Việt Nam lọt 'tam giác vàng' khởi nghiệp Đông Nam Á
Các quỹ ngoại cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Giai đoạn 2023 - 2025 vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư là 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm này dự kiến đạt 5 tỷ USD.
Hôm nay (19/12), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia Việt Nam (NIC), phối hợp với Quỹ đầu tư Golden Gate Ventures tổ chức Diễn đàn Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2022 (Vietnam Venture Summit 2022) với chủ đề “Dịch chuyển dòng vốn toàn cầu”.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, giai đoạn 2020 - 2022, số vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đạt gần 2 tỷ USD. Hoạt động khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư quốc tế, và trong khu vực. 6 tháng đầu năm 2022, tổng số thương vụ đầu tư thành công tại Việt Nam chiếm 19% số thương vụ của toàn khu vực Đông Nam Á.
Với đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút gần 500 triệu USD đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ nghiên cứu, báo cáo khả năng xây dựng Luật Đầu tư mạo hiểm. Đồng thời, Bộ sẽ đề xuất cơ chế thành lập quỹ hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo, huy động từ nguồn vốn xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc NIC - cho biết, 9 tháng năm 2022, mặc dù tổng số vốn và số lượng các thương vụ đầu tư sụt giảm, tuy nhiên số lượng các thương vụ đầu tư cho giai đoạn sau của doanh nghiệp là không đổi.
“Giai đoạn này chứng kiến kỷ lục về số lượng thương vụ có quy mô từ 10 - 50 triệu USD, với tổng cộng 10 khoản đầu tư, gần bằng với cả năm 2021. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã huy động vốn vào năm ngoái có sự tăng trưởng, phát triển. Số lượng thương vụ từ 3 - 10 triệu USD hoặc lớn hơn 50 triệu USD giữ nguyên so với cùng kỳ 2021. Các khoản đầu tư từ 500.000 - 3 triệu USD chiếm số lượng lớn nhất, với 30 thương vụ”, ông Huy thông tin
Trong 3 quý đầu năm 2022, lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ Tài chính chiếm ưu thế về tiếp nhận dòng vốn đầu tư. Bán lẻ tiếp tục là lĩnh vực có nguồn vốn lớn nhất với tổng giá trị lên đến 188 triệu USD. Các doanh nghiệp về dịch vụ tài chính đang trở nên nổi bật với các mô hình như quản lý tài sản, bảo hiểm. Nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và giáo dục lần lượt chiếm phần lớn thứ 3 và thứ 4.
Ông Vinnie Lauria - sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Golden Gate Ventures - khẳng định, Việt Nam là trụ cột thứ ba của "tam giác vàng" khởi nghiệp Đông Nam Á. Sự cộng sinh của các thị trường Singapore, Indonesia, và Việt Nam sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng tiếp theo cho Đông Nam Á. Đây cũng là 3 trụ cột trong tam giác vàng khởi nghiệp. Sức mạnh của bộ ba này sẽ khiến Đông Nam Á trở thành thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Một số yếu tố khiến Việt Nam trở thành điểm sáng thu hút đầu tư, bao gồm sự ổn định về chính trị, lực lượng lao động trẻ và có trình độ học vấn cao, cơ sở hạ tầng phát triển, kỹ năng số hóa và khả năng đổi mới sáng tạo… Bên cạnh đó, Việt Nam được xem là “đất lành” cho dòng vốn FDI chất lượng cao, các doanh nghiệp quốc tế lớn đang tìm kiếm cơ hội đầu tư nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và hạn chế việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tại diễn đàn các năm 2019 và 2020, các quỹ đầu tư đã cam kết đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với số vốn cam kết tăng dần qua các năm, từ 425 triệu USD năm 2019 lên 815 triệu USD năm 2020. Tại diễn đàn hôm nay, vốn cam kết đầu tư của 39 quỹ đầu tư giai đoạn 2023 - 2025 là 1,5 tỷ USD. Tổng giá trị đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam trong 3 năm 2023 - 2025 dự kiến đạt 5 tỷ USD.