Lột trần CEO
Alex Malley đã từng là một học sinh cá biệt, bị buộc thôi học một tuần vì những trò quậy phá của mình. Ông cũng từng gặp thất bại trong quá trình phỏng vấn, mắc phải sai lầm, bị buộc thôi việc hay gặp rắc rối với đồng nghiệp và lãnh đạo trước khi có thể trở thành một CEO thành công như hiện tại. Con đường sự nghiệp và học hành của Alex Malley không hề bằng phẳng và trải đầy hoa hồng như nhiều người vẫn tưởng về các CEO tài năng với thành tích học tập và công việc "kể mãi không hết".
Vậy lý do gì có thể khiến Alex Malley từ một con người bình thường trở nên phi thường, là CEO của thenakedceo.com – trang web giáo dục lớn tại Australia, chủ xị của một trong những talkshow được nhiều người ưa thích – Nine Network’s The Bottom Line. Tất cả sẽ được ông bật mí trong cuốn sách The Naked CEO do Alex viết và chia sẻ về chính những trải nghiệm của ông trên con đường chinh phục thành công. Thông qua những bài học nhỏ, những kinh nghiệm cuộc sống thực tế mà bất cứ ai cũng từng trải qua, tác giả đã gợi mở những hướng tư duy mới, cách giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, giúp độc giả có được cái nhìn tổng quan về mỗi bước đi trên hành trình sự nghiệp. Những bài học quý giá như những viên gạch lát đường, sẽ giúp bạn xây dựng con đường sự nghiệp vững chắc và theo bạn đi đến suốt cuộc đời.
Khi đã làm cha của hai đứa trẻ Chad Walker mới tốt nghiệp đại học James Cook, anh băn khoăn không biết liệu việc lớn tuổi hơn hầu hết mọi người trong nhóm có khiến anh gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các Cử nhân Kinh tế khác hay không.
Anh đã gặp Alex để thảo luận và tìm kiếm vài lời khuyên. Điều quan trọng nhất mà anh nhận được từ lần gặp gỡ này là hiểu được tài sản lớn nhất mà anh có chính là việc luôn cảm thấy thoải mái với chính mình. Alex khuyến khích anh nên duy trì và biểu hiện điều đó một cách nhất quán.
Chad ghi nhận: “Thay vì coi quá khứ lộn xộn của mình như một biểu hiện tiêu cực về bản thân, Alex khuyên tôi hãy nhớ rằng bề dày kinh nghiệm mà tôi có đồng nghĩa với việc tôi sẽ là một kế toán hoàn toàn khác với những người còn lại. Tôi không chỉ yêu thích những con số, mà qua đó chúng tôi còn có thể nhìn rõ được đôi điều.
Tôi có thể trở thành một người có sức ảnh hưởng bằng cách là chính mình và chia sẻ kinh nghiệm của mình mà không nhất thiết phải leo lên vị trí hàng đầu trong công ty. Tôi biết tôi từng mắc lỗi. Tôi biết tôi tới từ đâu. Tôi biết điều gì mình nghĩ là đúng và điều gì là sai. Alex đã nhắc tôi rằng tôi không cần phải giấu giếm những trải nghiệm cũng như những quan điểm đó; tôi có thể thành thật với chính mình, có sự liêm chính để ủng hộ cho những gì tôi tin tưởng và hỗ trợ mọi người từ mọi vị trí."
PHẦN I. DÁM ƯỚC MƠ
22 tuổi, tôi bước ra khỏi phòng phỏng vấn, chắc mẩm rằng tôi đã phá hủy sự nghiệp của mình. Tôi đang chạy đua cho thứ mà tôi từng tin là công việc mơ ước của mình. Sau hàng loạt cuộc phỏng vấn căng thẳng, tôi vô cùng vui mừng khi được thông báo tôi là một trong hai người được chọn vào vòng trong. Qua cuộc trò chuyện, tôi biết được đã có hơn 100 người ứng tuyển cho vị trí này, tôi tràn đầy tự tin đã vào được đến đây.
Thật không may sự tự tin của tôi đã nhanh chóng tan biến.
Tại văn phòng tương lai, người ta thông báo với tôi về vòng tuyển chọn cuối cùng. Tôi cần phải hoàn thành bài kiểm tra tâm lý. Không hiểu vì sao tay tôi đột nhiên rịn mồ hôi, tim bắt đầu đập nhanh. Lần đầu tiên tôi cảm thấy lo lắng trong suốt quá trình phỏng vấn. Khi vị giám khảo đặt bài kiểm tra trước mặt tôi và bắt đầu bấm giờ, tôi cầm bút lên, tay run bần bật. Tôi không nghĩ được gì cả, nói gì đến viết. Tôi bị cảm giác hoảng loạn chi phối. Chẳng mấy chốc, tôi đứng phắt dậy, thông báo rằng mình không làm được và rời khỏi phòng.
