
Phở Hà Nội - Tinh Hoa Ẩm Thực Việt
1. Vài nét về phở Hà Nội
Phở Hà Nội được biết đến đầu tiên qua những gánh hàng rong. Thời điểm đó mọi người hay gọi món ăn này “phở gánh”, tạo nên nét đặc trưng riêng. Những gánh phở đi qua từng con phố, len lỏi vào trong ngõ nhỏ cùng với tiếng rao vặt đem đến nét đẹp của một Hà Thành rất xưa.
Hiện nay, những gánh phở như này không còn nhiều, chỉ xuất hiện một số ít ở phố cổ, rất khó để bắt gặp được. Tuy nhiên, giá trị và hương vị của phở Hà Nội vẫn còn đó, không bị phai mờ theo thời gian.
Phở Hà Nội đặc biệt nhờ nước dùng ngọt thanh, trong vắt được ninh từ xương của trâu hoặc bò. Khi ăn cùng những sợi phở dai dai kèm thêm một chút hành lá, giấm ớt, rau xanh,... tạo nên hương vị phở bò hoàn hảo, không nơi đâu có được. Sợi phở Hà Nội có độ dày vừa phải, mềm nhưng không quá mỏng. Điều này giúp sợi phở dễ hấp thụ nước dùng mà không bị nát, tạo cảm giác dẻo dai khi ăn.
2. Mách bạn công thức nước dùng ngon chuẩn vị phở Hà Nội

Nguyên liệu
- Xương bò: 1,5 - 2 kg (lựa chọn xương ống và xương gân để có độ ngọt, béo vừa phải).
- Thịt bò: 300-500g (thịt bò tái, hoặc thịt bò chín nếu thích).
- Hành tím: 2 củ (nướng sơ qua).
- Gừng: 1 củ (nướng sơ qua).
- Gia vị phở:
- 1 thanh quế.
- 3-4 hoa hồi.
- 4-5 quả thảo quả.
- 1-2 cánh đại hồi (nếu có).
- 1 muỗng canh hạt mùi.
- 2-3 đinh hương.
- 1-2 muỗng cà phê muối.
- 1-2 muỗng cà phê đường phèn hoặc đường trắng.
- Nước mắm ngon (tùy khẩu vị, khoảng 2-3 muỗng canh).
- Nước lọc: Khoảng 4-5 lít (tuỳ vào số lượng xương).
- Rau các loại: Húng quế, ngò gai, giá đỗ (dùng khi ăn).
Cách làm
Bước 1: Sơ chế xương- Rửa sạch xương bò, sau đó trần qua nước sôi (hoặc chần xương với nước lạnh rồi đun sôi, sau khi sôi khoảng 5-10 phút thì vớt xương ra, rửa lại với nước lạnh để loại bỏ tạp chất, giúp nước dùng trong).
- Sau khi xương đã được sơ chế, cho vào nồi lớn, đổ vào khoảng 4-5 lít nước lạnh và bắt đầu đun sôi.
- Sau khi nước bắt đầu sôi, hạ lửa xuống mức nhỏ để ninh xương. Lúc này, bạn cần vớt bọt liên tục để nước dùng được trong và sạch.
- Tiếp tục ninh xương trong khoảng 3-4 tiếng để xương tiết ra hết chất ngọt. Nếu có thời gian, bạn có thể ninh xương lâu hơn (5-6 tiếng) để nước dùng càng thêm đậm đà.
- Trong khi ninh xương, bạn cho hành tím và gừng lên bếp nướng trực tiếp cho đến khi vỏ hành cháy xém và gừng có mùi thơm đặc trưng.
- Sau khi nướng xong, bạn cạo bỏ vỏ hành tím, gừng rồi thả vào nồi nước dùng.
- Đồng thời, bạn cho các gia vị phở (quế, hồi, thảo quả, hạt mùi, đinh hương) vào một túi vải hoặc gói lại bằng khăn vải để khi ninh nước dùng, gia vị không bị rơi ra ngoài, dễ dàng vớt bỏ sau.
- Sau khi nước dùng đã ninh xong, bạn cho gia vị vào nồi, bao gồm muối, đường phèn (hoặc đường trắng), và nước mắm. Nêm nếm sao cho nước dùng có vị ngọt thanh, không quá mặn, và có mùi thơm của gia vị.
- Đun lại khoảng 15-20 phút cho gia vị hòa quyện vào nước dùng, sau đó vớt túi gia vị ra.
