Bảo Tàng Đất Phương Nam
Bảo tàng đất Phương Nam là nơi trưng bày nông ngư cụ, vật dụng sản xuất và đời sống của ông cha ta từ xưa đến nay, lưu giữ các hiện vật có giá trị thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII,.. Ngoài ra, còn trưng bày các loại gỗ mỹ thuật,…
Bảo tàng đất Phương Nam trưng bày theo 7 chuyên đề:
1. Chuyên đề: Đồ Mỹ nghệ
Chuyên đề: Đồ Mỹ nghệ trong đó có chiếc trống độc mộc lớn nhất Việt Nam nặng 1,5 tấn làm từ gỗ nhập khẩu từ Cameroon - Kỷ lục quốc gia: Chiếc trống độc mộc lớn nhất Việt Nam.
2. Chuyên đề: Một số nông cụ vật dụng - sinh hoạt của cư dân Nam Bộ xưa
Kể từ khi mở cõi phương Nam vào thế kỷ XVI – XVII, bên cạnh việc mang theo những hành trang cần chuẩn bị cho cuộc sống mới, người Việt đã tự sản xuất chế tác nhà cửa, công cụ dụng cụ hoặc mua dụng cụ, đồ tiêu dùng trong nội địa từ miền Trung, miền Bắc nước ta, của những dân tộc khác hoặc của các tàu thuyền các nước ghé vào trao đổi buôn bán.
Những đồ vật đó rất đa dạng có nguồn gốc từ Việt Nam, Trung Quốc, Châu Âu… biểu lộ mọi mặt của cuộc sống người dân với những tập quán sinh hoạt sản xuất lao động, ẩm thực nấu nướng, tôn giáo tín ngưỡng, học tập, trang trí làm đẹp, vui chơi,… của cư dân Việt trên vùng đất mới Nam Bộ.
Cho đến nay các đồ vật đó không còn nhiều, nhất là những loại tranh tre nứa lá.
Chuyên đề này thể hiện một số hiện vật chất liệu gỗ, sắt, đồng, đá, gốm,… trong lao động, đồ dùng trong nhà, đồ sản xuất, đồ tín ngưỡng, đồ dùng trong ẩm thực,… tìm thấy tại Đồng Tháp Nam Bộ của cư dân người Việt ở thế kỷ XIX gợi nhớ lại một quá khứ khai phá, mở mang, ổn định và phát triển của vùng đất phương Nam của các thế hệ người Việt tiên phong.
3. Hồ sơ kênh đào Lấp Vò (1912 - 1913)
Kênh xáng Lấp Vò nối liền rạch Lấp Vò với rạch Vàm Đinh song song với sông Tiền và sông Hậu, hiện nay là đường thủy huyết mạch của Huyện Lấp Vò tỉnh Đồng Tháp với lưu lượng trung chuyển người và hàng hóa tấp nập, đông vui. Cách đây đúng 114 năm với tầm nhìn chiến lược nhằm nối thông sông Tiền và sông Hậu, phát triển vận chuyển đường thủy, con kênh này đã được lên kế hoạch khởi đào.
Kế hoạch đào con kênh xáng Lấp Vò được người Pháp xây dựng vào tháng 9/1903 cách đây gần 105 năm. Kênh được dự kiến với chiều dài hơn 13km, chiều rộng tùy theo đoạn, đoạn hẹp nhất ở phần đầu gần rạch Sa Đéc hơn 22m, đoạn rộng nhất 45,5m.
Tuy nhiên vì lý do, hơn 10 năm sau đó, mãi đến ngày 30 tháng 10 năm 1912, Thống Đốc Nam Kỳ mới ký quyết định số: 1609 bis cho phép việc đào kênh với chi phí các khoản là 60.300 France và 16.200$ tiền Đông Dương, tính hồi suất cuối cùng là 43.000$ tiền Đông Dương.
Kênh được khởi đầu đào bằng xáng cạp từ ngày 6 tháng 10 năm 1912 đến ngày 16 tháng 1 năm 1913 trong hơn 3 tháng với nhật ký rất cụ thể từng ngày đào được bao nhiêu mét. Hiện nay hồ sơ hơn 100 tuổi về việc đào kênh Lấp Vò bằng tiếng Pháp được lưu giữ tại Bảo tàng Đất Phương Nam.
4. Tiền cổ Nam Bộ (TK I - TK XX)
Nam Bộ có một lịch sử lâu dài và đầy biến động bắt đầu từ thời kỳ Tiền – Sơ sử cách nay khoảng hơn 3.000 năm.
Từ thế kỷ thứ I, tại đây đã hình thành nhà nước Phù Nam với nhiều thành tựu, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XVII, vùng đất này thuộc quản lý của Nhà nước Chân Lạp. từ năm 1968, vùng đất này chính thức thuộc đất Việt Nam. Trải qua các thời kỳ, Nam Bộ đã là nơi tụ họp làm ăn buôn bán của nhiều dân tộc, nhiều nước trên thế giới nên đã có rất nhiều loại đồng tiền được sử dụng làm vật trao đổi ngang giá.
