Dòng họ Hoàng thái hậu Từ Dũ và giếng cổ linh thiêng
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, lăng Hoàng gia vẫn tồn tại uy nghiêm và ẩn bên trong đó là những câu chuyện lịch sử chưa từng được giải mã.
Lăng Hoàng Gia là nơi ghi dấu những vết tích của họ tộc bên ngoại của vua Tự Đức, là nơi chôn cất và thờ phụng Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng, thân phụ của Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, ông ngoại của vua Tự Đức.
Lăng thờ dòng họ công thần
Lăng Hoàng Gia là một trong ba di tích lịch sử, văn hóa được xếp vào cấp quốc gia của thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Nơi đây từng là nơi sinh sống của dòng họ Phạm Đăng và cũng là nơi Hoàng Thái Hậu Từ Dũ ra đời. Đền thờ và khu lăng mộ được ông Phạm Đăng Tá (con trai trưởng của Phạm Đăng Hưng) xây dựng vào năm 1826.
Đền thờ xây theo kiến trúc ba gian hai chái, gian chính giữa thờ Phạm Đăng Hưng, gian bên tả thờ Phước An Hầu Phạm Đăng Long (cha Phạm Đăng Hưng), Mỹ Thánh Tử Phạm Đăng Tiên (ông cố). Bên hữu là Bình Thanh Bá Phạm Đăng Danh (ông nội), Khiêm Phụ Sử Phạm Đăng Khoa (ông sơ của Phạm Đăng Hưng). Đó là di tước năm thế hệ của dòng họ Phạm Đăng, một đại công thần ở đất Gò Công, dưới triều Nguyễn.
Ông Phạm Đăng Hưng sinh năm 1764 tại thôn Tân Niên Đông, huyện Kiến Hòa, trấn Định Tường (nay thuộc xã Long Hưng, TX.Gò Công, Tiền Giang) là người thông minh, văn võ song toàn. Ông thừa hưởng sự giáo dục của hai người thầy đất Nam Bộ là Nguyễn Bảo Chí và Võ Trường Toản.
Lúc 20 tuổi, ông thi đỗ Tam trường, nổi tiếng hiền đức và siêng năng. Ông được thăng chức lên đến Thượng thư Bộ Lễ, coi việc Khâm thiên giám (tức giám đốc đài thiên văn). Vua Minh Mạng kết thông gia, gả công chúa cho con trai ông là Phạm Đăng Thuật và phong chức Phò mã đô úy.
Đồng thời, vua cho Thái tử Miên Tông kết duyên cùng con gái Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng. Về sau, Miên Tông lên ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Sau này, bà trở thành một bậc Mẫu nghi thiên hạ, nổi tiếng với tên Từ Dũ và hạ sinh ra vua Tự Đức.
Mùa hạ năm 1825, ông Phạm Đăng Hưng mất, được đưa về Gò Sơn Quy chôn cất. Do địa vị Hoàng tộc của mình (Phạm Đăng Hưng là ông ngoại vua Tự Đức, cha của Hoàng thái Hậu Từ Dụ) nên sau khi qua đời, mộ phần của ông được xây dựng theo cách thức các lăng tẩm quyền quý của Huế.
Nhà thờ và lăng mộ dòng họ Phạm Đăng đúng theo kiến trúc dành cho lăng tẩm vua quan lúc bấy giờ và được người đời gọi là lăng Hoàng gia. Lăng Hoàng Gia được xây dựng ngay trên nền nhà cũ của dòng họ Phạm Đăng.
Năm 1849, vua Tự Đức truy phong ông Phạm Đăng Hưng lên tước Đức Quốc Công, cho trùng tu, mở rộng nhà thờ, xây thêm tam cấp, cổng tam quan, ban thần vị theo nghi thức cung đình. Nhà thờ được xây dựng theo lối kết hợp kiến trúc Đông – Tây, mặt tiền được xây bằng tường vôi với năm vòm cong đắp phù điêu mang dáng dấp Tây Phương. Ngôi nhà có năm gian, mái lợp ngói âm dương, phía trong chia thành hai phần: Phần chính thờ phục bài vị và phần phía sau dùng để ở.
Ngôi nhà từ đường được xây dựng bởi bàn tay khéo léo của những người thợ địa phương, kết hợp với bàn tay tài hoa của các nghệ nhân cung đình từ Huế vào. Chính vì thế, nhà thờ mang những nét đặc trưng và phong cách kiến trúc cung đình Huế giữa lòng Phương Nam. Trong nhà thờ còn có năm tấm liễn: Công – hầu – bá – tử – nam, thể hiện di tước của năm vị. Trước đền thờ có dựng tấm hoành phi lớn đề là Chấn Gia Thanh, ý nói một đền thờ và khu lăng mộ chấn động từ phương xa ai cũng biết đến.
