Điểm Sáng Kinh Tế Tập Thể Tại Xã Anh Hùng
Xã Hòa Thuận trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc nhất là lĩnh vực kinh tế tập thể, được xem là địa phương thành công với nhiều mô hình hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, trong đó, phải kể đến Hợp tác xã nông nghiệp Xẻo Cui.
Nội dung
Trải qua hai cuộc kháng chiến, Hòa Thuận là cái nôi Cách mạng của tỉnh Kiên Giang và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây đã ghi vào những trang vàng lịch sử đấu tranh của dân tộc với những chiến thắng anh dũng, vang dội. Và, trên mảnh đất anh hùng đã sinh ra những người con anh hùng như: Lê Quang Tuân, chị Mười Mẫn, chị Tư Bốn. Với những chiến công lẫy lừng ấy, ngay sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, ngày 14/10/1976, chính quyền và quân dân xã Hòa Thuận được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (xã Anh hùng đầu tiên của huyện Giồng Riềng). Tuy nhiên, kinh tế chủ lực của xã vẫn dựa vào nông nghiệp, cùng với địa bàn có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nên hiện xã Hòa Thuận vẫn còn 333/3.420 hộ nghèo. Vượt qua những khó khăn, thử thách kinh tế xã Hòa Thuận trong những năm gần đây có nhiều khởi sắc nhất là lĩnh vực kinh tế tập thể, được xem là địa phương thành công với nhiều mô hình hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, trong đó, phải kể đến Hợp tác xã nông nghiệp Xẻo Cui.
Thành lập năm 2014, trãi qua 2 kỳ đại hội với 230 thành viên và 950 lao động, hợp tác xã ngày càng mở rộng quy mô hơn so với những ngày đầu thành lập. Hiện nay, hợp tác xã triển khai thực hiện tốt các dịch vụ hỗ trợ thành viên như dịch vụ bơm tác, dịch vụ làm đất, dịch vụ sản xuất lúa giống và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm cho thành viên bằng phương pháp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với công ty, doanh nghiệp lớn có uy tín; vận động thành viên gieo sạ đồng loạt cùng một loại giống chất lượng cao theo lịch thời vụ của Phòng Nông nghiệp huyện Giồng Riềng khuyến cáo.
Là một xã thuần nông nên Hợp tác xã nông nghiệp Xẻo Cui cũng triển khai các dịch vụ nông nghiệp để phục vụ người dân, tốt nhất phải kể đến là dịch vụ bơm tưới đạt 100% diện tích đất lúa trong hợp tác xã. Giá bơm tưới của hợp tác xã là 500.000 – 700.000 đồng/ha, rẻ hơn thuê bên ngoài hoặc cá thể tự bơm từ 300.000-500.000 đồng, được tham gia hợp tác xã được bơm tát giá rẻ, cuối năm lại được chia lãi nên thành viên hợp tác xã rất phấn khởi. Do nhu cầu canh tác mở rộng thêm diện tích bơm tưới vụ Thu Đông và bà con lân cận thấy hiệu quả muốn gia nhập thêm nên hợp tác xã đã đề nghị phòng Nông nghiệp huyện đầu tư hệ thống nạo vét thủy lợi trong toàn hợp tác xã là 6 kênh với chiều dài 9500 m nhằm đảm bảo bơm tác dễ dàng trong mùa mưa (đã thực hiện được 1.500 m).
Ảnh: Lúa Hè Thu của HTX, tuy gặp bão bị đổ ngã nhưng năng suất vẫn đạt 900-1.000kg/công
Để giúp bà con tiếp cận với kỹ thuật canh tác mới, ngay từ đầu năm Hội đồng quản trị hợp tác xã đã lên kế hoạch sản xuất, trên cơ sở đó liên hệ với các Công ty, doanh nghiệp và Trạm Khuyến nông huyện Giồng Riềng tổ chức các cuộc hội thảo đầu bờ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các thành viên hợp tác xã. Vận động các thành viên hợp tác xã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng như chương trình 1 phải 5 giảm.... Chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp với mùa vụ. Song song đó, Ban Giám đốc điều hành hợp tác xã vận động các thành viên hợp tác xã gieo sạ đúng theo lịch thời vụ của huyện, nhằm quản lý được thời vụ, gieo sạ đồng loạt, né rầy, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các đợt dịch hại. Hội đồng quản trị, giám đốc điều hành thường xuyên thăm đồng khuyến cáo thành viên hợp tác xã trong các khâu chăm sóc lúa, báo cáo địa phương khi phát hiện những điểm bất thường hay nguy cơ dịch bệnh.
