Dòng họ Phạm (làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa)
Dòng họ Phạm làng Ngù từ khi cụ Phạm Văn Bích dời quê cũ ở Tổng Yên Riệt đến lập nghiệp, từ hai bàn tay trắng gây dựng nên dòng họ đã phát triển hơn một trăm năm qua. Từ xưa dòng họ đã có tiếng hiếu học, truyền thống “văn quan”, con cháu trong họ luôn tự hào, giữ gìn và phát huy truyền thống Tổ tông, nay có nhiều người học hành đỗ đạt có bằng kỹ sư, cử nhân, bác sỹ, thạc sỹ… Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, con cháu trong dòng họ đã lớp lớp vào bộ đội, nhiều người là chỉ huy cấp cao trong quân đội. Càng tự hào, con cháu dòng họ càng phải có ý thức bảo vệ và phát huy về truyền thống Tổ tông, dòng tộc.
Dòng họ Phạm làng Ngù từ xưa đã từng có gia phả, nhưng do đất nước thời loạn lạc, gia phả của dòng họ bị giặc giã tiêu hủy, tổ tiên phải phiêu bạt, rời bỏ nơi cư trú để mai danh, ẩn tích. Nay xây dựng cuốn gia phả này nhằm đưa việc họ vào nề nếp thống nhất, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” theo lời dạy của Tiên tổ “Cành lá trên cây vốn ở gốc rễ; Nước trong sông lạch vốn ở ngọn nguồn; Con cháu loài người vốn ở tổ tông; Người thân không thể để mất sự thân ái”, để xây dựng dòng họ ngày càng đoàn kết, thương yêu nhau, giữ gìn những tinh hoa, tập quán tốt đẹp của dân tộc phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong tình hình hiện nay.
Với bổn phận của hậu duệ thành kính Tổ tiên và lòng nhiệt thành muốn góp phần thiết thực cùng Gia tộc giữ gìn và phát huy truyền thống dòng họ, Đại tá, Thạc sỹ Phạm Minh Nhàn, Hậu duệ đời thứ ba của dòng họ tính từ Cụ Tổ Phạm Văn Bích đến lập nghiệp ở làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã dày công sưu tầm, tham khảo Gia phả của nhiều dòng họ Phạm và các họ khác ở Việt Nam để viết nên cuốn Gia phả dòng họ Phạm làng Ngù này.
Phần 1: Phả ký
“Con người có tổ có tôngNhư cây có cội, như sông có nguồn”.Trải qua quá trình hình thành, phát triển lâu dài, dòng họ người Việt đã tạo dựng nên nhiều giá trị văn hóa, tinh thần độc đáo. Trong cuộc sống thường ngày, mối quan hệ họ hàng luôn được đề cao: “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”. Sống với quan hệ họ hàng, người Việt luôn đề cao ý thức đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái, cưu mang, đùm bọc, che chở trong nội tộc: “Xẩy cha còn chú, xẩy mẹ bú dì”; “ Cha nó lú nhưng còn có chú nó khôn”…
Một trong những giá trị văn hoá tinh thần tiêu biểu hàng đầu của dòng họ người Việt là tìm về cội nguồn, tổ tông, bản quán. Dù ở đâu và bất cứ khi nào thì ý thức về tổ tiên, trước hết là tổ tiên dòng tộc vẫn là một trong những ý thức sâu sắc nhất, ăn vào tâm trí, ngấm trong máu thịt mỗi người dân Việt. Điều đó biểu hiện rất rõ trong tục thờ cúng tổ tiên, chăm sóc từ đường vào các ngày sóc, vọng, lễ tiết, giỗ, chạp… mỗi người đều thành tâm dâng cúng lễ vật, kính cẩn cầu mong anh linh tiên tổ chứng giám, phù hộ độ trì, cho cháu con, dòng tộc có cuộc sống đoàn kết an lành thịnh vượng.
