Tướng quân Yết Kiêu - Phạm Hữu Thế
Yết Kiêu là tuỳ tướng của Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Ông tên thật là Phạm Hữu Thế. Quê ở làng Hạ Bì, huyện Gia Phúc (nay là thôn Hạ Bì, xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Tiểu sử
Nhà Yết Kiêu rất nghèo, nên ngày ngày phải lặn lội ven sông mò cua, bắt cá. Yết Kiêu có tài bơi lặn giống như một loài thuỷ tộc. Sau này, ông là một trong năm tuỳ tướng tài giỏi và thân tín của Trần Hưng Đạo, đó là: Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng và ông.
Trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên-Mông thế kỷ XIII, ông chuyên dùng tài bơi lặn của mình để xâm nhập sâu vào đội hình địch để đục thủng đánh chìm các chiến thuyền, mang lại nhiều chiến công vang dội đóng góp lớn cho các cuộc kháng chiến. Cũng bằng tài bơi lặn của mình mà ông đã nhiều lần xông pha nơi trận tiền, giữa đội hình địch để cứu nguy và bảo vệ cho chủ tướng. Yết Kiêu rất được Hưng đạo Đại vương tin yêu và trọng dụng. Đã có lần Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn ướm hỏi về việc nhiều người khuyên can Đại vương hãy lấy lại ngôi vua từ ngành thứ về cho ngành trưởng (Cụ Trần Liễu thân phụ của Trần Hưng Đạo là anh của Trần Cảnh vị vua đầu tiên của Triều Trần. Chi tiết của sự việc nhiều người đã biết).
Hưng đạo Đại vương thử hỏi:
“…Khi phụ thân ta (tức Trần Liễu) sắp mất có dặn bảo ta phải lấy cho được thiên hạ, thì Người mới an lòng nhắm mắt. Nhà ngươi thấy thế nào, có nên làm thế không?..”
Yết Kiêu thưa:
“…Làm vậy tuy có phú quý nhất thời mà ô danh muôn thuở. Tôi muốn làm quan hầu cho Đại vương đến lúc già chết, chứ không muốn làm quan với ông vua bất trung…”
Khi ông mất, vua Trần truyền lập đền thờ ông ở bờ sông làng Hạ Bì quê ông (tên nôm là làng Quát). Hội đền Quát được tổ chức long trọng và rất lớn hàng năm vào ngày 15-8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Lễ hội có tục bơi thuyền chải nam, nữ. Yết Kiêu được tôn là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta.
Ở Hải Dương, cùng với đền Quát còn có nhiều nơi thờ phụng Yết Kiêu, nhất là những nơi ông đánh trận ngày xưa. Đặc biệt tại làng chài có tên Nam Hải, thuộc xã Kênh Giang, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương cũng có một ngôi đền do nhân dân lập lên để thờ Yết Kiêu (tức Phạm Hữu Thế). Tại đây, nhân dân coi ông là người khai thiên lập địa, là vị Thành hoàng của cả xã. Vì hầu hết người dân Kênh Giang hiện nay vẫn giữ nghề sông nước, nhưng đã vươn xa hơn ra ngoài tỉnh và ra cả biển. Điều đặc biệt tại ngôi đền này còn lưu truyền được một vật vô giá, đó là chiếc mũ chiến cổ bằng đồng rất nặng của chính Yết Kiêu đội khi đi đánh trận. Lễ hội tưởng nhớ Yết Kiêu tại đây diễn ra vào 15- Giêng âm lịch hàng năm, cũng thu hút rất đông du khách thập phương tìm về tham dự.
Về danh tướng Yết Kiêu – Phạm Hữu Thế, đời sau có thơ vịnh rằng:
“Hồ Hải xông pha tỏ ý mình
Không nề lặn lội cứu sinh linh
Đáy nước khoan thuyền bắt Bá Linh
Cướp vía Thoát Hoan khi đắc báo
Giáp oai Hưng Đạo lúc hành binh
Một mai phá giặc thành công lớn
Rạng vẻ trời Nam một tướng tinh”.
Giai thoại, truyền thuyết
Ai trong số những người họ Phạm chúng ta cũng luôn tự hào về tướng quân Yết Kiêu - Phạm Hữu Thế. Một vị tướng tài giỏi của Nhà Trần, một gia nô hết mực trung thành của Trần Hưng Đạo.
