Sở Tư pháp TP.HCM quyết trị nạn giấy tờ giả
Tình trạng làm giả giấy tờ trong hoạt động công chứng, đặc biệt là giấy tờ nhà, đất thời gian qua diễn biến phức tạp, thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi. Với tư cách là cơ quan quản lý, Sở Tư pháp TP.HCM đã chỉ đạo, phối hợp chặt và thông suốt giữa các tổ chức hành nghề công chứng và các cơ quan tiến hành tố tụng. Từ đó, việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm khá chặt chẽ, góp phần đẩy lùi nạn giả mạo giấy tờ.
1. Lật tẩy công chứng giả, “bắt” giấy hồng giả
háng 9-2018, thông tin xuất hiện một văn phòng công chứng (VPCC) giả gây hoang mang trong dư luận. Ngay sau đó Sở Tư pháp TP.HCM phát hiện tại địa chỉ số 229 Man Thiện, phường Hiệp Phú, quận 9, TP.HCM treo biển hiệu, quảng cáo nơi đây là trụ sở của VPCC Sao Bắc Đẩu và diễn ra hoạt động hành nghề công chứng.
Vào cuộc mạnh mẽ hơn, Sở Tư pháp TP.HCM đã xác định các cá nhân, tổ chức có hành vi hoạt động hành nghề công chứng trái phép tại đây. Họ làm giả và sử dụng con dấu của VPCC quận 12 và công chứng viên (CCV) Nguyễn Thế Thành để hoạt động, dù thực tế CCV này không đăng ký hoạt động hành nghề công chứng trên địa bàn TP.HCM.
Để củng cố hồ sơ và thu thập chứng cứ, cán bộ Sở Tư pháp đã đến tận nơi để tìm hiểu. Sau khi đã có đủ bằng chứng, ngày 25-9-2018, Thanh tra Sở Tư pháp đã phối hợp với UBND và Công an quận 9 ập vào kiểm tra, lập biên bản vi phạm. Sau đó, Sở Tư pháp có văn bản gửi Công an quận 9 và trao đổi toàn bộ hồ sơ để cơ quan này xử lý theo thẩm quyền.
Mới đây nhất, ngày 18-1-2020, CCV thuộc VPCC Nhà Rồng, quận 12, TP.HCM tiếp nhận hồ sơ của bà TTTNg công chứng hợp đồng đặt cọc 1,5 tỉ đồng để đảm bảo việc chuyển nhượng một thửa đất tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi.
Bà Ng. bán thửa đất trên cho bên mua với giá ghi trong hợp đồng là 5 tỉ đồng, hai bên đã bàn giao tiền cọc cho nhau. Nhưng qua kiểm tra giấy hồng, CCV nghi ngờ giấy giả nên đã báo Công an phường Thới An, quận 12 đến làm rõ. Sau đó, VPCC Nhà Rồng đã bàn giao đầy đủ giấy tờ mà hai bên xuất trình gồm: CMND, hộ khẩu và bản chính giấy hồng, giấy cam kết đã nhận tiền cọc… cho công an xử lý theo pháp luật.
2. Chỉ đạo sát, phối hợp chặt
Trưởng Phòng công chứng số 4 Nguyễn Mạnh Cường cho biết để chống nạn giấy tờ giả, vai trò của Sở Tư pháp TP là rất quan trọng. Sở thường xuyên chỉ đạo các phòng, ban liên quan tổ chức buổi làm việc giữa các ngành như công an, VKS, tòa án để xây dựng cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý giấy tờ giả. Sở cũng chỉ đạo sát sao các tổ chức hành nghề công chứng tổ chức các lớp, các buổi tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho CCV để có kỹ năng phát hiện giấy tờ giả.
Riêng tại Phòng công chứng số 4, định kỳ hằng quý cũng tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề về hồ sơ giả để trao đổi và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa các CCV.
