Báo Cáo Tình Hình Hoạt Động Phong Trào Khởi Nghiệp Của Hội Lần Thứ I
Báo cáo tình hình hoạt động phong trào khởi nghiệp và phương hướng nhiệm vụ của Hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang lần thứ I – nhiệm kỳ 2024-2029.
Phần I: Báo Cáo Phong Trào Khởi Nghiệp ĐMST Tỉnh Kiên Giang
I. Khái quát chung
- Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) đang là chủ đề nhận được nhiều quan tâm tại Kiên Giang nói riêng và Việt Nam nói chung, nhất là trong bối cảnh quốc gia hội nhâp mạnh mẽ với kinh tế thế giới. Trong vài thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của các hoạt động ĐMST, tạo nên những mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới trên khắp thế giới và những doanh nhân, doanh nghiệp ĐMST này tác đông mạnh mẽ, tạo nên giá trị to lớn đối với sư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, an toàn trên toàn thế giới và xu thế này đang có xu hướng phát triển tại Việt Nam.
- Nhận thức tầm quan trọng của khởi nghiệp ĐMST Chính phủ rất quan tâm đã ban hành nhiều văn bản: Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” gọi tắt là Đề án 844; Quyết định 188/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025; Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 về “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” gọi tắt là Đề án 1665. Trên cơ sở đó, nhằm hiện thực hóa các chính sách và chủ chương của Chính phủ, Sở KH&CN tỉnh Kiên Giang đã tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND, ngày 10/5/2018, về hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025. Trên cơ sở đó, hằng năm Sở KH&CN tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện (Kế hoạch số 10/KH-UBND ngày 25/01/2019 năm 2019, kinh phí 1,330 tỷ; Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 17/3/2020 năm 2020, kinh phí 1,397 tỷ; Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 31/3/2021 năm 2021, kinh phí 1,898 tỷ; Kế hoạch số 69/KH-UBND ngày 25/3/2022 năm 2022, kinh phí 1,6624 tỷ; Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 31/3/2023 năm 2023, kinh phí 1,900 tỷ).
Đặc biệt, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 331/2020/NQ-HĐND ngày 20/7/2020 về quy định nội dung và mức chi hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đến năm 2025.
Từ những vai trò, lợi ích mang lại từ hoạt động khởi nghiệp ĐMST, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn từng bước phối hợp triển khai, thúc đẩy hoạt động sáng tạo và khởi nghiệp và xác định đây không chỉ là chương trình, phong trào mà nên trở thành một văn hóa khởi nghiệp sáng tạo dám nghĩ, dám làm, dám chấp nhận thất bại để vươn đến những thành công. Từ đó, tạo ra các mô hình, sản phẩm sáng tạo, tạo ra các đột phá trong tăng trưởng, vượt trội trong cạnh tranh…
II. Thực trạng
Công tác hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh với mục tiêu thông tin, tuyên truyền, khích lệ, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ các cá nhân, các nhóm khởi nghiệp công nghệ; Hỗ trợ ý chí và đam mê khởi nghiệp, ngay từ lúc mới hình thành ý tưởng thông qua việc cung cấp các dịch vụ và hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cá nhân và các nhóm ươm tạo hoàn thiện ý tưởng và triển khai dự án khởi nghiệp; hỗ trợ đào tạo, tập huấn, thương mại hóa các sản phẩm, dịch vụ có tính ĐMST. Qua quá trình cơ quan chuyên môn (Sở KH&CN) phối hợp cùng các sở ban ngành triển khai thực hiện trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định:
1. Thông tin tuyên truyền về khởi nghiệp ĐMST
- Hàng năm, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang, Báo Kiên Giang tuyên truyền khởi nghiệp ĐMST. Đăng trên website Sở KH&CN các nội dung truyền thông các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp – CIC, Techfest Đồng bằng sông Cửu Long, Testfest Quốc gia;…; Chia sẻ thông tin từ Cổng thông tin Khởi nghiệp ĐMST Quốc gia; Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tới các website của các tổ chức, đơn vị trường; Megacity connect; SHTT và ĐMST phía Nam; HCM Innovation Startup Ecosystem;…
- Bên cạnh đó, để truyền thông tốt các hoạt động về khởi nghiệp ĐMST các đơn vị đã phối hợp với Tạp chí diễn đàn doanh nghiệp, Báo Giáo dục và Thời đại, Diễn đàn Nghề nghiệp và Cuộc sống quan tâm đăng tin hoạt động. Tuyên truyền, mở chuyên mục “Thanh niên Kiên Giang khởi nghiệp, lập nghiệp” và Bản tin “Tuổi trẻ Kiên Giang”;…
2. Tổ chức tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi nghiệp ĐMST
Phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (có ký Bản Ghi nhớ hợp tác giữa 2 bên) làm cơ sở triển khai hiệu quả nhiều nội dung trong tập huấn và đào tạo, bồi dưỡng kiến thức
Sở KH&CN cũng như các đơn vị được giao nhiệm vụ đã chủ trì phối hợp với Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh; Trường Đại học Kinh tế Luật - Trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh; Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST ĐHQG – HCM; Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp; các chuyên gia khởi nghiệp ĐMST… tổ chức:
- 05 lớp tập huấn/đào tạo (03 lớp trực tiếp; 02 lớp theo hình thức trực tuyến) cho giảng viên nguồn về khởi nghiệp đến từ Trường Đại học Kiên Giang; Trường Cao đẳng Kiên Giang; Trường Cao đẳng Nghề Kiên Giang; Trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang; Trường Cao đẳng Y tế Kiên Giang và các trường THPT thuộc tỉnh; đặc biệt Lớp đào tạo dành cho thành phần hệ sinh thái tỉnh Kiên Giang. Các Khóa đào tạo tập trung vào các nội dung như: Giới thiệu về tư duy ĐMST, khởi nghiệp ĐMST và giáo dục khởi nghiệp ĐMST; Phân biệt khởi nghiệp ĐMST và khởi sự kinh doanh truyền thống. Nguyên lý Khởi nghiệp tinh gọn; Thiết lập mục tiêu SMART và bộ công cụ ĐMST. Điểm khởi đầu của khởi nghiệp ĐMST; Lộ trình từng bước của khởi nghiệp ĐMST. Phân khúc thị trường và chân dung khách hàng; Kỹ thuật phỏng vấn khám phá khách hàng; Thực địa kiểm chứng chân dung khách hàng; Ước tính quy mô thị trường. Thiết kế giá trị vượt trội và tuyên ngôn giá trị; Kiểm chứng nhanh Tuyên ngôn giá trị và Landing Page. Kỹ thuật Mô hình hoá nhanh giải pháp; Kỹ thuật phỏng vấn giải pháp; Nguyên lý tư duy hiệu quả của doanh nhân. Xây dựng Mô hình kinh doanh; Trình bày mô hình kinh doanh; Kỹ năng chuẩn bị bài thuyết trình gọi vốn; Tư duy thiết kế.