Mỗi người con dân đất Việt, ở đâu, lúc nào cũng hướng về cội nguồn, luôn “vấn tổ tầm tông” muốn tìm về nguồn gốc tổ tiên để biết công lao và truyền thống tốt đẹp của dòng họ, cho con cháu học tập phát huy, đồng thời để cùng đoàn kết giúp nhau trong cuộc sống. Đó là những điều mà con cháu họ Phạm ở làng Ngù, xã Quang Trung, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa đã từng ấp ủ, trăn trở thực hiện qua việc lập gia phả cho dòng họ. Họ Phạm là dòng họ lớn, do chiến tranh, loạn lạc mà gia phả của dòng họ đã bị thất lạc. Vì thế, để lập bộ gia phả này phải nhờ vào ký ức và lời kể về tổ tiên của những người lớn tuổi trong dòng tộc và của các bậc cao niên cùng làng xóm, nhờ vào điền dã các mồ mả, tư liệu về bia ký, tư liệu lịch sử, qua đó nghiên cứu, phân tích tổng hợp để có những cứ liệu tương đối chính xác minh chứng cho bộ gia phả.
Làng Ngù
Làng Ngù thuộc xã Quang Trung, cách trung tâm huyện Ngọc Lặc về phía Bắc khoảng 6km theo Đường Hồ Chí Minh, là quê hương dòng họ Phạm sinh sống.
Nơi đây trước kia là vùng rừng núi hoang vu rậm rạp trên thảm thực vật có nhiều loài cây nhưng trong đó có cây Ngù Hương mọc rất nhiều do đó các cụ lấy tên làng là Làng Ngù cho dễ nhớ; đồng đất ở đây phần lớn là đất đồi, ruộng cạn bậc thang là đất sét pha cát, đất đồng chiêm như đồng: Nà Cả, Giếng Bái, Vồng Hang, Cây Thộn… là đất thịt, phần còn lại là đất sình lầy. Nguồn sống của quê hương trước cách mạng tháng 8/1945 chủ yếu là nghề trồng trọt, trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải và chăn nuôi nhỏ lẻ của từng hộ gia đình.Vụ lúa chiêm là chính, vụ mùa trồng trên đồng cạn ngô, khoai lang, đậu, lạc, vừng…. Cuộc sống lam lũ, chật vật, đói ăn, thiếu mặc triền miên. Mùa giáp hạt vào tháng 3 và tháng 8 thường phải lên rừng đào củ Mài, củ Nâu, củ Mớn để ăn thay cơm.
Làng Ngù xưa, đầu làng có nguồn nước Vó Ban trong sạch, mát lành, đã đi vào lời hát ru trong ca dao, dân ca của cả Xứ Mường:
“Ti tôống măng mai xuồng xôồm
Xồm nó xôồm cho kaán vôống đaảc Vò rặc
Xồm nó xôồm cho kaán vôống đaảc Vò pan”.
Ở giữa làng về phía Đông là giếng làng, nền giếng có hai phiến đá tự nhiên, phiến to bên trái là nơi tắm của đàn ông; phiến nhỏ hơn bên phải là nơi tắm của đàn bà. Nét sinh hoạt truyền thống, hồn nhiên, độc đáo của xứ mường khi đó là tục tắm tiên ở giếng làng. Mỗi buổi trưa hè hay khi chiều xuống, từng đoàn người không kể gái, trai, già trẻ, kéo nhau đến giếng, trút bỏ xiêm y để tắm, giặt rất đông vui, nhộn nhịp đó cũng là chuyện đã có hàng trăm năm qua.
Trên giếng làng là cây đa cổ thụ, thân cây rất to, rễ đa tỏa ra xung quanh, từng nhánh rễ cuộn tự nhiên thành từng bậc như từng hàng ghế từ thấp lên cao. Hai nhánh rễ đa choãi ra hai bên, tạo nên hang vòm dưới gốc đa, những khi trời bất chợt đổ cơn mưa, dưới vòm gốc đa có thể trú mưa cho cả hàng chục con người. Cách cây đa cổ thụ vài chục mét là cây đa đền, theo người già kể lại, mấy trăm năm trước, theo lệnh của Nhà Quan, cây đa đền được trồng để thay thế cây đa cổ thụ bị gãy một cành do sét đánh.
