
Trà Đạo Việt Nam Là Gì? Văn Hóa Trà Đạo Việt Nam
Trà đạo Việt Nam là một nét văn hóa thưởng trà mang đậm bản sắc dân tộc, với sự mộc mạc và tinh tế riêng biệt.
Trà đạo Việt Nam là gì?

Trà đạo Việt Nam là một nét văn hóa thưởng trà mang đậm bản sắc dân tộc, với sự mộc mạc và tinh tế riêng biệt. Trà không chỉ là một thức uống mà nó còn là một hành trình đầy nghệ thuật, là một cách kết nối trong bàn trà, giúp mọi người gần gũi với nhau hơn. Trà đạo Việt Nam giản dị mà sâu sắc, đề cao sự hòa hợp giữa con người, thiên nhiên và văn hóa truyền thống, là tinh hoa ẩm thực.
Trà đạo cũng có những nguyên tắc và phong cách thưởng trà riêng, tạo nên sự thú vị và sự trải nghiệm tuyệt vời.
Khởi nguồn trà đạo Việt Nam
Tập tục uống trà đã gắn bó với đời sống người Việt từ rất lâu, đến mức không thể xác định rõ thời điểm khởi nguồn. Tuy nhiên, hình ảnh ấm trà đã xuất hiện từ rất sớm trong những câu chuyện cổ tích dân gian, điều này cho thấy trà không đơn thuần là đồ uống mà nó còn gắn liền với văn hóa của người Việt.
Ngày nay, trà còn là ngành nông nghiệp trọng điểm, với nhiều loại trà khác nhau từ những cây trà cổ thụ cổ quý hiểm ở Hà Giang, Sơn La, hay những nông trại trà ở Thái Nguyên, Lâm Đồng,... văn hoá trà truyền thống ấy vẫn đang được truyền qua từng thế hệ.
Phong cách uống trà của người Việt

Dù có chịu ảnh hưởng từ văn hóa trà của Trung Quốc, nhưng trà Việt vẫn giữ được những đặc điểm riêng biệt. Theo đó, phong cách uống trà của ngưòi Việt lại mang tính gần gũi, mộc mạc và đầy cảm xúc. Người Việt uống trà không quá câu nệ hình thức, mà coi đó là một nét đẹp trong đời sống thường nhật, chứa đựng sự chân thành, yêu mến giữa người thân, bạn bè. Ấm trà xuất hiện ở khắp mọi nơi trong đời sống, từ những căn bếp nhỏ, quán nước đầu làng, trong các bàn làm việc...
Người Việt còn thường nói " khách đến nhà không trà cũng nước" nên việc khác đến chơi, hay trong các buổi trò chuyện không bao giờ thiếu đi tách trà ấm, vừa trò chuyện vừa nhâm nhi, trà là sự kết nối mọi người lại gần nhau hơn.
Những vùng trà Việt nổi tiếng nhất

Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với nhiều vùng đồi núi có khí hậu trong lành, mát mẻ và thổ nhưỡng lý tưởng cho cây trà phát triển. Mỗi vùng trà với những điều kiện sinh trưởng khác nhau cho ra đời những loại trà mang hương vị đặc trưng.
Một số vùng trà ở Việt Nam như:
Thái Nguyên
Thái Nguyên từ lâu đã nổi tiếng với những nông trường chè xanh ngút ngàn, đặc biệt là vùng Tân Cương – nơi chế biến là dòng trà nõn tôm danh tiếng. Nước trà có độ ngọt cao, đắng chát vừa đủ, vị bùi béo ngậy, hậu vị ngọt, hòa quyện với hương cốm thơm lừng. Độ ngon của trà này không chỉ nhờ cây trà được người dân chăm sóc kỹ lưỡng, mà còn do kỹ thuật chế biến trà điêu luyện của người dân nơi đây.
Hà Nội

Tuy không phải là vùng trồng trà lớn, nhưng Hà Nội lại là nơi tạo nên một nét văn hóa trà rất đặc biệt, đó là trà sen Tây Hồ. Những đóa sen tươi được hái vào sáng sớm, dùng để ướp trà cùng với các loại trà thượng hạng bằng phương pháp thủ công tinh tế, tạo nên hương vị thanh tao, mộc mạc mà đầy tinh tế, đậm nét văn hóa người Việt.
Tây Bắc
Khu vực Tây Bắc có nhiều đồi núi cao, mát mẻ quanh năm, là nơi sản sinh ra những giống trà cổ thụ quý giá với hàng trăm năm tuổi. Nơi đây là địa danh nổi tiếng của trà Việt, với những búp trà tươi xanh, phát triển tự nhiên, không chịu tác động với con người, nên nó mang hương vị mạnh mẽ, thuần khiết và mà các loại trà khác khó có được.
Bảo Lộc