- 40 lớp tập huấn, đào tạo ngắn hạn (trong đó 09 lớp theo hình thức trực tuyến trên nền tảng zoom) với nhiều chủ đề nội dung và nhóm đối tượng khác nhau. Một số chủ đề tiêu biểu gắn với nhóm đối tượng tham gia đào tạo: Nâng cao nhận thức về khởi nghiệp ĐMST cho cán bộ lãnh đạo, cán bộ phụ trách khởi nghiệp ĐMST của các (sở ban ngành; UBND các huyện, thành phố; Phòng Kinh tế/Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố; Trường Đại học KG, các trường Cao đẳng trên địa bàn tỉnh); Bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp ĐMST trong lĩnh vực nông nghiệp cho đối tượng tham gia tập huấn là Phó Chủ tịch Hội Nông dân cơ sở, Chi Hội trưởng, Chi Hội phó của 15 huyện, thành phố trong tỉnh; Tập huấn với chủ đề “Nhà quản lý kinh tế trang trại”, trong đó tập trung vào các nội dung như: Dự án đầu tư, huy động và quản lý nguồn vốn, quản trị nhân sự, tầm nhìn và liên kết trong sản xuất, những vấn đề pháp lý trong sản xuất kinh doanh, xây dựng mối quan hệ trong cộng đồng khởi nghiệp; Nâng cao kiến thức và kỹ năng hỗ trợ khởi nghiệp trong giáo dục phổ thông cho cán bộ quản lý, giáo viên trên địa bàn tỉnh; Tập huấn kiến thức khởi nghiệp và huấn luyện các dự án đăng ký thi khởi nghiệp tỉnh;…
- 19 cuộc hội thảo, diễn đàn và tọa đàm tập trung trao đổi thảo luận, thảo luận, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST tập trung vào các chủ đề: Giải pháp hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Giải pháp hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp ĐMST trong học sinh, sinh viên; Khởi nghiệp ĐMST phát triển tài nguyên bản địa; Xây dựng hệ sinh thái KNĐMST Trường Đại học Kiên Giang; Sơ kết hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST…
3. Hỗ trợ và tổ chức các cuộc/ hội thi KNĐMST
- Hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia cuộc thi khởi nghiệp ĐMST tầm khu vực tại Hà Nội (Startup Kite do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc – UNFPA tổ chức), Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực khác do Trung ương tổ chức với tổng số tiền là 166.225.000 đồng (Năm 2021, hỗ trợ 45.520.000 đồng; Năm 2022, hỗ trợ 74.880.000 đồng; Năm 2023, hỗ trợ 45.825.000 đồng)
4. Hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, đã tổ chức 02 đợt tham quan, học tập (Sở KH&CN Sóc Trăng và Sở KH&CN Bình Dương) để tham mưu thành lập Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐMST tỉnh nhưng cuối cùng kết luận: Chưa đủ điều kiện để thành lập Trung tâm này mà thêm nhiệm vụ khởi nghiệp cho Trung tâm KHCN và MT (đơn vị trực thuộc Sở KH&CN).
- Các trường tổ chức triển khai hoạt động trải nghiệm cho học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh và chương trình, nội dung dạy học của cơ sở giáo dục. Kết quả: Có 52 trường THPT và hơn 100 trường THCS trên địa bàn tỉnh thực hiện hoạt động trải nghiệm cho học sinh với nhiều hình thức phong phú như: Tham quan; trải nghiệm tại các làng nghề truyền thống; tham gia các hoạt động trải nghiệm tại Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh; tham quan các địa điểm nuôi trồng, các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tại địa phương, các trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh,... Hỗ trợ kinh phí thực hiện kế hoạch trải nghiệm cho hơn 20 trường THPT và 20 trường THCS.
- Hàng năm, phát động và tổ chức cuộc thi khởi nghiệp ĐMST cấp tỉnh, cấp cơ sở: Tổ chức 19 cuộc thi khởi nghiệp ĐMST đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhóm cá nhân khởi nghiệp tham gia với hơn 400 ý tưởng/dự án dự thi. Qua sàng lọc nhiều ý tưởng ban đầu, Ban Tổ chức hội thi đã tiến hành mời chuyên gia khởi nghiệp (đến từ Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI), Trung tâm Khởi nghiệp ĐMST ĐHQG – HCM) về huấn luyện cho các nhóm dự thi về phương pháp, kỹ năng viết Thuyết minh dự án và Pitching, sau đó chấm thi qua nhiều vòng chọn ra các các ý tưởng/dự án xuất sắc vào chung kết để trao giải. Một số ý tưởng/dự án: Chế biến và kinh doanh sản phẩm khô cá Lóc một nắng; Trà mãng cầu và Trà Detox – Giải cứu hàng Việt đã được nhà đầu tư cam kết đóng góp 30% cổ phần nếu ý tưởng/dự án này phát triển thành dự án sản xuất kinh doanh.
