tự, tổ chức lực lượng bảo vệ, lực lượng phòng cháy, chữa cháy trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Giải quyết các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư tại khu công nghiệp, khu kinh tế và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền;
- Nhận báo cáo thống kê, báo cáo tài chính của doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế; đánh giá hiệu quả đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng và quản lý hệ thống thông tin về khu công nghiệp, khu kinh tế thuộc thẩm quyền quản lý;
- Báo cáo định kỳ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình: Xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; thực hiện việc cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; triển khai và hoạt động của dự án đầu tư; thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước; thực hiện các quy định của pháp luật lao động và các biện pháp bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Hỗ trợ, cung cấp thông tin để các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế liên kết, hợp tác với nhau thực hiện cộng sinh công nghiệp, các biện pháp sản xuất sạch hơn, hình thành các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp hỗ trợ, khu, cụm liên kết ngành; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp trong trường hợp phải điều chỉnh quy hoạch xây dựng khu công nghiệp khi chuyển đổi thành khu công nghiệp sinh thái;
- Tổ chức phong trào thi đua và khen thưởng cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Tổ chức và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong khu theo thẩm quyền;
- Thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý tài chính, tài sản, ngân sách được giao; thu và quản lý sử dụng các loại phí, lệ phí; nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ; hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài về các lĩnh vực có liên quan đến đầu tư xây dựng và phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức và đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức của Ban Quản lý;
- Thực hiện nhiệm vụ đầu mối tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch, quản lý, hỗ trợ chuyển đổi, phát triển mô hình khu công nghiệp, khu kinh tế mới;
- Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền:
+ Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế;
+ Phương án phát hành trái phiếu công trình; phương án huy động các nguồn vốn khác để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội quan trọng trong khu kinh tế.
- Xây dựng và trình các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện:
+ Quy hoạch xây dựng các khu chức năng phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế đã được phê duyệt, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chi tiết trong khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;
+ Kế hoạch hàng năm và 05 năm về phát triển khu kinh tế trình Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Danh mục các dự án đầu tư và kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm và 5 năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc tự phê duyệt theo thẩm quyền;
+ Xây dựng các khung giá và mức phí, lệ phí áp dụng tại khu kinh tế trình cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.
c) Ban Quản lý chỉ đạo hoặc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ:
- Cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung và gia hạn giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh trong khu kinh tế đối với doanh nghiệp du lịch nước ngoài theo quy định của pháp luật và theo hướng dẫn hoặc ủy quyền của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Thuê tư vấn nước ngoài thực hiện dịch vụ tư vấn xúc tiến đầu tư, tư vấn chiến lược đầu tư xây dựng và phát triển khu kinh tế;
- Quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, C sử dụng vốn đầu tư công tại khu kinh tế theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đề xuất danh mục dự án, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, ký hợp đồng BOT, BTO, BT, các hình thức hợp đồng khác theo pháp luật về đối tác công tư, các dự án nhóm B, C theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh; trực tiếp tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn ODA;
- Quản lý và sử dụng các nguồn vốn đầu tư phát triển khu kinh tế thuộc thẩm quyền; quản lý đầu tư, xây dựng, đấu thầu đối với các dự án đầu tư bằng vốn đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước tại khu kinh tế thuộc thẩm quyền; quản lý và thực hiện việc thu, chi hành chính, sự nghiệp, các chương trình mục tiêu và các nguồn vốn khác được giao theo quy định của pháp luật;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện việc duy tu, bảo dưỡng hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, các công trình dịch vụ và tiện ích công cộng được đầu tư từ ngân sách nhà nước trong khu kinh tế;
- Quản lý và sử dụng có hiệu quả quỹ đất, mặt nước chuyên dùng đã được giao theo đúng mục đích sử dụng và phù hợp với quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, quy hoạch xây dựng các khu chức năng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
- Giao lại đất có thu tiền sử dụng đất, giao lại đất không thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất và thực hiện các thẩm quyền khác về quản lý đất đai trong khu kinh tế theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan bảo đảm hoạt động trong khu kinh tế phù hợp quy hoạch, kế hoạch xây dựng và phát triển khu kinh tế đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và các quy định có liên quan.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật hoặc do Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
d) Thực hiện các nhiệm vụ sau khi được các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền ủy quyền:
- Cấp các loại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cho hàng hóa sản xuất tại khu công nghiệp, khu kinh tế trên cơ sở ủy quyền của Bộ Công Thương;
- Điều chỉnh quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt của khu công nghiệp, các khu chức năng trong khu kinh tế nhưng không làm thay đổi cơ cấu quy hoạch; phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án trong khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế thuộc diện phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng theo pháp luật về xây dựng; cấp giấy phép quy hoạch xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc diện cấp giấy phép trong khu công nghiệp, khu chức năng trong khu kinh tế; thực hiện thẩm quyền thẩm định dự án và thiết kế, dự toán xây dựng của sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành đối với các dự án, công trình trong khu công nghiệp, khu kinh tế; cấp, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại giấy phép xây dựng công trình đối với công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng công trình; thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình đối với các dự án trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lao động và xác nhận người lao động nước ngoài không thuộc diện cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài làm việc trong khu công nghiệp, khu kinh tế; tiếp nhận báo cáo giải trình của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế về nhu cầu sử dụng người nước ngoài đối với từng vị trí công việc mà người Việt Nam chưa đáp ứng được; tổ chức thực hiện đăng ký nội quy lao động; tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động, khai trình việc sử dụng lao động, báo cáo tình hình thay đổi về lao động; tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký thực hiện Hợp đồng nhận lao động thực tập của doanh nghiệp, hoạt động đưa người lao động đi thực tập ở nước ngoài dưới 90 ngày cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế; nhận báo cáo về việc cho thôi việc nhiều người lao động, cho thuê lại lao động, kết quả đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề hàng năm; nhận thông báo về địa điểm, địa bàn, thời gian bắt đầu hoạt động và người quản lý, người giữ chức danh chủ chốt của doanh nghiệp thuê lại lao động, thông báo tổ chức làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm của doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Cấp một số loại giấy phép, chứng chỉ, chứng nhận khác trong khu công nghiệp, khu kinh tế;
- Tổ chức thực hiện thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh trong khu công nghiệp, khu kinh tế; tiếp nhận đăng ký và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường cho các dự án đầu tư thuộc diện phải đăng ký trong khu công nghiệp, khu kinh tế; thẩm định, phê duyệt và kiểm tra, xác nhận đề án bảo vệ môi trường chi tiết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế; kiểm tra, xác nhận việc thực hiện các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của các dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.
đ) Ban Quản lý là cơ quan đầu mối quản lý hoạt động đầu tư trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương khi triển khai các nhiệm vụ chuyên môn tại các khu công nghiệp, khu kinh tế có trách nhiệm phối hợp và lấy ý kiến tham gia của Ban Quản lý, đảm bảo cho hoạt động quản lý nhà nước khu công nghiệp, khu kinh tế thống nhất, tránh chồng chéo và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật.