
Chuyển Đổi Số Là Gì? Sổ Tay Chuyển Đổi Số Cho Doanh Nghiệp
Trong những năm gần đây, thế giới đã trải qua hàng loạt biến động lớn: từ đại dịch Covid-19 cho đến sự xuất hiện của các mô hình kinh doanh mới, tiến bộ công nghệ liên tục, thay đổi trong hành vi người tiêu dùng và sự dịch chuyển của nguồn nhân lực. Tất cả những yếu tố này đã góp phần định hình nên kỷ nguyên VUCA – một thời kỳ đầy Biến động, Bất định, Phức tạp và Mơ hồ. Trước thực tế đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng không thể đảo ngược, đóng vai trò then chốt trong mọi ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh.
Chuyển đổi số là gì?
Khái niệm chuyển đổi số
Theo định nghĩa của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chuyển đổi số là quá trình tích hợp và ứng dụng công nghệ số vào mọi hoạt động của doanh nghiệp, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, quản trị, năng lực cạnh tranh và tạo ra giá trị mới.
Cái tên "chuyển đổi số" thể hiện hai yếu tố cốt lõi. "Chuyển đổi" ám chỉ việc cải tiến quy trình vận hành, văn hoá doanh nghiệp và trải nghiệm khách hàng để thích ứng với những thay đổi trong môi trường kinh doanh. Trong khi đó, "số hoá" là quá trình ứng dụng công nghệ để đưa dữ liệu và hoạt động lên nền tảng số.
Dù được nhắc đến thường xuyên, chuyển đổi số vẫn là khái niệm chưa rõ ràng với nhiều doanh nghiệp. Theo khảo sát thực tế của Base.vn tại các tỉnh như Hà Giang, Hoà Bình, Quảng Nam, Ninh Thuận, Bình Phước,... có đến 30% doanh nghiệp tuy quan tâm nhưng vẫn mơ hồ về cách thực hiện chuyển đổi số một cách cụ thể và hiệu quả.
Những hiểu lầm phổ biến nhất về chuyển đổi số
Hiểu lầm 1: Chuyển đổi số chỉ là chuyện áp dụng công nghệ
Nhiều người khi nhắc đến chuyển đổi số thường chỉ nghĩ đến việc đưa phần mềm hay công nghệ mới vào doanh nghiệp. Nhưng thực chất, công nghệ chỉ là phương tiện – điều cốt lõi chính là sự chuyển đổi trong tư duy, quy trình và cách làm việc.
Một chiến lược chuyển đổi số hiệu quả phải bắt đầu từ con người và thói quen làm việc. Việc lựa chọn công nghệ “đủ dùng” – dù đơn giản – nhưng được triển khai đúng cách sẽ giúp thay đổi văn hóa làm việc, giảm lệ thuộc giấy tờ, và tạo tiền đề cho sự tối ưu dài hạn.
Hiểu lầm 2: Chuyển đổi số rất tốn kém, chỉ phù hợp với doanh nghiệp lớn
Nhiều doanh nghiệp nhỏ e ngại rằng chuyển đổi số là một “cuộc chơi đốt tiền” chỉ dành cho các công ty có ngân sách lớn. Nhưng trên thực tế, không ít tập đoàn lớn cũng thất bại trong quá trình này, cho thấy tiền không phải yếu tố đảm bảo thành công.
Chuyển đổi số không yêu cầu phải bắt đầu với chi phí lớn. Quan trọng là chọn đúng mục tiêu, triển khai đúng lộ trình, và sử dụng nguồn lực một cách linh hoạt. Chính các doanh nghiệp nhỏ, nhờ khả năng linh hoạt cao, lại có thể dễ dàng thích nghi và chuyển đổi nhanh chóng hơn.
Hiểu lầm 3: Chuyển đổi số là cuộc chơi của các ông lớn công nghệ
Việc các tên tuổi như Netflix, Uber, hay Spotify trở thành biểu tượng chuyển đổi số khiến nhiều người nghĩ rằng đây là sân chơi riêng của các startup hoặc tập đoàn công nghệ.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp truyền thống mới chính là những đối tượng có nhiều tiềm năng chuyển đổi, bởi họ đã có kinh nghiệm, hệ thống khách hàng và nguồn lực ổn định. Ngày nay, với sự phát triển của các nền tảng điện toán đám mây, phần mềm mã nguồn mở,… doanh nghiệp vừa và nhỏ hoàn toàn có thể tham gia quá trình chuyển đổi mà không cần chi phí quá lớn.
Dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang cần chuyển đổi số?
Dấu hiệu 1: Kinh doanh kiểu cũ không còn hiệu quả
Vào năm 2013, Nokia – biểu tượng công nghệ một thời – chính thức bị Microsoft mua lại. CEO của họ khi đó đã nói một câu gây ám ảnh: "Chúng tôi không làm gì sai, nhưng vẫn thất bại."