Bảo Lộc (Lâm Đồng) với đất đỏ bazan màu mỡ, điều kiện khí hậu ôn hòa, Bảo Lộc được ví như "kinh đô trà: của Việt Nam. Nơi đây nổi tiếng với các dòng trà ướp hương tinh tế và trà ô long chất lượng cao phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nguyên tắc trà đạo Việt Nam
Trà đạo Việt Nam mang nét gần gũi, giản dị, mộc mạc, những vẫn giữ được nguyên tắc: “Nhất thủy – Nhì trà – Tam bôi – Tứ bình – Ngũ quần anh”.
Nhất thủy

Nhất thủy là để nhấn mạnh vai trò của nước dùng để pha trà. Nước suối đầu nguồn, nước tinh khiết, hoặc sương sớm đọng trên lá sen, chính là những loại nước lý tưởng dùng để pha trà. Nguồn nước càng thanh khiết càng tốt. Nước được đun sôi, sau đó sẽ để vài phút để nước giảm nhiệt độ còn khoảng 75-90°C tùy loại trà, nhằm giữ trọn hương vị nguyên bản tỏng từng tách trà.
Nhì trà
Nhì trà ý nói là chất lượng của lá trà, theo đó, cánh trà cần hội tụ năm yếu tố: sắc, thanh, khí, vị, thần. Trà khi pha có màu sắc thuần khiết, hương thơm tinh tế, độ nóng vừa phải, vị chát nhẹ hòa quyện hậu vị ngọt lan tỏa lâu trong khoang miệng, và “thần” chính là sức hút của trà khiến người thưởng trà nhớ mãi.
Tam bôi

Tam bôi là nói tách uống trà, số lượng chén phải đủ cho những người thưởng trà. Chén trà thì cần được tráng với nước sôi trước khi rót trà, như thế sẽ loại bỏ bụi, hơi ẩm trong tách, đồng thời cân bằng nhiệt độ khi rót trà ra.
Tứ bình
Tứ bình là ấm dùng pha trà, không phải chất liệu nào cũng có thể pha trà, để giúp trà đạt hương vị ngon và ổn định thì người ta thường dùng ấm tử sa - loại ấm được làm từ đất nung nung ở nhiệt độ cao. Tránh dùng ấm bằng thủy hay hay kim hoại. Ấm tử sa giữ nhiệt lâu, giúp trà lưu giữ trọn vẹn tinh hoa.
Ngũ quần anh

Ngũ quần anh là nhắc đến bạn trà, chén trà ngon cùng những người tri kỷ, cùng chí hướng sẽ khiến cho buổi thưởng trà thêm phần hấp dẫn, trà ngon thì không thể thiếu bạn hiền, do đó, việc cùng những người thân yêu cùng nhau uống trà cùng nói về nhân sinh, còn gì tuyệt hơn.
Cách pha trà Việt

Bạn cần 5g trà ( tùy theo sở thích) và 120ml nước, cùng ấm và tách trà
Lấy nước sôi tráng qua ấm và chén trà, điều này giúp dụng cụ pha trà được làm nóng, loại bỏ bụi bẩn và hơi ẩm. Khi bạn đã tráng xong thì đổ bỏ phần nước này. Cho 5g trà vào ấm, sau đó bạn thêm nước 80-95°C vào ấm ( tùy loại trà), sau đó lắc nhẹ 5 giây rồi đổ phần nước này đi, bước này giúp lá trà mềm, loại bỏ hết tạp chất còn sót trên cánh trà, như thế khi pha, trà sẽ dễ thẩm thấu và chiết xuất tối ưu hơn.
Khi đã tráng trà xong, bạn tiếp tục thêm nước nóng 80-95°C vào ấm, sau đó hãm trà khoảng 30- 45 giây, sau đó cho trà ra chén tống, rồi bạn đổ ra các chén quân. Hãy đưa tách trà qua mũi vài lần, ngửi hương thơm của trà, như thế bạn sẽ cảm nhận được cả hương và vị của trà, giúp bạn có trải nghiệm thưởng trà trọn vẹn. Khi uống, bạn chỉ nên uống một ngụm trà nhỏ, và cảm nhận hậu vị ngọt sâu, hãy uống từ từ, vừa uống vừa thư giãn.