Qua những phát hiện khảo cổ học và qua các hiện vật được lưu tồn, đã thống kê được hàng chục loại tiền được sử dụng ở Nam Bộ của các Nhà nước từ Đông sang Tây, từ đồng tiền mặt trời bằng bạc, đồng tiền vàng La Mã khai quật tại Óc Eo của Nhà nước Phù Nam, những tiền đồng con gà (kê ngân), tiền lá si (dung ngân) của Chân Lạp, các đồng tiền niên hiệu Trung Quốc và tiền Chúa Nguyễn đúc, tiền Mạc Thiên Tứ đúc ở Hà Tiên cho đến các đồng tiền bạc Tây Ban Nha, đồng vàng Bồ Đào Nha tìm thấy trong mộ Thoại Ngọc Hầu, đồng tiền Mexico của Châu Mỹ xa xôi, tiền thời Tây Sơn, tiền thời Nguyễn và sau này là tiền thời cochinchine, Indochine thời Pháp thuộc, tiền cách mạng kháng chiến chống Pháp, tiền chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tiền Mặt Trận Giải phóng Miền Nam, tiền Cộng Hòa miền Nam Việt Nam, tiền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và từ năm 1976 là tiền của nước Cộng Hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Tất cả cho thấy trong quá trình phát triển 2.000 năm, cư dân Nam Bộ đã sử dụng các phương tiện trao đổi ngang giá rất phong phú trong giao thương buôn bán không chỉ trong nội bộ và cả với nước ngoài, chứng tỏ sự năng động và đa dạng về kinh tế của một vùng đất sông nước nhiều tiềm năng.
5. Chuyện trầu cau xưa
Nhai trầu là một mỹ tục xưa của người Việt, có nguồn gốc từ thời các vua Hùng cách đây khoảng 4.000 năm, nhằm bảo vệ răng miệng trong điều kiện khoa học chưa phát triển. Phục vụ việc nhai trầu khá phức tạp, việc đầu tiên là phải trống và thu hoạch các nguyên liệu như: Quả cau, lá trầu không, vôi, thuốc rê…rồi đến các dụng cụ gồm: Dao bổ cau, bình vôi, cây lấy vôi (chìa vôi)…và các loại đồ đựng để đựng nguyên liệu và dụng cụ của việc nhai trầu như: Ô trầu, mâm, quả, khay dùng bày biện và để thuận tiện cho mang đi xa.
Một đồ vật không thể thiếu là chiếc ống nhổ dùng để nhổ bồ nước cốt trầu màu đỏ. Đối với những người yếu răng thì có dụng hỗ trợ là ống ngoáy và cây ngoáy dùng làm nát cau trầu.
Trong quá khứ, trầu cau được dùng khắp nơi trên đất Việt từ Bắc vào Nam, từ nhà bình dân cho đến nhà quý tộc với các loại đồ dùng từ chất liệu bình thường như gốm men, đất nung, đồng hoặc sang trọng như ngà voi, vàng, bạc, sứ…
Tại Nam Bộ, trầu cau cũng được dùng để nhai, mang ra tiếp khách và để cúng trong các nghi lễ vòng đời người như: Đầy tháng, thôi nôi, đám tang…Đặc biệt trong đám hỏi, đám cưới trầu cau được sử dụng với nét rất riêng biệt tùy theo vùng miền.
6. Cổ vật 5 con tàu đắm ở biển Phương Nam
Cổ vật 5 con tàu đắm ở biển Phương Nam:
Biển Phương Nam là một khái niệm rất rộng lớn, trong đó bao gồm vùng biển phía Đông và phía Tây các tỉnh phía Nam Việt Nam. Trong lịch sử, nơi đây là một phần của hải Trình từ Ấn Độ Dương sang miền Viễn Đông và Trung Quốc, có vai trò rất quan trọng trong giao thương hàng hải từ Tây sang Đông và ngược lại. vì vậy đã được gọi là “Con tàu tơ lụa” trên biển. từ thế kỷ XV, với những tiến bộ trong sản xuất kinh tế và trong kỹ thuật đi biển, miền ven duyên này ngày càng tấp nập những con tàu mang nhiều quốc tịch các nước Âu – Á đương thời.
Tuy nhiên đã có rất nhiều con tàu buôn bất hạnh bị chìm trên đường vận chuyển hàng hóa qua con đường này có nguyên nhân hoặc do kỹ thuật, do bão tố hoặc bị đánh cướp. theo thống kê, riêng trên vùng biển phía Nam Việt Nam đã phát hiện hàng chục chiếc nhưng trong thời gian qua, mới chỉ có 5 con tàu chìm được khai quật khảo cổ học, phần trưng bày này giới thiệu hiện vật phát hiện trong 5 con tàu đó.
7. Chuyên đề: Đại gia đình các dân tộc Việt Nam trong lòng người dân Đồng Tháp
Chuyên đề: Đại gia đình các dân tộc Việt Nam trong lòng người dân Đồng Tháp:
“…Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xơ Đăng hay Bana và các dân tộc thiểu số khác…đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau…” - HỒ CHÍ MINH (Trích “Thư gửi Đại Hội các dân tộc thiểu số miền nam”- 1946).