Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non (Phần 1)
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non là những hoạt động giải trí do người dân Việt Nam sáng tạo ra và được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Với đặc điểm của nền văn minh lúa nước, sau mỗi mùa vụ, người nông dân sẽ có một khoảng thời gian nhàn rỗi.
Đây là lúc họ tổ chức các hoạt động vui chơi, để vừa nghỉ ngơi, thư giãn và vừa tạo động lực cho vụ mùa sắp tới. Đặc biệt, những trò chơi mang đậm tính chất cộng đồng này còn giúp tăng sự kết nối giữa người với người. Dần dần, điều này tạo thành một tập tục; hay còn được gọi là các trò chơi dân gian. Những trò chơi này không chỉ mang vẻ đẹp của truyền thống văn hoá mà còn mang lại rất nhiều lợi ích cho người tham gia.
Các trò chơi dân gian thường được tổ chức trong các dịp lễ của đất nước. Mặc dù các trò chơi ít được phổ biến, nhưng ở các trường mầm non thì thầy cô vẫn tổ chức cho các bé chơi thường xuyên. Vì các trò chơi dân gian cho trẻ mầm non này vừa đơn giản dễ chơi, vui nhộn lại vừa bổ ích; giúp trẻ rèn luyện thêm nhiều kỹ năng đời sống.
1. Chi chi chành chành
Lợi ích: Trò chơi này sẽ giúp kích thích sự phản xạ nhanh của trẻ.
Cách chơi:
- Người chơi có thể từ 3 người trở lên.
- Chọn một người đứng ra trước xòe bàn tay ra, những người khác giơ ngón trỏ ra đặt vào lòng bàn tay vào.
- Người xòe bàn tay đọc thật nhanh:
“Chi chi chành chành.
Cái đanh thổi lửa.
Con ngựa đứt cương.
Ba vương ngũ đế.
Chấp chế đi tìm.
Ù à ù ập
- Đọc đến chữ “ập” người xòe tay nắm lại, những người khác cố gắng rút tay ra thật nhanh.
- Ai rút không kịp bị nắm trúng thì vào thế chỗ người xòe tay và vừa làm vừa đọc bài đồng dao cho các bạn khác chơi.
2. Oẳn tù tì (kéo – búa – lá)
Lợi ích: Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non oẳn tù tì sẽ giúp bé rèn tính phán đoán và phản xạ nhanh. Cha mẹ nên dạy cho bé chơi trò này khi bé lên 2.
Cách chơi:
- Trò chơi có thể tiến hành khi có 2 người chơi trở lên cùng đứng hoặc ngồi.
- Tay đung đưa theo nhịp câu hát:
“Oẳn tù tì.
Ra cái gì?
Ra cái này!”
- Kết thúc câu hát, tất cả người chơi cùng xòe tay theo các hình: nắm tay là búa, chĩa ngón trỏ và ngón giữa là kéo, xòe cả bàn tay là lá.
- Người thắng sẽ được tìm ra theo quy tắc sau: búa nện được kéo, kéo cắt được lá; lá bao được búa.
3. Bịt mắt bắt dê
Lợi ích: Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non này giúp bé rèn luyện thính giác, óc phán đoán.
Cách chơi truyền thống:
- Để bắt đầu trò này, cho trẻ chơi trò “tay trắng tay đen” trước để loại ra 2 người.
- Và 2 trẻ bị loại sẽ chơi oẳn tù tì, người thua sẽ bịt mắt đi tìm dê, người thắng làm dê.
- Những trẻ còn lại sẽ đứng thành vòng tròn, trẻ làm dê phải luôn miệng kêu “be, be” và né tránh người bị bịt mắt đang tìm cách bắt dê; nhưng không được chạy ra khỏi vòng tròn.
- Khi nào người bịt mắt bắt được dê thì thay đổi người.
Cách chơi biến thể:
- Cho trẻ oẳn tù tì để tìm ra trẻ bị bịt mắt đi tìm dê.
- Trẻ còn lại sẽ làm dê, luôn miệng kêu “be, be” và chạy xung quanh người bịt mắt; chạm vào vai hay vuốt má người bị bịt mắt rồi chạy trước khi người đó chụp mình.
- Khi người bị bịt mắt chụp được người nào, phải đoán và nói tên của người đó.
- Nếu nói đúng thì người bị bắt sẽ bị bịt mắt, còn nếu nói sai trò chơi tiếp tục như cũ.
4. Ếch dưới ao
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non
Lợi ích: Rèn luyện cho trẻ kỹ năng đi, nhảy, di động, né tránh. Hình thành tố chất nhanh nhẹn, sức bật cùng sự khéo léo. Tinh thần đồng đội cùng sự mạnh dạn. Hiểu biết thêm về môi trường một con vật cũng như hoạt động của con người.
Cách chơi:
- Cô giáo hãy vẽ một vòng tròn lớn giữa sân làm ao và trẻ sẽ đứng thành vòng tròn làm ếch.
- Cho một trẻ đứng cách vòng tròn khoảng 3 – 4 mét, tay cầm một cái que nhỏ giả làm người đi câu ếch.
- Khi nghe giáo viên vỗ tay báo hiệu trì chơi bắt đầu thì những bạn làm ếch đồng thanh hát bài ca:
“Ếch ở dưới ao.
Vừa ngớt mưa rào.
Nhảy ra bì bọp.
Ếch kêu ộp ộp.
Ếch kêu ặp ặp.
Thấy bác đi câu.
Rủ nhau trốn mau.
Ếch kêu ộp ộp.
Ếch kêu ặp ặp.”
- Các con ếch từ trong ao vừa hát vừa nhảy ra ngoài vòng tròn ao để lên bờ.
- Khi đó, người đi câu sẽ đuổi theo, dây câu chạm vào vai trẻ nào thì trẻ ấy phải thay thế vai người đi câu ếch.
- Con ếch nào đã kịp nhảy lại ao thì sẽ không bị câu nữa.
5. Thả đỉa ba ba
Trò chơi dân gian cho trẻ mầm non
Lợi ích: Rèn cho trẻ khả năng vận động nhanh nhẹn, tăng cường tính hòa đồng khi được vui chơi cùng mọi người xung quanh.
Cách chơi:
- Trẻ chơi từng nhóm hoặc cả lớp và những thành viên tham gia sẽ đứng thành vòng tròn giữa sân.
- Cô giáo sẽ chọn một bạn làm “đỉa”. Sau khi chọn xong, cả nhóm sẽ cùng đọc bài đồng dao “Thả đỉa ba ba”
“Thả đỉa ba ba.
Chớ bắt đàn bà.
Phải tội đàn ông.
Cơm trắng như bông.
Gạo mềm như nước.
Đổ mắm. đổ muối.
Đổ chuối hạt tiêu.
Đổ niêu nước chè.
Đổ phải nhà nào.
Nhà ấy phải chịu.”
- Người làm đỉa đi xung quanh vòng tròn và cứ mỗi tiếng người làm đỉa lại lấy tay chỉ vào một bạn.
- Bắt đầu tiếng thứ nhất chỉ vào mình và tiếng thứ hai người kế tiếp, rồi lần lượt đến người thứ 2, thứ 3…
- Nếu chữ đỉa cuối cùng rơi vào em nào thì em đó phải sẽ đứng lại “sông” làm đỉa, còn những em khác thì chạy nhanh lên “hai bờ sông”.
- Nếu người nào chậm chân bị “đỉa” bám ở dưới “sông” thì phải xuống “sông” làm đỉa, còn người làm “đỉa” lại được lên bờ.
- Và cứ như thế trò chơi lại tiếp tục…