- Sau khi ninh xong, bạn lọc nước dùng qua rây hoặc khăn vải để loại bỏ các cặn và gia vị thừa. Đảm bảo nước dùng phải trong và mịn, không còn lợn cợn.
- Nước dùng sau khi lọc xong có thể chia ra để sử dụng ngay hoặc giữ nóng trong nồi.
- Khi ăn, bạn trần sơ bánh phở, xếp thịt bò tái lên trên (hoặc thịt chín), sau đó chan nước dùng nóng lên, rắc thêm hành lá, rau húng quế và giá đỗ. Có thể thêm chút ớt tươi hoặc chanh, tùy khẩu vị.
Mách bạn một số mẹo
- Để nước dùng có mùi vị đặc trưng hơn, bạn có thể thêm một chút muối mắm trong quá trình ninh.
- Việc nướng hành và gừng giúp tạo ra mùi thơm đặc biệt cho nước dùng, rất quan trọng để nước phở có hương vị chuẩn Hà Nội.
- Nước dùng phải luôn giữ nóng khi ăn, và khi thưởng thức, bạn có thể điều chỉnh gia vị (nước mắm, chanh, ớt) sao cho hợp khẩu vị.
3. Những quán phở ngon nhất Hà Nội bạn nên đến
- Phở Thìn - Lò Đúc: Nằm ở đầu phố Lò Đúc, quán phở của ông Nguyễn Trọng Thìn xuất hiện từ năm 1979. Trải qua gần 50 năm, từ một cửa tiệm nhỏ, giờ đây quán trở thành điểm đến thu hút thực khách gần xa khi tới Hà Nội và có cả cửa hàng nhượng quyền tại nước ngoài. Nét đặc trưng nhất của phở Thìn Lò Đúc là món phở bò tái lăn. Thịt bò được xào tái cho ngấm gia vị. Theo ông Thìn, đây là bước chế biến cần sự tinh tế của đầu bếp. Với người chuyên nghiệp, chỉ cần nghe tiếng xèo xèo của mỡ trên chảo, tới đúng mức nhiệt chuẩn sẽ bỏ tỏi và thịt bò vào xào thật nhanh tay.
- Phở Lý Quốc Sư: Nếu ở Hà Nội lâu năm, bạn sẽ không thấy lạ lẫm với quán phở Lý Quốc Sư. Đây là một trong những quán phở ngon được đăng ký bảo hộ. Từ một quán nhỏ lâu đời nằm ở số 10 Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, giờ phở 10 Lý Quốc Sư đã được mở rộng, phát triển thành chuỗi cửa hàng phở có mặt tại khắp Hà Nội. Tuy nhiên quán ngon nhất thì vẫn là địa chỉ gốc ở số 10 Lý Quốc Sư. Phở Lý Quốc Sư ngon bởi chất lượng của nước lèo và thịt bò. Miếng gầu bò nhiều nạc, thái lát mỏng, được trang trí khéo léo và đẹp mắt. Tại đây, bạn có thể thưởng thức nhiều hương vị phở khác nhau như tái, chín, nạm, gầu,... Thưởng thức một bát phở nóng hổi mỗi sáng thức dậy sẽ cho bạn thật nhiều năng lượng để khám phá phố cổ Hà Nội xinh đẹp này đấy.
- Phở Bát Đàn: Là quán phở lâu đời nhất hà thành với hơn 50 năm tuổi. Một khoảng thời gian dài như thế, người nấu phở cũng đã thay đổi nhưng nhờ công thức gia truyền từ nhiều đời nên hương vị bát phở vẫn giữ được hương vị truyền thống. Quán thường xuyên đông khách, đôi khi ai muốn ăn phở tại đây đều phải đứng đợi và xếp hàng. Phở Bát Đàn hút khách vì giữ được hương vị nước lèo truyền thống. Nước lèo chính là linh hồn của bát phở, được ninh kỹ từ xương ống nên vị ngọt và thanh hơn. Bánh phở dẻo dai, không bị nát, thịt bò thì mềm, ngọt thịt, gầu bò giòn, ngon đúng điệu. Một kinh nghiệm nhỏ mà MIA.vn muốn mách cho bạn, đến quán phở Bát Đàn, bạn nên đi từ 2 người trở lên. Một người giữ chỗ, những người còn lại xếp hàng chờ lấy phở.