Trên địa bàn tỉnh Hải Dương còn lưu truyền một số giai thoại, truyền thuyết, ca ngợi công đức và tài năng của ông, xin trân trọng giới thiệu với bà con trong dòng tộc để chúng ta thêm tự hào về một thuở cha ông.
1. Trâu thần và Yết Kiêu
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế. Quê cha (cụ Phạm Hữu Hiệu) ở làng Hạ Bì, còn gọi là làng Quát ( xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương ngày nay). Nhưng quê mẹ (cụ Vũ Thị Duyên) lại ở Lôi Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà cùng tỉnh. Bố làm nghề đánh cá. Nhà nghèo, cha mất sớm, từ nhỏ Phạm Hữu Thế đã phải nối nghiệp bố lăn lộn trên sông nước, kiếm ăn nuôi mẹ. Truyền thuyết kể nhiều về tuổi niên thiếu của ông.
Một hôm, về Lôi Động, ông đi gánh nước, thấy hai con trâu một đen một trắng húc nhau chí mạng. Con trâu đen thua nhưng cục, đánh sừng rất hiểm. Con trâu trắng phi phàm, húc khỏe nhưng ra đòn nhởn nhơ. Vốn có sức khỏe vật được trâu, Hữu Thế hạ đôi thùng gánh nước, dùng đòn ống vụt vài miếng thượng hạ. Trâu đen dính đòn chạy re, lao vào làng. Trâu trắng né đòn như người, một cú xiên rất hiểm làm trâu trắng ngã lăn và kỳ lạ thay tan thành ánh nắng mờ ảo rồi biến mất. Chỗ đất trâu đứng tìm thấy hai chiếc lông. Cầm lên ngắm, tự nhiên Hữu Thế thấy máu bừng lên mặt. Ông chạy ra ao, lao xuống nước, nước rẽ đôi, lên bờ thấy lông không ướt, có lẽ nó cũng muốn tan trong nắng. Hữu Thế vội nuốt vào bụng. Từ đó thân thể cường tráng, trí lực phi thường, bơi lội dưới nước như đi trên đất bằng (Nhập thủy như phúc bình địa).
Đêm ấy về nhà, ông kể với mẹ. Vũ Nương bảo đó là chuyện đại cát. Hai mẹ con đều mơ một giấc mơ hệt nhau. Sáng ra kể, xóm làng đều cho là lạ.Giấc mơ đó là, hai mẹ con được đón một đôi trai thanh gái lịch, họ vào nhà Vũ Nương, vách đất, nền đất biến thành lâu đài. Cái ao dào dạt sóng vỗ thành con sông dài tít tắp. Trời không trăng vẫn rực sáng. Ở gốc xoan, một con trâu trắng thừng xuyên mũi buộc chặt gốc cây. Hữu Thế dụi mắt bảo mẹ: “Đúng con trâu sáng con gặp đây”. Người con trai và cô gái bảo: “Ta là Ngưu Lang và Chức Nữ, nay dịp Ngâu chúng ta gặp nhau, không chăn trâu cho trời được, phải buộc mũi không nó đi khắp bầu trời biết đâu mà tìm”. Vũ Nương hỏi: “Chúng tôi ở đâu?”. Ngưu Lang bảo: “Lúc sáng tôi đi tìm trâu gặp con trai bà, con bà không làm hại trâu. Tôi muốn mời hai mẹ con bà lên trời chơi để trả ơn. Đây là đào tiên vườn Tây Vương Mẫu, tôi biếu bà một giỏ. Còn con trai bà sau này sẽ được lưu danh trong quốc sử vì có nhiều công lao giúp nước”. Hữu Thế tò mò hỏi: “Sông gì sáng thế?”. Người con trai bảo : “Cậu sẽ nổi danh vì sông nước mà không biết sông này ư!”. Nói rồi người con trai vỗ tay cho con sông cuộn sóng cao ngất: “Đó là sông Ngân Hà. Ta sẽ còn bảo trâu thần, cày thần xuống giúp đất Bàng Hà sau vài bốn trăm năm nữa”. Chợt trên sông Ngân rợp tiếng quạ kêu. Chúng vừa bay đầy trời vừa đan kết thành cây cầu Ô Thước. Ngưu Lang nhẹ nhàng bảo Chức Nữ: “Thôi ta về”. Cô gái mỉm cười đi theo, đằng sau là con trâu trắng. Thế là tan giấc mộng.