- Gửi nhiều ý tưởng dự án tham dự cuộc thi khởi nghiệp các cấp:
+ Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”: Các trường đã tạo điều kiện cho các em học sinh tham gia cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV.STARTUP) do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Trên cơ sở đó, đã tổ chức quán triệt đến toàn thể các em học sinh mục đích, ý nghĩa và thể lệ cuộc thi thông qua các buổi sinh hoạt đầu tuần, sinh hoạt lớp,... Đồng thời, chỉ đạo các trường nghiên cứu lựa chọn các sản phẩm của dự án đã tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh dành cho học sinh trung học, điều chỉnh, bổ sung nội dung phù hợp với thể lệ Cuộc thi SV.STARTUP để tham gia. Qua đó, Kiên Giang đã có 05 dự án khởi nghiệp tham gia vòng thi cấp quốc gia, Kết quả 01 dự án “Green of life” của Trường THPT Võ Văn Kiệt được chọn tham gia vòng chung kết cấp Quốc gia, đạt giải Khuyến khích năm 2019.
+ Tham gia cuộc thi Khởi nghiệp Techfest Đồng bằng sông Cửu Long: 03 dự án khởi nghiệp ĐMST có tiềm năng gồm: (i). Dự án “Trà túi lọc hoa màu gà” của tác giả Trần Tuấn Anh (Trường Cao Đẳng Y tế Kiên Giang); (ii). Dự án “Máy tách cá cơm” của nhóm tác giả Danh Nguyên; Lê Hoàng Minh Kha (Ấp Hố Bườn, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) (Tỉnh Đoàn); (iii). Dự án “Mô hình trồng gấc theo hướng hữu cơ” của nhóm tác giả Tổ hợp tác trồng gấc (Xã Thạnh Đông A, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang) (Tỉnh Đoàn) được đăng ký tham gia. Kết quả có 02 dự án được vào vòng chung kết và 01 dự án đã đạt giải Ba tại cuộc thi năm 2019: Dự án “Máy tách cá cơm”.
Trong những năm qua, Tỉnh đoàn, Hội Nông dân tỉnh tổ chức nhiều cuộc thi, diễn đàn, thông qua các cuộc thi đã lựa chọn được các dự án, đề án có tính khả thi tiếp tục ươm mầm hướng dẫn các bạn tiếp tục hoàn thiện ý tưởng, phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh. Từng bước hỗ trợ các ý tưởng tiếp cận các chính sách khởi nghiệp, lập nghiệp. Tính đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ được trên 95 ý tưởng trên tổng 428 ý tưởng đăng ký tham gia cuộc thi ý tưởng đổi mới sáng tạo, chiếm tỉ lệ đạt 2,2% (Theo số liệu thống kê của Tỉnh đoàn). Trong đó phải kể đến các dự án tiêu biểu như: Trà Mãng cầu xiêm của Hai Đậu; Dự án Nuôi heo sinh sản của anh Nguyễn Văn Quyết; Tinh dầu chống muỗi Nathea Oil của Nhóm Đoàn Ngọc Dũng; Phân bón Hữu cơ của Doanh Nghiệp Hứa Trường Giang; Tình dầu Gấc và các sản phẩm từ Gấc của anh Trần Thanh Phúc; Rượu Nhỏ Rừng của Anh Danh Nguyên....
+ Hằng năm, tham gia cuộc thi Startup Kite do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp:
Năm 2020: Có 02 dự án tham gia vòng bán kết khu vực Tây Nam bộ, kết quả có 01 dự án đạt giải Nhất, 01 dự án đạt giải Nhì. Tại cuộc thi vòng chung kết 02 dự án đã đạt giải Khuyến khích (01 của Trường Cao đẳng Kiên Giang và 01 của Trường Cao đẳng Nghề) và tập thể Trường Cao đẳng Kiên Giang, Cao đẳng Nghề được tặng Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về thành tích đã có nhiều thành tích, đóng góp tích cực trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của HSSV giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2021: Tổ chức tại Thành phố Hà Nội, có 05 dự án dự thi vòng bán kết, trong đó có 03 dự án được chọn vào thi vòng chung kết, 01 dự án thi đạt giải Khuyến khích và tập thể Trường Cao đẳng Kiên Giang được tặng Bằng khen của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có nhiều thành tích, đóng góp tích cực trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2022: Tại Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả: Trường Cao đẳng Nghề có 02 dự án đạt giải Khuyến khích và 01 dự án được Doanh nghiệp đầu tư 500.000.000 VNĐ (Năm trăm triệu đồng).