Cúi đầu, choáng váng và đau khổ, tôi xuống đường và tin rằng không bao giờ tôi có thể gượng dậy sau sự việc đáng xấu hổ này. Cơn sợ hãi nhất thời khó giải thích đã nhấn chìm cơ hội việc làm mơ ước của tôi, và chắc chắn cũng sẽ phá hủy những cơ hội khác. Tiếng xấu đồn xa: tôi sẽ mang tiếng là một người từng mất bình tĩnh do áp lực. Một người không có những yếu tố cần thiết để trở nên chuyên nghiệp.
Chen chúc trên chuyến tàu về nhà, tôi nhìn quanh, mọi người đều chìm trong thế giới riêng, hoàn toàn không để ý tới tôi, tôi vô danh. Và nếu tôi là một kẻ vô danh thì chắc chắn tôi có thể tự do mắc lỗi. Thật vậy, chỉ có tôi tự phê phán mình, mọi người đều tập trung vào cuộc sống riêng của họ chứ không phải cuộc sống của tôi. Vị giám khảo kia cũng sẽ quay lại bàn của mình, tập trung vào những việc khác và tôi sẽ nhanh chóng bị lãng quên. Thế nên, người duy nhất quan trọng hóa thất bại của tôi là chính tôi. Nếu tôi có thể vượt qua nó, biến nó thành thứ gì đó tích cực hơn, thứ tôi có thể rút ra được bài học, thì chẳng có lý do gì mà tôi không bỏ lại toàn bộ thử thách này phía sau và tiếp tục tiến lên.
Và đó là điều tôi đã làm, tôi xuống tàu, ngẩng cao đầu kể cả khi nhận cuộc điện thoại thông báo rằng tôi không nhận được công việc kia.
Sau nhiều năm suy nghĩ, tôi đã biết được sự sợ hãi khó hiểu ngày đó bắt nguồn từ đâu. Năm 12 tuổi, giáo viên của tôi yêu cầu chúng tôi làm một bài kiểm tra tương tự. Tôi và bạn bè không biết bài kiểm tra bất ngờ này là gì và đã không làm nghiêm túc. Chúng tôi cười nói trong suốt thời gian làm bài. Sau đó, giáo viên gọi điện thông báo cho bố mẹ tôi rằng tôi sẽ bị chuyển xuống lớp kém hơn vì bài kiểm tra có kết quả không tốt. Lẽ dĩ nhiên, tôi cảm thấy xấu hổ và suy sụp, và mặc dù lúc đó tôi không nhận thức được việc này, nhưng cảm giác của sự kiện tồi tệ ấy đã ảnh hưởng tới tôi trong ngày tôi bỏ chạy khỏi buổi kiểm tra. Điều này cho thấy những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ sẽ ảnh hưởng tới tương lai. Nhưng không nhất thiết phải như vậy – bạn có thể thay đổi những ảnh hưởng đó bằng một thái độ đúng đắn. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.
Sự việc tồi tệ ngày hôm đó nhanh chóng trở thành điều tuyệt vời nhất trong sự nghiệp của tôi. Nó là bước ngoặt đã đưa tôi bước đến con đường mà tôi không bao giờ để mình lạc hướng: trên con đường đó, tôi không bao giờ để cho nỗi sợ hãi và sự bối rối cản trở mình theo đuổi ước mơ. Những cảm xúc đó là vô ích. Chúng cản đường bạn đạt được khát vọng của mình. Nếu bạn có thể loại bỏ chúng ngay khi còn trẻ, bạn sẽ bắt đầu cuộc hành trình thực sự của cuộc sống sớm hơn rất nhiều so với những người để cho những cảm xúc ấy chi phối.
Không có trở ngại nào là không thể vượt qua. Đừng bao giờ để nỗi sợ hãi trước một thử thách cản đường bạn. Đôi khi trong sự nghiệp, bạn cảm thấy có áp lực phải thay đổi mình để áp ứng kì vọng của người khác. Đừng như vậy. Quá nhiều người đã đánh mất bản chất táo bạo, buông bỏ tâm hồn trẻ thơ, kiềm tỏa hành vi và ước mơ của họ chỉ vì họ cảm thấy họ phải làm như vậy khi trưởng thành. Họ trở nên nơm nớp sợ thất bại, do đó, họ mới chỉ bước vào vạch xuất phát. Đó là điều tồi tệ nhất bạn có thể làm.
Ngay cả bây giờ, tôi vẫn sở hữu tâm hồn trẻ thơ, giàu tưởng tượng và ngốc nghếch như ở tuổi 17, và điều này đã đóng vai trò vô cùng to lớn trong uy thế sự nghiệp của tôi. Đúng, bạn nên thể hiện sự lễ độ. Lịch sự. Riêng tư. Kỉ luật. Hãy học để trở thành người giao tiếp hiệu quả. Nhưng đừng bao giờ cho rằng trưởng thành đồng nghĩa với việc bạn phải thỏa hiệp con người bạn và những điều bạn thực sự muốn trong cuộc sống.