2. Làm tướng đánh giặc
Tài năng Hữu Thế ngày một nổi tiếng. Trần Hưng Đạo trọng dụng và đặt tên là Yết Kiêu. Cùng với Dã Tượng là tướng tài lục quân, Yết Kiêu là tướng sông nước. Hai ông được Trần Hưng Đạo coi là gia nô, cận vệ trung thành, tài trí và mưu lược. Có phen chặn giặc ở biên giới, địch mạnh ta phải lui. Hưng Đạo vương định lui quân theo đường chân núi, Dã Tượng can vì đoán có quân Nguyên mai phục. Song rút đường sông thì biết tìm đường nào? Yết Kiêu đi dò đường từ hôm trước đã đợi ở bãi Tân. Khi Trần Hưng Đạo quay khỏi núi về đường thủy trời đã mờ tối, nhìn bến nước mờ ảo vẫn có con thuyền nhỏ đứng đợi và sau đó đưa Vương rút lui an toàn. Kỵ binh giặc Nguyên không hiểu quân Trần có tài thăng thiên hay là độn thổ nữa. Đại vương Hưng Đạo cả mừng mà rằng: “Chim Hồng hộc bay được cao và xa là nhờ 6 cái trụ lông cánh, nếu không khác gì chim thường. Yết Kiêu, Dã Tượng là cánh chim hồng hộc của ta”.
Giữa Trần Liễu (phụ thân Trần Hưng Đạo) và em là Trần Cảnh (tức vua Trần Thái Tông) có mối bất hòa lớn do Thái sư Trần Thủ Độ ép Trần Liễu nhường vợ cho Trần Cảnh. Trần Liễu đã nói với Trần Hưng Đạo là phải vì cha mà lấy thiên hạ. Khi thế nước lung lay, quyền bính quân quốc đều nằm ở trong tay mình, con Trần Hưng Đạo là Trần Quốc Tảng khuyên cha thực hiện ý đồ của ông nội. Ý đã quyết, nhưng Trần Hưng Đạo vẫn muốn thử lòng 2 gia nô cật ruột là Yết Kiêu và Dã Tượng, cả hai đều can.
Yết Kiêu có công lớn trong sự nghiệp đánh giặc Nguyên, được vua Trần phong tặng: “Trần triều Hữu tướng Đệ nhất bộ đô soái thủy quân, Tước hầu”.
Chuyện đánh giặc của Yết Kiêu được dân làng Lôi Động kể rất nhiều. Người người còn nhớ mãi chuyện ông dùng tài lặn đánh đắm thuyền giặc, bị bắt còn lừa được giặc nhảy xuống sông thoát….Lần ấy, ông có nhiệm vụ khóa đuôi một cuộc hành quân đường thủy. Thuyền lương đi chậm quá, ngoặt sang khúc sông khác thì thuyền địch đến. Những tên giặc Nguyên mình trần đầu trọc, thấy thuyền Yết Kiêu chỉ có một mình ông, chúng hò nhau đuổi hòng bắt sống ông.Chúng hí hố reo mừng, cá tươi, thịt béo, rượu nồng ngả ra kín đặc quanh Yết Kiêu. Bất ngờ, ông xuống tấn khiến thuyền lật úp. Quân Nguyên chờ mài không thấy ông nổi lên, rà đáy sông, buông lưới vẫn không thấy gì. Về đến quân doanh nhà Trần, ông mới tươi cười kể: Lúc đó có con cá chép cực lớn lượn qua, ông đã leo lên mình cá, bơi nhanh thoát ra khỏi vòng vây. Từ khi có hai chiếc lông trâu của Ngưu Lang, Yết Kiêu có tài bầu bạn với cá nước như với người.
