
3 phút sơ cứu - Chảy máu mũi
Chảy máu mũi là hiện tượng thường gặp trong mọi lứa tuổi, nhất là ở tuổi dưới 10 và trên 50, nam nhiều hơn nữ.
1. Giới thiệu
Chảy máu mũi là hiện tượng thường gặp trong mọi lứa tuổi, nhất là ở tuổi dưới 10 và trên 50, nam nhiều hơn nữ. Đa phần xảy ra tự nhiên, lành tính và tự cầm.
Chảy máu mũi có thể là triệu chứng của một bệnh toàn thân (tăng huyết áp, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu) hoặc không rõ nguyên nhân nào cả.
2. Nguyên nhân
90% chảy máu mũi do động mạch mũi trước:
Triệu chứng máu chảy ra ngoài rất ồ ạt và đáng sợ. Tuy vậy tổn thương này lành tính và tự cầm.
10% chảy máu mũi do động mạch mũi sau: triệu chứng kín đáo hoặc không rõ triệu chứng do máu chảy ra phía thành sau họng. Biểu hiện thường là:
- Nuốt phải máu rồi nôn ra, đi ngoài ra máu dễ nhầm với xuất huyết tiêu hóa.
- Máu chảy vào khí quản kích thích họ, dễ nhầm với chảy máu phổi.
3. Cách xử lý
Giữ bình tĩnh: Phần lớn (90%) chảy máu mũi không nguy hiểm, cần động viên người bệnh bình tĩnh.
Tư thế đúng: Để người bệnh ngồi thẳng lưng, cúi đầu về phía trước để tránh máu chảy ngược.
Cách cầm máu: Dùng ngón tay cái và trỏ bóp nhẹ hai bên cánh mũi, ép niêm mạc mũi trong 10-15 phút. Có thể dùng khăn cotton để hứng máu.
Kiểm tra và xử lý: Sau 10 phút, nếu máu chưa ngừng, tiếp tục bóp mũi thêm 10 phút nữa. Nếu vẫn không hiệu quả, cần đưa người bệnh đến bác sĩ chuyên khoa để can thiệp.
Vệ sinh mũi: Rửa mũi nhẹ nhàng nếu cần, tránh ngoáy mũi trong ít nhất 1 giờ tiếp theo.
4. Khi nào cần đưa đến bệnh viện
1. Chảy máu mũi kéo dài 30 phút. 2. Chảy máu mũi tái phát nhiều lần.
3. Chảy máu mũi kèm chảy ở nơi khác: chân răng, tiểu máu, ứa
máu...
4. Chảy máu mũi kèm chân tay dễ bị thâm tím.
5. Đang sử dụng thuốc chống đông.
6. Có bệnh lý toàn thân ảnh hưởng đến quá trình đông máu: Xơ gan, bệnh thận, tăng huyết áp, bệnh ưa chảy máu.
7. Chấn thương.
8. Vừa xạ trị hoặc hóa chất.
5. Những điều cần biết
Không nuốt máu: Nhổ máu ra thay vì nuốt để tránh buồn nôn và nôn.
Tránh khạc nhổ mạnh: Hành động này làm tăng áp lực mạch máu, gây chảy máu tiếp tục.
Rửa mũi bằng nước lạnh: Theo quan niệm dân gian, nước lạnh giúp co mạch và cầm máu.
Sử dụng gạc cầm máu: Có thể dùng vải sạch, gạc ướt hoặc tăm bông để nhét vào lỗ mũi chảy máu nhằm co mạch, nhưng cần xác định đúng bên chảy máu.
Xử lý với người cao tuổi: Nếu chảy máu mũi đột ngột, cần kiểm tra huyết áp và đi khám bác sĩ để phát hiện bệnh liên quan.
Điều chỉnh độ ẩm: Không khí khô từ máy điều hòa có thể gây chảy máu mũi, nên tạo độ ẩm trong phòng bằng máy tạo ẩm hoặc đặt chậu nước.