3. Trang bị máy móc để hỗ trợ các công chứng viên
Về nạn giấy tờ giả, Sở Tư pháp TP phối hợp với Công an TP tổ chức các buổi tập huấn chuyên đề để nâng cao kỹ năng phát hiện giấy tờ giả cho CCV. Đề nghị các tổ chức công chứng trang bị các phương tiện, máy móc hỗ trợ các CCV trong việc đấu tranh chống lại nạn giấy tờ giả. Công an TP phải quyết liệt hơn trong công tác đấu tranh phòng chống, xử lý nạn giấy tờ giả…
4. Tổng hợp tất cả loại thủ đoạn giả người, giả giấy
Sở Tư pháp sẽ tổng hợp tất cả loại thủ đoạn liên quan đến việc giả người, giả giấy tờ để phổ biến rộng rãi đến gần 100 tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP, giúp CCV nâng cao cảnh giác, nhất là các thủ đoạn mới. Mặt khác, các CCV phải làm đúng quy trình công chứng và phải phối hợp tốt với công an nơi có trụ sở để kịp thời xử lý nạn giả người, giả giấy.
Sở sẽ đẩy mạnh việc tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng và đa dạng loại hình phổ biến hơn nữa để nâng cao cảnh giác của người dân…
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trưởng VPCC Huỳnh Thị Ngọc Yến, Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng thuộc Sở Tư pháp tp đã và đang là địa chỉ đáng tin cậy của CCV. Nơi đây đã cung cấp thông tin giúp các tổ chức công chứng tra cứu những thông tin liên quan đến việc ngăn chặn và lịch sử giao dịch của các tài sản, đặc biệt là nhà, đất.
Tuy nhiên, hiện nay hành vi làm giả trong công chứng diễn ra rất tinh vi từ việc chuẩn bị, dàn dựng kịch bản, giấy tờ giả, người giả đều khó phát hiện. Vì thế, ngoài sự quyết liệt của Sở Tư pháp, phải có sự chia sẻ dữ liệu, liên thông, kết nối giữa các chi nhánh văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất với các tổ chức hành nghề công chứng. Sự kết nối này sẽ xác định được lịch sử, đối tượng giao dịch mới kịp thời ngăn chặn được các hành vi làm giả tinh vi.
Cạnh đó, Điều 341 BLHS (tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức) quy định phải có “hành vi trái pháp luật” nhưng cụm từ này chưa được giải thích. Hệ quả là các cơ quan tố tụng hiểu và áp dụng khác nhau, cần phải sớm có hướng dẫn cụ thể…
5. Kỹ năng phát hiện giấy tờ giả
Theo bà Huỳnh Thị Ngọc Yến, chỉ cần lên mạng gõ “tôi cần làm giấy tờ giả” là có hàng trăm cuộc gọi đến. Điều đó cho thấy thực trạng giấy tờ giả hiện nay khá phổ biến, có khi giả người, khi thì giả các giấy tờ nhà, đất, CMND, hộ khẩu...
Để phát hiện ra giấy tờ giả, các CCV xem xét thật kỹ giấy tờ khi các bên yêu cầu xuất trình. Việc này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm của CCV như đánh giá mức độ tinh xảo của giấy tờ, độ dày mỏng, người ký, thời điểm ban hành. Sau đó, CCV bắt buộc tra cứu thông tin trên hệ thống công chứng.
Bên cạnh đó, trong quá trình tác nghiệp, CCV phải hỏi kỹ các bên để thăm dò, đặc biệt là đối với bất động sản trong giao dịch như hỏi về diện tích, vị trí, năm cấp, loại đất, nguồn gốc... Ngoài ra, các VPCC còn trang bị cho CCV các công cụ hỗ trợ như đèn chiếu, máy soi. Khi đã thực hiện các bước trên mà vẫn cảm thấy chưa an tâm thì CCV có thể tư vấn cho bên mua liên hệ văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để xác minh thông tin.