Nơi sinh Hoàng Thái Hậu Từ Dũ và bí ẩn nguồn nước ngọt
Người Gò Công kể rằng, ông Phạm Đăng Long, tức Kiến Hòa tiên sinh (cha ông Phạm Đăng Hưng) là người giỏi Nho học, tinh thông phong thủy, địa lý của Lão học, đi nhiều nơi tìm thế đất tốt để định cư, mong con cháu phát tích. Lúc ông đến Gò Rùa (Sơn Quy), thấy thế đất rất đẹp nhưng toàn vùng Gò Công lúc bấy giờ không có chỗ nào đào được giếng có nước ngọt. Sau đó ông phát hiện ra mạch nước ngầm ở Gò Sơn Quy. Ông quy tập mồ mả ba đời về đây và xây nhà ở gò đất này.
Cả dòng họ và mồ mả năm đời của ông Phạm Đăng Long đều sống tại vùng đất này, sau đó ông sinh ra Phạm Đăng Hưng. Tương truyền trước khi ông Phạm Đăng Hưng sinh bà Phạm Thị Hằng thì có một vầng trăng chiếu sáng lòa cả Gò Sơn Quy, nên bà ông Đăng Hưng đặt cho cháu tên Hằng.
Một điều lạ lùng là sau khi hạ sinh con gái là Phạm Thị Hằng, nguồn nước trong cái giếng cổ bỗng trở nên trong vắt, nước ngọt lịm trong khi những vùng xung quanh đều bị nước mặn xâm thực, nước không thể sử dụng. Đó dường như cũng là một bí ẩn chưa tìm được lời giải.
Con gái của Phạm Đăng Hưng là Phạm Thị Hằng năm lên 14 tuổi đã theo cha ra cung đình Huế, và sau đó trở thành một hoàng hậu sống qua 8 đời vua ở Việt Nam, người có thể chi phối chuyện quốc gia đại sự, đạo đức của các vị vua, cháu chắt.
Bà là Hoàng Thái Hậu Từ Dụ (sau đọc chệch thành Từ Dũ). Ngay từ thuở nhỏ bà đã nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, hiếu thuận. Năm 16 tuổi, bà sinh hạ cho nhà vua hai cô công chúa xinh đẹp. Đến năm 1829, bà sinh người con thứ ba là trai, đặt tên là Nguyễn Phúc Thì, tức Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, chính là vua Tự Đức sau này. Năm 1841, Miên Tông lên ngôi, đặt niên hiệu là Thiệu Trị.
Năm 1847, vua Thiệu Trị mất, con bà là Hồng Nhậm được chọn nối nghiệp, lấy niên hiệu Tự Đức. Sau khi lên ngôi, Tự Đức nhiều lần muốn tấn tôn cho mẹ nhưng bà Từ Dũ không chịu. Mãi đến ngày 15/4/1849, nhân dịp khánh thành cung Gia Thọ, bà mới thuận nhận Kim bảo (sách vàng và ấn vàng) và tôn hiệu là Hoàng Thái hậu.
Năm 1883, vua Tự Đức mất, để di chiếu tôn bà làm Từ Dụ Thái hoàng Thái hậu. Bà mất năm 1902, hưởng thọ 92 tuổi. Tính từ lúc được tuyển vào cung đến khi mất, bà đã ở ngôi vị Hoàng hậu rồi Hoàng Thái hậu, Thái Hoàng Thái hậu hơn 70 năm. Bà được ngợi ca là bà hoàng tài đức vẹn toàn, yêu nước thương dân, sống giản dị, khiêm tốn. Nhân đức của bà đã đi vào lòng người như một bậc mẫu nghi nhân từ.
Tại khu di tích lăng Hoàng Gia vẫn còn một giếng nước ngọt cổ xưa. Tương truyền khi chưa nhập cung, cô gái Phạm Thị Hằng và gia đình sử dụng nước giếng này trong ăn uống và sinh hoạt. Gò Công nổi tiếng là đất mặn phèn chua, nhưng khi sinh Hoàng Thái Hậu Từ Dũ thì mạch nước giếng lại trở nên rất ngọt. Năm 1913, cụ Nguyễn Liên Phong có viết một cuốn sách nói về bà Từ Dũ, trong đó có hai câu thơ nói về cái giếng: Lệ thủy trần tường thoại /Quy khâu dung phước cơ (Nước ngọt trổ điềm lành /Gò rùa sinh đất phước, cũng có nghĩa là đất địa linh sinh anh kiệt).
Giếng nước cổ với nước ngọt lịm từng là nơi sinh hoạt của dòng họ Phạm Đăng.
Hiện nay, tại xã Long Hưng, khu lăng mộ Hoàng Gia vẫn còn gần như nguyên vẹn. Trong đó đáng chú ý có nhà thờ Đức Quốc Công, từng là nơi ở của bà Từ Dũ từ lúc nhỏ cho đến khi ra Huế nhập cung vào năm lên 14 tuổi. Hoàng Thái hậu Từ Dũ, là bậc mẫu nghi thiên hạ, không những giúp triều đình trị quốc an dân mà còn là người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu về đức hạnh. Trong khuôn viên của công trình có một cái giếng cổ xây bằng gạch vôi. Vào mùa khô, cả vùng Gò Công bị nước biển xâm thực làm nhiễm mặn, nhưng nước ở giếng này quanh năm vẫn ngọt lịm.