Hãy tập thói quen ước mơ. Đừng bao giờ buông bỏ sự táo bạo của mình và hãy hướng tới hiện thực hóa ước mơ.
CHƯƠNG I. LÀ CHÍNH MÌNH
“Hãy là chính mình”. Chắc hẳn là trước đây bạn từng nghe điều này, nhưng bạn đã thực sự suy nghĩ về nó từ góc độ sự nghiệp chưa?
Khả năng thành thật với chính mình là lối tư duy hay bị đánh giá thấp và xem nhẹ nhất ở những người mới bắt đầu sự nghiệp và trong suốt cuộc đời. Nhiều người bị rơi vào cái bẫy cố phóng chiếu ra một hình ảnh méo mó của bản thân, vì họ cảm thấy cần phải làm như vậy để đáp ứng kì vọng và lí tưởng của người khác. Những người trẻ thường quá tập trung vào việc thay đổi tính cách hay hành vi của họ để đáp ứng điều mà họ cho là ông chủ hay đồng nghiệp của mình mong đợi đến nỗi đánh mất đi điều khiến họ đặc biệt: chính bản thân họ.
Có một sự thật là: Chân thực là chìa khóa then chốt nhất để có được một cuộc sống và sự nghiệp tích cực. Hình thức chỉ là một vụ làm ăn mạo hiểm và mệt mỏi.
Từng làm việc với nhiều người trong đời, điều khiến tôi dễ mất hứng nhất luôn là người phía bên kia bàn với sự cảnh giác cao đến mức họ trông chẳng khác gì một loại robot được lập trình sẵn. Tôi hiểu rằng những năm đầu sự nghiệp có thể rất mệt mỏi, nhưng bạn nên biết rằng những gì quản lý và đồng nghiệp của bạn cần rất đơn giản: bạn là người mà họ có thể sống và làm việc cùng, có tinh thần sẵn sàng tiếp nhận sự chỉ dẫn và thích học hỏi. Những đặc tính đó chỉ có thể được xác định chính xác khi bạn thể hiện con người thật của mình.
Nguồn năng lượng tinh thần và thể chất của chúng ta chỉ có giới hạn. Vì vậy, trong công việc và cuộc sống, chúng ta nên tập trung vào những điều quan trọng, điều sẽ giúp bạn được tôn trọng với tư cách là một nhân viên và đồng nghiệp hiệu quả. Đừng lãng phí năng lượng vào việc thể hiện cá tính mà bạn không có, hay bắt chước người khác. Bạn sẽ chỉ làm chính mình mệt mỏi mà thôi, và từ đó, hiệu quả sẽ sa sút.
Trong cuộc đời, bạn sẽ trải qua nhiều cuộc phỏng vấn hay các tình huống chuyên môn khác, ở đó người ta sẽ đánh giá bạn. Tôi có thể tự tin nói với bạn rằng, trong phần lớn các trường hợp, cốt lõi của việc bạn thành công (hay không) sẽ phụ thuộc vào việc họ cảm thấy họ hiểu được con người bạn, rằng bạn là một người chân thành.
Chắc chắn, không phải tất cả mọi người đều sẽ hưởng ứng bạn, nhưng bạn sẽ được tôn trọng và tin tưởng ở một mức độ nào đó, đây là điều cần thiết cho quá trình phát triển sự nghiệp và đạt được ước mơ.
Bạn nên coi mình là một thương hiệu – Thương hiệu “Bạn”. Thương hiệu đó sẽ phát triển khi bạn phát triển. Không ai giống bạn. Hãy làm nổi bật điều đó và quảng bá nó. Đừng cố gắng giống ai đó. Hãy luôn tự hỏi bản thân: Tính cách tích cực của mình là gì? Mình có thể củng cố những gì? Mình sẽ phải vượt qua những thử thách gì? Mình cần làm gì để cải thiện?
Hãy để bản thân tỏa sáng – đó là chìa khóa quan trọng của cuộc đời và là điều khiến mọi người xung quanh tôn trọng và yêu mến bạn.
HIỆN THỰC HÓA: LÀM THẾ NÀO ĐỂ LÀ CHÍNH MÌNH
Người chân thật luôn được tôn trọng nhưng không phải lúc nào cũng được yêu thích. Nếu bạn chỉ được chọn một trong hai điều trên, hãy luôn chọn được tôn trọng. Con người thường nhầm lẫn giữa nổi tiếng và thành công, đây là một sai lầm lớn.
Là chính mình, biết chính mình
Trong suốt cuộc đời, bạn sẽ phải đối mặt với nhiều tình huống tốt và xấu, nhưng phản ứng của bạn trong những tình huống này sẽ nói cho bạn biết thêm bạn là ai – tính cách của bạn, điểm mạnh, và những điều bạn cần cải thiện. Trải nghiệm càng nhiều, bạn càng hiểu thêm về bản thân. Chính vì vậy, từ bây giờ, hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể.
