Phạm Đình Trạc - Một Trung thần tuẫn tiết Triều Nguyễn
Tiểu sử
Khi nói đến làng Liêu Xuyên (xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên), người ta thường nhắc đến vị Trạng nguyên đời Lý Cao Tông là Đỗ Thế Diên; đến 2 cha con kế thế đăng khoa là Quốc lão, Thái tể Phạm Công Trứ (1600 - 1675) và Tiến sĩ Phạm Công Phương thời Lê - Trịnh, nhưng còn một nhân vật rất nổi tiếng, là một trung thần tuẫn tiết dưới triều vua Minh Mệnh nhà Nguyễn, đó chính là quan Án Phạm Đình Trạc.
Phạm Đình Trạc, tự là Bạt Khanh, thụy Đoan Trực, hiệu là Thuần Tiết, người xã Liêu Xuyên, huyện Đường Hào, trấn Hải Dương. Tổ 4 đời của ông húy là Thiền, đỗ Hương cống cuối đời Lê, làm quan đến Tham nghị xứ Kinh Bắc; tổ 3 đời húy là Đôn, cũng đỗ Hương cống.
Phạm Đình Trạc là người tính hạnh hiền hòa, thường ngày giao tiếp rất rộng rãi, cung kính theo lễ độ.
Sự nghiệp
Ông đỗ Cử nhân khoa Tân Tỵ (1821) và được sung vào làm Hành tẩu bộ Lễ. Được nhiều người đứng ra tiến cử, nhưng vì tính cương trực nên ông đều không chấp nhận. Năm Đinh Hợi (1827), Phạm Đình Trạc được tuyển cử làm Tri huyện Hà Đông (tòng Lục phẩm); sau đó, ông được triệu về Kinh làm Chủ sự bộ Lễ (chánh Lục phẩm). Tháng 9 năm Nhâm Thìn (1832), thăng Phạm Đình Trạc lên làm Lang trung bộ Lại (chánh Tứ phẩm) và đến mùa Xuân, tháng Giêng, năm Quý Tỵ (1833), ông được điều bổ làm Án sát sứ tỉnh Cao Bằng (tòng Tam phẩm).
Đến nhậm chức được 7 tháng, Bế Văn Cận và Nông Văn Vân tụ tập dân chúng, kéo nhau từ tỉnh Tuyên Quang sang vây đánh tỉnh thành Cao Bằng. Thự Bố chính Bùi Tăng Huy, Án sát Phạm Đình Trạc và Lãnh binh Lạng Sơn Phạm Văn Lưu cùng đồng sự mưu giữ lấy của cải, thóc lúa để cố thủ. Qua hơn một tháng, quân cứu viện không đến, giặc quây đánh bốn mặt, pháo bắn như mưa, thành sắp bị vỡ.
Trước tình thế nguy cấp đó, Bùi Tăng Huy và Phạm Đình Trạc mới họp văn, võ, binh lính và chức dịch mà bàn rằng: Nay sức đã kiệt, quân cứu viện lại không có, chúng ta thà chết cho toàn tính mệnh quan quân một thành. Rồi các viên ấy đều mặc triều phục, đặt hương án, trông về cửa cung khuyết mà lạy, đoạn đem triều phục, bằng sắc đốt hết. Bùi Tăng Huy tự thắt cổ chết, Phạm Đình Trạc nằm xuống hố (đã đào sẵn), sai người lấp đất lên; Phạm Văn Lưu cũng thắt cổ chết. Hôm đó là ngày mồng 5 tháng 10 năm Quý Tỵ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 14 (1833).
Ngay sau khi Tổng thống Quân vụ Đại thần Tạ Quang Cự khôi phục được tỉnh thành Cao Bằng, đã đem hết sự trạng tâu lên triều đình. Thánh tổ Nhân hoàng đế (Minh Mệnh) khen họ là những người có chí khí và đến năm Ất Mùi (1835) cho lập một đàn tế cùng với việc xây dựng ngôi đền thờ (gọi là đền Tam Trung, ngày nay thuộc xã Gia Cung, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) để nêu gương tiết liệt.
Đến đời vua Thiệu Trị đã truy tặng Phạm Đình Trạc chức Tham tri bộ Lễ (tòng Nhị phẩm) và lục dụng hai người con của ông: Con trưởng là Phạm Đình Nghị ấm thụ chức Tư vụ; con thứ Phạm Bá Quỹ được sung vào học ở Quốc Tử Giám. Năm Bính Thìn (1856) đời vua Tự Đức, cùng với Bùi Tăng Huy, Phạm Đình Trạc đều được liệt thờ vào Trung Nghĩa từ (đền thờ những vị trung thần của triều Nguyễn).
Tấm gương tuẫn tiết của Bùi Tăng Huy, Phạm Văn Lưu và Phạm Đình Trạc đã được các quan đồng liêu, bạn bè, nhân dân địa phương và du khác thập phương kính trọng. Và, rất nhiều bài văn tế, văn viếng, bài thơ, câu đối, bia ký... của những danh nhân thuở bấy giờ, như Hoàng giáp Phạm Sĩ Ái, Phó bảng Nguyễn Văn Siêu, Hội nguyên Đỗ Huy Cát, Cử nhân Dương Bá Trạc... lưu tại đền Tam Trung đã nói lên điều đó./.