+ Gửi ý tưởng dự án tham dự cuộc thi Khởi nghiệp Quốc gia do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, năm 2020 có 01 dự án lọt vào Top 20: Dự án “Sản xuất và dịch vụ sản phẩm nông nghiệp an toàn” của sinh viên Trường Đại học Kiên Giang (xếp hạng 14/600 dự án tham gia).
Ngoài ra, còn tham gia cuộc thi “Ý tưởng HSSV khởi nghiệp khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long” lần I được tổ chức tại trường Đại học Trà Vinh. Kết quả: Trường Đại học Kiên Giang có 02 dự án đạt giải: 01 dự án đạt giải Nhất, 01 dự án đạt giải Khuyến khích, 01 dự án đạt giải Tiềm năng, 02 dự án đạt giải Phong trào; Trường Cao đẳng Kiên Giang có 02 giải Tiềm năng và 01 giải Phong trào.
- Trưng bày giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp ĐMST: (i) Tổ chức trưng bày giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ do thanh niên khởi nghiệp, qua đó tuyên dương 26 gương thanh niên tiêu biểu khởi nghiệp, lập nghiệp; (ii) Trưng bày gian hàng về sản phẩm của dự án tham gia vòng chung kết “Ngày hội Khởi nghiệp quốc gia HSSV giáo dục nghề nghiệp” tại Thành phố Hồ Chí Minh. Các gian hàng đã đón tiếp trên 1.000 người tham quan và trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ những cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Tiêu biểu nhất phải kể đến Hộ Kinh doanh P’PHĂNG (Địa chỉ: Ấp Vĩnh Đằng, xã Vĩnh Hoà Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) là một phụ nữ khởi nghiệp từ trái gấc. Năm 2022, trưng bày gian hàng ở Tp.HCM, An Giang, Cần Thơ, Bạc liêu, Hà Tiên, Rạch Giá, thu hút đông đảo khách đến tham quan, bán ra được 1.000 sản phẩm. Năm 2023 ở Tp.HCM, Rạch Giá, Bến Tre, TP.Hà Tiên, Đại học Kiên Giang bán gần 2.000 sản phẩm.
5. Hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST
- Hỗ trợ kinh phí xây dựng và phát triển cơ sở vật chất phục vụ hoạt động khởi nghiệp ĐMST; xây dựng mô hình thực nghiệm “Vườn ươm khởi nghiệp”. Tạo môi trường làm việc tốt nhất nhằm khích lệ, thúc đẩy tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp trong sinh viên, giảng viên, hỗ trợ các cá nhân, nhóm cá nhân khởi nghiệp công nghệ trong nhà trường. Kết nối các thành phần của Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST gặp gỡ tổ chức sự kiện, trưng bày những ý tưởng, sản phẩm, dự án; tổ chức các khóa học tập tọa đàm trao đổi kinh nghiệm với các doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực khởi nghiệp.
- Thành lập không gian ý tưởng khởi nghiệp ĐMST cho học sinh sinh viên (HSSV): (i) Trường Cao đẳng Kiên Giang thành lập “Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp KGC” là nơi các HSSV gặp gỡ, chia sẻ kiến thức liên quan khởi nghiệp ĐMST và cùng nhau xây dựng ý tưởng, dự án khởi nghiệp. (ii) Trường Đại học Kiên Giang thành lập “Trung tâm Ứng dụng công nghệ và khởi nghiệp – KGU” là không gian làm việc chung dành cho các nhóm sinh viên phát triển ý tưởng và các dự án khởi nghiệp của sinh viên. Đồng thời, kết hợp với các doanh nghiệp triển khai các dự án khởi nghiệp để gắn kết, hỗ trợ và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp của sinh viên; kết nối các chuyên gia và sinh viên để tư vấn, hỗ trợ và tham gia các dự án khởi nghiệp của sinh viên.