Một số bà con nông dân vẫn giữ truyền thống sản xuất các chủng loại lúa chất lượng thấp, nhưng dễ canh tác như IR50404 hoặc giữ lúa thịt vụ trước để lại làm giống, tiềm tàng bệnh và lẫn nhiều, không đảm bảo chất lượng. Vì vậy, Hội đồng quản trị vận động trong thành viên sử dụng các giống lúa chất lượng cao mua tại trại giống hoặc cơ sở uy tín để tăng giá trị sản phẩm làm ra, dễ dàng tiêu thụ, hạn chế các bệnh tiềm ẩn. Kết quả vụ Đông - Xuân (2018-2019) toàn hợp tác xã gieo sạ giống lúa Jasmine 85 đạt 85% diện tích, tăng 15% so với kế hoạch đề ra, năng suất bình quân đạt 8 tấn/ha. Vụ Hè Thu do thời tiết khắc nghiệt mưa gió lớn nên thành viên gieo sạ giống IR 5404 là 20% diện tích giảm 15% so với kế hoạch còn lại giống chủ lực là OM 5451, năng suất lúa bình quân 6 tấn/ha. Vụ Thu - Đông sản xuất đạt 100% diện tích toàn hợp tác xã vượt kế hoạch đề ra 10% với giống lúa chủ lực là OM 5451, năng suất bình quân 5,8 tấn/ha.
Ngoài việc chú trọng việc sản xuất cây lúa đối với các thành viên. Hợp tác xã nông nghiệp Xẻo Cui đã phát động mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt nhỏ lẻ của các thành viên chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi theo tập quán cũ sang chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn vận động các thành viên tận dụng thời gian nông nhàn cải tạo vườn tạp trồng rau màu và cây ăn trái, nhiều hộ thành viên hợp tác xã đã cải tạo vườn tạp, tận dụng đê bao, bờ thửa trồng rau màu: như rau cải các loại, bầu, bí, mướp, khổ hoa được 10 ha… trước mắt phục vụ trong hợp tác xã sau đó cung cấp ở các chợ lân cận, mang lại thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm. Tận dụng các lợi thế mà tự nhiên mang đến, hợp tác xã nông nghiệp Xẻo Cui triển khai rất có hiệu quả mô hình nuôi vịt đẻ, vịt chạy đồng khi mùa nước lên (khoảng tháng 6 âm lịch), có 7 hộ với quy mô khoảng 12.000 con, giá trứng bán được trung bình 2.000 đồng/trứng, đã mang lại nguồn thu bình quân khoảng 75.000.000 đồng/hộ. Mô hình chăn nuôi và trồng rau màu mang lại hiệu quả kinh tế cho các thành viên hợp tác xã được nhân rộng ở địa phương.
Ảnh: Nuôi vịt đẻ, vịt chạy đồng vào mùa lũ là nghề tay trái nhưng hái ra tiền đối với bà con nơi đây; Ảnh: Nguyên Anh
Ở một số vùng đất trũng hoặc diện tích nhỏ lẽ canh tác lúa mang lại giá trị kinh tế thấp, thành viên hợp tác xã đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu sản xuất với mô hình trồng tiêu leo cây tràm, mô hình này có vốn đầu tư thấp, mang lại lợi nhuận cao và ổn định; có thể tận dụng sân nhà để trồng với số lượng nhỏ… Theo người dân, tiêu cho trái quanh năm nhưng rộ nhất mỗi năm 2 mùa. Trung bình mỗi dây tiêu trưởng thành có thể cho từ 0,6 – 0,7 kg/mùa. Cứ mỗi ha tiêu cho năng suất bình quân từ từ 2 - 3,5 tấn/năm. Hiện nay, giá tiêu tươi bán tại vườn từ 30.000 – 40.000 đồng/kg, tiêu khô từ 90.000 – 100.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận bình quân thu được hơn 100 triệu đồng/ha. Hiệu quả về kinh tế cao gấp 3 – 4 lần so với trồng lúa và cao hơn so với trồng các loại cây ăn trái trong vùng. Thành viên hợp tác xã trồng được 6.000 gốc tiêu mang lại thu nhập 150.000.000 triệu đồng/năm. Tiêu có tuổi thọ tương đối cao từ 15 – 20 năm mới cỗi. Hàng năm, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho tiêu không nhiều, chủ yếu là bỏ công chăm sóc. Một số hộ trồng tiêu chia sẻ bí quyết sử dụng phân gà, vịt để bón gốc sẽ giúp tiêu thơm nồng, ngon, màu sắc đẹp…
Ảnh: Mô hình trồng tiêu tại xã Hòa Thuận, Ảnh: Đức Vinh
Việc vận động thành viên thay thế giống lúa gieo sạ, năng suất tăng lên, các mô hình sản xuất mới đã nâng thu nhập cho thành viên thêm 15%. Hợp tác xã thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với mọi thành viên trong tập thể theo quy định của điều lệ hợp tác xã thông qua tại Đại hội, nên khi triển khai công việc mới luôn được sự đồng thuận cao từ nội bộ. Hợp tác xã được thành viên tin tưởng, nên khi vận động thành viên tham gia các hoạt động và đóng góp kinh phí để làm dịch vụ được thành viên tích cực hưởng ứng.