Sao bạn không viết ra ba đặc điểm của bản thân mà bạn cho là mạnh nhất, cùng với ba đặc điểm bạn cần cải thiện? Hãy gieo những thuộc tính này vào tâm trí để nhận biết và thực hành chúng trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Hãy để ý phản ứng của bạn bè, gia đình và đồng nghiệp khi bạn thể hiện một trong những mặt tích cực hay tiêu cực của mình. Điều này sẽ giúp bạn hiểu cách người khác nhận thức về bạn, và lí do vì sao họ lại phản ứng với bạn theo một cách thức nhất định nào đó tại một thời điểm cụ thể. Đây là khởi điểm của việc phát triển khả năng tự nhận thức. Hiểu được cách hành vi của mình tác động tới người khác là điều vô cùng quan trọng trong việc nắm bắt được bản chất con người bạn. Tự ý thức là một trong những phẩm chất quan trọng nhất mà một nhà lãnh đạo hiệu quả cần phải có.
Ngừng so sánh với những người xung quanh
Đối với rất nhiều người, thật khó có thể vượt qua được sự cám dỗ của việc so sánh mình với người khác. Dù rằng ngưỡng mộ thành tựu của họ là điều tốt, nhưng cái mà bạn cần quan tâm nhất là sự phát triển của chính bạn. Đừng so sánh mình với người khác mà hãy tìm ra điểm mạnh nhất của mình. Hãy tập trung vào cách mà điểm mạnh, DNA độc đáo của bạn, có thể giúp bạn đạt được mục tiêu. Hãy luôn giữ thái độ nhã nhặn về thành công và sẵn sàng chia sẻ những bài học của mình với người khác.
Hành động vì người khác
Bạn sẽ biết thêm về một người qua cách họ đối xử với người khác. Tuy nhiên, hãy hiểu rằng, nếu một người đối xử tệ hoặc thiếu tôn trọng với những ý tưởng của bạn thì rất có thể họ đang gặp phải những vấn đề mà bạn không hề biết, nên mới có phản ứng như vậy.
Hãy cố gắng giữ thái độ tích cực với tất cả mọi người, ân cần bất cứ khi nào có thể, ghi nhớ và gọi tên mọi người, thể hiện sự quan tâm chân thành tới sự an vui của họ, và luôn luôn có tinh thần xây dựng kể cả trong hoàn cảnh bạn buộc phải nghiêm khắc.
Trung thực là chính sách tốt nhất
Hãy trung thực và cởi mở với những người xunh quanh. Hãy nhớ, sự trung thực bắt đầu từ bạn. Hãy nhìn vào những sai lầm của mình và thừa nhận chúng. Thật dễ chịu khi gặp được những người thừa nhận và có trách nhiệm với hành động của mình. Những người trung thực và cởi mở là những người được tin tưởng giao những trách nhiệm cao nhất.
Buông bỏ
Trong những thăng trầm của cuộc đời, đừng tự trách mình. Trong kí ức của bạn về những tình huống đó, bạn sẽ thổi phồng chúng lên vì bạn nghĩ quá nhiều về chúng. Bạn cần phải vượt qua, quên đi những cảm xúc tiêu cực, và đặt những vấn đề đó trong bối cảnh thực tế. Hãy khoan dung với bản thân. Nghĩ về cách để bạn tiến bộ. Bạn có thể học được nhiều điều từ quá khứ, nhưng bài học quan trọng nhất ở đây là đừng sống trong quá khứ.
Đừng lo lắng việc người khác có thích bạn hay không
Dù có cố gắng đến đâu thì không phải ai cũng thích bạn, vậy nên đừng lo lắng việc người khác sẽ nghĩ về bạn như thế nào. Hãy dùng những phản hồi và nhận xét của người khác để tự ý thức và đánh giá, tuy nhiên đừng để những nhận xét tiêu cực làm ảnh hưởng tới sự phát triển tài năng của bạn. Khi bạn nhận được phản hồi tiêu cực, hãy sử dụng nó để trở nên mạnh mẽ và hoàn thiện hơn.
Tìm cách giải tỏa căng thẳng
Hít thở sâu. Lo lắng về những gì sẽ xảy ra trong những hoàn cảnh quan trọng và gặp áp lực là chuyện bình thường. Nhưng, thử nghĩ lại lần cuối cùng bạn lo lắng về điều gì đó mà xem. Nỗi lo lắng mới là phần khó chịu nhất, chứ không phải kết quả thực tế có phải không? Trong hầu hết mọi trường hợp, khi nghĩ lại về một trải nghiệm mà trước đây chúng ta từng nghĩ là mình không thể chịu đựng nổi, chúng ta thường thấy buồn cười với cách chúng ta đã làm nghiêm trọng hóa vấn đề và bản thân lúc đó.
Hãy bộc lộ DNA độc đáo của mình – hãy là thương hiệu “Bạn”
Bạn đã bao giờ tạm dừng lại để ngẫm xem chúng ta độc đáo như thế nào trong thế giới hàng tỉ người chưa? Và, có rất nhiều người đã dành cả cuộc đời để bắt chước người khác – có thể là mua quần áo giống hay có sở thích và lối sống giống như họ.