Cạnh cây đa đền làng có đình và đền làng, đền làng có sắc phong của Nhà Vua trong các Triều đại phong kiến trước đây. Đền và đình làng đã không còn do một số người quá khích đã đập phá trong thời kỳ cải cách ruộng đất vào đầu những năm 60 của thế kỷ trước.
Trong Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dân làng có nhiều đóng góp sức người, sức của cho cách mạng, đã góp phần vẻ vang vào chiến thắng chung của dân tộc. Đời sống của làng quê có nhiều thay đổi từ khi có Đảng lãnh đạo Đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Cùng với làm ruộng, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng cây có giá trị kinh tế cao như: cây mía, cây cao su, cây keo… thu nhập được nâng lên, không còn cảnh đói ăn, thiếu mặc. Người già được chăm sóc, trẻ em được đến trường, con em của làng được học hành, ra đi làm việc ở nhiều nơi trên khắp mọi miền của đất nước.
Tiểu sử cụ Tổ họ Phạm làng Ngù
Về tuổi tác Cụ Tổ họ Phạm làng Ngù, con cháu không biết, không có tư liệu gì lưu lại để biết chính xác tuổi Cụ. Nhưng căn cứ vào tuổi thọ của Cụ là 68 tuổi, mất năm 1943, năm sinh có thể dự đoán vào khoảng năm 1875.
Sinh ra trong một gia đình có nhiều đời làm quan, cha mẹ mất sớm, Cụ Phạm Văn Bích ở với người chú, theo chú đi làm quan về cư trú ở vùng Cẩm Châu, Cẩm Thủy. Cụ tham gia nghĩa quân chống Pháp ở vùng Miền Tây Thanh Hóa. Khi giặc Pháp tiến đánh vào vùng Ngọc Lặc lần thứ 3 tại khu vực Truông Đà Gắm (địa danh giáp ranh giữa huyện Ngọc Lặc và Cẩm Thủy ngày nay), cụ Bích cùng với một vài cộng sự đã mưu trí đánh lui cả một cánh quân Pháp, trong khi các cụ chỉ có vũ khí thô sơ (lực lượng khoảng một đại đội) cho đến khi địch rút lui thì cũng là khi hết đạn, hết lương thực. Cụ chạy về nhà ở làng Bái, xã Cẩm Châu. Do bọn theo giặc ở địa phương chỉ điểm, trong một đêm, quân Pháp bất ngờ ập đến bao vây nhà Cụ, trong tình thế bất khả kháng cụ không kịp cứu giúp vợ con từ trên nhà sàn, Cụ nhảy qua cửa sổ, chạy vào rừng. Khi đó, trong nhà có vợ con của Cụ đã bị giặc Pháp sát hại rất dã man, chúng đốt nhà cùng với vợ và hai người con của cụ ở trong ngôi nhà đó.
Từ đó, Cụ Phạm Văn Bích bắt đầu cuộc đời tha hương, lưu lạc, làm nhiều nghề để kiếm sống. Cụ đã đến làng Ngù Mường Rặc (xã Quang Trung ngày nay) gặp được Bà Bùi Thị Đào hai người nên duyên chồng vợ, tạo dựng cơ nghiệp, để có dòng họ Phạm làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc đến ngày nay.