Hội đồng quản trị hợp tác xã còn kết hợp với Ban vận động xây dựng nông thôn mới thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nông thôn mới chính vì vậy 100% hộ gia đình thành viên hợp tác xã được cấp trên công nhận là hộ gia đình đạt chuẩn xây dựng nộng thôn mới. Hằng năm, hợp tác xã cùng địa phương chung tay thực hiện tốt các phong trào như vận động các thành viên hợp tác xã đóng góp quỹ vì người nghèo và quỹ khuyến học được trên 10.000.000 đồng. Hợp tác xã có 37 gia đình thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng nên hợp tác xã rất quan tâm phối hợp cùng địa phương chăm lo thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước dành cho người có công. Không những vậy, thành viên còn đóng góp tiền, ngày công để tu bổ các đoạn đường nông thôn, cầu bị hư hại, khi địa phương vận động phong trào thành viên hợp tác xã đều tích cực tham gia.
Ông Nguyễn Văn Thạnh, giám đốc hợp tác xã chia sẻ: “làm hợp tác xã phải cố gắng nhiều, không chỉ chăm lo cho hợp tác xã mà còn lo kinh tế gia đình, nhiều lúc áp lực lắm mà thấy người dân được hưởng lợi, cũng ủng hộ nhiệt tình nên có động lực để làm tốt hơn. Ở đây, trong chiến tranh người dân quyết liệt chống giặc đến cùng, thì thời bình này cũng quyết chống cái đói, cái nghèo như vậy”. Khi những diễn biến thất thường của thời tiết công tác triển khai các dịch vụ cho thành viên gặp không ít khó khăn, nhưng bằng tinh thần chịu thương, chịu khó Hội đồng quản trị đã cũng nhau động viên, tìm cách vượt qua khó khăn đây là điều rất đáng trân trọng dành cho đội ngũ quản lý hợp tác xã, một nhân tố quyết định sự thành bại của mô hình này.
Trong năm qua, Hội đồng quản trị hợp tác xã đã tổ chức vận động toàn thể thành viên trong hợp tác xã luôn chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Thành viên Hội đồng quản trị đã vận động đưa tiễn 2 con em là thành viên hợp tác xã lên đường nhập ngũ, phục vụ tổ quốc, 100% hộ gia đình các thành viên hợp tác xã được công nhận là hộ gia đình “không tội phạm, không tệ nạn xã hội”.
Với những cố gắng và thành quả đạt được, 02 năm liền hợp tác xã đã được nhận bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang với thành tích hạng ba và hạng nhì khối thi đua hợp tác xã nông nghiệp huyện Giồng Riềng. Đây là động lực để mọi thành viên hợp tác xã đoàn kết cùng giúp nhau vượt qua khó khăn vươn lên trong sản xuất. Phát huy truyền thống anh hùng vẽ vang của cha ông, nhân dân xã Hòa Thuận nói chung và Hợp tác xã nông nghiệp Xẻo Cui nói riêng thi đua làm kinh tế để mọi thành viên đều có kinh tế khả giả, làm giàu cho quê hương đất nước.