Thay vào đó, hãy tập trung vào thương hiệu “Bạn”: trong vũ trụ chỉ có một sản phẩm duy nhất như vậy thôi. Hãy cho tôi thấy tính cách của bạn, thói quen và khiếu hài hước của bạn. Chỉ cho tôi điều khiến bạn thú vị và độc đáo. Nếu bạn muốn được lắng nghe và công nhận, hãy quảng bá thương hiệu “Bạn”.
Trích lời Alex
Những người trẻ thường quá tập trung vào việc thay đổi tính cách hay hành vi của họ để đáp ứng điều mà họ cho là ông chủ hay đồng nghiệp của mình mong đợi đến nỗi đánh mất đi điều khiến họ đặc biệt: chính bản thân họ.
Có một sự thật là: Chân thực là chìa khóa then chốt nhất để có được một cuộc sống và sự nghiệp tích cực. Hình thức chỉ là một vụ làm ăn mạo hiểm và mệt mỏi.
Dừng việc cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người
Ngoài việc cảm thấy mệt mỏi, cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người có thể là một điều vô ích. Làm người khác vui vẻ là tốt, nhưng đừng để đến mức độ bạn là người đứng sau cùng. Giúp đỡ người khác và làm vui lòng họ nên diễn ra một cách tự nhiên. Nếu bạn đang quá tập trung vào điều đó, hoặc tệ hơn nữa là lo lắng về nó, thì bạn đang cố gắng quá mức rồi.
Lắng nghe trực giác
Bạn từng làm gì đó và sau đó tự trách mình vì bạn vốn đã biết làm như vậy là sai chưa? Đó là tiếng nói của trực giác, hay linh tính. Trong vài trường hợp, chỉ có chính bạn và trực giác của bạn mới biết câu trả lời cho một câu hỏi quan trọng trong cuộc đời. Vậy nên, hãy dừng lại và lắng nghe. Nếu bạn không thích câu trả lời thì cứ từ từ đã. Nếu trực giác cho bạn câu trả lời giống nhau mỗi khi bạn tự đặt câu hỏi, có lẽ nó sẽ dẫn tới điều gì đó quan trọng.
ĐỪNG QUÊN
Dưới đây là vài điểm cần nhớ trong chương này:
· học hỏi từ quá khứ và hướng tới tương lai
· đầu tư năng lượng vào những việc quan trọng – giả vờ người khác không phải là một trong số đó
· đừng lo lắng về việc người khác nghĩ gì về mình
· phô bày sự độc đáo của mình khi xin việc – thể hiện thương hiệu “Bạn”.
Dẫn đầu cuộc đua
Nếu bạn muốn hiểu rõ thêm về quá trình này thì dưới đây là vài ý tưởng:
· Hành động: Có một cuốn nhật kí để ghi lại những việc bạn thành công và những việc bạn cần tập trung để cải thiện. Xem lại nhật kí thường xuyên để nhắc nhở bản thân rằng bạn là ai và những tiến bộ bạn đã đạt được.
· Tự hỏi: Bạn là người sáng tạo? Giàu cảm xúc? Logic? Có khả năng tổ chức? Hãy nghĩ về điểm mạnh, điểm yếu của mình và thảo luận với người đồng nghiệp tin cậy như một phương pháp để học cách làm việc cùng nhau và trở thành một nhóm mạnh.
GẶP GỠ NGƯỜI CẦN TƯ VẤN: CHAD WALKER
Khi đã làm cha của hai đứa trẻ, Chad Walker mới tốt nghiệp Đại học James Cook, anh băn khoăn không biết liệu việc lớn tuổi hơn hầu hết mọi người trong nhóm có khiến anh gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với các cử nhân kinh tế khác hay không.
Anh đã gặp Alex để thảo luận và tìm kiếm vài lời khuyên.
Điều quan trọng nhất mà anh nhận được từ lần gặp gỡ này là hiểu được tài sản lớn nhất mà anh có chính là luôn cảm thấy thoải mái với chính mình. Alex khuyến khích anh nên duy trì và biểu hiện điều đó một cách nhất quán.
Chad ghi nhận: “Thay vì coi quá khứ lộn xộn của mình như một biểu hiện tiêu cực về bản thân, Alex khuyên tôi hãy nhớ rằng bề dày kinh nghiệm mà tôi có đồng nghĩa với việc tôi sẽ là một kế toán hoàn toàn khác với những người còn lại. Tôi yêu thích những con số, điều đó mang lại cho tôi chút triển vọng về nhiều việc.
Tôi có thể trở thành một người có sức ảnh hưởng bằng cách là chính mình và chia sẻ kinh nghiệm của mình mà không nhất thiết phải leo lên vị trí hàng đầu trong công ty. Tôi biết tôi từng mắc lỗi. Tôi biết tôi tới từ đâu. Tôi biết điều gì mình nghĩ là đúng và điều gì là sai. Alex đã nhắc tôi rằng tôi không cần phải giấu giếm những trải nghiệm cũng như những quan điểm đó; tôi có thể thành thật với chính mình, đủ liêm chính để ủng hộ những gì tôi tin tưởng và hỗ trợ mọi người ở mọi vị trí.”