* Nhận xét đánh giá chung:
- Nhìn chung trong những năm qua việc hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được triển khai xúc tiến bằng nhiều hình thức bám sát theo nội dung Kế hoạch phù hợp với tình hình điều kiện, đặc thù riêng của tỉnh, đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc tuyên truyền, tọa đàm, hội thảo, tổ chức các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp ĐMST… Qua đó, đã tạo nên một khí thế khởi nghiệp trong mỗi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhóm cá nhân, trên nhiều lĩnh vực.
- Thông qua việc toạ đàm, hội thảo bước đầu đã trang bị kỹ năng, kiến thức, đồng thời xây dựng văn hóa chấp nhận thất bại, mạnh dạn đứng lên làm lại cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và nhóm cá nhân khởi nghiệp.
- Công tác phối hợp triển khai giữa Sở KH&CN và các cơ quan liên quan khá nhịp nhàng, chặt chẽ và có sự hỗ trợ trao đổi thông tin qua lại của cán bộ phụ trách công tác khởi nghiệp ở các đơn vị bằng nhiều hình thức thông tin: Liên lạc trực tiếp bằng điện thoại, email, mạng xã hội… nên kịp thời triển khai đồng bộ các nội dung bám sát kế hoạch hàng năm.
* Một số hạn chế, khó khăn:
- Thời gian qua việc thực hiện hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST chủ yếu: Liên kết thông tin, tập huấn, đào tạo, hội thảo,… nhằm tuyên truyền về khởi nghiệp ĐMST mà chưa có nhiều hỗ trợ kinh phí để các tổ chức, cá nhân triển khai các ý tưởng khởi nghiệp ĐMST.
- Chưa hỗ trợ để các tổ chức, cá nhân tiếp cận và tham gia các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ. Hằng năm, trong Kế hoạch đều có hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST nhưng lại không có tiêu chuẩn, quy định cụ thể để hỗ trợ. Do đó, năm 2023 đã không đề xuất vào Kế hoạch của UBND tỉnh.
- Tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ và các tổ chức, cá nhân chưa được mạnh mẽ, ý tưởng và mô hình khởi nghiệp chưa được nuôi dưỡng dài lâu, còn tính phong trào. Các ý tưởng khởi nghiệp còn ít, đa số là nhen nhúm rồi gặp khó khăn không người hỗ trợ và sớm thất bại.
- Cơ chế tài chính khuyến khích khởi nghiệp ĐMST còn thiếu thốn, do đó năm 2023, trong Kế hoạch, Sở KH&CN không đề xuất thêm phần kiểm tra các đơn vị tổ chức KNĐMST để uốn nắn, hỗ trợ và đi tham quan, học tập các mô hình hay về KNĐMST.
III. Bài học kinh nghiệm
- Khởi nghiệp ĐMST đang được rất nhiều giới trẻ hướng tới, nhưng không phải ai cũng có được thành công. Bởi cốt lõi trong thành bại của việc khởi nghiệp nằm ở cách xây dựng một ý tưởng kinh doanh hiệu quả. Ý tưởng là sản phẩm, dịch vụ hay một phương pháp mới, đều cần có những kỹ năng, bí quyết và kiến thức chuyên sâu.
