Hội Nghị Giới Thiệu Tiềm Năng Đầu Tư Và Quảng Bá Sản Phẩm Đặc Trưng Tỉnh An Giang
Sáng ngày 26/11, tại khách sạn Rex (số 141, đường Nguyễn Huệ, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang tổ chức Hội nghị giới thiệu tiềm năng đầu tư và quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang với chủ đề “An Giang: Không gian mới – Giá trị mới”.
Nội dung
Đại biểu dự Hội nghị
Hội nghị về phía Lãnh đạo cơ quan Trung ương có sự tham dự của đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Về phía Lãnh đạo tỉnh An Giang, dự Hội nghị có đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang; đồng chí Lê Văn Nưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang. Cùng sự tham dự của lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh An Giang; đại diện các Hội, Hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư đến tham dự.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hồ Văn Mừng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cho biết:
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng phát biểu khai mạc Hội nghị
Tỉnh An Giang - một vùng đất đặc biệt, nơi vừa có đồng bằng trù phú, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi hai con sông Tiền và sông Hậu rất thích hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Nơi vừa có đồi núi trải dài từ Đông sang Tây hình thành nên dãy Thất Sơn hùng vĩ với nhiều cảnh quan tươi đẹp, hữu tình, sinh động kết hợp những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có bốn dân tộc anh em chủ yếu là KINH, HOA, CHĂM VÀ KHƠ ME đã tạo ra những tiềm năng phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí đặc sắc nhất vùng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu nội dung “Định hướng phát triển Đồng bằng sông Cửu Long của Chính phủ và tiềm năng đầu tư tại An Giang”
Ngoài ra, tỉnh An Giang còn có tuyến biên giới giáp Vương quốc Campuchia dài gần 100 km với 02 Cửa khẩu Quốc tế: Vĩnh Xương, Tịnh Biên và 01 Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình chuẩn bị nâng cấp thành Cửa khẩu Quốc tế trong thời gian gần nhất. Đây là đầu mối giao thương quan trọng với Vương quốc Campuchia và các quốc gia tiểu vùng sông Mekong nên đã được Chính phủ chọn Khu kinh tế Cửa khẩu An Giang là 01 trong 08 Khu kinh tế Cửa khẩu quan trọng ưu tiên đầu tư trong thời gian tới, biến nơi đây thành Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - logistics - đô thị và nông, lâm, ngư nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Minh – Tổng Giám đốc - Công ty Cổ phần Rau Quả Thực Phẩm An Giang (Antesco) chia sẻ về “Quá trình phát triển dự án và định hướng đầu tư tại tỉnh An Giang”
Với nhiều lợi thế tự nhiên, những tiềm năng sẵn có, những giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Mục tiêu phát triển đến năm 2030 tỉnh An Giang xác định và khẳng định ba lĩnh vực trọng tâm đó là: Kinh tế nông nghiệp, phát triển du lịch và kinh tế biên mậu và sẽ quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang trong thời gian tới, cụ thể:
Thứ nhất, tiềm năng về kinh tế nông nghiệp
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng trao đổi với các nhà đầu tư bên lề Hội nghị
Tỉnh An Giang định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tập trung phát triển ngành Nông nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh có tính đến yếu tố liên kết vùng, hợp tác sản xuất, giảm thiểu tính cạnh tranh, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế nổi trội theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW, ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngoài lúa gạo, tỉnh An Giang sẽ khai thác hiệu quả hơn lợi thế về nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, chú trọng phát triển thêm các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh như cá tra, rau màu và cây ăn trái cùng nhóm ngành hàng tiềm năng là chăn nuôi và nấm ăn, dược liệu để cung cấp cho ngành Công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm với định hướng chủ đạo là tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm.
Thứ hai, tiềm năng về phát triển du lịch
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ấn Độ (INCHAM) Rajib Gupta phát biểu tham luận về “Xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Ấn Độ và tiềm năng, lợi thế đầu tư vào tỉnh An Giang”
Tỉnh An Giang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, làm cho ngành Du lịch có đóng góp lớn hơn cho ngân sách và phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là du lịch tâm linh, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, du lịch cộng đồng, khám phá và trải nghiệm còn rất nhiều dư địa phát triển.
Chính vì thế lượng du khách đến với tỉnh An Giang rất lớn, năm 2024 có khoảng 09 triệu lượt khách đến tham quan, du lịch. Để tiếp tục phát huy tốt nhất tiềm năng phát triển các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Khu Du lịch quốc gia Núi Sam, Khu du lịch Núi Cấm, Khu du lịch sinh thái Rừng Tràm Trà Sư, Khu du lịch Búng Bình Thiên, Khu du lịch Cù Lao Giêng; Khu du lịch Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba; Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê thì tỉnh An Giang rất cần các nhà đầu tư lớn, có đầy đủ kinh nghiệm và năng lực, có chiến lược đầu tư bài bản, hiệu quả, đột phá, đa dạng nhiều hình thức và làm phong phú hơn nữa các loại hình, tour tuyến du lịch để thu hút, giữ chân và khuyến khích chỉ tiêu của du khách.