Thái độ đó đã giúp Chad đưa ra một vài quyết định quan trọng trong sự nghiệp. Khi trưởng nhóm bất ngờ từ chức, Chad được đề cử giữ chức trưởng nhóm tạm thời. Chad thừa nhận đây là một bước tiến lớn.
“Nếu như trước đây, tôi sẽ suy nghĩ đơn giản rằng mình không đủ trình độ cho vai trò kế toán ở cấp bậc đó. Nhưng những lời khuyên của Alex đã giúp tôi nhìn nhận những điểm mạnh của mình một cách toàn diện hơn. Tôi có kiến thức về kế toán. Mặc dù tôi không có kinh nghiệm quản lí trong lĩnh vực kế toán nhưng tôi từng quản lí nhóm bán lẻ; tôi có kĩ năng con người và kĩ năng sống.”
Mặc dù chỉ là tạm thời, Chad thừa nhận rằng đảm nhiệm vai trò đó là một bước nhảy vọt trong sự nghiệp giúp anh hiểu thêm về bản thân, về thế mạnh của mình và những điều mà anh cần cho tương lai. Kinh nghiệm đã chứng minh rằng là chính mình sẽ được đền đáp xứng đáng.
Cuộc trò chuyện với Alex đã giúp Chad nhận ra rằng mục tiêu của anh không phải là được chọn vào vị trí quyền lực hay lãnh đạo; mà là để trở thành người khác biệt và có sức ảnh hưởng tới người khác cho dù ở chức vụ nào.
CHƯƠNG 2. ƯỚC MƠ KHÔNG THÀNH HIỆN THỰC SAU MỘT ĐÊM
Ước mơ không chỉ là những suy nghĩ và ảo tưởng đẹp đẽ. Chúng là tư duy, là thói quen và lời kêu gọi hành động, là mục tiêu để phấn đấu. Để đạt được ước mơ cần phải có tầm nhìn, đam mê và chăm chỉ. Ước mơ bạn thực sự muốn có được là ước mơ mà bạn không lúc nào không nghĩ tới. Là ước mơ mà bạn ghi tâm tạc dạ.
Đừng sợ xây dựng ước mơ – hãy chấp nhận thực tế rằng nếu bạn đang hướng tới một cuộc đời lớn và thú vị, bạn sẽ mắc sai lầm, nhưng những sai lầm này sẽ dạy cho bạn những điều mà trước đây bạn chưa hề biết. Đừng bao giờ để nỗi sợ sai lầm và thất bại cản bước bạn tới ước mơ.
Hãy hiểu rằng hành trình tới ước mơ sẽ đưa bạn tới tầng bình lưu xa lạ, cách xa vùng an toàn, và có lẽ sẽ có lúc bạn phải làm gì đó không phải là bạn. Nhưng không sao – đó là một phần của chuyến đi. Nếu bạn hiểu được rằng sớm hay muộn điều này sẽ xảy ra, thì việc dấn bước vào những điều mới mẻ sẽ trở nên thú vị hơn là đáng sợ.
Nếu ước mơ là thứ bạn khao khát có được, hãy để nó sống trong tâm trí bạn – bằng cách đó, bạn sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội biến nó thành hiện thực. Cơ hội đó chắc chắn sẽ đến. Nhưng liệu bạn có nhận ra nó? Chưa chắc nó đã tới trong diện mạo mà bạn nghĩ.
Hành động hướng tới ước mơ sẽ thử thách lòng quyết tâm, thách thức tính kiên nhẫn của bạn. Nhưng điều quan trọng cần hiểu là hầu hết các giấc mơ lớn đều cần thời gian để trở thành hiện thực. Tôi đang ở tuổi trung niên, tôi vẫn đang theo đuổi những ước mơ của mình, và thành thật mà nói, tôi không quan tâm tới việc tôi vẫn chưa đạt được tất cả các ước mơ của mình.
Biết rằng cơ hội có thể đến vào ngay ngày mai khiến tôi luôn luôn háo hức.
Thực tế đã kiểm chứng: Tới khi đạt được ước mơ của mình, bạn mới nhận ra rằng nó không phải là thứ bạn mong muốn, hoặc không phải là toàn bộ những gì bạn muốn. Điều này đã xảy ra với tôi. Tôi yêu thể thao, vậy nên khi còn trẻ tôi đã theo đuổi và đạt được giấc mơ làm việc trong ban quản lí thể thao. Sau đó một thời gian, tôi bắt đầu nhận ra rằng, càng yêu thể thao tôi càng không muốn tiếp tục công việc của mình – tôi chỉ muốn giữ nó như một niềm đam mê cá nhân. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã gặp rất nhiều vĩ nhân, đã học hỏi được rất nhiều điều, vậy nên tôi cảm thấy vô cũng thoải mái khi quyết định chuyển sang hành trình sự nghiệp tiếp theo của mình.