- Phải biết “chấp nhận thất bại”, qua thất bại mới đến thành công. Rất nhiều người có ý tưởng sáng tạo và mong muốn ban đầu chỉ là biến ý tưởng đó thành hiện thực. Nhưng muốn hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp từ ý tưởng của mình thì người khởi nghiệp phải được cung cấp các kiến thức có liên quan. Nguồn kiến thức đó xuất phát từ những người đã ít nhiều thành công, từ những cá nhân hay doanh nghiệp đã đi trước với bề dày kinh nghiệm và thành tích trong quá trình khởi nghiệp. Chính những người đã thành công này sẽ quay trở lại đào tạo, bồi dưỡng chia sẻ kinh nghiệm với những người mới khởi nghiệp, giúp họ hạn chế thất bại và giảm bớt khó khăn ban đầu.
- Tiếp cận và định hướng nghiên cứu đề xuất thành lập một Trung tâm Sáng kiến cộng đồng và Hỗ trợ khởi nghiệp cấp tỉnh có chức năng cung cấp không gian, tiện ích, phương tiện hỗ trợ và tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển sáng kiến cộng đồng và các thử nghiệm thực tế gắn liền với phát triển thành phố thông minh.
Phần II: Phương Hướng Hoạt Động Nhiệm Kỳ (2024-2029)
Được sự quan tâm lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, cơ quan Thường trực của Hội; sự giúp đỡ thiết thực có hiệu quả, sự ủng hộ các tổ chức xã hội trong nước và quốc tế, trong khóa I, nhiệm kỳ 2024-2029 Hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Kiên Giang sẽ cố gắng có những phương hướng nhiệm vụ:
(i) Tiếp tục và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, website về kế hoạch khởi nghiệp của tỉnh; tuyên truyền phổ biến về các điển hình, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công trên địa bàn tỉnh;
(ii) Vận động bổ sung, nâng cấp về cơ sở vật chất các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp để phát triển trở thành đầu mối, là nơi tạo ra sân chơi cho HSSV, cán bộ, giảng viên có đam mê và tinh thần khởi nghiệp.
(iii) Tạo điều kiện để các hội viên, tổ chức, cá nhân tiếp cận và tham gia các nhiệm vụ thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia” của Chính phủ.
(iv) Tham mưu khen tặng, tôn vinh hay phần thưởng khuyến khích để tạo sự quan tâm nhằm hứng thú nhiệt tình tham gia của các hội viên, tổ chức, cá nhân tham gia các cuộc thi KNĐMST khu vực có giải.
(v) Tham mưu kết nối để nâng tầm các dự án tham gia các: Cuộc thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh trung học (do Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì); Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng; Hội thi Sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh (do Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật chủ trì) vào Chương trình KNĐMST của tỉnh.
(vi) Toàn thể Hội viên đoàn kết, hợp tác các sở, ban, ngành, các tổ chức, cá nhân,… cùng nhau thực hiện các chỉ tiêu cụ thể sau:
- Tỷ lệ Hội viên tăng ít nhất 50% so với đầu nhiệm kỳ;
- Phối hợp hỗ trợ tư vấn, cố vấn cho 100 ý tưởng KNĐMST;
- Phối hợp tổ chức 10 cuộc đào tạo, tập huấn về KNĐMST;
- Phối hợp hỗ trợ hình thành và phát triển ít nhất 05 dự án KNĐMST có sản phẩm tiếp cận với thị trường;
- Phối hợp hỗ trợ hình thành và phát triển 02 doanh nghiệp KNĐMST;
- Hỗ trợ thành lập 02 Chi hội/Câu lạc bộ KNĐMST trực thuộc Hội KNĐMST tỉnh;
- Hỗ trợ đào tạo 10 nhà tư vấn về KNĐMST được cấp chứng nhận;
- Hỗ trợ có 02 dự án KNĐMST được gọi vốn thành công;
- Tham gia hoặc phối hợp tham gia ít nhất 02 đề tài, dự án KH&CN có liên quan đến KNĐMST;
- Vận động tổ chức tham quan học tập ít nhất 02 địa bàn có hoạt động KNĐMST nổi trội;
- Phối hợp tổ chức ít nhất 03 cuộc thi KNĐMST;
- Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại du lịch đầu tư ít nhất 02 lần cho hội viên.