Công nghệ bản sao kỹ thuật số Digital Twin và tiềm năng ứng dụng trong ngành điện
1. Digital Twin là gì ?
Digital Twin là một chương trình máy tính sử dụng công nghệ thực tế ảo cũng như mô hình hóa dữ liệu và đồ họa 3D để xây dựng nên mô hình ảo của các quy trình, hệ thống, dịch vụ, sản phẩm hoặc các đối tượng vật lý. Digital Twin lấy dữ liệu trong thế giới thực về một đối tượng hoặc một hệ thống vật lý làm đầu vào và tạo ra các dự đoán hoặc mô phỏng đầu ra về cách đối tượng hoặc hệ thống vật lý sẽ bị ảnh hưởng bởi những đầu vào đó. Mục tiêu của Digital Twin là dự đoán phương thức hoạt động của một sản phẩm hoặc quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, chương trình này có thể tích hợp với Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo hay phần mềm phân tích để nâng cao hiệu quả chẩn đoán.
2. Tiềm năng áp dụng công nghệ bản sao kỹ thuật số Digital Twin trong hệ thống điện
Digital Twin đang được đánh giá là một công nghệ hứa hẹn, cho phép chuyển đổi hệ thống điện sang một thế hệ mới, góp phần thay đổi cách thức vận hành hệ thống điện trong giai đoạn chuyển đổi số hiện nay. Việc triển khai công nghệ Digital Twin trong các trung tâm điều khiển hệ thống điện sẽ nâng cao các hệ thống truyền thống với các chức năng bổ sung như khả năng quan sát động, đánh giá và hỗ trợ quyết định nâng cao. Do đó, các quy trình khác nhau như phân tích độ ổn định của hệ thống, lập kế hoạch vận hành hệ thống, xác nhận mô hình và phân tích nhiễu vốn là một phần của chế độ ngoại tuyến của vận hành hệ thống điện giờ đây có thể được kết hợp thành một phần trong vận hành hệ thống điện trực tuyến.
2.1. Công tác thiết kế, thí nghiệm, hiệu chỉnh
Bằng công nghệ Digital Twin, các kỹ sư, chuyên gia tạo ra một bản sao hoàn chỉnh của hệ thống điều khiển bảo vệ trong trạm biến áp, từ đó có thể thực hiện công tác thí nghiệm, hiệu chỉnh ngay từ khi có project cấu hình thiết bị của dự án mà không cần thiết bị thực, qua đó rút ngắn đáng kể thời gian công tác tại hiện trường.
2.2. Công tác đào tạo, hướng dẫn vận hành
Digital Twin cho phép tạo ra các mô hình phòng thí nghiệm phục vụ công tác đào tạo với chi phí thấp, hiệu quả ứng dụng thực tế cao.
2.3. Hỗ trợ công tác hiện trường
Các tổ thao tác bảo trì, sửa chữa có thể được hỗ trợ bằng công nghệ AR thông qua Digital Twin nhằm nâng cao độ an toàn và tin cậy khi thao tác thực tế tại hiện trường.
2.4. Công tác phân tích chẩn đoán
Thông qua Digital Twin, các kỹ sư, điều độ viên có thể giả lập các sự cố hoặc các trạng thái vận hành bất thường trên lưới điện, từ đó phân tích độ ổn định, độ tin cậy, khả năng đáp ứng của hệ thống điện và có các định hướng, quy hoạch một cách hợp lý trong tương lai.
Mặc dù còn rất nhiều các thách thức khác nhau như mô hình hóa, quản lý dữ liệu, lưu trữ, các yêu cầu tính toán và khả năng mở rộng… bên cạnh đó, việc cân bằng giữa độ chính xác trong các dự đoán của các bản sao kỹ thuật số và tối ưu hóa độ phức tạp tính toán cần thiết cho các loại mô hình, dữ liệu khác nhau sẽ là một thách thức đáng kể, nhưng các tiềm năng mà công nghệ Digital Twin mang lại hứa hẹn đây sẽ là giải pháp có thể hướng đến của các doanh nghiệp lớn nói chung và ngành điện nói riêng hiện nay.