Khi bạn đã đạt được ước mơ, sẽ không có vấn đề gì nếu bạn từ bỏ nó – với điều kiện bạn chắc chắn rằng mình làm như thế với lí do đúng đắn và tuyệt đối không được để điều đó trở thành thói quen. Việc từ bỏ ước mơ khi đang hướng tới nó hay khi đã đạt được nó sẽ luôn khiến chính bạn cũng như người khác nghi ngờ khả năng, sự tận tụy và quyết tâm của bạn. Vì vậy, hãy chỉ từ bỏ giấc mơ nếu bạn biết rằng bạn đã cố gắng hết mình.
Bạn vẫn chưa xác định được giấc mơ của mình? Được thôi, tôi cho rằng đấy là bởi bạn chưa đủ cố gắng. Hãy mở tâm trí ra với thế giới xung quanh; lắng nghe; tự hỏi xem bạn đang tìm kiếm điều gì, điều gì làm bạn hạnh phúc. Và ở đâu đó, bạn sẽ tìm thấy ước mơ hay mộng tưởng của mình. Bây giờ tất cả những gì còn lại là thiết lập quá trình chinh phục nó.
HIỆN THỰC HÓA: LÀM THỂ NÀO ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC ƯỚC MƠ
Chúng ta biết rằng ước mơ không thể thành hiện thực chỉ trong một đêm. Vậy nên hãy cho bản thân cơ hội tốt nhất để đạt được những ước mơ mà bạn đang hướng tới, điều quan trọng là học cách đặt ra mục tiêu. Mục tiêu là những viên gạch lớn trên chặng đường phát triển để đạt được ước mơ.
Nhưng làm thế nào để xác định chính xác đâu là mục tiêu của bạn và tự động viên bản thân hướng tới nó? Dưới đây là một vài gợi ý có hiệu quả với tôi.
Hiểu rõ mục tiêu
Để bắt đầu mục tiêu, hãy viết vào một mảnh giấy và dán nó lên tường phía trên bàn làm việc. Kèm theo hình ảnh mà bạn cho rằng miêu tả tốt nhất tham vọng của bạn. Bạn càng bố trí xung quanh mình nhiều mục tiêu, bạn sẽ càng được nhắc nhở tiếp tục kế hoạch đã định.
Đảm bảo mục tiêu của bạn có thể đạt được
Hướng tới mục tiêu khó có thể đạt được, ít nhất là ở thời điểm hiện tại, là lãng phí năng lượng. Nó có thể làm sứt mẻ sự tự tin của bạn. Nếu mục tiêu của bạn không thể đạt tới được, hãy thành thật và chấp nhận nó. Bạn vẫn có thể giữ ước mơ đó nhưng hãy nghĩ tới những bước có thể đạt được trước mắt nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng.
Hình dung ra thành công
Hãy dùng trí tưởng tượng của bạn để hình dung khoảnh khắc bạn đạt được tham vọng của mình. Nó không chỉ giúp bạn có động lực và tập trung, mà còn có thể giúp bạn nghĩ ra những cách mới để tiến tới thành công.
Nhận lời khuyên và sự hỗ trợ
Bạn biết người nào đó có trình độ và kinh nghiệm có thể giúp bạn? Hãy nói chuyện cùng họ để tìm kiếm lời khuyên và sự hỗ trợ. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc tìm một người như thế, hãy tìm kiếm và đừng ngần ngại tiếp cận những người mà bạn có thể chỉ mới đọc qua hay thấy qua trên tivi. Nếu không hỏi làm sao bạn biết họ có sẵn sàng truyền đạt hiểu biết của họ cho bạn hay không.
Hãy thực tế
Thiết lập khung thời gian thực tế là rất quan trọng. Vạch ra những gì bạn sẽ đạt được vào “một ngày nào đó” là vô ích nếu bạn không biết “một ngày nào đó” là khi nào. Hãy chọn một khung thời gian và cố gắng hết mình để tiến gần tới nó. Nếu tới thời hạn mà bạn vẫn chưa đạt được mục tiêu thì đây là lúc để bạn đưa ra quyết định. Bạn sẽ gia hạn thêm thời gian hay mục tiêu của bạn là không thể đạt tới.
Chia nhỏ mục tiêu
Khi khi mục tiêu dường như quá lớn, nhưng khi chúng ta chia nhỏ nó thành các chuỗi mục tiêu nhỏ hơn thì mọi chuyện có thể sẽ khả thi hơn. Hãy coi mỗi mục tiêu nhỏ là một viên gạch để tiến tới đích cuối cùng.