Năm 1943, Cụ từ giã cõi trần để về với tổ tiên, hưởng thọ 68 tuổi. Tang lễ của Cụ được người con trai cụ là Phạm Văn Vân tổ chức rất trang trọng, nghi lễ tiến hành trong thời gian 3 tháng 10 ngày mới đưa về an táng ở Gò Đống Sắt. Được 7 năm sau, năm 1950, Bà Bùi Thị Đào cũng theo Cụ về với tổ tiên. Bà Đào hưởng thọ 73 tuổi. Năm 1984, theo ý nguyện của Ông Phạm Quốc Kỷ, con trai trưởng của Cụ Phạm Văn Vân, phần mộ của các cụ được di dời về Gò Đống Cao.
Hình thành dòng họ Phạm làng Ngù
Làng Ngù xưa có 5 dòng họ cư ngụ là: Họ Phạm, Bùi, Hà, Đinh, Quách; về sau có thêm các họ Lương, Lê, Nguyễn…. Họ Phạm ở làng Ngù, Cụ Tổ dòng họ là cụ Phạm Văn Bích.
Cụ Phạm Văn Bích sinh ra ở đâu, đến làng Ngù khi nào không được ghi chép lại. Theo người già kể thì tổ tiên Họ Phạm làm quan trong triều Nhà Lê, được Vua ban họ Lê, cư trú ở Cửa Đông, Kinh thành Thăng Long. Sau khi Nhà Lê thất thủ, dòng họ trốn về Mường Bi tỉnh Hòa Bình (nay là huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình), sau đó di cư vào Mường Khà xã Ái Thượng, huyện Bá Thước, từ đó các cụ tiếp tục di chuyển đến làng Khuyên xã Cẩm Bình, và vào làng Bái xã Cẩm Châu huyện Cảm Thủy thuộc Miền Tây Thanh Hoá để lánh nạn. (Dòng Họ có một di chỉ cho con cháu là các ngày lễ tết, giỗ chạp không được dâng các loại cá trên bàn thờ gia tiên, đó là điều cấm kị của dòng Họ Phạm). Từ đó Cụ Phạm Văn Bích tham gia Nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống Pháp ở vùng Đồi Đô, Đà Gắm. Khởi nghĩa thất bại, bị giặc giết vợ và hai người con, Cụ phải trốn vào Xứ Mường Rặc ở Ngọc Lặc lánh nạn, làm nghề buôn cau, buôn trâu, bò kiếm sống.
Về sau, Cụ gặp được Cụ Bùi Thị Đào là chị họ của Cụ phó Tuần tổng (còn gọi là Trương tuần) ở làng Ngù, do duyên trời định, nên duyên vợ chồng, được Cụ phó Tuần chia cho một số ruộng đất, Cụ sinh sống, lập nghiệp, tạo nên dòng họ Phạm – Làng Ngù, Quang Trung, Ngọc Lặc đến ngày nay. Từ hai bàn tay trắng, các Cụ đã khai khẩn đất hoang, mở mang điền địa có trâu cày, ao cá, có nhà sàn bằng gỗ, đất ở, đất vườn, đất làm nương rãy, rộng rãi, khang trang. Năm 1960, theo chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng sau, gia đình vào hợp tác xã nông nghiệp, toàn bộ ruộng đồng của Cụ để lại đưa vào hợp tác xã có khoảng hơn 10ha, bằng khoảng 1/5 diện tích đất ruộng trồng lúa của cả làng Ngù khi đó.
Cụ Phạm Văn Bích và Cụ Bùi Thị Đào sinh được 6 người con, 3 trai, 3 gái, tên của các con được Cụ đặt lấy từ chữ đầu quê cũ của Cụ khi lánh nạn từ Kinh thành Thăng Long về Miền Tây Thanh Hóa (YÊN – YẾT – VÂN – VA – CẦU – CẨM) để sau này con cháu luôn nhớ về quê hương bản quán. Sinh thời, đất nước trong cảnh thuộc địa, nửa phong kiến, Cụ Bích bảo hai người con trai là Phạm Văn Vân và Phạm Văn Cẩm: “Thời buổi này đang loạn lạc, không lường hết được, nên mỗi đứa phải đi học một loại chữ, người anh là Phạm Văn Vân đi học chữ Nho, người em là Phạm Văn Cẩm đi học chữ Quốc ngữ, có như thế thì anh em hỗ trợ cho nhau, chế độ nào cũng sống được,”.