Ở quê Hạ Bì, dân làng đã làm con cá chép bằng gỗ quý, mình dài 1m20, giữa thân đường kính 28cm, đục rỗng. Vây, vẩy được cách điệu bằng các hoa văn trang trí sinh động. Đầu cá to, râu dài vắt hai bên mép, miệng há to vểnh lên trông rất ngộ nghĩnh và độc đáo.
3. Với công chúa nhà Nguyên
Yết Kiêu từng tháp tùng đoàn sứ bộ sang cống nhà Nguyên. Vì phục tài, quý đức trung hiền của Yết Kiêu mà vua Nguyên bỏ cả hiềm khích, cho công chúa và chục nàng hầu đến dinh sứ bộ để hầu hạ từng người. Vua Nguyên mật lệnh cho công chúa phải có con trai với tướng nhà Trần và tìm cách nếu có thể thì giữ chân Yết Kiêu lại. Éo le thay, Yết Kiêu thì vô tình mà công chúa thì hữu ý. Nàng cảm phục người con trai đất Bàng Hà, rồi đem lòng yêu thương, thầm nguyện theo hầu chăn gối…Sự tình chẳng ai hay, đoàn sứ bộ vẫn làm tròn phận sự rồi mãn hạn ra về. Yết Kiêu lại tháp tùng đoàn chu đáo và cẩn trọng…Công chúa nhà Nguyên đâm nhớ thương, tủi hờn, oán vua cha, trách thân trách phận. Thế rồi, nàng mặt mày ủ ê, sầu thảm…
Những vần thơ được lưu truyền đến ngày nay, tương truyền được công chúa nhà Nguyên ngâm ngợi và thêu vào khăn áo gửi theo đoàn sứ bộ Đại Việt:
Độc thượng giang lâu tứ liễu nhiên
Nguyệt quang như thủy, thủy như thiên
Đồng lai vọng nguyệt nhân hà xứ
Phong cảnh y hy tự khứ niên.
Cao lão ở làng Lôi Động phỏng dịch là:
Lên lầu dạ thấy bồi hồi
Trăng soi bóng nước, nước trời hòa nhau
Cùng ta thưởng nguyệt đêm nao
Bây giờ đã ở phương nào, người ơi ?!
Và lại nữa:
Dục biệt khiên Lang Y
Lang kim đáo hà xứ
Bất hận quy lai trì
Mạc hướng lâm cùng khứ.
Có lời dịch là:
Dứt áo phút ly biệt
Thiếp hỏi chàng đi đâu
Chẳng hận về sai hẹn
Chỉ mong chớ phụ nhau.
Rồi công chúa nhà Nguyên ốm to. Vua Nguyên cuống lên, ra chỉ để công chúa sang thăm Đại Việt, cầu hôn Yết Kiêu. Sang đến vùng biên giới (Móng Cái bây giờ) thì nàng được tin Yết Kiêu đã tạ thế. Nàng bèn sai lập đàn để cầu siêu cho “ linh hồn”Yết Kiêu tịnh độ. Lại tự lập đàn cầu siêu cho mình, rồi công chúa quyên sinh trên đất Đại Việt…Đáng thương cho công chúa nhà Nguyên, nàng có biết đâu, cái ngón “mỹ nhân kế” của vua cha, sang Đại Việt gặp phải người sắt đá, anh hùng…đâu có lụy nữ nhi thường tình mà mắc vào bẫy, sa vào mưu chước hậu chiến của giặc Nguyên. Yết Kiêu nghe tin, cũng thật thương cho người con gái đài các cao sang mà nhẹ dạ.
Đời sau, ở đền Quát (nơi thờ Yết Kiêu đến bây giờ) dân làng cũng lấy đá tạc 9 nàng hầu và 2 vệ sĩ để thờ vọng hương hồn người đã trao mối chân tình với Yết Kiêu. Thực ra, có lẽ do xuất thân từ thường dân, chức phận gia nô, nên sử sách không ghi nhiều về Yết Kiêu (?!). Nhưng đối với nhân dân, tướng quân Yết Kiêu-Phạm Hữu Thế sống trong huyền thoại và dã sử, sống mãi trong lòng dân muôn đời. Những câu chuyện trên đây là minh chứng cho nhận định ấy và được truyền bá rộng rãi nơi quê hương ông và cả nững nơi ông đã từng đánh giặc giữ nước./.