Đồng Tháp: Sôi Nổi Phong Trào Phụ Nữ Khởi Nghiệp
Cùng với các địa phương trên cả nước, năm 2018 Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp phát động phong trào “Phụ nữ khởi nghiệp” nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.
Hành trình vượt khó của hai nữ doanh nhân
Chị Thúy nấu sữa sen: Là một phụ nữ chân lấm tay bùn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị Hồ Thị Diễm Thúy ở thị trấn Mỹ An, huyện Tháp Mười hàng ngày phải đi phụ hồ thêm để kiếm sống. Bất công hơn khi công trình làm xong nhưng tiền công không được giải quyết. Một hôm, chị đến nhà chủ thầu nhận tiền công, chủ không trả, chị cứ ngồi đó nước mắt chảy dài vì nhà không còn gạo để nấu cho các con. Bỗng chị nhìn ra cánh đồng bạt ngàn là sen và ý tưởng “Tháp Mười mình là xứ sen, mình phải làm gì để thoát nghèo từ đặc sản của quê hương”. Trở về nhà, chị Thúy mày mò học nấu sữa sen. Trải qua một quá trình dài vừa học, vừa làm, vừa tích lũy kinh nghiệm, sản phẩm sữa sen của chị từ chỗ phục vụ cho chồng con “thử”, đến bà còn chòm xóm trải nghiệm góp ý cho... giờ thì sữa sen của cơ sở chị sản xuất đã có mặt ở thị trường Cà Mau, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai, Sa Đéc và các hội chợ lớn của thành phố.
Chị Thanh thành công với thuốc Đông y từ vỏ trái cây: Chị Bùi Thị Thanh Thủy ở ấp 1, xã Mỹ Tân, thành phố Cao Lãnh trước đây sống chủ yếu bằng đồng lương công nhân viên chức. Cuộc sống gia đình chị ổn định cho đến khi mẹ chị mắc bệnh tiểu đường chuyển sang giai đoạn biến chứng, anh trai bị ung thư. Dành hết thời gian chăm sóc mẹ và anh, không đảm bảo thời gian làm việc theo quy định nên chị phải nghỉ việc. Bao khó khăn bắt buộc chị phải đối mặt. Và rồi, cũng trong quá trình chăm bệnh cho người thân, chị phát hiện ra công dụng của các loại vỏ từ trái cây có múi như vỏ bưởi, vỏ cam, vỏ chanh, trái tắc và vỏ quýt ... Các loại quả trên được người tiêu dùng sử dụng xong phần ruột rồi vứt bỏ, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Chị bắt đầu thử nghiệm và chế biến mứt vỏ trái cây chuyên dùng cho người ít sử dụng đường.
Sản phẩm của chị đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, vừa mang lại thu nhập cho gia đình, giúp chị trang trải cuộc sống, lo chữa bệnh cho mẹ, anh trai, vừa giải quyết việc làm cho một số lao động ở địa phương. Sau một thời gian, được người thân, bạn bè, bà con ủng hộ chị mạnh dạn đăng ký và đưa ra thị trường các loại mứt và sản phẩm từ các loại vỏ có múi như: rượu bưởi, nước màu bưởi, rượu chanh, muối ớt chanh, mật tắc đường phèn, rượu quýt, muối rau răm. Hiện nay, các sản phẩm của chị đã có mặt tại siêu thị Co.op Mart, các cửa hàng đặc sản tại TP Cao Lãnh, các điểm du lịch, huyện thị; Cửa hàng đặc sản Cần Thơ; Chuỗi cửa hàng Bến Tre – Mỹ Tho, An Giang, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội và một số địa phương.
Lan tỏa phong trào khởi nghiệp
Với chủ đề Phụ nữ Đồng Tháp “Đổi mới tư duy, thống nhất hành động, chung tay xây dựng quê hương”,các cấp Hội LHPN tỉnh Đồng Tháp đã cụ thể hóa thành những việc làm thiết thực phát động rộng rãi trong các tầng lớp phụ nữ, từ đó nhận thức phụ nữ ngày càng nâng lên, chị em mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu. Có trường hợp các chị mạnh dạn chuyển đổi ngành nghề đã theo đuổi từ nhiều thế hệ tham gia khởi nghiệp với tinh thần sáng tạo, đam mê, sự cần mẫn, chăm chỉ của người phụ nữ kết hợp với tài nguyên bản địa, sẳn có ở địa phương tạo ra sản phẩm rất đa dạng, phong phú như: lá sen, ngó lục bình, trái sung non… được hình thành từ ý tưởng có giá trị, kết hợp với sự khéo léo, tinh tế đã cho ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng thông thái. Toàn tỉnh đã có 120 sản phẩm tham gia khởi nghiệp, tham gia trưng bày tại “Ngày hội việc làm, kết nối doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm hàng Việt” và “Phiên chợ Nông nghiệp” năm 2018 ở thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết đã có đánh giá rất cao về phong trào khởi nghiệp của phụ nữ Đồng Tháp. Phó Chủ tịch Hội cho rằng, các cấp Hội cần tạo động lực khuyến khích chị em tự tin tham gia khởi nghiệp, hướng dẫn chị em phát huy thế mạnh, tận dụng tài nguyên ở địa phương với tinh thần sáng tạo, mỗi xã sẽ nâng lên thành chuỗi sản phẩm có giá trị. Hội LHPN Việt Nam sẽ tiếp tục kết nối các địa phương, các nhà khoa học, doanh nhân có điều kiện sản xuất, có đầu ra tạo điều kiện để phụ nữ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, tiếp cận các nguồn vốn. Cần hướng dẫn chị em tham gia khởi nghiệp nên bám sát tiêu chí về an toàn thực phẩm để sản phẩm làm ra đứng vững trên thị trường.
Nguồn trích dẫn
Bài viết được trích dẫn từ:
- Nguồn: Hội Liên Hiệp Phụ Nữ
- Cre: Kim Chi
Xem chi tiết bài viết ở đường link bên dưới...