Nokia trung thành với những chiến lược từng mang lại thành công. Nhưng trong thế giới liên tục đổi thay, sự chậm thích nghi, lối tư duy cũ và sự bảo thủ trước những làn sóng công nghệ mới đã khiến họ bị vượt mặt bởi các đối thủ như Apple, Samsung hay Google.
Tương tự, Yahoo cũng từng có cơ hội hợp tác với Google, Facebook và Microsoft, nhưng từ chối. Và rồi, họ dần bị bỏ lại phía sau.
Bài học: Nếu doanh nghiệp vẫn kiên trì với mô hình cũ dù hiệu quả đang giảm sút, đó là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy bạn cần thay đổi. Và chuyển đổi số là một trong những giải pháp mạnh mẽ nhất.
Dấu hiệu 2: Lãnh đạo bắt đầu mất kiểm soát, phải “nới lỏng” tiêu chuẩn
Khi doanh nghiệp phát triển, người lãnh đạo không thể giám sát mọi việc. Chất lượng công việc có thể giảm sút, sai sót gia tăng, và dần dần tiêu chuẩn bị “hạ thấp” theo thời gian – từ 100% còn 80%... rồi 60%.
Nếu không muốn sự dễ dãi trở thành “văn hóa nội bộ”, doanh nghiệp cần có các công cụ quản lý hiện đại, giúp duy trì hiệu suất, giảm thiểu sai sót và nâng cao tính kỷ luật.
Dấu hiệu 3: Ra quyết định nhưng thiếu dữ liệu chính xác
Người quản lý giỏi là người ra quyết định đúng – nhưng điều đó không thể dựa vào cảm tính. Trong khi đó, nếu dữ liệu chỉ được lưu trữ rải rác qua Excel, chat, email, hay sổ sách, thì khả năng sai lệch là rất lớn, mà thời gian kiểm tra lại còn tốn kém hơn cả lúc đầu.
Chuyển đổi số giúp số hóa dữ liệu, tạo ra nguồn thông tin minh bạch, đáng tin cậy và cập nhật theo thời gian thực – từ đó đưa ra quyết định nhanh, đúng và hiệu quả hơn.
Dấu hiệu 4: Nhân viên kẹt trong những công việc lặp đi lặp lại
Không ai muốn mỗi ngày phải làm lại những tác vụ đơn điệu. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn để nhân viên lãng phí thời gian vào việc nhập liệu, kiểm tra thủ công, báo cáo giấy tờ,... thay vì để họ tập trung vào sáng tạo và phát triển năng lực.
Lâu ngày, điều này khiến hiệu suất lao động giảm, tinh thần xuống dốc, và thậm chí gia tăng tỷ lệ nghỉ việc.
Chuyển đổi số giúp tự động hóa quy trình, giảm tải những công việc lặp lại, và giúp nhân viên có thêm thời gian để tạo ra giá trị thực sự.
Vì sao doanh nghiệp cần chuyển đổi số?
Mục đích ngắn hạn
Chuyển đổi số – Lời giải dứt điểm cho 4 “nỗi đau” của doanh nghiệp
Vận hành chưa tinh gọn, thiếu linh hoạt
Lãng phí tài nguyên, nhân lực dàn trải
Quản trị thiếu đồng bộ, thiếu liên kết giữa các bộ phận
Thiếu dữ liệu chính xác để ra quyết định mang tính đột phá
Và đây là kết quả khi doanh nghiệp chuyển đổi số thành công:
Tăng tốc tăng trưởng – Mọi hoạt động diễn ra nhanh hơn, trơn tru hơn
Tối ưu nguồn lực – Giảm mạnh chi phí – Nhân sự làm việc hiệu quả hơn với ít công cụ hơn
Thực thi chủ động – Đạt mục tiêu dễ dàng – Lãnh đạo nắm chắc tiến độ và dễ dàng điều chỉnh chiến lược
Dữ liệu minh bạch – Ra quyết định chính xác – Không còn đoán mò, mọi thứ đều có cơ sở
Mục đích trung hạn
Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp bứt phá khỏi kỷ nguyên VUCA:
Chuyển đổi số đối phó với Sự biến động (Volatility)và Sự không chắc chắn (Uncertainty) bằng tốc độ xoay chuyển của tổ chức và cách thực thi hoàn hảo để trở thành Doanh nghiệp tốc độ (Agile)
Chuyển đổi số đối phó với Sự phức tạp (Complexity)bằng bộ máy tinh gọn, đa năng để trở thành Doanh nghiệp tinh gọn (Lean)
Chuyển đổi số đối phó với Sự mơ hồ (Ambiguity)bằng việc kiểm soát và phân tích dữ liệu để trở thành Doanh nghiệp số (Data-driven)