Kiên trì
Bạn có lẽ đã nghe qua câu nói khá nổi tiếng của William Edward Hickson: “Nếu bạn chưa thành công, hãy cố gắng, cố gắng hơn nữa.” Hướng tới mục tiêu thường khá thử thách vì bạn sẽ phải theo đuổi một vài con đường khác nhau để đạt được nó. Khi phát sinh trở ngại, hãy luôn luôn duy trì lòng tin rằng sẽ có cách giải quyết.
Trích lời Alex
Hành động hướng tới ước mơ sẽ thử thách lòng quyết tâm của bạn. Nó sẽ thách thức tính kiên nhẫn của bạn. Nhưng điều quan trọng cần hiểu là hầu hết các giấc mơ lớn đều cần thời gian để trở thành hiện thực.
Biết khi nào cần linh hoạt
Hãy cố gắng duy trì tư duy linh hoạt. Sự linh hoạt có thể là tìm kiếm những lời khuyên khác nhau, thêm vào các bước phụ hoặc xác định lại mục tiêu. Nhưng hãy đảm bảo rằng bạn không coi sự linh hoạt như cái cớ để trì hoãn.
Ăn mừng thành công
Bạn đã thiết lập tư duy để đạt được thứ gì đó, và bây giờ bạn đã đạt được nó. Hãy ăn mừng. Khen thưởng bản thân, đặc biệt nếu để tới được thời điểm này là một quá trình đầy gian nan, thành công này sẽ tạo ra sự liên kết tinh thần tích cực giúp bạn có thêm động lực để đạt được các mục tiêu trong tương lai.
ĐỪNG QUÊN
Hãy ghi nhớ những kiến thức quan trọng dưới đây trong chương này:
· đừng ngại ước mơ những điều lớn lao
· thiết lập thời gian thực tế để tiến tới mục tiêu
· nhớ rằng không phải mọi thứ đều diễn ra theo kế hoạch – hãy kiên nhẫn và kiên định
· luôn tìm kiếm cơ hội để hiện thực hóa mục tiêu.
Dẫn đầu cuộc đua
Dưới đây là cách để theo đuổi ước mơ.
Hành động:Hãy cho mình cơ hội tốt nhất để hình thành ước mơ. Bắt đầu đọc báo, tạp chí và các website để tìm kiếm chủ đề mà bạn yêu thích. Nếu kiên trì, bạn sẽ tìm thấy thứ mà bạn lựa chọn để theo đuổi. Kể với ai đó về ước mơ của bạn và xác định nó, yêu cầu họ thường xuyên kiểm tra những gì bạn đang làm để đạt được nó.
Tự hỏi:Có phải giấc mơ của bạn vẫn luôn bền vững trong tâm trí bạn cho dù thời gian trôi qua? Nếu đúng vậy thì đó là dấu hiệu tốt – đó chính là sự bền bỉ. Vậy thì, bạn sẽ làm gì đây?
GẶP GỠ NGƯỜI CẦN TƯ VẤN: ANAND JAKATE
Anand Jakate đang làm y tá ở Canbera. Đã vài lần anh nghĩ tới việc thay đổi công việc nên anh đã tìm hiểu và tình cờ biết đến trang web The Naked Ceo. Anh đọc và xem các cuộc trò chuyện của Alex về sức mạnh của ước mơ cũng như những tuyên bố của Alex về việc chính ông cũng đã theo đuổi rất nhiều ước mơ.
Anand tìm đến Alex qua Facebook và hỏi: “Tôi đang làm y tá tại một bệnh viện ở Australia nhưng tôi đã ấp ủ ước mơ trở thành kế toán, vì vậy tôi đang suy nghĩ về việc đăng kí học Thạc sĩ kế toán chuyên nghiệp. Tôi đã 26 tuổi. Điều này nghe có điên rồ và mạo hiểm không? Có phải là đã quá muộn để bắt đầu không?”
Alex đưa ra cho anh những chỉ dẫn rất dễ hiểu với ý chính là “Hãy theo đuổi ước mơ”.
Sau khi nhận được lời khuyên, Anand đăng kí tham gia khóa học Thạc sĩ kế toán chuyên nghiệp và tích lũy kinh nghiệm bằng cách làm kế toán tình nguyện ở Ấn Độ, nơi cha mẹ anh sinh sống.
Sau 18 tháng kể từ lần đầu tiên liên lạc với Alex, Anand đã hoàn thành chương trình học Thạc sĩ cùng kì thi đầu tiên trong chương trình CPA và sẵn sàng để bước vào chương mới của hành trình sự nghiệp. Anh hi vọng được làm việc tại một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, như PwC hay Deloitte, và giấc mơ lớn hơn là giữ chức vụ quản lý trong lĩnh vực kiểm toán hoặc tư vấn kế toán chuyên nghiệp.
Mặc dù Anand đã lên kế hoạch cho sự nghiệp dài hạn khá sớm, nhưng anh hạnh phúc vì đã quay lại trường học và thay đổi con đường sự nghiệp. Câu chuyện của Anand là một ví dụ lớn cho việc duy trì ước mơ và nhận ra rằng ước mơ không thể thành hiện thực chỉ trong một đêm.