Ngân hàng ồ ạt thanh lý nhà, đất: Không dễ bán
1. Đua nhau rao bán bất động sản
Từ đầu năm đến nay, nhiều ngân hàng ồ ạt rao bán hàng loạt BĐS để thu hồi nợ. Có BĐS được rao bán với giá từ vài tỉ đồng, vài trăm tỉ đến cả ngàn tỉ đồng.
Đại diện lãnh đạo một ngân hàng cho biết một phần nguyên nhân việc rao bán tài sản thế chấp này là do dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới hoạt động sản xuất, kinh doanh, khiến nhiều doanh nghiệp mất khả năng trả nợ.
Tuy nhiên, việc thanh lý BĐS để thu hồi nợ xấu rất khó khăn do giá trị lớn, nhiều tài sản còn vướng thủ tục pháp lý, sản phẩm không phù hợp với thị trường… Do đó, dù được giảm giá nhưng vẫn ế ẩm.
Ví dụ, mới đây Ngân hàng BIDV tiếp tục phát đi thông báo phát mại 55 căn hộ thuộc chung cư Era Town, giá rẻ chỉ bằng 1/2, 1/3 thị trường nhưng vẫn rất ít người mua.
2. Nghiên cứu trước khi xuống tiền
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, thủ tục pháp lý quá phức tạp, vướng mắc nhiều khâu khiến cho hoạt động rao bán các tài sản BĐS nợ xấu gặp nhiều trở ngại. Việc phát mại tài sản đảm bảo là BĐS có giá trị lớn trong bối cảnh hiện nay sẽ càng khó hơn vì người mua cũng gặp khó khăn về tài chính.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, cho biết hiện ngân hàng cũng rất khó bán được hàng vì diễn biến dịch bệnh còn phức tạp. Chưa kể giá trị tài sản quá lớn nên dù có hời thì cũng ít người có đủ tiềm lực tài chính để mua để dành.
3. Nên mua khi có mặt ba bên
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, khi tiến hành mua tài sản thế chấp, người mua nên giao dịch khi có mặt cả ba bên là người mua, ngân hàng và chủ tài sản, tức là “con nợ” của ngân hàng.
Thứ nhất, bên mua yêu cầu bên bán cung cấp xác nhận của ngân hàng về tổng dư nợ các khoản vay (bao gồm gốc và lãi), các cam kết, nghĩa vụ bảo lãnh, thanh toán. Sau đó, bên mua tài sản thế chấp mới quyết định nộp tiền vào tài khoản mở tại ngân hàng đó và yêu cầu ngân hàng phong tỏa tài khoản.
Tiếp đó, các bên gồm bên thế chấp, bên nhận thế chấp (ngân hàng), bên thứ ba nhận mua tài sản thế chấp sẽ cùng ký với nhau biên bản thỏa thuận ba bên. Trong đó, ngân hàng đồng ý cho bên thế chấp bán tài sản và chỉ tiến hành mở phong tỏa tài khoản khi các bên đã hoàn tất thủ tục chuyển nhượng nhà, đất.
Cuối cùng, bên thế chấp tiến hành xóa đăng ký thế chấp tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất sau khi đã có biên bản thỏa thuận ba bên. Sau khi hoàn thành thủ tục mua bán có công chứng, các bên cần tiến hành ngay việc kê khai và nộp các khoản thuế, phí theo quy định, tiến hành sang tên tài sản.