Cụ Phạm Văn Vân, học chữ Nho, sau mười năm học phải đi lính lệ cho nhà Quan Châu thời gian ba năm từ 1940 – 1942, hết thời hạn cụ trở về quê sinh sống. Trong kháng chiến chống Pháp từ 1946 - 1954, quê nhà ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa thuộc vùng giải phóng, Cụ đã động viên em trai là Phạm Văn Cẩm và con trai lớn là Phạm Quốc Kỷ tham gia bộ đội, đánh giặc cứu nước. Bản thân Cụ đã tích cực tham gia dân công vận tải phục vụ kháng chiến, có lần Cụ được giao cùng với hơn chục người vận chuyển tiền cho Chính phủ đi bộ mấy tháng từ Ngọc Lặc qua Tân Lạc, Hòa Bình, Mai Châu, Suối Rút, Phố Vàng ra đến căn cứ cách mạng ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang.
Cụ Phạm Văn Cẩm, con trai út của Cụ Bích đi học chữ Quốc ngữ. Khi học đến lớp 7 thì cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Cụ tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương, làm Xã đội trưởng xã Quang Trung. Tháng 2/1949 Cụ được chi bộ Thái Nguyên (là tiền thân của Đảng bộ xã Quang Trung) kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam tại nhà ông Quách Văn Đông, làng Giao xã Quang Trung. Năm 1950, Cụ vào bộ đội, quá trình tham gia kháng chiến, hoạt động cách mạng, Cụ phát triển thành cán bộ, được giao là Chính trị viên huyện đội huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. Sau hòa bình lập lại 1954, được cử đi học đào tạo sĩ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam, năm 1958 được thăng quân hàm sĩ quan. Đến năm 1970, cụ hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ, về nghỉ hưu sống tại quê nhà.
Dòng họ với việc giáo dục truyền thống hiếu học
Mối quan hệ gia đình, dòng họ trong Gia tộc họ Phạm, làng Ngù là nhân tố quan trọng góp phần hình thành, phát triển nhân cách của các thành viên trong họ. Trong đó, nếp sống, nếp giao tiếp, ứng xử giữa cá nhân với các tộc viên, với dân làng và xã hội tạo thành một nét đẹp của giá trị đạo đức, tinh thần, văn hóa, xây dựng nên thuần phong mỹ tục trong nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Nối tiếp truyền thống của Tổ tông, các lớp con cháu của dòng họ được học hành dưới mái trường của xã hội mới, nhiều người đã ra nhập quân đội, công an, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người đã chăm chỉ học hành, không ngừng học tập để đạt đến trình độ cao đẳng, đại học, sau đại học, trình độ bác sỹ chuyên khoa, thạc sỹ khoa học.
Tinh thần hiếu học là nét độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung, của dòng họ Phạm làng Ngù nói riêng. Tổ tiên xưa truyền dạy: “cho con học một con chữ, bằng cho con một đám ruộng bằng 3 bó mạ”; từng gia đình trong dòng tộc đều tôn trọng, đề cao việc học. Nhiều nhà dù khó khăn đến đâu cũng cố gắng cho con theo học. Hàng năm, mỗi kỳ giỗ Tổ vào tháng Giêng, trước bàn thờ Tổ tiên, trước Hội đồng gia tộc và các tộc viên, Trưởng Họ trịnh trọng báo cáo thành tích học tập của con em trong dòng họ. Vào dịp tết Trung Thu hằng năm Hội đồng gia tộc tổ chức trao quà khuyến học cho con cháu có thành tích trong học tập để động viên, nhắc nhở con, cháu gắng sức học hành để ngày một làm rạng danh truyền thống của tổ tông.