Thứ ba, tiềm năng về kinh tế biên mậu
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu chia sẻ về “Xu hướng phát triển thị trường bất động sản Việt Nam và cơ hội cho tỉnh An Giang”
Với tuyến biên giới giáp với Vương quốc Campuchia gần 100km, tỉnh An Giang được Quy hoạch thành 03 Khu vực kinh tế Cửa khẩu, với tổng diện tích hơn 30.000 héc ta có tính chất là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện nay, đã được quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại - dịch vụ logistics và sản xuất công nghiệp để sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư đến tìm hiểu và khai thác.
Ông Lê Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai phát biểu “Quá trình phát triển dự án bất động sản và nông nghiệp thủy sản định hướng đầu tư tại tỉnh An Giang”
Ngoài ra, để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế kinh tế biên mậu, tỉnh An Giang đã được Chính phủ quan tâm đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với Cảng biển Quốc tế Trần Đề thuộc tỉnh Sóc Trăng, Tuyến Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc kết nối với tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang, các tuyến kết nối với Cửa khẩu Tịnh Biên và Khánh Bình, liên thông với Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương đến các khu, cụm công nghiệp, khu điểm du lịch, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, cảng sông và các vùng nguyên liệu. Từ đó, giúp tỉnh An Giang mở rộng không gian, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Cửa khẩu của tỉnh.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh: Với chủ đề Hội nghị “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới” như là một thông điệp tỉnh An Giang mong muốn truyền tải đến tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước những giá trị, nội dung cốt lõi của Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời, tỉnh An Giang cũng mong muốn có cơ hội được quảng bá hình ảnh, giá trị văn hóa, lịch sử, những sản phẩm đặc trưng của địa phương thông qua không gian trưng bày tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng chụp hình lưu niệm cùng các doanh nghiệp trao biên bản hợp tác nghiên cứu khảo sát đầu tư tại An Giang giữa UBND tỉnh An Giang và các doanh nghiệp
Với thông điệp này, tỉnh An Giang đã kết nối thành công với hơn 10 nhà đầu tư chiến lược mong muốn hợp tác và nghiên cứu khảo sát đầu tư các dự án thuộc các lĩnh vực quan trọng, nhiều tiềm năng phát triển của tỉnh như: (1) phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, các khu chức năng khu kinh tế cửa khẩu; (2) công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, các công nghiệp nhẹ; (3) phát triển đô thị và nhà ở thương mại; (4) năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; (5) thương mại - dịch vụ logistics - du lịch; (6) phát triển nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và được trao Biên bản thỏa thuận hợp tác và khảo sát đầu tư ngay tại Hội nghị.
Cầu Châu Đốc
Hội nghị Giới thiệu tiềm năng đầu tư và Quảng bá sản phẩm đặc trưng tỉnh An Giang năm 2024 sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư. Đồng thời Lãnh đạo tỉnh An Giang mong muốn Hội nghị này sẽ là cơ hội để các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp góp ý, hiến kế giúp cho tỉnh nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào tỉnh An Giang trong thời gian tới. Tỉnh An Giang mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong nước và Quốc tế, các tỉnh/thành bạn, đặc biệt là sự tìm kiếm cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Đỗ Tấn Kiết và Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước tặng hoa và trao logo UBND tỉnh An Giang cho các đơn vị tài trợ và doanh nghiệp có những đóng góp nổi bật trong quá trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội của tỉnh An Giang
Với phương châm “sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh”, thay mặt lãnh đạo tỉnh An Giang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng khẳng định luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư, đồng thời cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong Quy hoạch tỉnh thành hiện thực. Tỉnh An Giang luôn trân trọng đón tiếp quý doanh nghiệp đến với An Giang, để trải nghiệm hành trình thú vị về môi trường đầu tư, văn hóa, con người và sản vật khác biệt của tỉnh An Giang - quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến.
Sau phần phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng các đại biểu được xem video clip “An Giang: Không gian mới – Giá trị mới” nội dung truyền tải gần như đầy đủ những góc nhìn về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người cũng như định hướng phát triển của tỉnh An Giang trong thời gian tới. Nghe tham luận của các chuyên gia, các vị khách quý, các Nhà đầu tư.