Những thành tích nổi bật về thành tích học tập của các tộc viên trong dòng học gồm:
- Năm 2002, Phạm Minh Nhàn bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ Khoa học Quân sự tại Học viện Quốc phòng.
- Năm 2002, Phạm Thị Tuyết bảo vệ thành công trình độ Bác sĩ chuyên khoa Cấp I tại Trường Đại học Huế.
- Năm 2007, Ông Phạm Văn Nam đại diện cho dòng họ tham gia Hội nghị tiêu biểu toàn quốc về “Gia đình hiếu học, dòng họ khuyến học” tại Thủ đô Hà Nội, được tặng Bằng khen của Chủ tịch nước. Năm 2012, dự Hội nghị “Hộ gia đình làm kinh tế giỏi” tại Thủ đô Hà Nội; năm 2013 tham dự Hội nghị toàn quốc về “Những người có uy tín trong già làng, trưởng bản”.
- Năm 2012, Phạm Văn Trung bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ Khoa học Kỹ thuật & Công nghệ tại Trường đại học Xơ-un Hàn Quốc.
- Năm 2013, Bùi Thị Nga con gái Ông Bùi Hồng Cường, cháu nội cụ Phạm Thị Cầu bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ kinh tế.
- Năm 2014, Lê Quỳnh Vương con gái bà Phạm Thị Tuyết, cháu ngoại cụ Phạm Văn Cẩm bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ kinh tế.
- Năm 2015 Ông Phạm Văn Nam được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Quang Trung.
- Năm 2017 Ông Phạm Văn Nam được chính quyền và nhân dân địa phương tín nhiệm bầu vào giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thạch Lập
Đến năm 2020, dòng họ Phạm làng Ngù đã có 26 người trình độ đại học và sau đại học, 6 thạc sỹ, 1 bác sĩ chuyên khoa cấp 1; có hàng chục người trình độ cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Đặc biệt, có những thành viên, nhờ học tập không ngừng, vượt mọi khó khăn để học, vừa làm việc, vừa đi học đã đạt đến trình độ cao, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức; trở thành lãnh đạo quản lý, sĩ quan quân đội, chủ doanh nghiệp, cán bộ, công chức ở địa phương như: Phạm Văn Nam; Phạm Thị Hồng, Phạm Thị Hiền, Phạm Thị Hoài Hương, Phạm Văn Anh, Phạm Văn Linh, Phạm Minh Phương, Phạm Văn Trung, Phạm Văn Phong, Bùi Văn Đức…..
Phần 2: Tộc ước
Tộc ước gồm phần Mở đầu và 8 chương:
Chương 1. Tổng quan Dòng họ Phạm làng Ngù
Chương 2. Quyền và bổn phận của các thành viên trong họ
Chương 3. Giỗ Tổ
Chương 4. Quản lý tài sản của Gia tộc
Chương 5. Việc hiếu, hỷ
Chương 6. Khuyến học – Khuyến tài
Chương 7. Lập và sử dụng quỹ họ
Chương 8. Tự quản về An ninh trật tự
Chương 9. Khen thưởng và Kỷ luật.
Bản thảo Tộc ước đã được các thành viên Hội đồng Gia tộc nghiên cứu, bàn thảo, bổ sung nhiều lần. Được thông qua tại Hội nghị Hội đồng Gia tộc, có sự tham gia của đại diện các Chi, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Phạm Văn Nam (tổ chức tại Nhà thờ họ ngày 17 tháng Giêng năm Ất Mùi 2015.
Tộc ước được phát hành cho các gia đình trong Họ thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 Mọi thành viên trong Phạm tộc có bổn phận thực hiện nghiêm các quy định của Tộc ước này. Trong quá trình thực hiện, nếu có điểm nào chưa phù hợp, Hội đồng Gia tộc sẽ xem xét bổ sung hoàn thiện tiếp.
Mời các bạn xem thêm về Tộc ước tại đây